Thơ và bình thơ
cachiusa
14-04-2005, 02:57 AM
Những bài này là em "cop & paste", nhưng đều là cop những bài mà em đã kỳ cạch gõ từ hồi xưa xửa xừa xưa...
Đêm sao sáng
(Nguyễn Bính)
Đêm hiện dần lên những chấm sao
Lòng trời đương thấp bỗng nhiên cao
Sông Ngân đã tỏ đôi bờ lạnh
Ai biết cầu Ô ở chỗ nào?
Tìm mũ Thần Nông chẳng thấy đâu
Thấy con vịt lội giữa dòng sâu
Sao Hôm như mắt em ngày ấy
Rớm lệ nhìn tôi bước xuống tàu
Chòm sao Bắc Đẩu sáng tinh khôi
Lộng lẫy uy nghi một góc trời
Em ở bên kia bờ vĩ tuyến
Nhìn sao thao thức mấy năm rồi...
Sao đặc trời cao sáng suốt đêm
Sao đêm chung sáng chẳng chia miền
Trời còn có bữa sao quên mọc
Tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ em.
Nguyễn Bính viết bài thơ năm 1957 tại Hà Nội. Bấy giờ đã là ba năm kể từ ngày cán bộ ta tập kết ra Bắc, với hy vọng chỉ một vài năm - thông qua Tổng tuyển cử cả nước - nhân dân hai miền Nam - Bắc sẽ được sum vầy (theo tinh thần hiệp định Giơnevơ). Nhưng khả năng ấy đã trở nên ngày một diệu vợi. Tiến trình thống nhất đất nước bị ngăn trở! Không phải vô tình mà hầu hết những nhà thơ sinh trưởng, hoặc từng gắn bó với mảnh đất, con người miền Nam đã bắt đầu róng riết cất lên tiếng kêu của nỗi đau chia cắt. Ta có thể đọc thấy ở Xuân Diệu: Đất nước trong tôi là một khối/ Dòng sông Bến Hải chảy qua tim; ở Tế Hanh: Như đất nước: lòng ta chưa thống nhất/ Em ở đâu rồi, em ở đâu?
Nguyễn Bính, mặc dù quê gốc Nam Định, nhưng một thời gian dài trước và sau Cách mạng Tháng Tám đã sinh sống và hoạt động ở Nam Bộ, từng có lúc ông được chỉ định làm Phó chủ nhiệm Tình bộ Việt Minh Rạch Giá (cũng tại đây, ông lấy vợ và sinh được hai cô con gái). Nỗi đau ấy không phải không xuất phát từ một nguyên cớ trong trái tim nhà thơ:
Đêm hiện dần lên những chấm sao
Lòng trời đương thấp bỗng nhiên cao
Đây là một quan sát khá tinh. Hợp lý thôi: trước khi sao mọc, trời đất còn nhòa một khối, lẫn với bóng đêm. Ánh sáng những vì sao như những vệt dấu làm ta phân định rõ ranh giới trời - đất. Ánh sáng bung nở làm vòm trời như được "nâng" hẳn lên, thậm chí: Sông Ngân đã tỏ đôi bờ lạnh, dù rằng, trời càng sáng thì - như một nghịch lý - mắt nhà thơ lại mờ đi trong tâm trạng thất vọng, nhung nhớ: Ai biết cầu Ô ở chỗ nào?
Không biết tự bao giờ, và ai là người đầu tiên nhìn dải sao trời ấy mà đặt tên dải Ngân Hà. Rồi sao Thần Nông, rồi cầu Ô Thước? Cách gọi của Nguyễn Bính không thêm gì mới nhưng nó hợp với những điều ông đang nghĩ ngợi và xa xót. Đất nước cắt chia. Ranh giới hai miền Nam - Bắc (đúng ra là hai chế độ chính trị khác biệt) được phân định bởi một con sông. Và, chiếc cầu Hiền Lương đã trở thành biểu tượng của sự ngăn cách ấy: Sông Ngân đã tỏ đôi bờ lạnh/ Ai biết cầu Ô ở chỗ nào?... Có lẽ hai câu thơ thứ 7, thứ 8 sẽ làm sáng tỏ hơn nguyên do tại sao nhà thơ lại có những liên hệ này: Sao Hôm như mắt em đêm ấy/ Rớm lệ nhìn tôi bước xuống tàu.
"Ngày ấy"- đã ba năm trôi qua. Ai đâu hay đã ngàn ngày có lẻ, nhà thơ - và biết bao con người khác nữa - sống trong tâm trạng "đêm Nam ngày Bắc", chưa kể ở trong ấy, ở "bên kia bờ vĩ tuyến", em cũng Nhìn sao thao thức mấy năm rồi...
Khổ thơ thứ ba có lẽ là khổ thơ "lộ ý" nhất toàn bài. Không có nó, bài thơ sẽ chỉ là một thi phẩm được viết theo hướng cũ "hiện thực phê phán", chứ chưa phải "hiện thực xã hội chủ nghĩa". Bởi thế mà ta bắt gặp ở đây hình ảnh Chòm sao Bắc Đẩu sáng tinh khôi/ Lộng lẫy uy nghi một góc trời... Chỉ có điều, trong khổ thơ này của Nguyễn Bính, ý thơ cứng nhưng điệu thơ mềm. Giọng thơ đọc lên thấy bùi ngùi (Có lẽ do những chữ cuối câu trong toàn bài hầu hết tác giả dùng thanh bằng, và chữ cuối của câu thơ cuối khổ là dấu huyền nên âm điệu bao giờ cũng chùng xuống khi hết một khổ). Và bởi thế mà khổ thơ trên bao giờ cũng tràn xuống khổ dưới:
Sao đêm chung sáng chẳng chia miền
Đến đây, ở đây, nhà thơ đã học cách nói dân gian để biểu lộ tình cảm trước sau như nhất của mình. Trước Nguyễn Bính, trong bài thơ Ta đi tới viết tháng 8-1945, Tố Hữu cũng đã nhấn mạnh ý đó thông qua một cách nói dân gian khác: Dù ai rào giậu ngăn sân/ Lòng ta vẫn giữ là dân cụ Hồ. Bây giờ lại đến Nguyễn Bính - thông qua hình ảnh những ngôi sao chi chít, dày đặc, đoàn tụ trên trời mà - cùng với các đồng nghiệp - "tập kết" ý tưởng của mình. Chỉ lạ, đến hai câu cuối: Trời còn có bữa sao quên mọc/ Tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ em... "hệ câu chữ" vẫn thống nhất (trên sao, dưới vẫn nói về sao), nhưng rõ ràng có một nhánh nhỏ được tách ra từ đây, nó thể hiện tâm trạng đơn lẻ của tác giả: ông vẫn ghì riết lấy nỗi niềm riêng nhớ nhung của mình (dù rằng nó được đặt trong bối cảnh chung của đất nước). Điều này cho thấy có một cái gì đó "bất kham" ở con người Nguyễn Bính. Độc giả hiểu và đồng cảm với nhà thơ, bởi dẫu sao trong số những bài thơ gắn với chủ đề đấu tranh và thống nhất đất nước, Đêm sao sáng vẫn là một trong những bài thơ đi sâu được vào lòng người, dù rằng trong sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Bính, có thể nó chỉ được xếp vào loại "bậc hai" mà thôi.
(Phạm Nhật Linh)
cachiusa
14-04-2005, 05:11 PM
ƯỚC MƠ KHÔNG CHẬT HẸP BAO GIỜ
Nhà chật
Lưu Quang Vũ
Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi
Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo
Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo
Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình
Nhà chật như khoang thuyền nhỏ hẹp giữa sông
Vừa căng buồm để đi, vừa nấu cơm để sống
Phải bỏ hết những gì không cần thiết
Ta chỉ có mấy thước vuông cho hành lý của mình
Khoảng không gian của anh và em
Khi buồn bã em không thể quay mặt đi nơi khác
Anh không giấu em một nghĩ lo nào được
Ta chỉ có mấy thước vuông để cùng khổ cùng vui
Anh ngẩng lên là ở cạnh em rồi
Bạn thuyền ơi, ngoài kia chiều lộng gió
Bên cửa sổ của gian phòng nhỏ
Mắt em xanh thăm thẳm những chân trời
Có lẽ, phải đến thế kỷ này, song song với việc gia tăng dân số, nhu cầu nhà ở đã trở nên bức bách đối với mỗi con người và trở thành vấn đề nan giải của toàn xã hội... Lưu Quang Vũ từng có những vần thơ ca ngợi thành phố nơi anh sinh trưởng: "trải bao đời thành phố có nhà tôi". Hay đâu, cũng chính bởi "trải bao đời" mà căn phòng anh ở chỉ còn là một ô ngăn, nhỏ nhoi lọt thỏm giữa một khu dân cư náo nhiệt.
