Bạn già hay trẻ, nam hay nữ, da đen hay da trắng, được sinh ra trong nhung lụa hay xuất thân nghèo khó... điều đó không quan trọng. Tạo hóa vốn rất công bằng, không phân biệt đối xử cũng như thiên vị ai. Điều căn bản là tự thân mỗi người tự quyết định sự thành công của mình đến đâu.
Theo Brian Tracy - tác giả cuốn sách "Thành công tột đỉnh", các nhà kinh doanh xuất chúng, những người theo thuyết vị lai dự đoán rằng nhân loại đang bước vào Thời đại Hoàng kim. Đây có lẽ là thời điểm tốt nhất để bạn đạt được thành công lớn hơn, sự tự do, niềm hạnh phúc và sự độc lập về tài chính.
"Tôi sinh ra ở Canada vào năm 1944. Bố mẹ tôi là người tốt và làm việc rất chăm chỉ nhưng chúng tôi dường như chưa bao giờ dư dả. Khi lớn lên, tôi vẫn nhớ bố mẹ tôi từng nói đi nói lại câu: “Chúng ta không thể mua nổi cái đó”. Cho dù cái đó là gì thì chúng tôi cũng không có khả năng mua được. Bố mẹ tôi từng trải qua thời kỳ Đại Suy thoái và họ chưa bao giờ thoát khỏi nỗi lo về tiền bạc", Brian Tracy viết.
Khi bước sang tuổi thiếu niên, lần đầu tiên ông nhận thức được rằng có nhiều gia đình khác sống sung túc. Họ có nhà đẹp hơn, quần áo mới và ôtô tốt. Họ không phải lo lắng quá nhiều về tiền bạc như gia đình ông, và có thể mua được nhiều thứ mà gia đình tôi thậm chí còn không dám mơ. "Chính vào lúc này, tôi bắt đầu đặt ra câu hỏi: “Tại sao có một số người lại thành công hơn những người khác?”, ông nói.
"Tôi bắt đầu băn khoăn tự hỏi tại sao có một số người kiếm được nhiều tiền, có các mối quan hệ và gia đình hạnh phúc, sống trong những ngôi nhà đẹp và nói chung là tìm được nhiều niềm vui và sự thỏa mãn trong cuộc sống hơn những người khác.
Khi câu hỏi này nảy sinh, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về nó, vì chính tôi đã lãng phí thời gian. Tôi từng bị gọi là “kẻ thất bại”. Tôi trở thành một tên ngốc ở lớp. Tôi giao du với đám trẻ xấu. Tôi luôn la hét ầm ĩ để cố gắng thu hút sự chú ý và cuối cùng, chẳng ai ưa tôi.
Người ta nói rằng mỗi người có một thế mạnh nào đó, ngay cả trong việc nêu gương xấu. Đó chính là tôi. Tôi luôn được các bậc phụ huynh và thầy cô giáo lấy làm ví dụ để cảnh cáo: “Nếu con/trò không thay đổi, con/trò sẽ có kết cục giống như Tracy”.
Khi 16 tuổi, tôi đã có phát hiện đầu tiên làm thay đổi cả cuộc đời. Một ngày, tôi bắt đầu nhận ra rằng nếu tôi muốn điều gì đó thay đổi, thì điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân tôi. Nếu tôi không thích sống trong bất hạnh, bị mọi người ghét bỏ và liên tục gặp rắc rối thì chính tôi phải làm được điều gì đó. Tôi bắt đầu đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Tại sao có một số người lại thành công hơn những người khác?”
Sau khi bỏ học và làm công việc chân tay trong vài năm, tôi đã tiết kiệm được một ít tiền và đi ngao du thiên hạ.
Tôi từng đi và làm việc ở hơn 80 nước trên sáu châu lục. Tôi đã lâm vào những tình huống và trải nghiệm mà mọi người đều không thể tưởng tượng nổi. Tôi nghèo rớt mồng tơi, không có gì để ăn và vô số lần đã phải ngủ ngoài trời ở các nước xa xôi.
Tôi từng được ở khách sạn đẹp, được ăn uống tại nhà hàng sang trọng ở nhiều thành phố lớn trên thế giới. Có lúc, tôi đã là nhà quản trị cao cấp cho một công ty với số vốn lên tới 265 triệu đôla. Tôi được gặp bốn vị Tổng thống và ba Thủ tướng. Sau khi đặt ra mục tiêu được ăn tối cùng Tổng thống Mỹ, chưa đầy sáu tháng sau, tôi và vợ đã thực hiện được mục tiêu đó.
Nhiều năm trôi qua, mỗi khi nhìn lại, tôi đã học được rất nhiều bài học và một những bài học quan trọng nhất là "Bạn không thể đạt được mục tiêu mà bạn không nhìn thấy. Bạn không thể thực hiện được những điều tuyệt vời trong cuộc sống nếu bạn không có ý tưởng gì về chúng. Trước hết bạn phải hoàn toàn hiểu rõ bạn muốn gì, nếu bạn muốn khám phá tiềm năng phi thường bên trong con người bạn".
Tôi từng gặp và nói chuyện với nhiều người thành đạt và họ đều có một điểm chung. Họ biết chính xác mình muốn gì. Họ đều hình dung rõ ràng về cuộc sống lý tưởng và thành tích muốn đạt được. Điều này trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy họ tiến lên. Việc nhận ra mục tiêu xuất phát từ việc tập đặt ra mục tiêu ngay từ đầu.
Bạn phải quyết định xem cuộc sống của mình sẽ thế nào nếu bạn biến nó thành một kiệt tác. Dưới đây là 7 yếu tố tạo nên thành công.
Sự thanh thản trong tâm hồn: Yếu tố đầu tiên và dễ nhận thấy trong bảy yếu tố tạo nên thành công chính là sự thanh thản trong tâm hồn. Nó là điều tốt đẹp nhất của con người. Chính vì nó mà bạn phải phấn đấu để đạt được suốt cả cuộc đời. Ở những thời điểm nhất định, bạn nên đánh giá xem bạn đang làm tốt đến mức nào bằng mức độ thanh thản trong tâm hồn mà bạn có được.
Sự thanh thản trong tâm hồn chính là con quay hồi chuyển bên trong bạn. Khi bạn sống hài hòa với những giá trị cao nhất và niềm tin tuyệt đối - khi cuộc sống của bạn hoàn toàn cân bằng - bạn sẽ có được sự thanh thản trong tâm hồn. Nếu vì bất kỳ lý do nào mà bạn hạ thấp những giá trị bản thân, hay đi ngược lại sự chỉ dẫn bên trong, thì sự thanh thản trong tâm hồn là yếu tố đầu tiên bị ảnh hưởng.
Trong các công ty, sự thanh thản trong tâm hồn được đo bằng mức độ hòa hợp giữa các đồng nghiệp với nhau. Những công ty có doanh thu và lợi nhuận cao là những công ty mà ở đó mọi người đều cảm thấy bản thân tốt đẹp. Họ thấy an toàn và vui vẻ trong công việc. Họ có thể bận rộn, thậm chí bị xoay như chong chóng với công việc nhưng họ lại cảm thấy thanh thản trong lòng.
Nguyên tắc để đạt được sự thanh thản bên trong phải trở thành nguyên tắc tổ chức trung tâm trong cuộc sống của bạn. Nó phải trở thành mục tiêu cao nhất, và tất cả các mục tiêu khác chỉ là thứ yếu. Trên thực tế, bạn chỉ thành công khi bạn hạnh phúc, thỏa mãn và cảm giác khỏe mạnh, nói tóm lại, đó là sự thanh thản trong tâm hồn.
Đã có lúc, ý tưởng nhằm vào việc đạt được hạnh phúc cá nhân đã khiến tôi rất bối rối và lo lắng. Nền tảng tôn giáo của tôi khiến tôi luôn quan niệm rằng không thể quyết định hạnh phúc cá nhân bằng sự lựa chọn và hành vi.
Ngược lại, người ta nói với tôi rằng, hạnh phúc chỉ đơn thuần là kết quả phụ của việc làm cho những người khác được hạnh phúc. Nếu tôi hạnh phúc thì mọi người lại bảo rằng đó là do may mắn. Còn nếu không thì đó là do số phận của tôi. Ý nghĩ đặt hạnh phúc là mục tiêu cụ thể của bản thân bị coi là ích kỷ và thiếu lòng trắc ẩn.
Bước ngoặt quan trọng đến với tôi khi tôi học được hai điều. Thứ nhất, tôi hiểu rằng, nếu tôi không cố gắng giành hạnh phúc cho mình thì chẳng ai làm điều đó. Nếu mục tiêu trong cuộc sống của tôi chỉ là làm cho người khác hạnh phúc thì tôi sẽ chỉ luôn vui cái vui của người khác. Và tôi nhận ra rằng, việc cố gắng tổ chức cuộc sống của mình xoay quanh việc giúp người khác hạnh phúc là một việc làm chán ngắt và không bao giờ kết thúc, bởi điều đó là không thể.
Thứ hai, tôi nhận thấy tôi không thể cho đi những gì mình không có. Tôi không thể khiến ai đó hạnh phúc bằng sự khốn khổ của chính mình. Như Abraham Lincoln từng nói: “Bạn không thể giúp đỡ người nghèo bằng cách trở thành người nghèo giống như họ”. Tôi nhận ra rằng, tôi không thể làm cho người khác hạnh phúc nếu trước tiên, tôi không thể làm cho mình hạnh phúc.
Sự thanh thản trong tâm hồn là điều rất quan trọng đến nỗi nó phải trải qua quá trình phân tích khắt khe. Nó từ đâu đến? Nó tồn tại dưới những điều kiện nào? Bạn phải làm gì để đạt được nhiều hơn?
Nói một cách đơn giản nhất, bạn sẽ trải nghiệm được niềm hạnh phúc và thanh thản trong tâm hồn mỗi khi bạn hoàn toàn thoát khỏi cảm giác tiêu cực, như sợ hãi, tức giận, hoài nghi, cảm giác tội lỗi, oán giận và lo lắng. Khi không còn các cảm giác đó, tự nhiên bạn sẽ cảm nhận được sự thanh thản trong tâm hồn, không cần phải cố gắng mới thấy được. Chìa khóa mở ra hạnh phúc là phải loại bỏ hay ít nhất là giảm thiểu các yếu tố gây ra cảm giác tiêu cực hay căng thẳng.
Khi bạn đặt sự thanh thản trong tâm hồn là một mục tiêu và lên kế hoạch cho mọi việc bạn làm, bạn sẽ không bao giờ mắc sai lầm. Bạn sẽ chỉ làm và nói những điều đúng đắn. Bạn sẽ cảm thấy mình thật tuyệt vời. Sự thanh thản trong tâm hồn chính là chìa khóa mở ra điều đó.
Sức khỏe và sinh lực: Nếu như sự thanh thản trong tâm hồn là trạng thái tinh thần tự nhiên và bình thường thì sức khỏe và sinh lực lại là trạng thái thể chất tự nhiên và bình thường của bạn.
Cơ thể bạn có thành kiến tự nhiên với sức khỏe. Nó có thể dễ dàng sản sinh ra rất nhiều năng lượng nếu không có sự can thiệp về mặt thể chất và tinh thần. Và sức khỏe phi thường tồn tại khi không còn bất cứ sự đau đớn, ốm đau hay bệnh tật nào. Thật tuyệt vời là cơ thể bạn được cấu tạo theo cách mà chỉ cần bạn ngừng làm những điều nhất định, thì nó sẽ tự phục hồi, trở nên khỏe mạnh và tràn đầy sinh lực.
Nếu bạn đạt được mọi thứ trong thế giới vật chất, nhưng lại bị mất sức khỏe hay sự thanh thản trong tâm hồn, thì bạn sẽ có rất ít, thậm chí là không thấy vui với những gì đạt được.
Bạn hãy tưởng tượng bạn đang có một sức khỏe tuyệt vời. Bạn hãy tưởng tượng xem bạn sẽ thế nào nếu bạn có một thân hình cân đối? Trông bạn thế nào? Bạn cảm thấy ra sao? Bạn nặng bao nhiêu? Bạn ăn loại thức ăn gì và tập loại hình thể dục nào? Bạn làm gì, nhiều hơn hay ít đi?
Các mối quan hệ tình cảm: Yếu tố thứ ba của thành công là các mối quan hệ tình cảm. Đó là mối quan hệ với những người bạn yêu thương, quan tâm và họ cũng yêu thương và quan tâm đến bạn. Họ chính là thước đo bạn là người tốt đến mức nào. Hầu hết niềm hạnh phúc và nỗi bất hạnh trong cuộc sống đều bắt nguồn từ mối quan hệ với người khác và chính nó giúp bạn trở thành con người đích thực.
Đặc điểm cơ bản của một người hoàn hảo là có khả năng bước vào và duy trì các mối quan hệ lâu bền với bạn bè và mối quan hệ thân tình với những người khác. Bản chất cốt lõi trong nhân cách của bạn biểu hiện thông qua cách bạn sống hòa thuận với người khác và cách họ sống với bạn.
Hầu như ở bất cứ thời điểm nào bạn cũng có thể xác định được bạn đang làm tốt đến mức nào trong các mối quan hệ của bạn bằng một phép thử đơn giản: tiếng cười. Hai người, hay một gia đình, cười với nhau bao lâu là thước đo đơn giản và chắc chắn nhất để biết mọi thứ đang diễn ra như thế nào, khi một mối quan hệ thật sự hạnh phúc, người ta cười với nhau rất nhiều khi họ ở cùng nhau. Và khi một mối quan hệ xấu đi, điều đầu tiên mất đi là nụ cười.
Điều này cũng đúng với các công ty. Các công ty làm ăn phát đạt và thu được lợi nhuận cao là nơi mà ở đó mọi người cười đùa với nhau. Họ quý mến người khác và yêu thích công việc của mình. Họ làm việc theo nhóm rất trôi chảy và vui vẻ. Họ lạc quan, cởi mở hơn với nhiều ý tưởng mới, họ sáng tạo và linh hoạt hơn.
Độc lập về tài chính: Độc lập về tài chính nghĩa là bạn có đủ tiền để không phải lúc nào cũng lo lắng về nó, như đa số mọi người vẫn thế. Tiền bạc không phải là nguồn gốc của mọi tội lỗi, mà thiếu tiền mới là nguồn gốc của mọi tội lỗi.
Hơn 80% dân số bị ám ảnh với các vấn đề về tiền bạc. Họ suy nghĩ và lo lắng về tiền khi thức dậy, khi ăn sáng và trong suốt cả ngày. Họ nói chuyện và nghĩ về tiền suốt cả buổi tối. Đây không phải là lối sống vui vẻ và lành mạnh. Nó không đưa đến những gì tốt đẹp nhất bạn có thể làm.
Tiền bạc rất quan trọng. Khi tôi đặt nó ở vị trí thứ tư trong danh sách các yếu tố của thành công, nó là yếu tố cần thiết để đạt được ba yếu tố trên. Hầu hết mọi lo lắng, căng thẳng, băn khoăn và việc mất đi sự thanh thản trong tâm hồn đều do những lo lắng về tiền bạc gây nên. Rất nhiều vấn đề về sức khỏe cũng sinh ra từ sự căng thẳng và lo lắng về tiền bạc. Nhiều vấn đề trong các mối quan hệ cũng bắt nguồn từ những lo lắng về tiền bạc, và một trong những nguyên nhân chính của các vụ ly hôn là những bất đồng xoay quanh vấn đề tiền bạc. Do vậy, chính bạn phải phát huy được năng lực và tài năng của mình tới mức độ mà bạn có thể kiếm đủ tiền để không phải lo lắng về nó.
Các lý tưởng và mục tiêu đáng giá: Yếu tố thứ năm của thành công là các lý tưởng và mục tiêu đáng giá. Theo Tiến sĩ Viktor E. Frankl, tác giả của cuốn sách Man’s Search for Meaning (Cuộc tìm kiếm ý nghĩa của loài người), sự nỗ lực sâu thẳm trong tiềm thức của bạn là nhu cầu có được ý nghĩa và mục đích trong cuộc sống. Để đạt được hạnh phúc thật sự, bạn cần có một cảm giác định hướng. Bạn cần cam kết bằng một điều gì đó lớn và quan trọng hơn bản thân bạn. Bạn cần cảm nhận rằng cuộc sống của bạn đại diện cho một điều gì đó, rằng bạn có những đóng góp quan trọng đối với thế giới của bạn bằng cách này hay cách khác.
Hạnh phúc được định nghĩa như “sự nhận thức không ngừng về một lý tưởng đáng giá”. Bạn chỉ hạnh phúc khi không ngừng làm được những việc thật sự quan trọng đối với bản thân. Hãy suy nghĩ về các kiểu hoạt động và thành tích mà bạn thích thú nhất. Trong quá khứ, khi hạnh phúc nhất, bạn đã làm gì? Loại hoạt động nào mang lại cho bạn cảm giác lớn nhất về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống?
Tự hiểu mình và tự nhận thức: Yếu tố thứ sáu của thành công là khả năng tự hiểu mình và tự nhận thức. Trong suốt lịch sử, khả năng tự hiểu mình đã song hành với hạnh phúc bên trong và thành tích bên ngoài. Cụm từ “Con người tự hiểu về mình” có nguồn gốc từ Hy Lạp cổ đại. Để thể hiện mình tốt nhất, bạn cần phải biết mình là ai và tại sao mình lại suy nghĩ và cảm nhận theo cách đó. Bạn cần hiểu được những thế lực và ảnh hưởng đã hình thành tính cách của bạn từ khi còn nhỏ. Bạn cần biết lý do tại sao bạn lại phản ứng và hưởng ứng như vậy với con người và tình huống xung quanh bạn. Chỉ khi bạn hiểu và chấp nhận bản thân, bạn mới có thể bắt đầu tiến bộ trong các lĩnh vực khác của cuộc sống.
Hoàn thiện bản thân: Yếu tố thứ bảy của thành công là cảm giác hoàn thiện bản thân. Đây là cảm giác bạn đang trở thành con người như bạn có khả năng trở thành. Nhà tâm lý học Abraham Maslow gọi điều này là “khả năng thể hiện đầy đủ tiềm năng của mình”. Ông cho rằng, nó là đặc điểm chủ yếu ở những người mạnh khỏe nhất, hạnh phúc nhất và thành đạt nhất trong xã hội của chúng ta.
Việc xác định được bảy yếu tố tạo nên thành công sẽ mang lại cho bạn một loạt các mục tiêu cần thực hiện. Khi bạn xác định cuộc sống của mình theo lý tưởng, khi bạn có đủ dũng khí để quyết định chính xác những gì bạn muốn có, đó là lúc bạn đã bắt đầu quá trình khám phá khả năng tiềm ẩn để đưa đến thành công. Ở các chương tiếp theo, bạn sẽ học được một phương pháp suy nghĩ và hành động đã được chứng minh. Bạn có thể sử dụng phương pháp này để đạt được bất cứ mục tiêu nào mà bạn đặt ra. Nhưng bước đầu tiên và quan trọng nhất là bạn phải biết bạn muốn kết thúc ở đâu.
(Trích cuốn "Thành công tột đỉnh" do Công ty Alpha Books phát hành")
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment