Saturday, November 25, 2006

Tản mạn về nỗi cô đơn

Cô đơn là tâm trạng của tôi, của bạn, của rất nhiều người trên thế giới này. Cho dù có đến 6 tỷ người trên thế giới rộng lớn bao la này, bạn vẫn cảm thấy cô đơn vào một lúc nào đó, vào một ngày nào đó.

Đó là những buổi chiều chủ nhật mưa gió hay rét mướt căm căm… khi mà bạn ngồi một mình ngắm hòang hôn đổ dài trên bãi biển hay trên triền núi xa xa, khi mà bạn không có một ai bên cạnh để chia sẻ nỗi niềm, khi mà bạn có cảm giác trống vắng đến nao lòng…

Đó là những buổi tối vắng lặng, khi mà bạn ngắm nhìn cái điện thọai vô hồn, lướt tìm cả mấy trăm số thân quen mà không biết gọi cho ai để chia sẻ nỗi lòng…

Đó là những đêm dài lạnh lẽo, khi mà bạn một mình ôm gối suy tư với những nỗi vui buồn của cuộc đời trong màn đêm thăm thẳm...

Đó cũng có thể là một buổi sáng mùa hè nắng đẹp, khi mà bạn tỉnh giấc bên người bạn đời mà bạn không còn yêu thương, không còn có thể chia sẻ nỗi niềm, chỉ còn lại những nghĩa vụ mệt mỏi của cuộc sống chung…

Đó cũng có thể là một buổi chiều nhộn nhịp tan sở, khi mà bạn chen lấn trong đám đông cả trăm người trên đường về nhà, sốt ruột, vô hồn, mệt mỏi chờ mong đèn đường chuyển màu từ đỏ thành xanh…

Đó cũng có thể là một buổi tối vắng lặng, khi mà bạn ngồi chờ đợi bên mâm cơm đã nguội lạnh mà người bạn đời của bạn vẫn còn la cà nhậu nhẹt đâu đó chưa về…

Có nỗi cô đơn mà bạn thực sự thấm thía cả nghĩa đen và nghĩa bóng, khi mà bạn thực sự một mình không có ai bên cạnh và cũng không thể chia sẻ nỗi lòng được với bất cứ ai.

Nhưng còn có nỗi cô đơn chỉ thuần túy theo nghĩa bóng, khi mà bạn có ai đó bên cạnh mà lại không thể chia sẻ nỗi lòng. Và đôi khi nỗi cô đơn này lại trở nên mênh mông đến mức không thể chịu đựng nổi.

Bạn chỉ có thể hiểu bản thân mình tường tận khi mà bạn thấm thía nỗi cô đơn. Hãy nói cho tôi biết bạn làm gì mỗi khi cô đơn, tôi sẽ cho bạn biết bạn là ai. Lúc cô đơn bạn thường làm gì? Tìm đến một người bạn để chia sẻ? Tìm một thú vui để thư giãn? Lang thang trên mạng đọc sách báo hoặc trao đổi ý kiến trên các forum? Tìm đến một ly rượu hoặc một liều ma túy để quên đi cảm giác trống vắng? Hay đơn giản chỉ tự suy ngẫm về thế thái nhân tình để rồi có thể sống tốt hơn? Như vậy cô đơn đôi khi là cần thiết cho một số người trong chúng ta. Chỉ có điều đừng để sự cô đơn kéo dài triền miên, nó sẽ gặm nhấm tâm hồn bạn, làm nản lòng bạn, làm bạn trở nên sầu não, bi quan với cuộc đời. Đừng để mình rơi tự do với nỗi cô đơn. Hãy nhấc điện thọai lên gọi cho người bạn thân nhất của bạn cho dù chỉ để nói một câu thăm hỏi sức khỏe. Bạn hãy tưởng tượng người bạn đó của bạn cũng đang cô đơn, bất ngờ nhận được một tin nhắn vui vui của bạn, hay một câu hỏi thăm sức khỏe của bạn, người bạn đó sẽ thấy hạnh phúc đến chừng nào.

Dear friend!
one day, if you feel sad and lonely
call me
I don't promise you that I can make you happy
but I 'm sure that i can share your sorrow
one day, if you want to run away
call me
I don't say that I'll stop you
but I can run with you
but friend
one day, if you call and there is no answer
come to see me
perhaps I need you then!

Friday, November 24, 2006

Hãy giữ dùm anh phố cũ rêu phong,

Hãy giữ dùm anh phố cũ rêu phong,
Mùa đang rắc những yếu mềm đa cảm...


Sáng nay ngủ đến 11h mới dậy, đêm qua khi mò về ký túc, khi đi ngang qua bãi đỗ xe bỗng thấy sực lên mùi hoa sữa. Gần 4h sáng, sân trường vắng tanh, mùi hoa sữa buông xuống theo sương lạnh của buổi sáng giữa mùa thu. Từ sáng dậy đến giờ vẫn còn cái cảm giác nôn nao của đêm qua khi luồng hương đầu tiên sực vào mũi, bỗng nhiên phải đứng sững lại, sởn gai ốc và dần cảm thấy cái lạnh của sương mờ mờ xung quanh. Cảm thấy cả mùi hoa sữa theo cái lạnh ngấm vào trong người, lại nghĩ đến HN!

Cũng không hiểu ai là người đầu tiên gắn hoa sữa với HN. Có phải tại vì HN đẹp nhất vào những ngày thu, khi đi trên đường thấy từng cơn gió se se, khiến cụ già nheo nheo mắt đứng nhìn, khiến cô gái nào đang đạp xe trên phố phải đưa tay giữ tà áo dài khỏi bay, da bất chợt thấy nổi gai ốc vì lần đầu cảm thấy lành lạnh khi mùa đông sắp tới. Những ngày đẹp nhất và ngắn nhất, 1 tuần, nhiều là 2 tuần nó qua đi mất, hoa sữa là loài hoa tiễn mùa thu đi... Nếu hỏi loài hoa nào "khôn" nhất thì đó chính là hoa sữa, vì tự biết rằng kiếp hoa ngắn ngủi, không như những loài hoa sặc sỡ nhiều màu sắc khác tìm mùa xuân để ra hoa thu hút bướm ong, hoa sữa nhằm đúng lúc tiết trời này, lặng lẽ thu kín mình sau tán lá để nhả hương. Tiết trời này của HN làm cho các giác quan của con người trở nên nhạy cảm nhất, bất kỳ ai đang đi trên đường bỗng bắt gặp mùi hương rất riêng này phảng phất nhập vào mũi đều phải cố tìm ra nguồn gốc của nó, một đâu đó trong góc phố. HN có nhiều nơi có hoa sữa nhưng chắc được mọi người nhắc tới nhiều nhất là đường Nguyễn Du, có lẽ đường ND có phần yên tĩnh và thơ mộng hơn những con đường khác, hương hoa sữa không bị những làn xe ngược xuôi cuốn tan đi mất, đọng lại ngấm vào những làn sương toả xuống hồ Thuyền Quang...

Hà Nội! Nếu như ai đến Hải Phòng không quên được màu phượng đỏ tháng năm, hay như Đà Lạt nổi tiếng với hoa hồng với nhiều chủng loại sặc sỡ quanh năm, thì Hà Nội có hoa sữa, toả hương vào tháng 10. Người ta chỉ có thể chụp ảnh để ghi lại màu hoa hồng hoa phượng chứ hương hoa sữa thì mỗi người chỉ có thể đến tận nơi và tự cảm nhận cho riêng mình chứ không thể chụp hay ghi lại để giới thiệu cho người khác được...

Ở đây mình thấy hoa sữa được trồng khá nhiều, cũng đã nở được ít lâu, ngày nào cũng đi qua đây nhưng trước đây chỉ nhìn thấy hoa chứ chưa bao giờ mình thấy được mùi của nó. Hay là tại vì tối qua nói chuyện xong vui quá, có người gửi cho mình mùi hoa sữa từ HN không nhỉ. Ngửi mùi hoa sữa có lẽ thích nhất phải ngửi vào đêm, càng về khuya thì mùi hoa sữa càng sâu hơn, khi đó không khí trong lành, không bị cái ồn ĩ màu mè của cuộc sống ban ngày làm loãng mất. Mọi người thường bảo mùi hoa sữa hắc, hít nhiều thì nhức đầu khó ngủ mà mình thì lại cứ hít lấy hít để. Sáng nay ra, vẫn đi qua chỗ đó, hoa còn đó mà mùi hương đã không còn...:(

Hoa sữa
(Nguyễn Hoàng Sơn)

Bởi lãng quên có hoa sữa trên đời,
Nên giật mình trước mùi thơm hoa sữa!
Hoa sữa thơm đến chừng như khó thở,
Đến vô tri như cũng tỏa hương trời.

Bởi hết mình thơm nên xấu đến ngậm ngùi,
Hoa hoá vàng và tàn đi rất vội.
Không biết yêu thương mình đấy cũng là tội lỗi,
Yêu thương kẻ vô tâm là quá đỗi vô tình.

Sợ người ta không gọi đúng tên mình,
Hoa hiến đến cạn nguồn hương trinh bạch.
Hoa chẳng hiểu đời vô cùng khắc nghiệt,
Người chỉ nhắc tới hoa kia khi nhớ đến hương này.

Thương hoa ngày tàn phai chẳng giữ lại chút gì,
Lấy vạt áo tôi bọc về hương quý,
Lấy vô nghĩa chờ ru lòng đau vô lý,
Nhưng biết lấy gì khuyên được tình si...

Thursday, November 09, 2006

Viết về người thân yêu

Bọn Trung Quốc thì thế này cơ.


Hai mươi ba năm trước, có một người con gái trẻ lang thang qua làng tôi, đầu bù tóc rối, gặp ai cũng cười cười, cũng chả ngại ngần ngồi tè trước mặt mọi người. Vì vậy, đàn bà trong làng đi qua cô gái thường nhổ nước bọt, có bà còn chạy lên trước dậm chân, đuổi "Cút cho xa!". Thế nhưng cô gái không bỏ đi, vẫn cứ cười ngây dại quanh quẩn trong làng.

Hồi đó, cha tôi đã 35 tuổi. Cha làm việc ở bãi khai thác đá bị máy chém cụt tay trái, nhà lại quá nghèo, mãi không cưới được vợ. Bà nội thấy con điên có sắc vóc, thì động lòng, quyết định mang cô ta về nhà cho cha tôi, làm vợ, chờ bao giờ cô ta đẻ cho nhà tôi "đứa nối dõi" sẽ đuổi đi liền. Cha tôi dù trong lòng bất nhẫn, nhưng nhìn cảnh nhà, cắn răng đành chấp nhận. Thế là kết quả, cha tôi không phải mất đồng xu nào, nghiễm nhiên thành chú rể.

Khi mẹ sinh tôi, bà nội ẵm cháu, hóp cái miệng chẳng còn mấy cái răng vui sướng nói: "Cái con mẹ điên này, mà lại sinh cho bà cái đứa chống gậy rồi!". Có điều sinh tôi ra, bà nội ẵm mất tôi, không bao giờ cho mẹ đến gần con.

Mẹ chỉ muốn ôm tôi, bao nhiêu lần đứng trước mặt bà nội dùng hết sức gào lên: "Đưa, đưa tôi..." bà nội mặc kệ. Tôi còn trứng nước như thế, như khối thịt non, biết đâu mẹ lỡ tay vứt tôi đi đâu thì sao? Dù sao, mẹ cũng chỉ là con điên. Cứ mỗi khi mẹ khẩn cầu được bế tôi, bà nội lại trợn mắt lên chửi: "Mày đừng có hòng bế con, tao còn lâu mới đưa cho mày. Tao mà phát hiện mày bế nó, tao đánh mày chết. Có đánh chưa chết thì tao cũng sẽ đuổi mày cút!". Bà nội nói với vẻ kiên quyết và chắc chắn. Mẹ hiểu ra, mặt mẹ sợ hãi khủng khiếp, mỗi lần chỉ dám đứng ở xa xa ngó tôi. Cho dù vú mẹ sữa căng đầy cứng, nhưng tôi không được một ngụm sữa mẹ nào, bà nội đút từng thìa từng thìa nuôi cho tôi lớn. Bà nói, trong sữa mẹ có "bệnh thần kinh", nếu lây sang tôi thì phiền lắm.

Hồi đó nhà tôi vẫn đang giãy giụa giữa vũng bùn lầy của nghèo đói. Đặc biệt là sau khi có thêm mẹ và tôi, nhà vẫn thường phải treo niêu. Bà nội quyết định đuổi mẹ, vì mẹ không những chỉ ngồi nhà ăn hại cơm nhà, còn thỉnh thoảng làm thành tiếng thị phi.

Một ngày, bà nội nấu một nồi cơm to, tự tay xúc đầy một bát cơm đưa cho mẹ, bảo: "Con dâu, nhà ta bây giờ nghèo lắm rồi, mẹ có lỗi với cô. Cô ăn hết bát cơm này đi, rồi đi tìm nhà nào giàu có hơn một tí mà ở, sau này cấm không được quay lại đây nữa, nghe chửa?". Mẹ tôi vừa và một miếng cơm to vào mồm, nghe bà nội tôi hạ "lệnh tiễn khách" liền tỏ ra kinh ngạc, ngụm cơm đờ ra lã tã trong miệng. Mẹ nhìn tôi đang nằm trong lòng bà, lắp bắp kêu ai oán: "Đừng... đừng...". Bà nội sắt mặt lại, lấy tác phong uy nghiêm của bậc gia trưởng nghiêm giọng hét: "Con dâu điên mày ngang bướng cái gì, bướng thì chả có quả tốt lành gì đâu. Mày vốn lang thang khắp nơi, tao bao dung mày hai năm rồi, mày còn đòi cái gì nữa? Ăn hết bát đấy rồi đi đi, nghe thấy chưa hả?". Nói đoạn bà nội lôi sau cửa ra cái xẻng, đập thật mạnh xuống nền đất như Dư Thái Quân nắm gậy đầu rồng, "phầm!" một tiếng. Mẹ sợ chết giấc, khiếp nhược lén nhìn bà nội, lại chậm rãi cúi đầu nhìn xuống bát cơm trước mặt, có nước mắt rưới trên những hạt cơm trắng nhệch. Dưới cái nhìn giám sát, mẹ chợt có một cử động kỳ quặc, mẹ chia cơm trong bát một phần lớn sang cái bát không khác, rồi nhìn bà một cách đáng thương hại.

Bà nội ngồi thẫn thờ, hoá ra, mẹ muốn nói với bà rằng, mỗi bữa mẹ sẽ chỉ ăn nửa bát, chỉ mong bà đừng đuổi mẹ đi. Bà nội trong lòng như bị ai vò cho mấy nắm, bà nội cũng là đàn bà, sự cứng rắn của bà cũng chỉ là vỏ ngoài. Bà nội quay đầu đi, nuốt những nước mắt nóng đi, rồi quay lại sắt mặt nói: "Ăn mau ăn mau, ăn xong còn đi. Ở nhà này cô cũng chết đói thôi!". Mẹ tôi dường như tuyệt vọng, đến ngay cả nửa bát cơm con cũng không ăn, thập thễnh bước ra khỏi cửa, nhưng mẹ đứng ở bậc cửa rất lâu không bước ra. Bà nội dằn lòng đuổi: "Cô đi, cô đi, đừng có quay đầu lại. Dưới gầm trời này còn nhiều nhà người ta giàu!". Mẹ tôi quay lại, đưa một tay ra phía lòng bà, thì ra, mẹ muốn được ôm tôi một tí.

Bà nội lưỡng lự một lúc, rồi đưa tôi trong bọc tã lót cho mẹ. Lần đầu tiên mẹ được ẵm tôi vào lòng, môi nhắp nhắp cười, cười hạnh phúc rạng rỡ. Còn bà nội như gặp quân thù, hai tay đỡ sẵn dưới thân tôi, chỉ sợ mẹ lên cơn điên, quăng tôi đi như quăng rác. Mẹ ôm tôi chưa được ba phút, bà nội không đợi được giằng tôi trở lại, rồi vào nhà cài chặt then cửa lại.

Khi tôi bắt đầu lờ mờ hiểu biết một chút, tôi mới phát hiện, ngoài tôi ra, bọn trẻ chơi cùng tôi đều có mẹ. Tôi tìm cha đòi, tìm bà đòi, họ đều nói, mẹ tôi chết rồi. Nhưng bọn bạn cùng làng đều bảo tôi: "Mẹ mày là một con điên, bị bà mày đuổi đi rồi." Tôi tìm bà nội vòi vĩnh, đòi bà phải trả mẹ lại, còn chửi bà là đồ "bà lang sói", thậm chí hất tung mọi cơm rau bà bưng cho tôi. Ngày đó, tôi làm gì biết "điên" nghĩa là cái gì đâu, tôi chỉ cảm thấy nhớ mẹ tôi vô cùng, mẹ trông như thế nào nhỉ? mẹ còn sống không?

Không ngờ, năm tôi sáu tuổi, mẹ tôi trở về sau 5 năm lang thang.

Hôm đó, mấy đứa nhóc bạn tôi chạy như bay tới báo: "Thụ, mau đi xem, mẹ mày về rồi kìa, mẹ bị điên của mày về rồi!" Tôi mừng quá đít nhổng nhổng, co giò chạy vội ra ngoài, bà nội và cha cũng chạy theo tôi. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy mẹ, kể từ khi biết nhớ. Người đàn bà đó vẫn áo quần rách nát, tóc tai còn những vụn cỏ khô vàng khè, có trời mới biết là do ngủ đêm trong đống cỏ nào. Mẹ không dám bước vào cửa, nhưng mặt hướng về phía nhà tôi, ngồi trên một hòn đá cạnh ruộng lúa trước làng, trong tay còn cầm một quả bóng bay bẩn thỉu. Khi tôi và lũ trẻ đứng trước mặt mẹ, mẹ cuống cuồng nhìn trong đám tôi tìm con trai mẹ. Cuối cùng mẹ dán chặt mắt vào tôi, nhìn tôi chòng chọc, nhếch mép bảo: "Thụ... bóng... bóng...". Mẹ đứng lên, liên tục giơ lên quả bóng bay trong tay, dúi vào lòng tôi với vẻ nịnh nọt. Tôi thì liên tục lùi lại. Tôi thất vọng ghê gớm, không ngờ người mẹ ngày đêm tôi nhớ thương lại là cái hình người này. Một thằng cu đứng cạnh tôi kêu to: "Thụ, bây giờ mày biết con điên là thế nào chưa? Là mẹ mày như thế này đấy!"

Tôi tức tối đáp lại nó: "Nó là mẹ mày ấy! Mẹ mày mới là con điên ấy, mẹ mày mới là thế này!" Tôi quay đầu chạy trốn. Người mẹ bị điên này tôi không thèm. Bà nội và bố thì lại đưa mẹ về nhà. Năm đó, bà nội đuổi mẹ đi rồi, lương tâm bà bị chất vấn dày vò, bà càng ngày càng già, trái tim bà cũng không còn sắt thép được nữa, nên bà chủ động đưa mẹ về, còn tôi lại bực bội, bởi mẹ đã làm tôi mất thể diện.

Tôi không bao giờ tươi tỉnh với mẹ, chưa bao giờ chủ động nói với mẹ, càng không bao giờ gọi "Mẹ!", khi phải trao đổi với mẹ, tôi gào là chủ yếu, mẹ không bao giờ dám hé miệng.

Nhà không thể nuôi không mẹ mãi, bà nội quyết định huấn luyện cho mẹ làm việc vặt. Khi đi làm đồng, bà nội dắt mẹ đi "quan sát học hỏi", bà bảo mẹ không nghe lời sẽ bị đánh đòn.

Sau một thời gian, bà nội nghĩ mẹ đã được dạy dỗ tương đối rồi, liền để mẹ tự đi cắt cỏ lợn. Ai ngờ mẹ chỉ cắt nửa tiếng đã xong cả hai bồ "cỏ lợn". Bà nội vừa nhìn đã tá hỏa sợ hãi, cỏ mẹ cắt là lúa giống vừa làm đòng trỗ bông trong ruộng nhà người ta. Bà nội vừa sợ vừa giận phát cuồng chửi rủa: "Con mẹ điên lúa và cỏ mà không phân biệt được..." Bà nội còn đang chưa biết nên xoay xở ra sao, thì nhà có ruộng bị cắt lúa tìm tới, mắng bà cố ý dạy con dâu làm càn. Bà nội tôi lửa giận bốc phừng phừng, trước mặt người ta lấy gậy đánh vào eo lưng con dâu, chửi: "Đánh chết con điên này, mày cút ngay đi cho bà..."


Mẹ tuy điên, nhưng vẫn biết đau, mẹ nhảy nhỏm lên chạy trốn đầu gậy, miệng phát ra những tiếng lắp bắp sợ hãi: "Đừng... đừng...". Sau rồi, nhà người ta cũng cảm thấy chướng mắt, chủ động bảo: "Thôi, chúng tôi cũng chẳng bắt đền nữa. Sau này giữ cô ta chặt một tí là được...". Sau khi cơn sóng gió qua, mẹ oại người dưới đất thút thít khóc. Tôi khinh bỉ bảo: "Cỏ với lúa mà cũng chả phân biệt được, mày đúng là lợn!" Lời vừa dứt, gáy tôi bị một cái tát lật, là bà. Bà trừng mắt bảo tôi: "Thằng ngu kia, mày nói cái gì đấy? Mày còn thế này nữa? Đấy là mẹ mày đấy!" Tôi vùng vằng bĩu môi: "Cháu không có loại mẹ điên khùng thế này!"

"A, mày càng ngày càng láo. Xem bà có đánh mày không!" Bà nội lại giơ tay lên, lúc này chỉ thấy mẹ như cái lò xo bật từ dưới đất lên, che giữa bà nội và tôi, mẹ chỉ tay vào đầu mẹ, kêu thảng thốt: "Đánh tôi, đánh tôi!"

Tôi hiểu rồi, mẹ bảo bà nội đánh mẹ, đừng đánh tôi. Cánh tay bà trên không trung thõng xuống, miệng lẩm bẩm: "Con mẹ điên này, trong lòng nó cũng biết thương con đây!". Tôi vào lớp một, cha được một hộ chuyên nuôi cá làng bên mời đi canh hồ cá, mỗi tháng lương 50 tệ. Mẹ vẫn đi làm ruộng dưới sự chỉ bảo của bà, chủ yếu là đi cắt cỏ lợn, mẹ cũng không còn gây ra vụ rầy rà nào lớn nữa.

Nhớ một ngày mùa đông đói rét năm tôi học lớp ba, trời đột ngột đổ mưa, bà nội sai mẹ mang ô cho tôi. Có lẽ trên đường đến trường tôi mẹ đã ngã ì oạch mấy lần, toàn thân trông như con khỉ lấm bùn, mẹ đứng ở ngoài cửa sổ lớp học nhìn tôi cười ngớ ngẩn, miệng còn gọi tôi: "Thụ... ô...". Có mấy đứa bạn tôi cười khúc khích, tôi như ngồi trên bàn chông, oán hận mẹ khủng khiếp, hận mẹ không biết điều, hận mẹ làm tôi xấu hổ, càng hận thằng Phạm Gia Hỷ cầm đầu trêu chọc. Trong lúc nó còn đang khoa trương bắt chước mẹ, tôi chộp cái hộp bút trước mặt, đập thật mạnh cho nó một phát, nhưng bị Phạm Gia Hỷ tránh được. Nó xông tới bóp cổ tôi, chúng tôi giằng co đánh nhau. Tôi nhỏ con, vốn không phải là đối thủ của nó, bị nó dễ dàng đè xuống đất. Lúc này, chỉ nghe một tiếng "vút" kéo dài từ bên ngoài lớp học, mẹ giống như một đại hiệp "bay" ào vào, một tay tóm cổ Phạm Gia Hỷ, đẩy ra tận ngoài cửa lớp. Ai cũng bảo người điên rất khỏe, thật sự đúng là như vậy. Mẹ dùng hai tay nhấc bổng thằng bắt nạt tôi lên trên không trung, nó kinh sợ kêu khóc gọi bố mẹ, một chân béo ị khua khoắng đạp loạn xạ trên không trung. Mẹ không thèm để ý, vứt nó vào ao nước cạnh cổng trường, rồi mặt thản nhiên, mẹ đi ra.

Mẹ vì tôi gây ra đại hoạ, mẹ lại làm như không có việc gì xảy ra. Trước mặt tôi, mẹ lại có vẻ khiếp nhược, nhìn tôi vẻ muốn lấy lòng. Tôi hiểu ra đây là tình yêu của mẹ, dù đầu óc mẹ không tỉnh táo, thì tình yêu của mẹ vẫn tỉnh táo, vì con trai của mẹ bị người ta bắt nạt. Lúc đó tôi không kìm được kêu lên: "Mẹ!" đây là tiếng gọi đầu tiên kể từ khi tôi biết nói. Mẹ sững sờ cả người, nhìn tôi rất lâu, rồi y hệt như một đứa trẻ con, mặt mẹ đỏ hồng lên, cười ngớ ngẩn. Hôm đó, lần đầu tiên hai mẹ con tôi cùng che một cái ô về nhà. Tôi kể sự tình cho bà nội nghe, bà nội sợ rụng rời ngã ngồi lên ghế, vội vã nhờ người đi gọi cha về. Cha vừa bước vào nhà, một đám người tráng niên vạm vỡ tay dao tay thước xông vào nhà tôi, không cần hỏi han trắng đen gì, trước tiên đập phá mọi bát đũa vò hũ trong nhà nát như tương, trong nhà như vừa có động đất cấp chín. Đây là những người do nhà Phạm Gia Hỷ nhờ tới, bố Phạm hung hãn chỉ vào cha tôi nói: "Con trai tao sợ quá đã phát điên rồi, hiện đang nằm nhà thương. Nhà mày mà không mang 1000 tệ trả tiền thuốc thang, mẹ mày tao cho một mồi lửa đốt tan cái nhà mày ra."

Một nghìn tệ? Cha đi làm một tháng chỉ 50 tệ! Nhìn những người sát khí đằng đằng nhà họ Phạm, cha tôi mắt đỏ lên dần, cha nhìn mẹ với ánh mắt cực kỳ khủng khiếp, một tay nhanh như cắt dỡ thắt lưng da, đánh tới tấp khắp đầu mặt mẹ. Một trận lại một trận, mẹ chỉ còn như một con chuột khiếp hãi run rẩy, lại như một con thú săn đã bị dồn vào đường chết, nhảy lên hãi hùng, chạy trốn, tiếng chíp chíp mẹ phát ra cả đời tôi không bao giờ quên đi nổi. Sau đó phải trưởng đồn cảnh sát đến ngănbàn tay bạo lực của cha. Kết quả hoà giải của đồn cảnh sát là: Cả hai bên đều có tổn thất, cả hai không nợ nần gì nhau cả. Ai còn gây sự sẽ bắt luôn người đó. Đám người đi rồi, cha tôi nhìn khắp nhà mảnh vỡ nồi niêu bát đũa tan tành, lại nhìn mẹ tôi vết roi đầy mình, cha tôi bất ngờ ôm mẹ tôi vào lòng khóc thảm thiết. "Mẹ điên ơi, không phải là tôi muốn đánh mẹ, mà nếu như tôi không đánh thì việc này không thể dàn xếp nổi, nhà mình làm gì có tiền mà đền cho người. Bởi nghèo khổ quá mà thành hoạ đấy thôi!". Cha lại nhìn tôi nói: "Thụ, con phải cố mà học lên đại học. Không thì, nhà ta cứ bị người khác bắt nạt suốt đời, nhé!". Tôi gật đầu, tôi hiểu.

Mùa hè năm 2000, tôi thi đỗ vào trung học với kết quả xuất sắc. Bà nội tôi vì làm việc cực nhọc cả đời mà mất trước đó, gia cảnh ngày càng khó khăn hơn. Cục Dân Chính khu tự trị Ân Thi (Hồ Bắc) xếp nhà tôi thuộc diện đặc biệt nghèo đói, mỗi tháng trợ cấp 40 tệ. Trường tôi học cũng giảm bớt học phí cho tôi, nhờ thế tôi mới có thể học tiếp.

Vì học nội trú, bài vở nhiều, tôi rất ít khi về nhà. Cha tôi vẫn đi làm thuê 50 tệ một tháng, gánh tiếp tế cho tôi đặt lên vai mẹ, không ai thay thế được. Mỗi lần bà thím nhà bên giúp nấu xong thức ăn, đưa cho mẹ mang đi. Hai mươi ki lô mét đường núi ngoằn ngoèo ruột dê làm khổ mẹ phải tốn sức ghi nhớ đường đi, gió tuyết cũng vẫn đi. Và thật là kỳ tích, hễ bất cứ việc gì làm vì con trai, mẹ đều không điên tí nào. Ngoài tình yêu mẫu tử ra, tôi không còn cách giải thích nào khác. Y học cũng nên giải thích khám phá hiện tượng này.


27/4/2003, lại là một chủ nhật, mẹ lại đến, không chỉ mang đồ ăn cho tôi, mẹ còn mang đến hơn chục quả đào dại. Tôi cầm một quả, cắn một miếng, cười hỏi mẹ: "Ngọt quá, ở đâu ra?" Mẹ nói: "Tôi... tôi hái..." không ngờ mẹ tôi cũng biết hái cả đào dại, tôi chân thành khen mẹ: "Mẹ, mẹ càng ngày càng tài giỏi!". Mẹ cười hì hì.

Trước lúc mẹ về, tôi theo thói quen dặn dò mẹ phải cẩn thận an toàn, mẹ ờ ờ trả lời. Tiễn mẹ xong, tôi lại bận rộn ôn tập trước kỳ thi cuối cùng của thời phổ thông. Ngày hôm sau, khi đang ở trên lớp, bà thím vội vã chạy đến trường, nhờ thầy giáo gọi tôi ra ngoài cửa. Thím hỏi tôi, mẹ tôi có đến đưa tiếp tế đồ ăn không? Tôi nói đưa rồi, hôm qua mẹ về rồi. Thím nói: "Không, mẹ mày đến giờ vẫn chưa về nhà!" Tim tôi thót lên một cái, mẹ tôi chắc không đi lạc đường? Chặng đường này mẹ đã đi ba năm rồi, có lẽ không thể lạc được. Thím hỏi: "Mẹ mày có nói gì không?" Tôi bảo không, mẹ chỉ cho cháu chục quả đào tươi. Thím đập hai tay:" Thôi chết rồi, hỏng rồi, có lẽ vì mấy quả đào dại rồi!" Thím kêu tôi xin nghỉ học, chúng tôi đi men theo đường núi về tìm. Đường về quả thực có mấy cây đào dại, trên cây chỉ lơ thơ vài quả cọc, bởi nếu mọc ở vách đá mới còn giữ được quả. Chúng tôi cùng lúc nhìn thấy trên thân cây đào có một vết gãy cành, dưới cây là vực sâu trăm thước. Thím nhìn tôi rồi nói: "Chúng ta đi xuống khe vách đá tìm!" Tôi nói: "Thím, thím đừng doạ cháu...". Thím không nói năng kéo tôi đi xuống vách núi...

Mẹ nằm yên tĩnh dưới khe núi, những trái đào dại vương vãi xung quanh, trong tay mẹ còn nắm chặt một quả, máu trên người mẹ đã cứng lại thành đám màu đen nặng nề. Tôi đau đớn tới mức ngũ tạng như vỡ ra, ôm chặt cứng lấy mẹ, gọi: "Mẹ ơi, Mẹ đau khổ của con ơi! Con hối hận đã nói rằng đào này ngọt! Chính là con đã lấy mạng của mẹ... Mẹ ơi, mẹ sống chẳng được hưởng sung sướng ngày nào..." Tôi sát đầu tôi vào khuôn mặt lạnh cứng của mẹ, khóc tới mức những hòn đá dại trên đỉnh núi cũng rớt nước mắt theo tôi.

Ngày 7/8/2003, một trăm ngày sau khi chôn cất mẹ, thư gọi nhập học dát vàng dát bạc của Đại học Hồ Bắc đi xuyên qua những ngả đường mẹ tôi đã đi, chạy qua những cây đào dại, xuyên qua ruộng lúa đầu làng, "bay" thẳng vào cửa nhà tôi. Tôi gài lá thư đến muộn ấy vào đầu ngôi mộ cô tịch của mẹ: "Mẹ, con đã có ngày mở mặt mở mày rồi, MẸ có nghe thấy không? MẸ có thể ngậm cười nơi chín suối rồi!"

(Trang Hạ dịch, nguồn: blog của Trang Hạ)

Wednesday, November 08, 2006

Tiếng Anh pho đơ mi

LONG dài , SHORT ngắn, TALL cao
HERE đây, THERE đó, WHICH nào, WHERE đâu
SENTENCE có nghĩa là câu
LESSON bài học ,RAINBOW cầu vòng
HUSBAND là đức ông chồng
DADDY cha bố, PLEASE DON'T xin đừng
DARLING tiếng gọi em cưng
MERRY vui thích cái sừng là HORN
Rách rồi xài đỡ chữ TORN
TO SING là hát A SONG một bài
Nói sai sự thật TO LIE
GO đi, COME đến, một vài là SOME
đứng STAND, LOOK ngó, LIE nằm
FIVE năm, FOUR bốn, HOLD cầm, PLAY chơi
ONE LIFE là một cuộc đời
HAPPY sung sướng, LAUGH cười, CRY (CALL) kêu
LOVER đích thực người yêu
CHARMING duyên dáng, mỹ miều GRACEFUL
Mặt trăng là chữ THE MOON
WORLD là thế giới , sớm SOON, LAKE hồ
Dao KNIFE, SPOON muỗng, cuốc HOE
đêm NIGHT, DARK tối, khổng lồ là GIANT
GAY vui, DIE chết, NEAR gần
SORRY xin lỗi , DULL đần, WISE khôn
BURY có nghĩa là chôn
OUR SOULS tạm dịch linh hồn chúng ta
Xe hơi du lịch là CAR
SIR ngài, LORD đức, thưa bà MADAM
THOUSAND là đúng mười trăm
Ngày DAY , tuầ n WEEK, YEAR năm, HOUR giờ
WAIT THERE đứng đó đợi chờ
NIGHTMARE ác mộng, DREAM mơ , PRAY cầu
Trừ ra EXCEPT, DEEP sâu
DAUGHTER con gái, BRIDGE cầu, POND ao
ENTER tạm dịch đi vào
Thêm FOR tham dự lẽ nào lại sai
SHOULDER cứ dịch là vai
WRITER văn sĩ, cái đài RADIO
A BOWL là một cái tô
Chữ TEAR nước mắt ,TOMB mồ MISS cô
May khâu dùng tạm chữ SEW
Kẻ thù dịch đại là FOE chẳng lầm
SHELTER tạm dịch là hầm
Chữ SHOUT la hét, nói thầm WHISPER
WHAT TIME là hỏi mấy giờ
CLEAR trong, CLEAN sạch, mờ mờ là DIM
Gặp ông ta dịch SEE HIM
SWIM bơi ,WADE lội, DROWN chìm chết trôi
MOUNTAIN là núi, HILL đồi
VALLEY thung lũng, cây sồi OAK TREE
Tiền xin đóng học SCHOOL FEE
Cho tôi dùng chữ GIVE ME chẳng lầm
TO STEAL tạm dịch cầm nhầm
Tẩy chay BOYCOTT, gia cầm POULTRY
CATTLE gia súc , ong BEE
SOMETHING TO EAT chút gì để ăn
LIP môi, TONGUE lưỡi , TEETH răng
EXAM thi cử, cái bằng LICENSE.

.

“Em hãy phát biểu cảm nghĩ về một người thân yêu nhất”

Đề bài: “Em hãy phát biểu cảm nghĩ về một người thân yêu nhất”

Bài làm:

Trong cuộc sống hàng ngày, có biết bao nhiêu người đáng để chúng ta thương yêu và dành nhiều tình cảm. Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ rằng, người thân yêu nhất của bạn là ai chưa? Với mọi người câu trả lời ấy có thể là ông bà, là mẹ, là anh chị hoặc cũng có thể là bạn bè chẳng hạn. Còn riêng tôi, hình ảnh người bố sẽ mãi mãi là ngọn lửa thiêng liêng, sưởi ấm tâm hồn tôi mãi tận sau này.

Bố tôi không may mắn như những người đàn ông khác. Trong suốt cuộc đời bố có lẽ không bao giờ được sống trong sự sung sướng, vui vẻ. Bốn mươi tuổi khi chưa đi được nửa chặng đời người, bố đã phải sống chung với bao nhiêu bệnh tật: Đầu tiên đó chỉ là những cơn đau dạ dày, rồi tiếp đến lại xuất hiện thêm nhiều biến chứng. Trước đây, khi còn khỏe mạnh, bao giờ bố cũng rất phong độ.

Thế nhưng bây giờ, vẻ đẹp ấy dường như đã dần đổi thay: Thay vì những cánh tay cuồn cuộn bắp, giờ đây chỉ còn là một dáng người gầy gầy, teo teo. Đôi mắt sâu dưới hàng lông mày rậm, hai gò má cao cao lại dần nổi lên trên khuôn mặt sạm đen vì sương gió. Tuy vậy, bệnh tật không thể làm mất đi tính cách bên trong của bố, bố luôn là một người đầy nghị lực, giàu tự tin và hết lòng thương yêu gia đình.

Gia đình tôi không khá giả, mọi chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào đồng tiền bố mẹ kiếm được hàng ngày. Dù bệnh tật, ốm đau nhưng bố chưa bao giờ chịu đầu hàng số mệnh. Bố cố gắng vượt lên những cơn đau quằn quại để làm yên lòng mọi người trong gia đình, cố gắng kiếm tiền bằng sức lao động của mình từ nghề xe lai.

Hàng ngày, bố phải đi làm từ khi sáng sớm cho tới lúc mặt trời đã ngã bóng từ lâu. Mái tóc bố đã dần bạc đi trong sương sớm. Công việc ấy rất dễ dàng với những người bình thường nhưng với bố nó rất khó khăn và gian khổ. Bây giờ có những lúc phải chở khách đi đường xa, đường sốc thì những cơn đau dạ dạy của bố lại tái phát.

Và cả những ngày thời tiết thay đổi, có những trưa hè nắng to nhiệt độ tới 38-48 độ C, hay những ngày mưa ngâu rả rích cả tháng 7, tháng 8, rồi cả những tối mùa đông lạnh giá, bố vẫn cố gắng đứng dưới những bóng cây kia mong khách qua đường. Tôi luôn tự hào và hãnh diện với mọi người khi có được một người bố giàu đức hy sinh, chịu thương, chịu khó như vậy.

Nhưng có phải đâu như vậy là xong. Mỗi ngày bố đứng như vậy thì khi trở về những cơn đau quằn quại lại hành hạ bố. Nhìn khuôn mặt bố nhăn nhó lại, những cơn đau vật vã mà bố phải chịu đựng, tôi chỉ biết òa lên mà khóc. Nhìn thấy bố như vậy, lòng tôi như quặn đau hơn gấp trăm ngàn lần. Bố ơi, giá như con có thể mang những cơn đau đó vào mình thay cho bố, giá như con có thể giúp bố kiếm tiền thì hay biết mấy? Nếu làm được gì cho bố vào lúc này để bố được vui hơn, con sẽ làm tất cả, bố hãy nói cho con được không?

Những lúc ấy, tôi chỉ biết ôm bố, xoa dầu cho bố, tôi chỉ muốn với bố đừng đi làm nữa, tôi có thể nghỉ học, như vậy sẽ tiết kiệm được chi tiêu cho gia đình, tôi có thể kiếm được tiền và chữa bệnh cho bố. Nhưng nếu nhắc đến điều đó chắc chắn là bố sẽ buồn và thất vọng ở tôi nhiều lắm.

Bố luôn nói rằng bố sẽ luôn chiến đấu. Chiến đấu cho tới những chút sức lực cuối cùng để có thể nuôi chúng tôi ăn học thành người. Bố rất quan tâm đến việc học của chúng tôi. Ngày xưa bố học rất giỏi nhưng nhà nghèo bố phải nghỉ học. Vào mỗi tối, khi còn cố gắng đi lại được, bố luôn bày dạy cho mấy chị em học bài.

Trong những bữa cơm bố thường nhắc chúng tôi cách sống, cách làm người sao cho phải đạo. Tôi phục bố lắm, bố thuộc hàng mấy nghìn câu Kiều, hàng trăm câu châm ngôn, danh ngôn nổi tiếng…

Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng tự giác học tập. Tôi sẽ làm một bác sĩ và sẽ chữa bệnh cho bố, sẽ kiếm tiền để phụng dưỡng bố và đi tiếp những bước đường dở dang trong tuổi trẻ của bố. Tôi luôn biết ơn bố rất nhiều, bố đã dành cho tôi một con đường sáng ngời, bởi đó là con đường của học vấn, chứ không phải là con đường đen tối của tiền bạc. Tôi sẽ luôn lấy những lời bố dạy để sống, lấy bố là gương sáng để noi theo.

Và tôi khâm phục không chỉ bởi bố là một người giỏi giang, là một người cao cả, đứng đắn, lòng kiên trì chịu khó mà còn bởi cách sống lạc quan, vô tư của bố. Mặc dù những thời gian rảnh rỗi của bố còn lại rất ít nhưng bố vẫn trồng và chăm sóc khu vườn trước nhà để cho nó bao giờ cũng xanh tươi.

Những giỏ phong lan có bao giờ bố quên cho uống nước vào mỗi buổi sáng; những cây thiết ngọc lan có bao giờ mang trên mình một cái lá héo nào? Những cây hoa lan, hoa nhài có bao giờ không tỏa hương thơm ngát đâu? Bởi đằng sau nó luôn có một bàn tay ấm áp chở che, chăm sóc, không những yêu hoa mà bố còn rất thích nuôi động vật.

Tuy nhà tôi bao giờ cũng có hai chú chó con và một chú mèo và có lúc bố còn mang về những chiếc lồng chim đẹp nữa. Và hơn thế, trong suốt hơn năm năm trời chung sống với bệnh tật, tôi chưa bao giờ nghe bố nhắc đến cái chết, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc trốn tránh sự thật, bố luôn đối mặt với “tử thần”, bố luôn dành thời gian để có thể làm được tất cả mọi việc khi chưa quá muộn.

Nhưng cuộc đời bố bao giờ cũng đầy đau khổ, khi mà cả gia đình đã dần khá lên, khi các chị tôi đã có thể kiếm tiền, thì bố lại bỏ chị em tôi, bỏ mẹ, bỏ gia đình này để ra đi về thế giới bên kia. Bố đi về một nơi rất xa mà không bao giờ được gặp lại. Giờ đây khi tôi vấp ngã, tôi sẽ phải tự đứng dậy và đi tiếp bằng đôi chân của mình, bởi bố đi xa, sẽ không còn ai nâng đỡ, che chở, động viên tôi nữa.

Bố có biết chăng nơi đây con cô đơn buồn tủi một mình không? Tại sao nỡ bỏ con ở lại mà đi hả bố? Nhưng con cũng cảm ơn bố, bố đã cho con thêm một bài học nữa, đó chính là trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta hãy trân trọng những gì đang có, hãy yêu thương những người xung quanh mình hơn, và đặc biệt hãy quan tâm, chăm sóc cho bố của mình, tha thứ cho bố, khi bố nóng giận và nỡ mắng mình bởi bố luôn là người yêu thương nhất của chúng ta.

Bố ra đi, đi đến một thế giới khác, ở nơi đó bố sẽ không còn bệnh tật, sẽ thoát khỏi cuộc sống thương đau này. Và bố hãy yên tâm, con sẽ luôn nhớ những lời dạy của bố, sẽ luôn thương yêu, kính trọng biết ơn bố, sẽ sống theo gương sáng mà bố đã rọi đường cho con đi. Hình ảnh của bố sẽ luôn ấp ủ trong lòng con. Những kỷ niệm, những tình cảm bố dành cho con, con sẽ ôm ấp, trân trọng, nó như chính linh hồn của mình.

NGUYỄN THỊ HẬU
(Lớp 10A2, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh, Nghệ An

Lời phê của cô giáo Phan Thị Thanh Vân:

“Em là một người con ngoan, bài viết của em đã làm cho cô rất xúc động.

Điều đáng quý nhất của em là tình cảm chân thực và em có một trái tim nhân hậu, em đã cho cô một bài học làm người.

Mong rằng đây không chỉ là trang văn mà còn là sự hành xử của em trong cuộc đời”.


(Theo Tuổi Trẻ)

Saturday, November 04, 2006

Dưỡng tử giáo độc thư,

Dưỡng tử giáo độc thư,
Thư trung hữu kim ngọc

Dưỡng tử giáo "surf Net",
"In Net" hữu mỹ nhân ;)


Trích ra đây một đoạn viết ngắn về phương châm "giáo dục" của cuốn sách:

...Người ta đã chứng minh được rằng, nếu trong thời kỳ nhất định, ta cho ong thợ ăn một loại thức ăn nhất định, thì con ong thợ đó biến thành con ong chúa, nhưng bỏ qua giai đoạn cần thiết đó thì dù cho nuôi con ong kia bao nhiêu lâu và cũng bằng đúng loại thức ăn ấy chăng nữa nó cũng không sao trở thành con ong chúa... Với đứa trẻ sự việc xảy ra cũng hệt như vậy. Người ta cứ tưởng là bắt đầu dạy con càng muộn càng tốt vì nó được sự chuẩn bị chu đáo. Nhưng không phải thế, cuốn sách đã cung cấp cho chúng ta một ví dụ sinh động về con đường giáo dục các “thần đồng”. Bà Lưu đã tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc giáo dục Carl Witer: “Đối với sự trưởng thành của con trẻ, vần đề tối quan trọng là giáo dục, chứ không phải là tư chất. Trẻ em cuối cùng trở thành thiên tài hay người thường, không phải do tư chất thông minh nhiều hay ít quyết định, mà điểm mấu chốt là ở việc giáo dục trẻ từ lúc mới sinh cho tới 5-6 tuổi” ...

A reader's review: "Đây là cách giáo dục con đã có từ lâu đời nhưng lại ít được con người hiện đại để ý vì người ta luôn cho rằng tài năng bẩm sinh là quan trọng. Tuy nhiên trẻ thơ nếu được giáo dục đúng thời điểm sẽ phát huy được 100% nội lực sẵn có, càng để lâu thì sự phát huy sẽ càng giảm dần. Sách có viết : Mỗi một loài vật đều có những thời điểm để học và phát huy khả năng tiềm tàng của cơ thể, nếu bỏ qua thời điểm đó thì khả năng đó sẽ bị giảm hoặc mất đi. VD: trong 5 ngày đầu gà con sẽ nhận ra tiếng gọi của mẹ. Nếu trong 5 ngày đó mà nhốt gà con trong một gian phòng kín, không được nghe tiếng mẹ thì sau khi thả ra gà con sẽ không bao giờ theo tiếng mẹ gọi nữa, hoặc như chó con, 15 ngày đầu sẽ học được cách đào đất giấu xương, nếu trong thời điểm đó mà nhốt nó vào trong phòng nền bê tông thì sau đó con chó đó sẽ mất khả năng này...vv.và vv...trẻ con cũng vậy, việc giáo dục trẻ em phải được thực hiện từ lúc 0 tuổi, khi đó khả năng tiếp thu và phát triển đại não là 100%, nếu theo truyền thống thì mọi người thường coi nhẹ việc giáo dục trẻ từ khi mới sinh mà đợi đến lúc 5,6 tuổi mới dạy. Lúc trẻ 5,6 tuổi thì khả năng tiếp thu chỉ đạt được khoảng 70%..."

Forever...

Forever...
Stratovarius / Episode (1996)


I stand alone in the darkness
The winter of my life came so fast
Memories go back to my childhood
Today I still recall

Oh how happy I was then
There was no sorrow there was no pain
Walking through the green fields
Sunshine in my eyes

I'm still there everywhere
I'm the dust in the wind
I'm the star in the northern sky
I never stayed anywhere
I'm the wind in the trees
Would you wait for me forever ?
Trong bóng tối cô đơn mình anh
Cơn gió nào khiến cuộc đời trôi rất nhanh
Uớc sao được về lại tuổi thơ
Nơi anh đã từng sống và mơ...

Oh, thủa ấu thơ, còn gì đẹp hơn
Không có khổ đau, ko có chia xa,
Đồng cỏ xanh ta dạo bước đùa quanh
Dưới một trời ngập tràn ánh nắng

Anh vẫn đứng, nhớ về nơi xưa ấy,
Âm thầm trong cơn gió,
Lặng lẽ giữa trời đêm,
Như chưa bao giờ cách xa
Như gió vương cây đùa lá

Em có còn ở đó, chờ anh?


Bài hát là nỗi nhớ da diết được thể hiện qua chất giọng truyền cảm của Stratovarius. Lời của bài hát cũng quá hay, trữ tình & triết lý.
http://www.hostmyfile.info/ufiles/3502/Stratovarious-Forever.mp3

Wednesday, November 01, 2006

Bản chất của thành công

Đề bài:
Một bài học sâu sắc, ý nghĩa mà cuộc sống đã tặng cho em

Bài làm:
Bản chất của thành công

Đã bao giờ bạn tự hỏi thành công là gì mà bao kẻ bỏ cả cuộc đời mình theo đuổi? Phải chăng đó là kết quả hoàn hảo trong công việc, sự chính xác đến từng chi tiết? Hay đó là cách nói khác của từ thành đạt, nghĩa là có được một cuộc sống giàu sang, được mọi người nể phục? Vậy thì bạn hãy dành chút thời gian để lặng mình suy ngẫm. Cuộc sống sẽ chỉ cho bạn có những người đạt được thành công theo một cách giản dị đến bất ngờ.

Thành công là khi bố và con trai có dũng khí bước vào bếp, nấu những món ăn mẹ thích nhân ngày 8-3. Món canh có thể hơi mặn, món cá sốt đáng lẽ phải có màu đỏ sậm thì lại ngả sang màu… đen cháy. Nhưng nhìn mâm cơm, mẹ vẫn cười. Bởi vì hai bố con không thể thành công trên “chiến trường” bếp núc, nhưng lại thành công khi tặng mẹ “đoá hồng” của tình yêu. Một món quà ý nghĩa hơn cả những món quà quý giá, hạnh phúc ấy long lanh in trong mắt mẹ.
Thành công còn là hình ảnh một cậu bé bị dị tật ở chân, không bao giờ đi lại bình thường được. Từ nhỏ cậu đã nuôi ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá. Sau bao nỗ lực khổ luyện, cậu bé trở thành cầu thủ dự bị trong một đội bóng nhỏ, và chưa bao giờ được chính thức ra sân. Nhưng đó không phải là thất bại. Trái lại, thành công đã nở hoa khi cậu bé năm xưa, với bao nghị lực và quyết tâm, đã chiến thắng hoàn cảnh để theo đuổi ước mơ từ ngày thơ bé. Thành công ấy, liệu có mấy người đạt được?

Sau mỗi mùa thi đại học, có bao “sĩ tử” buồn rầu khi biết mình trở thành “tử sĩ”. Hai bảy điểm, cao thật đấy. Nhưng cao mà làm gì khi NV1 lấy tới hai bảy phẩy năm? Đó thật ra không phải là thất bại, chỉ là khi thành công - bị - trì - hoãn mà thôi. Cuộc sống vẫn chào đón họ với NV2, NV3. Quan trọng là họ đã nỗ lực hết sức để khẳng định mình. Đó là ý nghĩa vẹn nguyên của các kỳ thi, và cũng là bản chất của thành công.

Ngày còn nhỏ, tôi đã được đọc một câu chuyện rất xúc động. Chuyện kể về một cậu bé nghèo với bài văn tả lại mẹ - người phụ nữ đã che chở cuộc đời em. Cậu bé viết về một người mẹ với mái tóc pha sương, với đôi bàn tay ram ráp nhăn nheo nhưng dịu hiền và ấm áp. Cậu kết luận rằng: bà ngoại là người mẹ - người phụ nữ đã nâng đỡ em trong suốt hành trình của cuộc đời. Bài văn lạc đề, phải về nhà viết lại. Nhưng đó mới chính là một tác phẩm thành công, bởi ở đó chất chứa tình yêu thương của đứa cháu mồ côi dành cho bà ngoại. Liệu có thành công nào, tình cảm nào thiêng liêng hơn thế?

Nhiều năm trước, báo chí từng vinh danh một cậu học trò nghèo thi đậu đại học với vị trí thủ khoa. Đối với cậu, đó là một thành công lớn. Nhưng có một thành công khác, lặng thầm mà lớn lao, đó là chiến thắng của một người cha gần 20 năm trời đạp xích lô nuôi con ăn học. Bao niềm tin và hi vọng hiện lên trên gương mặt vốn đã chịu nhiều khắc khổ. Và ngày con trai đậu đại học cũng là ngày tốt nghiệp khoá - học - của - một - người - cha.

Tôi biết có một nữ sinh tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu gần hai mươi năm trước. Với tài năng của mình, cô có thể gặt hái thành công trên con đường sự nghiệp và danh vọng. Nhưng cô sinh viên năm ấy đã chấp nhận hi sinh những cơ hội của đời mình để trở thành một người vợ đảm đang, một người mẹ dịu hiền của hai cô công chúa nhỏ. Cho tới bây giờ, khi đã là một phụ nữ trung niên, Người vẫn nói với tôi rằng: “Chăm sóc bố và hai con chu đáo, đối với mẹ đã là một thành công lớn”. Mỗi khi nghe câu nói ấy, tôi lại rơi nước mắt. Gia đình là hạnh phúc, là thành quả đẹp đẽ của đời mẹ, và chúng tôi phải cảm ơn mẹ vì điều đó.

Con người luôn khát khao thành công, nhưng mù quáng theo đuổi thành công thì thật là vô nghĩa. Bạn muốn mình giàu có, muốn trở thành tỷ phú như Bill Gates? Vậy thì hãy gấp đồng tiền một cách cẩn thận rồi trao nó cho bà cụ ăn xin bên đường. Với việc làm đẹp đẽ ấy, bạn sẽ cho mọi người hiểu được bạn không chỉ giàu có về vật chất mà còn giàu có tâm hồn. Khi đó, bạn đã thực sự thành công.

Cũng có khi bạn ước mơ thành công sẽ đến với mình như đến với Abramovich - ông chủ của đội bóng toàn những ngôi sao? Thành công chẳng ở đâu xa, chỉ cần bạn dành thời gian chăm sóc cho “đội bóng” của gia đình bạn. Ở đó, bạn nhận được tình yêu thương vô bờ bến, thứ mà Abramovich không nhận lại được từ những cầu thủ của ông ta. Thành công đến với mọi người một cách giản dị và ngọt ngào như thế!

Bạn được sinh ra, đó là một thành công vĩ đại của cha và mẹ. Trách nhiệm của bạn là phải gìn giữ cho vẻ đẹp hoàn thiện của thành công ấy. Đừng bao giờ ủ ê nghĩ rằng cuộc sống là một chuỗi của thất bại, bởi như một giáo sư người Anh từng nói: “Cuộc sống này không có thất bại, có chăng là cách chúng ta nhìn nhận mọi việc mà thôi”. Còn đối với tôi, thành công là khi ai đó đọc được bài viết nhỏ này. Có thể sẽ chẳng được điểm cao, nhưng gửi gắm được những suy nghĩ của mình vào trang viết, với tôi, đó là một thành công.

Hà Minh Ngọc