Căn phòng hẹp, thật hẹp! Đến độ, sống trong căn phòng ấy, người ta không còn biết cách sao giấu được thái độ, tâm trạng của chính mình:
"Khi buồn bã em không thể quay mặt đi nơi khác
Anh không giấu em một nghĩ lo nào được"
Thậm chí, hơn thế nữa:
"Nhà chỉ mấy thước vuông sách vở xếp cạnh nồi"
Thì ra, cuộc sống đã nhắc người ta phải biết giữ thăng bằng. Sách vở - Nồi niêu tưởng xa lạ với nhau, ấy vậy mà lại có quan hệ "hữu cơ". Thi hào Đức Hai-nơ từng vẽ ra một xã hội tương lai: đó là xã hội của hoa hồng, bánh mỳ và thơ ca. Dĩ nhiên, để giữ được một cuộc sống hạnh phúc, cuộc sống "hoa hồng" thì người ta cần phải có thơ ca và cũng cần phải có cả... bánh mỳ. Ngay đến giấc mơ của con người cũng có thoát ra ngoài thực tế được đâu:
"Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo"
Trước kia, Xuân Quỳnh có câu thơ được nhiều người thích:
"Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức"
Chính nỗi lo toan thường nhật đã khiến trong giấc mơ người ta vẫn làm chủ được trạng huống của mình. Đành vậy, biết sao được! "Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo" Cùng chung tồn tại trên một khoảng tường, dưới cái đinh của "chủ nghĩa hiện thực" là "bộ vỏ", là thân xác và cốt lõi của tâm hồn.
Như vậy là, với các biểu tượng đối lập: sách vở-xong nồi, tranh treo-áo phơi (khổ đầu), thuyền-sông, căng buồm-nấu cơm, đi và sống (khổ giữa), cửa sổ (gian phòng) và mắt em _ cửa sổ tâm hồn (khổ cuối), Lưu Quang Vũ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người bài trí sân khấu và gây dựng tình huống cho vở kịch. Độc giả đã nhận ra được phần nào khả năng liên tưởng của anh. Tuy nhiên, nếu nói về sự ví von, thì sự ví von hay nhất và cảm động nhất vẫn là:
"Nhà chật như khoang thuyền nhỏ hẹp giữa sông"
Ngôi nhà này không thuộc dạng "bất động sản". Ngoài ý nghĩa là nơi trú ngụ của con người, nó còn phải có "chức năng" đưa chủ nhân của mình tới những bến bờ xa xăm: "Vừa căng buồm để đi vừa nấu cơm để sống". "Con thuyền" ấy phải chịu tác động của giông bão bầu trời cũng như của nghìn trùng sóng nước. Thậm chí nó có thể bị chìm, bị đắm nếu con người không biết "bỏ hết những gì không cần thiết" trong "hành lý" của mình.
Tuy nhiên, với lá buồm được căng lên bằng tâm hồn đầy khát vọng và với chiếc neo của trái tim sâu nặng nghĩa đời, con thuyền ấy đã vượt qua bao thác ghềnh.
Tiếc thay, trên con đường từ sông ra biển, cách đây gần chục năm, con thuyền ấy đã mắc cạn bên một chiếc cầu... Tai nạn giao thông ập đến bất ngờ đã cướp đi một gia đình nghệ sĩ tài hoa!
Qua bài thơ, Lưu Quang Vũ muốn giãi bày với chúng ta một hoàn cảnh, nhưng trên hết là một phương châm sống, một cách vượt lên gian khó đời thường.
Phạm Khải (1997)
cachiusa
15-04-2005, 12:17 PM
Hoa cỏ may
(Xuân Quỳnh)
Cát vắng, sông đầy, cây ngẩn ngơ
Không gian xao xuyến chuyển sang mùa
Tên mình ai gọi sau vòm lá
Lối cũ em về nay đã thu
Mây trắng bay đi cùng với gió
Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ
Đắng cay gửi lại bao mùa cũ
Thơ viết đôi dòng theo gió xa
Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may
Áo em sơ ý cỏ găm đầy
Lời yêu mỏng mảnh như màu khói
Ai biết lòng anh có đổi thay
Bài thơ mở đầu bằng một bức tranh tương đối tĩnh lặng, hợp với tâm trạng của người đang tìm về kỷ niệm... Câu thơ giàu hình ảnh mà thiếu âm thanh. Có cây mà không nghe thấy tiếng lá, sông đầy mà không nghe thấy tiếng sóng. Tất cả ngưng đọng cho một sự hồi tưởng... Xao xuyến vốn là từ chỉ trạng thái, nhưng ở đây, trước hình tượng trời-đất (không gian) nó gợi âm thanh nhiều hơn. Nhưng âm thanh ấy phát ra từ đâu? Từ cái không gian đang chuyển mùa kia chăng?... Ta lại phải trở lại với câu thơ đầu để tìm đến với những hình ảnh cụ thể hơn. Ấy là cát, là sông, và nhất là cây. Dừng lại ở cây, nhập vào cây. Và khi cái xao xuyến ấy đã nhập vào cây rồi, thì đó là gió và chỉ còn là gió. Ấy là nhiều khi chỉ nghe âm thanh, ta đã nhận ra sự vật phát ra âm thanh, hoặc (như trường hợp) nhận ra cái gì đã tác động vào sự vật nào để phát ra âm thanh ấy.
Mà cứ gì tác giả phải gọi đích danh. Thật ra: Tên mình ai gọi sau vòm lá thì cũng là lời của gió đấy thôi - có ai vào đây nữa. Tất cả im vắng quá. Vả lại cái tên của Xuân Quỳnh - như một nhà thơ đã từng ngợi ca - tên em lẫn vào tên hoa tên lá - thì cũng phải xen cùng ngọn gió mới thật tỏa hương. Tuy nhiên, gió ở đây thì cũng là ngọn gió thời gian không ngớt thổi (XD) trong tâm tưởng nhà thơ... đưa những tiếng gọi xa xưa vọng về... cho nên câu thơ mới dừng lại ở chỗ tác giả tự hỏi mình, điệu đàng. Và vì thế mà lửng lơ không cần hỏi chấm (?) Khác hẳn với câu thơ sau:
Lối cũ em về nay đã thu
Đại từ em đã khiến cho câu thơ ở một tư thế khác. Nó không còn đơn lẻ đứng một mình. Đây bắt đầu là một sự khẳng định, một lời đáp lại. Mà tiếng chim gọi đàn thực sự đã được cất lên từ hai câu trong bài thơ Gió cỏ may:
Thế đấy mùa thu đã lại về
Có ai quay lại quãng đường đê...
Người đọc có thể không cần biết đến đây. Nhưng cũng nên biết đến quãng đường đê này. Vì từ đấy nó sẽ trổ lên thứ hoa cỏ may của Xuân Quỳn, khi mà trong bức tranh thơ, gom nhặt lại chị cũng chỉ mới giới thiệu với chúng ta những hình ảnh dòng sông, bãi cát.
Nếu như ở câu thơ đầu, nhạc thơ được mở rộng ra với vần ơ, rồi đến câu sau dài ra với vần ua, và đến câu thơ thứ tư co rút lại ở vần u thì sự hướng ngoại của người đọc cũng lần lượt diễn ra như vậy. Thoạt tiên trải ra với cát, với sông, với cây, rồi mở rộng ra đến không gian, rồi câu thứ ba lại thu về trong một vòm, để rồi cuối cùng bị rút lại, tập trung ở đôi bàn chân bồi hồi đặt trên lối cũ. Từ đây, người đọc bắt đầu từ giã ngoại cảnh, để cùng bước vào thế giới nội tâm của tác giả, cùng với nỗi niềm tự sự.
Khổ thơ thứ hai, câu chữ được cấu trúc thoáng hơn, mạch thơ bằng phẳng hơn, có tư thế thoải mái của một người đắng cay gửi lại bao mùa cũ. Thôi thì, gió thổi mây bay, ai chẳng có một thời mà những ước mơ bị cuốn theo chiều gió, theo sức hút của một người nào đó. Con người- khi đã có tuổi rồi thường điềm tĩnh nhìn lại quá khứ để mà giữ thăng bằng cho cuộc sống hiện tại của mình, cho nên dẫu mây trắng bay đi, trời xanh còn ở lại. Đó là cõi lòng trải qua những phong ba bão tố, đã lấy lại được những mầu sắc ban đầu, trở nên cao và thanh thản. Thơ viết đôi dòng theo gió xa là câu thơ biểu lộ tâm trạng như vậy. Theo tôi, có thể lấy câu này là tên hoặc đề từ cho bài thơ Hoa cỏ may. Vì nó bao hàm được cả chủ đề lẫn mục đích của bài thơ: đây là đôi dòng tác giả viết gửi theo gió xa - tất nhiên ta đã hiểu Gió ở đây chỉ là một nhân vật được mai danh ẩn tích.
Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may
Áo em sơ ý cỏ găm đầy
Vậy là hồn Gió vẫn còn lẩn quất đâu đây, trong từng câu thơ, như mũi kim len trong mảnh vải, lúc ẩn lúc hiện. Rõ ràng trước bức tranh khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may không ai không thấy Gió đang khơi động, đang nổi. Thậm chí nó còn có hơi hướm ở câu thơ dưới - trong một sự "sơ ý": Áo em sơ ý cỏ găm đầy, bởi thật ra thì, hoặc đó chỉ là một cách nhận lỗi làm duyên, hay là tự trách mình để mà hờn mát... Sự thật một khi hoa cỏ may đã dâng khắp nẻo như thế kia, thì áo em... găm đầy cũng là một điều hiển nhiên không thể tránh. Lỗi là ở Gió. Tôi chợt nhớ tới hai câu thơ của Nguyễn Bính:
Hồn anh như hoa cỏ may
Một chiều cả gió bám đầy áo em
Và Phạm Công Trứ - một cây bút vừa xuất hiện - với: Trăng vàng, đêm ấy, bờ đê/ Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may. Thì ra trong sự liên tưởng, các nhà thơ vẫn có những điểm gặp nhau. Hoa cỏ may được ví với lời thề, phải chăng vì nó dễ găm, và đồng thời dễ gỡ? Tổng hợp những ý thơ vừa dẫn, tôi nhận thêm ra điều Xuân Quỳnh định nói ở câu thơ thứ hai này. Đó là: Mình quả là đã "sơ ý" khi để cho những lời bày tỏ... và cũng có thể là lời hứa hẹn... của người in vào niềm tin của mình, như hoa cỏ may găm dày trên áo. Để rồi có lúc phải phân vân, suy đoán và thầm trách:
Lời yêu mỏng mảnh như màu khói
Ai biết lòng anh có đổi thay?
Xuân Quỳnh rất đạt khi đưa cái màu khói vào trong bức tranh. Bản thân nó cũng mỏng manh dễ tan, nữa là trong một không gian ngợp tràn những gió. Lời yêu là thế đấy. Thật cũng chẳng thể nào lường trước. Cô gái đã từng thốt lên trong bài Mùa hoa doi năm xưa những lời da diết: Đốt lòng em câu hỏi/ Yêu em nhiều không anh? giờ đây lại thêm lần nữa nghi vấn: Ai biết lòng anh có đổi thay?
Dùng câu hỏi này để kết thúc bài thơ, theo tôi, Xuân Quỳnh đã tìm ra một cách ứng xử thật cao tay. Cuộc sống cứ trôi đi, con người phải sống với phần hạnh phúc mà họ còn đang có. Nhìn lại những kỷ niệm xưa cũng là một cách gạn đục khơi trong để lọc lấy những phần đẹp đẽ cho mình. Đây không phải là lúc quy kết, phân định xem lầm lỗi thuộc về phía bên nào. Bởi dù sao thì, tình yêu là một vấn đề rộng lớn. Nó chỉ thật sự có ý nghĩa khi nó làm đẹp thêm cho cuộc sống. Và tôi nghĩ: đó chính là tấm lòng nhân ái của tác giả bài thơ Hoa cỏ may.
Phạm Khải
(Trường viết văn ND)
cachiusa
17-04-2005, 03:25 AM
Tâm sự nàng Thúy Vân
Nghĩ thương lời chị dặn dò
Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh
Chị yêu lệ chảy đã đành
Chớ em nước mắt đâu dành chàng Kim.
Ơ kìa sao chị ngồi im
Máu còn biết chảy về tim để hồng
Lấy người yêu chị làm chồng
Ðời em thể thắt một vòng oan khiên
Sụt sùi ướt cỏ Ðạm Tiên
Chị thương kẻ khuất, đừng quên người còn
Mấp mô số phận vuông tròn
Ðất không thể nhốt linh hồn đời yêu!
Là em nghĩ vậy thôi Kiều
Sánh đâu đời chị ba chiều bão giông
Con đò đời chị về không
Chở theo tiếng khóc đáy sông Tiền Ðường
Chị nhiều hờn giận yêu thương
Vầng trăng còn lấm mùi hương hẹn hò
Em chưa được thế bao giờ
Tiết trinh thương chị đánh lừa con tim
Em thành vợ của chàng Kim
Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao
Giấu đầy đến nỗi khát khao
Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu?
(Trương Nam Hương)
Tôi chú ý đến cái tên Trương Nam Hương từ khi đọc "Tâm sự nàng Thuý Vân" cách đây vài năm. Hai mươi tư câu lục bát cuốn hút tôi từ đầu đến cuối. Không một chữ thừa. Toàn bài là một sự dồn nén, dồn nén đến tức tưởi, để rồi vỡ dần, vỡ dần, hiện ra một bi kịch trọn vẹn. Truyện Kiều là một chuỗi những bi kịch nối tiếp nhau, những "cung gió thảm mưa sầu" xoay quanh cuộc đời nàng Kiều. Nhưng bên cạnh đó còn ẩn sâu một bi kịch mà chỉ đến Trương Nam Hương mới được phát hiện, khai thác:
Nghĩ thương lời chị dặn dò
Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh
Chị yêu lệ chảy đã đành
Chớ em nước mắt đâu dành chàng Kim!
Ðọc Truyện Kiều, người ta thường ít chú ý đến Thuý Vân. Bởi so với cô chị tài sắc mà bạc mệnh, số phận của cô em xem ra may mắn, suôn sẻ mọi bề. Có nhà phê bình thời xưa nặng lời khi đánh giá nàng "Thuý Vân như một khối đá trơ... chỉ để làm bà quan là hợp..." Người ta quên rằng nàng cũng là một người con gái có tâm hồn, có tình cảm. Trong cuộc đời không chông gai như chị song nàng cũng mang niềm đau khổ khó ai thấu hiểu. Trương Nam Hương đã nói hộ tâm sự của nàng:
Lấy người yêu chị làm chồng
Ðời em thể thắt một vòng oan khiên
Ta còn nhớ, Thuý Vân nhận lấy Kim Trọng bởi lời nhờ cậy "trao duyên" của Kiều. Nàng lấy chồng như một nghĩa cử, cốt cho yên lòng người chị đau khổ. Người chồng ấy- chàng Kim- dù sống với nàng nhưng vẫn canh cánh bên lòng mối tình sâu nặng với Kiều:
Khi ăn ở, lúc ra vào
Càng âu duyên mới, càng đào tình xưa
Tâm tình ấy, dù là người vô tâm nhất cũng nhận ra Thuý Vân làm sao không chạnh lòng, tủi phận! Có người nói: Cái gì cũng có thể chia sẻ, trừ tình yêu. Tình Kim- Kiều chẳng thể san sẻ cho nàng Vân. Còn Thuý Vân, nàng cũng chưa bao giờ yêu Kim Trọng. Cái buổi gặp gỡ trong tiết Thanh minh, tuy "hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa" nhưng "tình trong như đã, mặt ngoài còn e" thì chỉ có Kiều với Kim. Cho nên:
Chị yêu lệ chảy đã đành
Chớ em nước mắt đâu dành chàng Kim!
Chấp nhận làm vợ Kim Trọng, thay chị trả nghĩa cho chàng, nhưng Thuý Vân không thể dập tắt niềm khao khát được sống được yêu như mọi người con gái bình thường. Bởi vì, đến "máu còn biết chảy về tim để hồng" kia mà! Hai câu thơ tiếp sau như một lời trách cứ:
Sụt sùi ướt cỏ Ðạm Tiên
Chị thương kẻ khuất đừng quên người còn
Chị đa cảm, thương người lắm, chị đừng quên đứa em, đã hy sinh cho chị, sống một cuộc hôn nhân không tình yêu! Trách cứ dồn nén lại để vỡ oà hai câu thơ rất tài tình:
Mấp mô số phận vuông tròn
Ðất không thể nhốt linh hồn đời yêu!
Tôi yêu nhất hai câu thơ này. Bao nhiêu tài hoa, tình cảm dồn đúc nên mười bốn chữ ấy. Có lẽ Trương Nam Hương là người đầu tiên tạc nên hình ảnh "mấp mô số phận". Phải chăng tác giả muốn gợi đến những nấm mồ, mỗi nấm mồ là một số phận không ai giống ai, long đong, khúc khuỷu, nhọc nhằn. Ðất đen đã chôn kín kiếp người nhưng không thể chôn vùi những linh hồn cháy bỏng khát khao yêu đương. Thế thì em, làm sao có thể chôn vùi niềm khao khát ấy bên chuyện tình của chị, chị ơi! Từng chữ trong câu thơ như linh hồn muốn phá tung song sắt của định mệnh để sống và yêu hết mình. Ðây là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo, đầy biểu cảm của Trương Nam Hương.
Thuý Vân hiểu rõ cuộc đời oan khổ của chị. Nàng thương chị vô ngần:
Là em nghĩ vậy thôi Kiều
Sánh sao đời chị ba chiều bão giông
Con đò đời chị về không
Chở theo tiếng khóc đáy sông Tiền Ðường
Nhưng chị còn hạnh phúc hơn em:
Chị nhiều hờn giận yêu thương
Vầng trăng còn lấm mùi hương hẹn hò
Em chưa được thế bao giờ
Tiết trinh thương chị đánh lừa trái tim
Câu thơ như một tiếng nấc xót xa tức nghẹn "Tiết trinh- thương chị- đánh lừa trái tim". Chị đã yêu và được yêu. Còn đó vầng trăng vằng vặc chứng giám tình yêu của chị. Còn em, em chưa bao giờ và sẽ chẳng bao giờ được thế. Vì thương chị mà em phải đánh lừa trái tim biết yêu và khao khát tình yêu đích thực của mình để thành vợ người yêu chị. Nỗi đau của em, chị có thấu chăng? Bi kịch của Thuý Vân đã lên đến đỉnh điểm. Nỗi đau dồn vào từng chữ nặng như chị, nhức nhối, xoáy sâu vào tim óc. "Tiết trinh thương chị- đánh lừa trái tim". Oan khốc đổ xuống đầu gia đình Kiều không chỉ làm cho một người con gái phải lìa bỏ người thân yêu, dấn mình vào kiếp giang hồ nhục nhã, xé nát trái tim "trong giá trắng ngần" mà còn khiến một người con gái khác phải "đánh lừa trái tim" mình, dìm sâu nỗi khao khát sống và yêu để trọn tình với chị. Có cái gì như một lời phản kháng, gào thét trong lặng lẽ, căm uất, nghẹn ngào bật lên trong câu thơ.
Bài thơ kết lại bằng một câu hỏi day dứt, quặn lòng:
Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu?
Câu hỏi vọng vào không gian và thời gian. Biết đến kiếp nào em mới được yêu, chị Kiều ơi! Kiếp này em đã là vợ chàng Kim, làm tròn việc thừa gia, trả nghĩa. Nhưng đến bao giờ, bao giờ em mới được một lần dưới "vầng trăng lấm mùi hương hẹn hò" như chị đã từng được thế?
Bài thơ khép lại, mà dư âm về nỗi đau, nỗi khát khao của nàng Vân vẫn đọng mãi trong lòng người đọc. Ðọc "Tâm sự nàng Thuý Vân" ta hiểu thêm một bi kịch mà xã hội Truyện Kiều đã gây ra. Không rõ rệt trào sôi như những thảm cảnh trong đời nàng Kiều, nhưng sâu sắc lắng đọng, day dứt và ám ảnh, Trương Nam Hương đã mở ra tấn bi kịch ấy một cách tài hoa. Cái tài ấy xét cho cùng, chính là cái tình của anh với Truyện Kiều, với nàng Vân tưởng như chìm khuất bên Kiều, nhưng tâm anh đã soi một ánh sáng mới vào hình ảnh ấy. Như Nguyễn Du đã viết:
"Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài"
(không rõ tên tác giả)
Gray
17-04-2005, 08:25 AM
[COLOR=DarkSlateBlue]CHUYỆN DÂN GIAN
Giữa trưa trời đổ mưa rào
Không quen bỗng gặp cùng vào trú mưa
Bập bùng gió đập phên thưa
Mái nghiêng lại dột không chừa áo em
Nhẹ nhàng tôi nép sang bên
Nhường nơi khất gió cuối thềm cho nhau
Em cười: mưa vậy mà lâu
Anh xem, lại một chuyến tàu nữa qua!
Nhưng rồi mây tản đi xa
Và mưa bỗng tạnh, nắng nhoà bóng cây
Tôi chìa tay để bắt tay
Hỏi thăm nơi ở mai này lại chơi
Thế rồi người ấy yêu tôi
Tôi yêu người ấy thành đôi vợ chồng
Cái duyên nghĩ cũng lạ lùng
Trú mưa một lát, cảm thông một đời
Đến nay người ấy vẫn cười:
- Gía như buổi đó ông trời chẳng mưa![/COLOR]
Mở đầu CHUYỆN DÂN GIAN là một tình huống: cơn mưa rào đến bất ngờ (giữa trưa trời đổ mưa rào), chàng trai và cô gái không hề quen biết nhau vào trú mưa cùng một lúc. Nếu chỉ vậy thì có gì đáng nói. Điều đáng nói là cơn mưa rào khá lớn, lại có gió to, chỗ trú mưa không được tốt lắm (Bập bùng gió đập phên thư/ Mái nghiêng lại dột không chừa áo em). Cái nút thắt trong CHUYỆN DÂN GIAN là ỏ chỗ này đây.
Nếu chàng trai là người vô tình, dửng dưng thì hà cớ gì lưu tâm đến cô gái. Đằng này “chàng” có để ý, có lưu tâm mới phát hiện (đúng hơn là thấy rõ mưa đã “không chừa áo em”. Ngẫm một chút, người đọc dám chắc lá khi vào trú mưa “anh” đã “để mắt” đến “em” rồi, vì nơi trú mưa chỉ có… hai người. Chính vậy mà, khi thấy mưa “không chừa áo em”, “anh” thật áy náy, băn khoăn. Không chần chừ so tính “anh’ đã nhẹ nhàng nép sang bên “Nhường nơi khuất gió cuối thềm cho nhau”. Thế mới gọi là đàn ông, mới đáng mặt là đấng “nam nhi quân tử” chứ! những lời thơ “nhẹ nhàng”, “nép”, “nhường”, “cho nhau” thật gợi, thật cảm, cho thấy cử chỉ, việc làm của “anh” rất ý tứ, khiêm nhường, lịch sự, đầy tính tôn trọng và rất văn hóa đối với “em”.
Người đọc hẳn đồng tình và “em” cũng rất xao xuyến, không thể thờ ơ trước việc làm đó của “anh” được. Điều đó có nghĩa là “anh” sẵn sàng hứng chịu cảnh mưa dột và gió lùa, nhưng ta biết chắc là lòng “anh”rất vui, phải không bạn? Hơn thế, theo sự “mách bảo” của trái tim, người đọc sẽ thẩm cảm được độ rung động của “em” qua những lời đằm thắm, chân tình: “Em cười: mưa vậy mà lâu/ Anh xem, lại một chuyến tàu nữa qua!”
Thế là rõ rồi. Bởi lẽ đã là mưa rào thì đâu có lâu, nhưng “em cười: mưa vậy mà lâu” vì “em” sợ mưa lâu thật thì “thương” và “tội” cho anh quá! Chỉ cần qua câu thơ này thôi, đủ thấy nhà thơ Vũ Cao rất tinh tế, sâu sắc về tâm lý, tình cảm của phái đẹp. Và, chỉ cần “em cười: mưa vậy mà lâu”, người đọc cũng ngẫm được bao nhiêu điều… sau đó.
Như vậy, cái thắt nút của CHUYỆN DÂN GIAN được mở ra. Từ lúc chàng trai nhường chỗ trú mưa, cũng là lúc cô gái tỏ ra “quan tâm” đến mưa hơn, đúng hơn là mong mưa mau tạnh hơn, thực chất là đã ngầm “để mắt” đến chàng rồi. Chính việc làm đẹp của chàng trai đã “cảm” cô gái, làm cho trái tim cô gái ấm dần lên, rung động lên, “nhịp đập tình yêu” đã có cơ “bừng cháy” khi có điều kiện.
Cái gì đến ắt nó phải đến. Theo “diễn biến” của bài thơ, thì mưa phải tạnh, hai người trú mưa cũng phải tạm chia tay. Điều thú vị chàng trai đã chủ động đưa tay bắt tay “em” tạm biệt, nhưng vẫn không quên “hỏi thăm nơi ở mai này lại chơi”. Chất xúc tác này chính là điều kiện để tạo nên một kết thúc có hậu: “Thế rồi người ấy yêu tôi/ Tôi yêu người ấy thành đôi vợ chồng”
(copy&paste;))
cachiusa
17-04-2005, 01:09 PM
Tình yêu trong thơ Nga vài cảm nhận nhỏ
(Anh Ngọc)
Liệu có thể đúc kết thành một câu thế này chăng: Hãy xem một người yêu ra sao, sẽ biết người đó là người như thế nào.
Tôi đã cảm thấy điều này qua khá nhiều năm tiếp xúc với văn học, nhất là với thơ ca Nga.
Vào đầu những năm 60, với một vốn tiếng Nga tự học, tôi bắt đầu cầm trên tay Puskin và Lermontop - hai đại biểu hàng đầu của nền thơ cổ điển Nga. Kỷ niệm đầu tiên về Puskin mà tôi còn nhớ được là tiểu thuyết thơ Epghenhi Onheghin với nhân vật nữ tuyệt vời Tachiana. Tôi thích nhân vật này đến nỗi gần như ngay lập tức bắt tay dịch một trích đoạn vốn rất nổi tiếng : Thư Tachiana gửi Onheghin. Gần 40 năm đã trôi qua tôi vẫn nhớ nguyên vẹn từng câu từng chữ của bản dịch, mặc dù chính nó đã thất lạc từ lâu. Tachiana là con gái một điền chủ ở miền thôn dã, ngay lần đầu gặp chàng trai hào hoa phong nhã Onheghin ở nhà mình, nàng đã đem lòng yêu tha thiết.
Tachiana đã dám chủ động viết thư cho chàng trai, mặc dù nàng vừa viết vừa run rẩy, vừa e sợ, vừa xấu hổ:
Em viết thư cho anh. Còn gì hơn thế nữa
Em còn mong nói được gì đây?
Trong tim anh, em biết, giờ này
Sẽ trừng phạt tình em bằng khinh bỉ...
Táo tợn hơn, ít bị xiềng xích hơn phụ nữ Phương Đông, nhưng Tachiana vẫn bị giằng xé ghê gớm giữa nhu cầu tình cảm tự nhiên của con người và những giáo lý, ràng buộc của xã hội phong kiến Nga.
Nhưng đến đây thì câu chuyện đi theo một hướng khác: Chàng Onheghin, biểu tượng của con người thừa, khủng hoảng lý tưởng sống, không đáp lại tình yêu say đắm, thơ ngây của nàng Tachiana, bởi còn chạy theo những con đường vô định ở phía trước. Câu chuyện về chàng còn dài và phải nói trong một dịp khác. Chỉ biết rằng đến đoạn kết của tác phẩm, Onheghin sau những thất bại trên con đường vô vọng đi tìm lý tưởng mới cảm thấy tình cảm mà Tachiana đã dành cho mình là vô cùng quý giá, là cái đích có thực của hạnh phúc ở trên đời.
Kế tục "Mặt trời của thi ca Nga" thi sĩ trẻ Lermontop mà tài năng và số phận gần như một Puskin thứ hai, đã tiếp tục truyền thống thơ Nga một cách rất nhất quán, rất Nga. Nếu Puskin đường bệ, hoành tráng, có cái chừng mực của người từng trải, thì Lermontop, tuy chỉ đến sau chừng đâu nửa thế hệ, lại mang vẻ cay đắng, dằn vặt trước tuổi bởi một ngoại cảnh đang lún nhanh vào bế tắc không lối thoát. Thơ tình Lermontop cũng do đó mà sớm nhuốm màu bi phẫn:
Anh buồn vì thấy em vui...
Lermontop còn lặp lại nhiều lần chất bi phẫn, gần như tuyệt vọng ấy trong thơ ông:
Yêu ư? Mà yêu ai?
Yêu cho qua ngày thì chẳng bõ công
Mà yêu mãi mãi thì không thể được...
Đấy là một nỗi buồn to lớn, có thật, không hề làm dáng. Bởi nhà thi sĩ kế nghiệp Puskin đã ngã xuống y như Puskin, trong một cuộc đấu súng vào thời gian bị lưu đày, khi vừa 27 tuổi nghĩa là hạn sống trên đời còn ít hơn Puskin 11 năm.
Ngẫu nhiên chăng khi cả hai thi sĩ hàng đầu của thi ca Nga lại có số phận giống nhau đến thế, những con sơn ca của tình yêu đều chết trẻ. Lại càng ngẫu nhiên hơn khi thi sĩ thứ ba mà bài báo này không thể không đề cập đến cũng có một số phận chẳng hơn gì thế: Xergay Exenhin, người có tuổi thọ nằm vào khoảng giữa Puskin và Lermontop: 30 tuổi. Có điều, thi sĩ thứ ba này không bị ai bắn chết, ông chỉ tự thắt cổ mà thôi. Về X. Exenhin, chỉ với thơ tình thôi, cũng đã có thể viết đến hàng cuốn sách, mấy dòng này thật chẳng đi đến đâu. Tuy nhiên, để nói gọn một câu, thì ấy là: Exenhin là thì sĩ của đồng quê nước Nga, một hồn thơ quê kiểng bị bứt ra khỏi gốc gác, lưu lạc xa xứ chốn thị thành - tất cả buồn, vui, yêu, ghét gì của ông rốt cuộc cũng diễn ra trên một cái nền chung ấy.
Trong thơ Exenhin, đã có cả một câu chuyện tình liên quan đến một cô láng giềng và một con chó:
Lại hiện về những năm tháng xa xăm
Như bãi cỏ xạc xào hoa cúc dại
Chợt hình dung về một con chó cái
Đã một thời là bạn của tôi
Tuổi trẻ tôi nay đã tắt rồi
Như cây phong mục tàn vì mưa nắng
Tôi nhớ lại một cô áo trắng
Mà con chó kia là người đưa thư...
Mà thi sĩ tương lai đã gửi bao nhiêu bức thư buộc vào cổ con chó, nhưng vẫn bặt vô âm tín...
Tôi khổ đau... Tôi mong đợi hồi âm
Không chờ được... Tôi ra đi... Và thế
Tháng năm qua tôi trở thành thi sĩ
Lại về đây bên khung cửa quen thân...
Cảnh xưa còn đó, mà con người xưa đã xa, nhưng kìa, lại một con cho xuất hiện - không, không phải, không thể là con chó của ngày xưa, mà chính là "con nó đấy, màu lông quen đã nhạt"... Và thế cũng đủ cho tất cả sống lại, bởi tất cả thật ra chưa bao giờ chết.
Tôi còn muốn nói đến những Bloc, Akhomatova, Eptusaco, Codonhexinxki, Sipatrop v.v. và v.v... những tên tuổi đã làm nên cả một dòng thơ tình độc đáo, nhưng thôi, xin được kết thúc bài viết kiểu cưỡi ngựa xem hoa này bằng mấy câu thơ của thi sĩ Xchepan Sipatrop, con chim họa mi của thơ ca Nga Xô viết:
Hãy biết giữ gìn trân trọng lấy tình yêu
Năm tháng càng xa càng quý giá hơn nhiều
Tình yêu đâu chỉ là tiếng thở dài trên ghế đá
Đâu chỉ cuộc dạo chơi trong đêm trăng yên ả
Tình yêu còn là đây - tuyết giá với bùn lầy.
(AN)
cachiusa
18-04-2005, 08:58 AM
HAI QUẢ HỒNG
(Vũ Nho)
"Hai tay cầm hai quả hồng
Quả chát phần chồng, quả ngọt phần trai
Đêm nằm vuốt bụng thở dài
Thương chồng thì ít, thương trai thì nhiều"
Người gì mà quái lạ đến như vậy? Ca dao đã từng nói đến chuyện có vẻ lạ lùng:
"Gió sao gió mát sau lưng
Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này"
Hoặc quá hơn chút nữa:
"Lấy chồng chẳng biết mặt chồng
Đêm nắm tơ tưởng nghĩ ông láng giềng".
Nhưng người đời rồi cũng chấp nhận. Còn người đàn bà này lại cư xử với chồng như thế thì không thể nào... thương được! Rành rành đây là cách ăn ở cư xử của một người và cũng là một loại người thiếu chính chuyên, được đưa ra đây để mọi người chê bai, diễu cợt, làm gương cho khách hồng quần.
Bao năm nay, người viết bài này vẫn yên tâm với cách hiểu như vậy. Nhưng gần đây ngẫm lại, chợt nhận thấy hình như mình thiếu công bằng và khắt khe.
Người con gái này không yêu chồng hoặc yêu chồng ít hơn yêu trai thì đã hẳn. Nhưng chúng ta đừng vội đem ngay luân lý đạo đức ra kết án cô mà tội nghiệp. Trên đời này có người phụ nữ nào lại không muốn yêu chồng, thương con. Nhưng chẳng may lấy phải người chồng chẳng bao giờ yêu mến thì làm sao mà yêu cho được? Cái thời của những câu ca dao là cái thời "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" thì những chuyện trái duyên không phải là hiếm hoi. Có bao nhiêu cảnh cọc cạch: "chồng thấp vợ cao, như đôi đũa lệch so sao cho bằng". Có bao nhiêu trường hợp chồng chỉ là một "ông lão móm", cô gái "lấy cho qua lần thì thôi". Hay đây nữa một anh chồng:
"Chồng em vừa xấu vừa đen
Vừa kém con mắt vừa hèn chân đi
Chồng em rỗ sứt rỗ sì
Chân đi chữ bát mắt thì ngưỡng thiên".
Người chồng bị ép gả như thế làm sao cô gái có thể yêu cho được? Ông chồng đó chỉ là người được ràng buộc vào cuộc đời người con gái bằng tập tục, lễ giáo mà thôi. Chồng của cô gái này chắc cũng là một người như thế. Còn người được gọi là "trai" đối lập với ông chồng kia là ai? Dĩ nhiên, đó là người không lấy được cô, là người không được thừa nhận trong giấy tờ là chồng. Nhưng có thể anh chính là người bạn "biết nhau từ thuở buông thừng", anh chính là người trai làng mà cô đã từng hò hẹn thề nguyền. Chỉ tại bác mẹ, tại mối manh, tại bao nhiêu trắc trở mà cô không lấy được anh. Nhưng tình xưa vẫn còn nguyên đó, "dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng". Làm sao có thể ngăn được lòng cô vẫn hướng về anh? So ra, người khác còn quyết liệt hơn cô nhiều:
"Ví dù thầy mẹ đan rọ thả trôi
Thả trôi thì thả, lòng tôi vẫn thương chàng"
Còn cô không dám cưỡng lại tập tục, cô đi lấy người chồng mà mình không yêu. Vậy nên cô mới cư xử với trai hậu hơn với chồng, dành phần hơn cho cái người không phải là chồng về danh nghĩa nhưng là chồng trong tình cảm, trong tâm trí của cô.
Điều đáng nói ở đây là đức hy sinh của cô gái này và sự nhân hậu vốn như là bản tính tự nhiên trong tấm lòng phụ nữ. Anh chồng, tuy cô không yêu, nhưng cô vẫn dành cho anh ta một trái, dù là trái hồng chát. Và dù cô không yêu, nhưng cô vẫn dành cho anh ta một phần tình thương chứ không phải "bỏ rơi" tuyệt đối. Duy có bản thân mình thì cô chẳng dành cho mình một chút gì hết. Hai quả hồng, cô đem cho cả hai người. Tình thương cô cũng dành chia cho hai người tất cả. Cô chẳng giữ lại chút gì cho mình, cô chẳng hề nghĩ về mình. Mặc dù hoàn cảnh của cô chắc chắn là hết sức ái ngại, đáng thương.
Dân tộc ta quả thật là nhân ái và độ lượng!
(1990)
Gray
18-04-2005, 01:25 PM
"Hai tay cầm hai quả hồng
Quả chát phần chồng, quả ngọt phần trai
Đêm nằm vuốt bụng thở dài
Thương chồng thì ít, thương trai thì nhiều"
Ngụ ý của bài ca dao ko như Vũ Nho nói, và dân tộc mình cũng chả độ lượng lắm đâu em!
Bài ca dao là sự day dứt của lòng người, là nỗi ám ảnh của đa số đàn ông. Ko ai có thể dám chắc là thấu hiểu một người phụ nữ, kể cả khi đã lấy về làm vợ, kể cả khi đã gần gũi người ta nhiều năm. "Thương chồng thì ít, thương trai thì nhiều". Thế mới hay, cái tâm người phụ nữ lặng như nước giếng trong, mà trong lòng dậy sóng như... tsunami ;)
Gray
07-05-2005, 05:59 AM
HÒ HẸN MÃI CUỐI CÙNG EM CŨNG ĐẾN
Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến
Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi
Còn sót lại trên bàn bông cúc tím
Bốn cánh tàn, ba cánh sắp sửa rơi
Hò hẹn mãi cuối cùng em đã tới
Như cánh chim trong mắt của chân trời
Ta đã chán lời vu vơ, giả dối
Hót lên! Dù đau xót một lần thôi
Chần chừ mãi cuối cùng em cũng nói
Rằng bồ câu không chết trẻ bao giờ
Anh sợ hãi bây giờ anh mới nhớ
Em hay là cơn bão tự ngàn xa
Quả tim anh như căn nhà bé nhỏ
Gió em vào - nếu chán - gió lại ra
Hò hẹn mãi cuối cùng em đứng đó
Dẫu mùa thu, hoa cúc cướp anh rồi...
Có những hẹn hò làm tình yêu thêm thi vị. Có những hẹn hò để rồi xa nhau. Có những hẹn hò để rồi có bài thơ như "Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến" của Hoàng Nhuận Cầm. Tôi vẫn luôn thích những sự lỡ làng trong thơ anh. Một hạnh phúc tưởng như đến tay rồi chợt vỡ, một tình yêu vẹn tròn rồi chia xa, và những hẹn hò từ từ khép lại …
Đây là một trong những bài thơ viết hay về sự hẹn hò trong tình yêu. Vốn dĩ, hẹn hò là một phần của tình yêu, thật hiếm có những tình yêu mà không hò hẹn. Nhưng cách cảm nhận của Hoàng Nhuận Cầm lại thật đặc biệt. Đặc biệt trong nỗi đợi chờ không phải là vô vọng, vì cuối cùng thì "em cũng tới", nhưng khi em tới thì không phải anh không còn đợi nữa, mà chính mùa thu đã không còn kiên nhẫn với cuộc tình…Bởi lẽ:
Còn sót lại trên bàn bông cúc tím
Bốn cánh tàn, ba cánh sắp sửa rơi
Hoàng Nhuận Cầm vốn giỏi dùng những hình ảnh thật cụ thể để diễn đạt những cảm giác vô cùng mơ hồ, tinh tế. Thấy bông hoa sót lại cuối cùng để biết một mùa thu đã qua, và người đọc cũng cảm nhận được nỗi đợi chờ đã mòn mỏi thế nào! Cuối cùng em cũng đến, nhưng đến chỉ để thấy có những điều quý giá đã trôi qua...
Ta đã chán lời vu vơ, giả dối
Hót lên! dù đau xót một lần thôi
Tiếng thơ như chưa bao giờ thành thật đến thế, thành thật để kiếm tìm một tiếng nói chân thành từ trái tim không toan tính, để con người đối diện với nhau không qua một tấm mặt nạ nào! Có lẽ cũng bởi sự thành thật một cách hồn hậu đó, mà thơ Hoàng Nhuận Cầm tìm đến được với bao tấm lòng, bao tình cảm tri âm!
Khổ thơ thứ ba của bài thơ, tôi thích nhất, vì nó chất chứa trong đó rất nhiều suy tưởng. Một sự suy tưởng giản dị, nhưng nó không phải không chứa trong đó một quan niệm rõ ràng về tình yêu!
Chần chừ mãi cuối cùng em cũng nói
Rằng bồ câu không chết trẻ bao giờ
Anh sợ hãi bây giờ anh mới nhớ
Em hay là cơn bão tự ngàn xa
Không hiểu vì đâu nhiều bạn trẻ thường hay chép lệch thành "Chần chừ mãi cuối cùng em cũng nói/ Rằng bồ câu không chết lẻ bao giờ". Nếu như thế, câu thơ vẫn hay nhưng lại hay theo một cách khác. Tôi thích cách suy tưởng của anh, bồ câu không chết trẻ cũng như những mong ước về tình yêu là vĩnh viễn. Tình yêu một mặt nào đó cũng là hiện thân của cái Đẹp mà con người hằng khát khao vươn tới và chiếm lĩnh một cách trọn vẹn. Vì thế mà bồ câu không chết trẻ, cũng như những tình yêu không có quyền chết trẻ, những khát khao không có quyền lụi tàn. Em hay là cơn bão tự ngàn xa. Tứ thơ không mới, nhưng lại lạ trong nỗi sợ hãi của con người, sợ hãi mà vẫn đón nhận, vẫn đợi chờ, vẫn phấp phỏng trong âu lo và hạnh phúc.
Khổ thơ cuối cùng là một sự so sánh có phần chua chát, nhưng chua chát một cách ngộ nghĩnh, một các bâng khuâng và tiếc nuối, cái chua chát của một người còn trẻ:
Quả tim anh như căn nhà bé nhỏ
Gió em vào - nếu chán gió - lại ra
Tưởng như tình yêu chỉ là một trò đùa, dễ dàng và chóng vánh với người con gái. Nhưng nếu để ý thì ta lại nhận ra một sự bao dung. Trái tim ấy là một tấm lòng, một tình yêu luôn chờ đợi, dẫu bé nhỏ nhưng vẫn là tổ ấm đủ để chở che cho những cơn gió vô tình một lần lạc bước. Để rồi cuối cùng, có một lần em đến, một lần em nói, một lần em đứng đó…. Chỉ có điều "mùa thu hoa cúc cướp anh rồi"… Đã bao lần đọc câu thơ này, tôi vẫn cảm thấy nỗi chông chênh của một con người, vừa quyết định sẽ lên tàu thì con tàu vụt chạy đi mất. Tàu thiếu đi một hành khách và người đi thành kẻ lỡ đường….
Câu thơ cuối cùng của bài thơ lưu lại trong ấn tượng người đọc bởi từ "cướp" rất đậm "chất" Hoàng Nhuận Cầm. Nó giúp ta không quên những ngày anh còn là người lính làm thơ. Chất lính tráng ấy vẫn đôi lần trở về trong thơ anh như một gợi nhớ, một dấu ấn, một nét riêng đặc biệt.
Thoáng đọc Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, người ta có thể nghĩ, ừ, bài thơ này "kết thúc có hậu" vì cuối cùng em cũng đến kia mà. Nhưng dư âm bài thơ, cách kết thúc của bài thơ lại cho ta một cảm nhận khác. Ấy là dư âm của sự lỡ làng... Ta có thể đợi nhau, nhưng cuộc đời không đợi ta. Vì thế mà đã có rất nhiều tình yêu đẹp trong cuộc đời, nhưng chẳng biết có bao nhiêu trong số đó, đi trọn vẹn được đến cuối đường?
-Nguyễn Thu Thủy-
Bắc Thần
07-05-2005, 06:23 AM
Bài Chuyện Dân Gian đấy hơi bị hay. Anh mua nguyên tập thơ tình Lục Bát tốn tất cả ba mươi lăm nghìn vì trong đó có bài này. Còn có nhiều bài khác hay phết, chẳng hạn như bài gì gì mà có cái gì "mình tôi ở lại làm cột thu lôi" gì gì đấy.
Thơ lục bát là một trong 3 thứ anh thích nhất của các bạn Việt Nam.
Thích BabyG
07-05-2005, 12:31 PM
Em chỉ thích bình thơ như thế này thôi:
Thảo Nguyên
Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê. Những cánh đồng lúa xanh mượt mà, con sông Hồng cuồn cuộn chảy nặng phù sa, đàn cò trắng nhịp nhàng bay về luỹ tre xa xa trong tiếng sáo diều vi vu,… tất cả dường như đã ăn vào máu thịt của tất cả những người dân Việt, dù có đi đâu về đâu. Với tôi, đến bây giờ giấc mơ hạnh phúc vẫn đơn giản chỉ là một buổi chiều thu muộn được nằm dài trên triền cỏ xanh dọc con đê sông Hồng, gối đầu lên hai tay, lặng lẽ thả hồn mình theo những đám mây. Nhưng để thích ứng với xã hội văn minh, con người nhà quê vốn khiêm tốn và hiền lành ở chúng ta không mấy khi có dịp xuất đầu lộ diện. Đến nỗi có đôi khi chúng ta tưởng như họ đã chết hẳn. Ở Thảo Nguyên thì không thế. Người nhà quê trong Thảo Nguyên vẫn hiên ngang sống như thường. Trong lịch sử thi ca hiện đại của Việt Nam, chẳng có mấy nhà thơ được như vậy, hiếm hoi vô cùng. Có lẽ, so sánh được với Thảo Nguyên chỉ có Nguyễn Bính và Anh Thơ. Nhưng anh nhà quê trong Nguyễn Bính nhà quê quá, nhà quê không chịu nổi, ai lại người yêu mới đi tỉnh về mà nhà thơ đã thấy như hương đồng gió nội bay đi ít nhiều. Vậy thì nhà thơ chắc là phải bịt mũi để ra Nội Bài đón người yêu thời nay đi PhD về mất. Còn Anh Thơ thì nhìn về nhà quê với con mắt rõ là của người thành phố. Anh Thơ thấy cảnh quê đẹp mà không thấy được cái tình quê như Nguyễn Bính.
Hoa mướp rụng từng đoá vàng rải rác
Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay
Anh Thơ
Vâng, chỉ đi theo gót của Thảo Nguyên, chúng ta mới cảm được hết cái đẹp của làng quê Việt, cái đẹp không chỉ trong vườn cau bụi chuối buổi hoàng hôn cục đất hay là con lợn, cái đẹp còn trong những nét văn hoá mộc mạc chân thành và trong sáng vô ngần của những người nhà quê.
Tháng Ba vừa cạn hoa xoan
Vườn chanh toan nụ, cây toan vươn chồi
Xuân còn đương độ bồi hồi
Dốc làng gạo đỏ lòng người xa quê
(Điệp Khúc Tháng Ba)
Giá như Thảo Nguyên chịu làm những câu thơ trơn tru và sáo rỗng, chắc chẳng khó gì. Ai mà chẳng viết được những câu trơn tru, sáo rỗng? Nhưng người lại có mong ước thật đáng quý là diễn tả được cái dáng hình riêng của tâm hồn mình. Có phải vì thế mà người có một giọng thơ ngọng nghịu rất ít khi gặp trong thi đàn thăng long. Ngọng nghịu khi ôn lại thời thơ ấu đã đành, ngọng nghịu cả khi con tim người xao động trước cảnh thôn quê…
Thoảng góc vườn hương chanh
Loa kèn vừa dâng nụ
Đất trời xuân tràn nhựa
Mực tím mơ màng thơ
Sáng Tháng Ba
Những tình ý người lớn ấy qua giọng nói trẻ con thật dễ thương…
Nhưng, Thảo Nguyên cũng chỉ trẻ con ở cái giọng, và chỉ trẻ con trong một vài bài thơ. Người ta mơ về thời ấu thơ cũng tức là người ta đã không còn ở thời thơ ấu nữa. Trái tim người thiếu nữ ấy đã biết thổn thức vì tình yêu, người đã biết âu lo:
Mình vẫn hoài xa nhau
Nhức lòng mơ nắng đỏ
Anh có lắng xôn xao
Lời thì thầm của gió
(Viết Tặng Buổi Sớm Mai)
Ta chợt nghe thấy đâu đấy hơi hướng của Xuân Quỳnh, vâng trong những năm rực rỡ nhất của sự nghiệp sáng tác của mình, Xuân Quỳnh cũng thi thoảng có đôi khi viết được đôi dòng thơ hay đến như thế. Những câu thơ của Thảo Nguyên không mộc mạc và mượt mà như của Xuân Quỳnh:
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Xuân Quỳnh
Nhưng thật vô cùng trong trẻo dễ thương. Đọc thơ người, đôi khi không dừng được cảm xúc, tôi chỉ muốn hét to lên:
Có con chim đa đa nó đậu cành đa
Sao không lấy chồng gần mà đi lấy chồng… Canada…
Trong Thăng long, mỗi lần nói đến các cô gái làm thơ người ta không thể nhịn cười. Hình như người ta coi thơ là một cái gì đó to tát lắm. Thảo Nguyên đã khéo tránh được những nụ cười ấy, vì người rất bình dị, rất hồn nhiên, không lúc nào muốn ra vẻ muốn cố gắng cho to chuyện
tot_to_chan
14-05-2005, 04:37 AM
cho em được tham gia diễn đàn này với nhé . em cũng thích.
bài này bình là lạ, nhè nhẹ, nghe tây tây. bài bình là một bài thơ văn xuôi chỉnh chu mới.
bác nào liếc mắt xem qua mà đồng ý với ý kiến của em thì cho em biết với nhé. :-) ;)
[COLOR=Navy]Dạ khúc
Tình yêu mỏi mệt rồi
ngủ đi em
như con sơn ca trên cánh đồng hoang hóa
như con cá măng nghiêng giấc ngủ giữa khóm lau
Anh mắt vẫn đầy trăng
ngủ đi em
như người dân chài Xômali trong giấc ngủ yên lành
vẫn gác một chân lên mặt trời
và giấc ngủ mạn thuyền bồng bềnh cơn gió thoảng
Hai ta
người này là giấc ngủ của người kia
là nước, là sông
là của nhau một mái chèo
chao đưa trong giấc mộng
ngủ đi em
V. BASƠ (Đức) - QUANG CHIẾN dịch [/COLOR]
Bình thơ:
[COLOR=RoyalBlue]Ru hời làn mi
Và em, sau những mải mê kia là thánh thiện vô ngần, này chim sơn ca bé nhỏ của cánh đồng đã xa mồ hôi lao động, này cá măng ram ráp xương của khóm lau từ bụi bờ nào dân dã, bao nhiêu đó thôi, em gần gũi ạ. Sẽ khép mi em nhé và nghe, những thanh âm của vạt lau và dãy đồng rót vào tai em dịu dàng, chúng không cố ý làm em giật mình đâu, chúng ru em, giấc ngủ đã mơ màng. Hoang mang em cứ đem trải về vô tận đồng hoang và hồn nhiên em cứ nghiêng về phương bình dị.
Ngủ rồi phải không em, và ánh mắt vẫn tràn vạn dòng trăng lấp lánh. Đừng quan tâm đêm nay ba mươi hay tròn trăng viên mãn, à không, em cũng đừng nghĩ đến chuyện ngày đêm, chỉ biết sau những trở trăn kia còn một bàn chân gác lên mặt trời ấm nồng cuộc sống.
Và giấc ngủ khi này bình yên một làn mi, của em, của ta, của người dân chài Xômali và của cả mặt trời. Giấc ngủ ấy kiêu hãnh và trọn vẹn an lành, da có đen và trọng lượng có nhẹ tênh, người dân chài Xômali nghèo khó chân vẫn gác mặt trời quyền uy kia như đứa trẻ gác lên con thú nhồi bông và mỉm cười hạnh phúc.
Nệm gối chăn êm là mạn thuyền bồng bềnh ru cả thực cả mơ. Gom về giấc ngủ em, ta - hành trình đi giữa thiên nhiên và những dòng chảy thao thiết. Phải không em, ta và em đang cuốn phăng, và chảy đi, tình yêu, bình yên và sự mỏi mệt diễn tiến ngay khi ta viết dòng thơ này và khi mi em đã khép…
Ngủ ngoan nhé làn mi, ta sẽ là điềm lành trong giấc em mơ. Khoảng cách ta và em gần hơn khoảng cách mái chèo và nước và sông. Cá măng nhỏ cứ bồng bềnh, sơn ca em cứ ngủ say và cứ gác chân lên mặt trời nồng ấm hay nghiêng mình giữa bụi bờ.
Ta thức canh mặt trời cho em và ta còn giữ êm mái chèo để em và ta có xuôi dòng hay bị cuốn phăng đi vẫn chung một mạn thuyền, một mái chèo, dẫu dòng chảy ấy thực hay mơ, chúng ta là của nhau từ những điều bình dị nhất. Sẻ chia với em bình yên rất thật, từ lời ru hời làn mi…
HƯƠNG YÊN [/COLOR]
Gray
18-05-2005, 01:16 PM
Kiểu viết của Hương Yên ko hẳn là bình thơ, mà có lẽ là dạng tùy bút hay đoản văn, lấy cảm xúc từ những bài thơ, bài hát. Nói đến đây, lại nhớ đến một tùy bút đọc đã khá lâu.
"Just walk away" cho hoài niệm
Chiêu Trân
Và hơi sương loang trên mặt Hồ Tây bỗng rung lên thành muôn sợi. Và nắng ban mai ấm áp nhưng rụt rè trườn trên má, ngô nghê như giọt nước mắt đầu tiên. Và Céline Dion vừa thổn thức yếu đuối, vừa cương quyết đến mãnh liệt đang thở từng thanh âm ngân lên trong lồng ngực "Just walk away, just say goodbye. Don't turn around now. You may see me cry" Trời Hà Thành mùa xuân se se lạnh và bàng bạc xám. Từ chỗ tôi ngồi nhìn ra Hồ Tây, từng tàn lá xanh xỉn phủ che hết chỗ vỉa hè và những lan can sắt uốn lượn quanh hồ. Chỉ thấy sương mờ mờ tan đi và tưởng như trời với nước hòa thành một mảng, xám ngắt, nhưng long lanh. Tưởng như bầu trời mọc lên từ thảm cỏ xanh ướt, loáng nước. Và tưởng như N còn ngồi đây, đối diện với tôi, để nghe tôi cúi mặt giấu một chút buồn len lén tràn mi. "Hãy đi đi anh, hãy đóng cửa lại và hãy để cuộc đời em trở về như cũ, như những ngày ta chưa có nhau." (So walk away. Close the door. And let my life be as it was before). Hình như đó là một điều gì không-phải-là-tình-yêu? Ở giữa đoạn ngân thứ hai, Céline Dion ngừng hẳn lại một giây trước lúc nấc lên "You may see me cry." Hình như cô đang cố đẩy một bóng hình ra khởi cửa phòng, cà ra khỏi cuộc đời mình. Cho dù "As you leave I know I'll love you more." Như tôi ngày ấy, tự mình ra đi. Cũng vào một sáng như thế này, rút tay mình khỏi tay N và bước xuống cầu thang, sau lưng là một khúc hát giằng xé đến quặn lòng. Cho-một-điều-mà-tôi-biết-không-phải-là-tình-yêu. Em biết em phải quên để tiếp tục con đường của mình "I know I must forget you to go on." Chẳng có phút nào cho hối tiếc "There'll never have a moment of regret." Có thật thế không hả N?
Tách cafe đã nguội và mùa thu cũng đã trôi qua. Chỉ nỗi nhớ là thỉnh thoảng buốt lên khi tình cờ ngang qua đường xưa, phố cũ và nghe bài ca kỷ niệm ấy ngân lên những cung buồn đến quặn lòng.
"There's nothing left to say." Chẳng còn gì phải không N? "Just walk away."
(Mực Tím 1997)
Ai có hứng thì nghe nhé, mà ai có tâm trạng sẽ thấy hay.
Gray
18-05-2005, 01:27 PM
Just Walk away (http://s123530531.onlinehome.us/LoveSongs/Just_Walk_Away.mp3)
Celine Dion
[COLOR=Indigo]I know I never love this way before.
Anh no one else has loved me more
With you I laught to cried, I have lived and died
What I couldn’t do, just to be with you!
Ừ, em biết em đã chưa bao giờ từng yêu như vậy.
Và cũng chưa ai yêu em nhiều hơn anh.
Với anh, em đã chia sẻ tận cùng mọi buồn vui.
Chỉ một điều duy nhất, em không thể làm được.
Là ở bên anh.
I know I must forget you to go on,
I can’t hold back my tears too long
For lives won’t be the same – I’ve gotta take the blame
And find the strenght I need to let you go.
Em biết, em phải quên anh, để tiếp tục.
Em không thể nuốt hoài vào lòng những giọt nước mắt nữa.
Vì cuộc sống đôi ta vốn sẽ không giống nhau,
Thôi thì em sẽ xin nhận lỗi phần mình...
Và kiếm tìm sức mạnh em cần, để nhìn anh quay đi.
Just walk away, just say goodbye
Don’t turn around now, you may see my cry
I mustn’t fall apart, or show my broken heart
All the love I feel for you!
Hãy đi đi, hãy chỉ nói tạm biệt
Đừng quay lại nữa, vì anh sẽ thấy em khóc
Em không được đổ vỡ, cũng không được yếu đuối
Vì tình yêu em dành cho anh
So walk away – close the door!
And let my life be as it was before
I’ll never never know, just how I let you go
There’s nothing left to say
Just walk away!
Vậy hãy đi đi – Đóng cửa lại!
Và trả lại cuộc sống ngày xưa cho em
Em sẽ không bao giờ, không bao giờ hiểu do đâu
em có thể để anh lìa xa
Nhưng, chẳng còn gì để nói nữa
Xin hãy chỉ đi đi.
There’ll never be a moment of regret
I loved you since the day we met
For all the love you gave, and all the love we made
I know I’ve gotta find the strenght to say
Sẽ không còn là tiếc nuối nữa.
Vâng, vì những gì chúng ta đã thành tâm tặng nhau,
Với tình yêu chân thực đó,
Em bíêt em sẽ tìm ra sức mạnh, để lìa xa anh.
And as you leave, I knowI love you more... [/COLOR]
Oài, đơn giản chỉ là một bài hát, mà với ai, nó lại có quá nhiều kỷ niệm! Một chút tản mạn góc bình thơ.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment