Bao giờ Mỹ nói chuyện với Iran?
Friday, July 28, 2006
Ngô Nhân Dụng
Hai tuần lễ sau khi bom đạn nổ, Bác Sĩ Ayman al-Zawahiri xuất hiện trên truyền hình kêu gọi đồ đệ trong tổ chức al Qaeda hãy kéo vào Lebanon giúp nhóm Hizbollah đánh nhau với quân Israel. Tổ chức al Qaeda xuất phát từ một chi phái Hồi Giáo cực đoan Wahhabi thuộc phái Sun Ni, Hizbollah tập họp các người theo phái Shi A ở Lebanon, thành hình sau cuộc xâm lăng của quân Israel năm 1982. Nhóm al Qaeda có thể hỗ trợ nhóm Hizbollah mở những mặt trận mới đánh vào quyền lợi của Israel và của Mỹ, họ không cốt giúp cho nhóm Hizbollah thành công, mà chỉ chứng tỏ họ mới là những đại biểu quan trọng của những người Hồi Giáo và Á Rập chống Mỹ. Họ cho thấy là cuộc chiến chống khủng bố quốc tế của Mỹ không có kết quả sau khi Mỹ tấn công Iraq, vì chính họ vẫn đang hô hào mở thêm mặt trận mới.
Ông Zawahiri phải lên tiếng trong 8 phút video cũng vì nhóm al Qaeda không muốn bị nhóm Hizbollah qua mặt trong phong trào chống Mỹ và chống Israel. Ông Osama bin Laden đã trở thành biểu tượng số một trong cuộc chiến đấu này kể từ vụ 11 Tháng Chín. Ông đang bị lu mờ trước vai trò của Giáo Sĩ Hassan Nasralla, lãnh tụ Hizbollah, một khuôn mặt đang nổi bật trong thế giới một tỷ người Á Rập và Hồi Giáo.
Liệu Zawahiri và Nasralla có thể mở đầu cuộc cộng tác lâu dài giữa các nhóm du kích chiến đấu thuộc hai phái Shi A và Sun Ni hay không? Ðây chỉ là một sự hợp tác giai đoạn và chỉ có giá trị tượng trưng. Nhưng những lời nói suông đó cũng có thể tạo ra những làn sóng ảnh hưởng. Sẽ đến lúc những nhóm Shi A ở Iraq, đang cộng tác với quân Mỹ đánh các cuộc nổi dậy của người Sun Ni, cũng phải lên tiếng ủng hộ đồng đạo ở Lebanon. Nhóm Hizbollah đã đóng trọn vai trò của họ khi gây ra cuộc chiến mới nhất ở Lebanon: Họ muốn chứng tỏ rằng để cho tình hình Trung Ðông được yên ổn thì Mỹ không thể gạt bỏ mà không đối thoại với Iran và Syria. Trong khi đó, chính phủ Israel động viên quân trừ bị, chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài ở miền Nam Lebanon. Sau 18 năm chiếm đóng Lebanon và phải rút về năm 2000, Israel không muốn phiêu lưu một lần nữa. Nhưng họ cũng không thể ngủ yên khi nhóm Hizbollah củng cố lực lượng ngay biên thùy. Việc đối đầu với Syria và Iran là việc của chính phủ Mỹ.
Ở Syria, đảng Baath đã cai trị trong hai thế hệ với chủ trương “thế tục hóa” chính quyền, giống như đảng Baath của ông Saddam Hussein ở Iraq. Nhưng gần đây, chính phủ Syria đã bớt chống đối các giáo sĩ Hồi Giáo, ngược lại họ còn xây dựng và khánh thành các đền thờ, trợ cấp các trường học của tôn giáo. Nhưng gia đình Tổng Thống Assad và các nhân vật chính trong guồng máy cai trị lại thuộc một giáo phái Shi A thiểu số trong một nước Syria đa số theo phái Sun Ni. Họ hợp tác với giới lãnh đạo Shi A của xứ Iran trong việc giúp nhóm Hizbollah, không phải vì lý do tôn giáo mà vì lý do chiến lược. Syria là đường di chuyển của những du kích quân Á Rập trên đường tiến vào Iraq đánh nhau với Mỹ, nhưng ngoài mặt họ vẫn phủ nhận. Quân Mỹ đã tìm cách tiêu diệt các căn cứ quân nổi dậy trong vùng biên thùy Iraq và Syria, nhưng không bao giờ càn quét sạch hết được. Nhiều lần quân Mỹ đã đuổi quân địch tràn sang Syria nhưng chưa bao giờ chủ trương tiến sâu vào nước này.
Chính quyền Syria hiện đang muốn có cơ hội trực tiếp nói chuyện với Mỹ, để đóng một vai trò môi giới quan trọng trong cuộc cờ Trung Ðông, thay vì bị Mỹ gạt ra bên lề. Hàng trăm ngàn người Lebanon chạy tị nạn bom đạn của Israel đã được tiếp đón tử tế ở Syria - sau khi dân Lebanon đã biểu tình đòi đuổi quân Syria về nước vào năm ngoái. Những người ngoại quốc kẹt ở Lebanon, kể cả người Mỹ, cũng được giúp đỡ trên đường di tản. Chính phủ Syria tin rằng cuối cùng các phe nhóm tranh chấp ở Trung Ðông sẽ phải tìm đến Damascus nhờ Syria làm trung gian gặp gỡ nhau để thảo luận!
Vai trò của Iran quan trọng hơn trong cuộc chiến mới ở Lebanon. Chính Vệ Binh Cách Mạng của Iran đã huấn luyện những người Hizbollah đầu tiên từ khi thành lập. Mỗi năm Iran giúp Hizbollah 120 triệu Mỹ kim, cộng với vũ khí trị giá vài ba trăm triệu. Binh sĩ Iran giúp quân Hizbollah trước vụ bắn hỏa tiễn có radar điều khiển trúng chiến hạm của Israel vào giữa Tháng Bảy. Cuối Tháng Bảy, 60 quân cảm tử sẵn sàng ôm bom tự sát đã làm lễ xuất phát từ Teheran để lên đường sang giúp Hizbollah.
Lãnh tụ Hassan Nasralla, sinh năm 1960, lớn lên khi quân Israel tiến vào Lebanon lần đầu. Ông đã sang Iraq học giáo lý ở thánh địa Najaf của phái Shi A, cho đến khi bị chính quyền Hussein trục xuất năm 1978. Năm 1982 ông gia nhập nhóm Hizbollah nhưng lên đường sang Iran, tiếp tục chương trình thần học ở Qom trong bảy năm trước khi trở về Lebanon. Ông trở thành thủ lãnh sau khi người tiền nhiệm bị máy bay Israel bắn trúng. Một người con trai ông cũng đã bị quân Israel giết.
Chính phủ Mỹ vẫn coi là nhóm Hizbollah đã tổ chức vụ đặt bom ở Tòa Ðại Sứ Mỹ làm chết 63 người, và giết chết 243 quân Mỹ bằng xe bom tự sát ở Beirut vào năm 1983, khiến Tổng Thống Reagan phải ra lệnh rút hết quân về, sau khi đã gửi thủy quân lục chiến sang Lebanon đóng vai trò kiểm soát đình chiến, chấm dứt cuộc nội chiến ở xứ này. Nhóm Hizbollah vẫn phủ nhận vai trò của họ, tuy nhiên họ không lên án các vụ khủng bố đó.
Thái độ của chính phủ Mỹ đối với nhóm Hizbollah cũng phức tạp. Một mặt Mỹ coi họ là một nhóm khủng bố, mặt khác tổ chức chính trị của Hizbollah vẫn có 3 ghế bộ trưởng trong chính phủ Lebanon, một định chế đã được Ngoại Trưởng Rice tới Beirut hứa hẹn sẽ bảo vệ đến cùng. Khác với al Qaeda với chủ trương chống Mỹ ở khắp mặt địa cầu, hoạt động của nhóm Hizbollah giới hạn trong vùng Lebanon và Palestine. Nhưng không ai phủ nhận được là sự tồn tại của nhóm này do Iran bảo đảm. Từ sáu năm qua Iran đã tiếp tế cho Hizbollah hàng chục ngàn hỏa tiễn lớn nhỏ và các vũ khí khác, sản xuất tại Iran theo kiểu mẫu của Trung Quốc. Vũ khí cất giấu sẽ có ngày phải đem sử dụng, nếu không thì vô ích, lại tốn công bảo trì. Chắc chắn chính phủ Teheran biết rằng Israel không thể ngồi yên ngắm kho vũ khí đó tích lũy ở biên giới phía Bắc của họ ngày càng nhiều và nguy hiểm hơn. Iran có ý gây áp lực đối với Israel hay không? Ðể đạt mục đích nào? Hay là họ định tấn công vào Israel? Khó tin là chính phủ Teheran nuôi những ý đồ quá lớn như vậy. Những tranh chấp giữa Israel và người Palestine cùng các nước Á Rập đa số theo phái Sun Ni trong vùng chỉ là một mặt trận phụ, trong khi các giáo sĩ lãnh đạo ở Iran muốn đưa nước họ lên vai trò một cường quốc trong vùng, một vùng kéo dài từ Trung Ðông qua tới Afghanistan, Pakistan và các nước Trung Á. Họ thân thiện với Nga, Trung Quốc, đang giao hảo thêm với Ấn Ðộ với các hợp đồng về dầu khí. Nước Iran đã bị ông Hussein đem quân Iraq tấn công trong thập niên 1980, cuộc chiến tranh làm hàng triệu người chết.
Việc Iran trợ giúp vũ khí cho Hizbollah chỉ chờ khi cần đến thì mở ra một cuộc chiến mới trong vùng, để cho Mỹ không thể quên phải nói chuyện với Teheran. Không phải sự tình cờ, khi quân Hizbollah tấn công bắt cóc hai người lính Israel vào đúng ngày Mỹ và các nước Âu Châu yêu cầu Iran phải từ bỏ tham vọng nguyên tử, với một nghị quyết ra Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Tổng thống Iran đã từng gửi thư cho tổng thống Mỹ để ngỏ ý muốn nói chuyện, nhưng ông Bush gạt đi, coi đó chỉ là một thủ đoạn tuyên truyền. (Ở Trung Ðông, khi quý vị muốn nói chuyện với ai, phải tấn công người đó trước, nếu không sẽ bị bỏ qua.) Iran đã chọn lúc chính phủ Bush đang lo về cuộc bầu cử quốc hội cuối năm nay mà cho Hizbollah hành động, cũng vì Mỹ đang lúng túng ở Iraq, ở Afghanistan.
Cuộc tấn công của Mỹ vào Iraq giúp cho người Shi A đa số ở xứ đó vùng lên, tính về lâu dài thì Iran được lợi nhất. Bây giờ Iraq có một chính phủ tượng trưng, yếu ớt nhưng là đồng đạo với người Iran. Thủ tướng Iraq đã phải đi dây, cực lực lên án Israel xâm lăng Lebanon (trước khi thủ lãnh al Qaeda lên tiếng), trước khi ông bay sang Mỹ nói chuyện trước hai viện quốc hội và xin Tổng Thống Bush cho đem thêm quân vào giúp chính phủ ông kiểm soát thủ đô Bagdad, trong lúc đã có trên 50 ngàn quân Mỹ ở trong vùng đó rồi.
Nếu chính phủ George W. Bush làm một cuộc duyệt xét chính sách của họ ở Trung Ðông trong năm năm qua thì họ thấy những gì? Quân Taliban lại đang trỗi dậy, Osama bin Laden vẫn trốn tránh đâu đó ở biên thùy Pakistan, mà tình báo quân đội Pakistan thì làm ngơ. Iraq có một chính phủ nhưng không kiểm soát được ngay cả thủ đô. Ông Maliki phủ nhận không hề có nội chiến ở Iraq, nhưng trong bảy tháng qua người Iraq giết lẫn nhau tới con số 14,000 người thiệt mạng. Không biết như thế nào mới gọi là nội chiến? Iran đang chứng minh vai trò quan trọng của họ. Họ cho thấy chính sách dùng vũ lực đánh trước và đơn phương hành động của Mỹ trong mấy năm qua không làm cho Trung Ðông yên ổn, ngay cả Israel cũng không được an toàn hơn. Những cuộc bầu cử ở vùng Palestine và Lebanon không tạo ra những chính phủ mà Mỹ mong muốn. Trong mấy tuần qua, nhân vật nổi bật trong chính phủ Bush là bà ngoại trưởng chứ không phải Phó Tổng Thống Cheney hoặc ông Bộ Trưởng Quốc Phòng Rumsfeld. Và bà Ngoại Trưởng Rice cũng chỉ bay đây bay đó, cốt chứng tỏ mình có mặt chứ chưa thực hiện được một thỏa hiệp nào, chưa đưa tới một hành động nào. Vì ở Rome bà vẫn giữ vững lập trường bác bỏ các lời yêu cầu Israel phải ngưng tấn công ngay lập tức. Trong cuộc họp các ngoại trưởng ở Kuala Lumpur, bà Rice đã trình tấu hai bản nhạc viết cho dương cầm của Brahms, được vỗ tay nhiệt liệt. Nhưng ở Lebanon người ta chỉ nghe thấy tiếng bom nổ, không ai nghe được một thông điệp, Aimez vous Brahms? Chính phủ Mỹ không lắng nghe những lời kêu gọi ngưng bắn thì tất cả sẽ bế tắc.
Chỉ có Thủ Tướng Anh Tony Blair mới khuyên được ông Bush đổi thái độ, không chống việc ngưng bắn lập tức nữa. Tuần tới hai nước sẽ đưa trước Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc một nghị quyết yêu cầu ngưng bắn ngay. Ngưng bắn chậm một chút để quân Israel được tảo thanh thêm ba ngày nữa. Nhưng lực lượng Hizbollah vẫn còn đó, họ đã thắng trong dư luận các nước Á Rập! Nhưng liệu các nước Âu Châu có sẵn sàng giúp Mỹ và Israel lập một đội quân quốc tế làm trái độn ở biên thùy Israel và Lebanon hay không? Họ được lợi gì khi đóng góp? Họ có đòi Mỹ chấm dứt chính sách hành động đơn phương ở Trung Ðông hay không?
Một giải pháp lâu dài đòi hỏi Mỹ phải nói chuyện trực tiếp với Iran. Không những hai nước sẽ bàn chuyện kiểm soát năng lượng nguyên tử và giúp tình hình Lebanon và Israel hòa dịu hơn, mà có thể dần dần dàn xếp cả chuyện Iraq nữa. Ba nước Anh, Pháp, Ðức vẫn đóng vai thay mặt Mỹ nói chuyện với Iran mấy năm nay, sẽ tới lúc họ tiếp tục vai trò này tích cực hơn, nếu Mỹ tỏ ý muốn nói chuyện. Nga và Trung Quốc thì chỉ mong thế giới thấy rằng nước Mỹ không phải là cường quốc duy nhất muốn làm gì cũng được; mà điều đó họ có thể cảm thấy đã được chứng minh rồi. Nếu chính phủ Mỹ đổi chính sách, hy vọng giá dầu thô sẽ xuống dưới 50 đô la một thùng chứ không ở mức trên 70 đô la như hiện nay. Nếu giá xăng dầu xuống trước Tháng Mười Một năm nay thì nhiều ứng cử viên Cộng Hòa sẽ mừng lắm.
Mỹ và Iran ở Lebanon
Thursday, August 10, 2006
Ngô Nhân Dụng
Cuộc chiến tranh nào cũng là một dịp đem thử vũ khí và thí nghiệm cả chiến thuật quân sự mới. Khi ông Rumsfeld nhậm chức Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ, ông chủ trương phải cải tổ quân đội và hệ thống vũ khí cho quân Mỹ dùng vì cuộc diện thế giới đã thay đổi sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt. Nước Mỹ sẽ không phải đối đầu với những đạo quân quốc gia thù nghịch như Nga hay Trung Quốc nữa. Trái lại, quân Mỹ sẽ phải lo dẹp các cuộc nổi dậy thu hẹp và các nhóm du kích, khủng bố địa phương. Phải giảm bớt quân số, thiết lập các đội quân biệt kích nhẹ, dễ chuyển quân và thiện chiến. Phải giảm số trọng pháo và tăng cường loại vũ khí lưu động, chính xác, từ xe tăng dễ di chuyển tới các thứ bom tinh khôn tìm đúng mục tiêu.
Chiến tranh Iraq và cuộc chiến kéo dài gần một tháng nay ở miền Nam Lebanon đều là những nơi thử thách cho chiến thuật mới cũng như vũ khí mới của Mỹ. Máy bay và thiết giáp Israel đã đánh phá các cứ điểm của dân quân Hizbollah liên tiếp nhưng chưa tiêu diệt được sức kháng cự của nhóm này; trái lại, họ vẫn có khả năng bắn hàng trăm hỏa tiễn xuống miền Bắc xứ Israel. Có những làng do quân Hizbollah kiểm soát đã cầm cự được mấy tuần lễ mặc dù bị nã trọng pháo, ném bom tàn phá trước, rồi đem xe tăng đến mở màn cho lực lượng đặc biệt Israel tấn công từng con đường, từng ngôi nhà. Quân đội Israel đã báo trước cho dân chúng tản cư nhưng số thường dân Lebanon thiệt mạng trong tháng qua đã lên gần ngàn người, phần lớn vì bom và trọng pháo. Chính phủ Mỹ và Israel không chấp nhận ngưng chiến tức khắc, vì họ cần thời gian để tiêu diệt kho vũ khí và nhân lực của quân Hizbollah.
Nhưng chính phủ Israel đang lâm vào ngõ bí. Tiếp tục đánh cho đến bao giờ? Càng đánh lâu thì càng bị dư luận thế giới phản đối, chỉ làm tăng uy tín cho nhóm Hizbollah, đối với dân chúng Lebanon cũng như đối với các nước Á Rập và Hồi Giáo khác. Tổ chức dân quân này ra đời sau khi quân Israel tiến đánh Lebanon năm 1982, và ngày càng trở nên mạnh sau khi quân Israel rút về nước năm 2000. Không có hy vọng diệt được đám dân quân cảm tử này, mà giết được một người thì nhóm Hizbollah sẽ tuyển thêm nhiều người khác thay thế, không biết bao giờ mới xong.
Nhưng nếu ngưng đánh thì nhóm Hizbollah sẽ tuyên bố thắng trận. Riêng việc họ cầm cự được các cuộc tấn công của Israel trong một tháng đã là một thành tích mà các quốc gia Á Rập trước đây chưa hề đạt được. Còn nhớ trận đánh 6 ngày năm 1967? Những vùng đất mà quân Israel chiếm được năm đó, gồm miền Tây ngạn sông Jordan và cao nguyên Golan của Syria vẫn bị chiếm đóng từ đó tới nay chưa được trả lại, mà các nước Á Rập vẫn đành chịu! Chưa có một đạo quân Á Rập nào bắn được nhiều hỏa tiễn vào sâu xứ Israel như quân Hizbollah đã làm được, làm chết hàng trăm người lính và thường dân Israel trong bốn tuần lễ. Chỉ cần tồn tại sau cuộc chiến là Hizbollah đã có thể tuyên bố họ chiến thắng.
Cuộc chiến cũng là nơi đọ sức giữa Hoa Kỳ và Iran. Ai cũng biết Hizbollah được Iran huấn luyện, cung cấp vũ khí, cho tiền bạc để chi vào các cơ sở xã hội, từ thiện lấy lòng những người dân theo đạo Shi A. Quân đội Israel đã tìm được những giấy tờ trong tử thi quân địch chứng tỏ có cả những Vệ Binh Cộng Hòa Iran đang chiến đấu trong hàng ngũ Hizbollah ở Nam Lebanon.
Nhưng đối với các giáo sĩ ở Iran thì yếu tố quan trọng nhất trong cuộc chiến 4 tuần qua ở Nam Lebanon là cuộc thí nghiệm phương pháp huấn luyện dân quân mới của họ, trong đó yếu tố tôn giáo được đặt lên hàng đầu. Từ khi nước Israel thành lập năm 1947, các cuộc chiến tranh giữa xứ này và các xứ Á Rập đều là tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền; nghĩa là có tính cách chính trị, thế tục. Ngay cuộc xung đột giữa Israel và dân Palestine cũng là vấn đề chia đất cho người Á Rập ở Palestine lập quốc. Bây giờ chiến tranh khoác một bộ mặt mới: tôn giáo.
Thực ra giữa hai nước Israel và Lebanon không có những xung đột quyền lợi để đánh lẫn nhau. Chiến tranh xảy ra trước hết vì vấn đề Palestine chưa được giải quyết. Quân Israel kéo vào Lebanon năm 1982 vì muốn đánh đuổi quân Palestine ra khỏi một nước ở ngay phía Bắc nước mình. Nhân cuộc tấn công đó, những người theo phái Shi A ở Lebanon mới có cơ hội tập họp, tạo thành tổ chức “Ðảng của Thượng Ðế” Hizbollah này. Vì Iran là một nước đa số theo phái Shi A, họ sẵn sàng giúp đỡ. Ở Iran lại vừa mới có cuộc cách mạng của các giáo sĩ, lật đổ một chính quyền thân Mỹ, cho nên họ càng muốn xuất cảng “nhãn hiệu Hồi Giáo Shi A chiến đấu” sang các nước Á Rập, nơi người Shi A là thiểu số. Hizbollah là “hàng mẫu” của chế độ thần quyền ở Iran, trong cuộc chiến chống Israel và Mỹ, nói chung là chống các nước Tây phương.
Và món hàng mẫu này đang được đem thử để cho các nước Hồi Giáo khác thấy là hiệu quả cao hơn những phương pháp chống Israel và chống Mỹ khác.
Chiến thuật của nhóm Hizbollah có công hiệu. Họ tàng trữ hàng chục ngàn hỏa tiễn ở đâu mà dùng suốt tháng trời chưa hết, trong lúc máy bay và xe tăng Israel đi phá hủy hàng ngày? Ðiều này chứng tỏ tình báo Israel, tổ chức tình báo hiệu nghiệm nhất thế giới đã thất bại, không xâm nhập được vào hàng ngũ người Shi A và nhóm Hizbollah, trong khi họ rất giỏi trong việc thâu lượm tin tức ở các nước Á Rập khác, kể cả trong những tổ chức của người Palestine. Những giàn hỏa tiễn của Hizbollah, sản xuất tại Iran, đã được che giấu, với một vài dân quân ẩn nấp, sống lẫn lộn trong nhà dân. Họ rất có kỷ luật, chờ khi nào có lệnh mới bấm nút bắn. Mỗi giàn hỏa tiễn đã được nhắm sẵn vào các tọa độ trong nước Israel, được bắn đi để gây tiếng vang và hệ quả chính trị hơn là chỉ để giết người. Và sau khi bắn xong, mỗi toán dân quân lẻ tẻ đó đã biết trước họ phải chạy đi phía nào, ẩn nấp ở đâu. Chưa có một đạo quân Á Rập nào đánh quân Israel với kế hoạch tỉ mỉ và có kỷ luật như vậy.
Tại sao đạo quân “ô hợp” không chính quy này lại tỏ ra thiện chiến như thế? Chính vì họ được các huấn luyện viên Iran đào tạo trong tinh thần “tuẫn đạo.” Họ không đánh nhau để bảo vệ một lãnh thổ, không nhắm chiếm đất bên địch, cũng không nhắm lập ra một quốc gia riêng. Họ liều chết vì hoàn toàn tin tưởng vào các giáo sĩ, đã được hứa hẹn sẽ lên thiên đường. Cũng vì thế mà có những làng kháng cự đến chết, số tù binh Hizbollah bị quân Israel bắt rất nhỏ.
Kết quả trận chiến ở miền Nam Lebanon ra sao cũng là một thắng lợi của Iran trong việc quảng cáo cho chiến thuật chống Israel và chống Mỹ của họ. Nhóm Hamas ở Dải Gaza, sẽ là một phần lãnh thổ của nước Palestine, cũng được khích lệ vì cuộc kháng cự của nhóm Hizbollah. Tổ chức Hamas cũng giống Hibollah, vừa là một nhóm dân quân du kích, vừa là một đảng chính trị. Cả hai đều được Iran hỗ trợ. Hamas đã thắng thế đối với đảng Al Fatah do cố lãnh tụ Arafat thành lập từ nửa thế kỷ trước, đã chiếm đa số trong Quốc Hội Palestine mới bầu năm ngoái. Chính phủ Israel bây giờ có thể thấy nếu cứ đánh nhau với ông Arafat như ngày xưa còn dễ chịu hơn, vì al Fatah là một tổ chức chính trị thế tục. Chỉ trong các tổ chức nhuốm mầu tôn giáo họ mới sinh ra nhiều người ôm bom tự sát, vì niềm tin sẽ được lên thiên đàng.
Iran đã biến đổi tính chất của cuộc chiến giữa nước Israel và các dân tộc Hồi Giáo chung quanh. Các chính phủ Á Rập đa số theo phái Sun Ni từ lâu vẫn chống Israel, nay đang bị lu mờ trước sự bành trướng của phương pháp đấu tranh mới mà Iran đang xuất cảng, dùng tôn giáo thay cho chính trị. Bây giờ ngay cả những người theo phái Sun Ni ở Ai Cập, ở Á Rập Sau đi, cũng công khai ủng hộ nhóm Hizbollah, gồm những người Shi A của Lebanon. Ngay cả nhóm al Qaeda, xuất phát từ một giáo phái Sun Ni thuần thành và vẫn coi người Shi A là phản đạo, nay cũng phải lên tiếng ủng hộ Hizbollah để khỏi bị gạt ra bên lề. Khi Tổng Thống George W. Bush, ngày hôm qua, gọi các nhóm khủng bố là “Bọn Phát Xít Hồi Giáo” ông đã vô tình giúp cho Iran bán món hàng chiến tranh tôn giáo của họ cho các người Hồi Giáo dễ hơn.
Cuộc chiến đang diễn ra ở miền Nam Lebanon trở thành một cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran, mà quân đội Israel và Hizbollah là đại diện. Cuộc đối kháng đã bắt đầu từ khi người Iran đuổi Sa Hoàng ra khỏi nước, mà Tổng Thống Carter đã chấp nhận cho ông vào Mỹ chữa bệnh gây ra vụ chiếm Tòa Ðại Sứ Mỹ ở Teheran. Hai tháng trước đây, ông tổng thống Iran đã gửi thư thẳng cho Tổng Thống Bush nhưng không được trả lời. Hai nước đang đối diện ngay ở Iraq, nơi Mỹ giúp cho khối người Shi A chiếm được chính quyền sau hàng thế kỷ bị người Sun Ni thống trị tàn bạo. Hai nước đang tranh giành ảnh hưởng ở vùng Trung Ðông đầy thù hận và nhiều dầu lửa, trong một giai đoạn mới có thể gọi là thời kỳ Hậu Saddam. Mỹ có bom tinh khôn, nhưng Iran cũng có vũ khí riêng của họ. Iran đã “tôn giáo hóa” cuộc tranh chấp ở Trung Ðông mà trung tâm xung đột từ nửa thế kỷ qua vẫn là miền đất Palestine, cái nôi của các tôn giáo độc thần, Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo. Chính phủ Mỹ đang hợp tác với Pháp tìm cách “chính trị hóa” cuộc xung đột ở Lebanon bằng một giải pháp quốc tế, với hy vọng quyền lợi của các quốc gia sẽ mạnh hơn các tình tự tôn giáo của người dân. Nói đến xung đột Trung Ðông là phải kể rất nhiều đầu mối: Israel và Palestine; người Sun Ni và người Shi A ở trong xứ Iraq; Hizbollah trong nước Lebanon; Syria giữa Iran và Israel; vân vân. Giải pháp chính trị ở Trung Ðông phải bắt đầu gỡ rối từ chỗ nào hay phải giải quyết cùng một lúc? Làm sao tách chính trị ra khỏi tôn giáo ở một vùng đất đã khai sinh ra những tôn giáo đông nhất thế giới?
Kết quả cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran sẽ đi tới đâu, có thể còn phải chờ hàng thế hệ mới biết nếu không được gỡ ra. Nhưng làm sao nước Mỹ gỡ được ngòi nổ tôn giáo mà Iran đã châm lửa, nếu không nhân cơ hội này nói chuyện thẳng với Iran? Người Iran cũng phải nghĩ đến quyền lợi quốc gia của họ, không khác gì người Israel, Lebanon, Jordan hay Ai Cập. Liệu có thể nói chuyện với họ về việc tương nhượng quyền lợi hay không? Chắc chính phủ Israel và chính phủ Mỹ đã nghĩ tới vấn đề này. Trong tương lai, các nước khác trong Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc có thể giúp họ tìm ra một cơ hội gỡ rối mà không để nước nào mất thể diện.
Ngô Nhân Dụng
Friday, August 11, 2006
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment