Saturday, May 24, 2008

chứng khoán

Bí quyết đầu tư của 5 ông trùm chứng khoán

Qua các hồ sơ và tư liệu lưu giữ, các nhà phân tích nhận thấy một điểm khá thú vị cả 5 nhà giao dịch cổ phiếu vĩ đại nhất những năm 1890 là Jesse Livermore, Bernard Baruch, Gernal M.Loeb, Nicolas Darvas và William J.O'Neil đều áp dụng chiến lược và các nguyên tắc kinh doanh khá giống nhau.
> Chết vì chứng khoán

Cuốn sách "Giàu từ chứng khoán". Ảnh: H.A.

Những nhà kinh doanh này không nhất thiết phải có số vốn lớn khi bắt đầu sự nghiệp kinh doanh và để tăng số vốn này lên thành khoản tiền kếch xù. Livermore bắt đầu sự nghiệp của mình với vẻn vẹn chỉ một vài đôla (đó là vào năm 1892), còn O'Neil cũng chỉ có 500 đôla làm vốn kinh doanh ban đầu.

Thế nhưng, thua lỗ trong những năm đầu kinh doanh đã giúp họ ra nguyên nhân cho những thất bại ấy. Họ nhận ra rằng với sự quyết tâm và thái độ đúng đắn, tự tạo dựng những nguyên tắc cho riêng mình thì mọi người đều có thể kiếm được số tiền đáng mơ ước khi bắt đầu tham gia vào thế giới giao dịch cổ phiếu. Họ nhận ra rằng giao dịch cổ phiếu không phải là công việc dễ dàng và quan niệm của rất nhiều người cho rằng có thể làm giàu nhanh chóng mà không cần cố gắng là hoàn toàn sai lầm.

Điều thú vị là, cả 5 nhà giao dịch vĩ đại này đều áp dụng những nguyên tắc và kỷ luật giao dịch giống nhau. Xin giới thiệu cùng đông đảo bạn đọc.

Kỹ năng quan trọng số một mà tất cả các nhà giao dịch đều biết đó là tinh thần làm việc kiên cường. Bởi công việc giao dịch cổ phiếu cũng không có gì khác biệt so với những công việc khác. Phần thưởng xứng đáng sẽ giành cho những ai biết cố gắng nỗ lực để giành được nó.

Ngoài Darvas ra thì hầu hết các nhà giao dịch đều kết luận rằng do giao dịch cổ phiếu yêu cầu phải luôn luôn cố gắng nỗ lực không ngừng nên mọi người phải dành toàn bộ thời gian vào công việc này. Darvas là người duy nhất không dành toàn bộ thời gian của mình vào thị trường chứng khoán cũng như giao dịch cổ phiếu. Mỗi ngày, ông chỉ dành khoảng 8 tiếng để nghiên cứu thị trường và cho rằng thế là quá đủ.

Các nhà giao dịch chứng khoán cho rằng muốn kiếm được nhiều lợi nhuận thì họ phải làm việc chăm chỉ vì thành công không thể đến một sớm một chiều được. Yếu tố thời gian đã chứng minh được rằng cũng giống như hầu hết những nỗ lực đem lại kết quả, thành công bất ngờ không thường xuyên xuất hiện trên thị trường cổ phiếu. Nếu điều này trở thành hiện thực thì nó cũng sẽ không kéo dài lâu nếu nhà giao dịch không tập trung chú ý, không nỗ lực kinh doanh và không áp dụng những nguyên tắc giao dịch hợp lý.

Điểm chung thứ hai là các nhà giao dịch cổ phiếu này đều cho rằng kinh nghiệm đóng vai trò rất quan trọng. Họ học hỏi từ chính những sai lầm của mình rút ra những bài học để đi tới thành công con đường sự nghiệp. Theo họ, các nhà đầu tư cần phải ghi nhớ những kinh nghiệm mình đã tích lũy được khi đối mặt với khó khăn để khi gặp những tình huống tương tự có thể nhanh chóng giải quyết. Điều này đặc biệt đúng trên thị trường chứng khoán vì mô hình cổ phiếu và xu hướng thị trường thường lặp đi lặp lại từ năm này sang năm khác và từ chu kỳ này sang chu kỳ khác.

Bên cạnh đó, một kỹ năng bắt buộc đối với một nhà giao dịch cổ phiếu đó là phải có khả năng kiểm soát cảm xúc. Để làm được điều này, nhà giao phải lập ra những nguyên tắc hợp lý giúp họ kiểm soát cảm xúc. Cân bằng cảm xúc, trong khi vẫn tích cực hoạt động trên thị trường, là khả năng mà một người giao dịch tốt phải có. Để làm được điều này, chỉ những người đã từng ở giữa ranh giới giữa thành công và thất bại mới hiểu ra những nguy hiểm mà cảm xúc có thể gây ra.

Loeb và Darvas đã phát hiện ra một số đặc điểm nhất định của một số loại cổ phiếu. Loeb đã miêu tả đúng nhất khi cho rằng cổ phiếu cũng có những giai đoạn giống như con người. Đó là giai đoạn phôi thai, phát triển, trưởng thành và suy thoái. Giai đoạn đầu tư đem lại nguồn lợi nhuận lớn nhất đó là giai đoạn phát triển. Còn O'Neil phát hiện thấy cổ phiếu tuân theo một số dạng nhất định và những dạng này sẽ tiếp tục còn lặp đi lặp lại và những cổ phiếu tốt nhất thường có những dạng hình thái giống nhau. Khả năng xác định dạng cổ phiếu và cổ phiếu đó đang ở giai đoạn nào sẽ là yếu tố đóng góp vào sự thành công của mỗi nhà giao dịch.

Những nhà giao dịch cổ phiếu vĩ đại này đều có một đặc điểm chung là họ có động cơ để đạt được mục tiêu to lớn đã đề ra và để thành công trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt, Loeb và Darvas đều cho rằng đối với họ việc đặt ra mục tiêu chiến lược giành được lợi nhuận cao nhất có thể là vô cùng quan trọng. Livermore, Baruch và O'Neil rõ ràng là có động lực, sự bền bỉ và kiên trì - những yếu tố này đã thúc đẩy họ đạt được mục tiêu đã đề ra của mình.

Có khả năng phán đoán và tư duy tốt, có vốn hiểu biết chung và có tính khiêm nhường cũng là một trong những kỹ năng quan trọng mà các nhà giao dịch phải học nếu muốn thành công trong bối cảnh thị trường luôn chứa đựng nhiều thách thức. Sự thông minh chắc chắn sẽ giúp quá trình giao dịch diễn ra suôn sẻ hơn và đây cũng là một yếu tố cần phải có chứ không phải là điều kiện tiên quyết. Trên thực tế, thông minh hơn người đôi khi khiến con người rơi vào tình trạng quá tự tin và họ sẽ phải trả giá đắt cho sự tự tin thái quá của mình trên thị trường chứng khoán.

Các nhà giao dịch này đều coi trọng kỹ năng phản ứng nhanh và khả năng thay đổi để phù hợp với sự thay đổi của thị trường. Mặc dù Livermore đã từng phát biểu rằng thị trường không bao giờ thay đổi do bản tính con người không thay đổi. Thị trường chỉ thực sự thay đổi theo hướng với các công ty mới, thích nghi với những phát triển trong lĩnh vực kinh doanh, trong nền kinh tế và trong phạm vi toàn thế giới.

Phát biểu của ông đề cập việc mọi người phản ứng như thế nào trước một sự kiện xảy ra, phản ứng của mọi người cũng không thay đổi nhiều do bản tính của con người. Một nhà giao dịch giỏi phải có khả năng phản ứng với những biến động của chu kỳ thị trường. Những nhà giao dịch cổ phiếu không có khả năng thay đổi và phản ứng với thị trường sẽ phải trả một giá đắt.

Tất cả những nhà giao dịch cổ phiếu vĩ đại này đều phát hiện ra những kỹ năng được liệt kê ở trên trên con đường tìm kiếm thành công cho mình. Đây là những kỹ năng cơ bản và hợp lý, vấn đề khó khăn đó là họ phải áp dụng và hoàn thiện những kỹ năng này bằng cách chăm chỉ làm việc, tự mò mẫm học tập và phải cố gắng nỗ lực trong nhiều năm liền.

Cả 5 nhà đầu tư này đều có chung một quan điểm cho rằng giao dịch dựa trên việc nghe theo những lời khuyên từ người khác là một sai lầm. Có vẻ như mọi người đều có một ý kiến riêng về loại cổ phiếu nào đó và biết một số thông tin nóng. Bạn nên nghi ngờ những thông tin này. Rất nhiều nhà giao dịch vĩ đại đã học được bài học đắt giá khi nghe theo người khác. Livermore đã mất rất nhiều tiền khi nghe theo lời khuyên của Vua Cotton, Percy Thomas. Baruch cũng đã mất toàn bộ số vốn đầu tiên của mình và phần lớn số tiền của cha ông khi nghe theo lời khuyên đầu tư từ một người ngoài cuộc.

Những kinh nghiệm này đã khiến tất cả các nhà giao dịch tin rằng có lẽ nguyên tắc quan trọng nhất khi đầu tư cổ phiếu đó là hãy tự mình nghiên cứu thị trường và không nghe theo lời khuyên hay quan điểm của người khác. Từ việc tự mình nghiên cứu thị trường, lịch sử cổ phiếu, biểu đồ cổ phiếu… và việc không ngừng học hỏi, rút ra từ những kinh nghiệm thực tế, mỗi người đều tự hoàn thiện khả năng đưa ra quyết định phiên giao dịch và tự mình đưa ra những quyết định giao dịch. Họ đều tin rằng không ai có thể kiểm soát được thị trường nhưng các nhà giao dịch vẫn có thể thành công nếu họ làm việc chăm chỉ, không ngừng học tập và tự mình tiến hành nghiên cứu thị trường.

Ngay cả Gerald Loeb, năm 1965, cũng đã cập nhật thêm những chiến lược ông đã học được trong vòng 30 năm cho cuốn sách kinh điển của ông Cuộc chiến để tồn tại trong đầu tư cổ phiếu (The Battle for Investment Survival) được xuất bản lần đầu tiên năm 1935. William O'Neil rất tin tưởng vào nguyên tắc tự mình nghiên cứu thị trường nên ông đã sáng lập ra tờ Nhật báo Kinh doanh của Nhà đầu tư (Investor’s Business Daily) và nhờ vậy những nhà đầu tư cá nhân độc lập có một nguồn tham khảo để tự mình tiến hành nghiên cứu thị trường dựa trên thông tin có thực và không lệch lạc.

Một nguyên tắc giống nhau nữa của năm ông trùm cổ phiếu này là họ đều nghiên cứu rất kỹ lưỡng mỗi lần giao dịch của mình. Khi những nhà giao dịch này thua lỗ, họ không đổ lỗi cho thị trường hay cho cổ phiếu của họ. Họ quan sát những hành động của mình và quyết định phân tích nguyên nhân khiến cho họ thua lỗ. Hành động này rất quan trọng. Bạn phải tự chịu trách nhiệm với tất cả những lần giao dịch của mình, không được coi thị trường là nguyên nhân khiến mình bị thua lỗ. Bạn không nên tức giận với thị thường.

Thay vào đó, những nhà giao dịch này học được rằng chìa khóa để giảm thua lỗ và tiến bước trên con đường tìm kiếm lợi nhuận là liên tục phân tích những lần giao dịch và sau đó rút ra bài học từ những sai lầm này. Họ nắm rõ những lần giao dịch thành công của mình, do vậy, họ có thể loại bỏ những quyết định khiến họ bị thua lỗ và tận dụng những phiên giao dịch có thể kiếm được tiền lãi lớn. Tất cả họ đều ghi lại những lần giao dịch của mình và sau đó họ sẽ kiểm tra lại đặc biệt là xem lại những lần giao dịch thua lỗ. Thừa nhận và luôn xem xét những sai lầm của mình như một sự nhắc nhở là điều không hề dễ dàng, nhưng nó sẽ giúp rất nhiều trong quá trình học tập không ngừng và các nhà giao dịch vĩ đại này đã chứng minh rằng nó hoàn toàn đúng.

Trong quá trình tự mình nghiên cứu, họ đều giữ bí mật về những lần giao dịch của mình. Livermore và Darvas thậm chí đề cập việc họ sử dụng nhiều nhà môi giới tiến hành việc giao dịch giúp mình bởi vì họ không muốn mọi người biết những hành động của họ. Loeb cũng giữ im lặng về những lần giao dịch của mình, ông thậm chí không đề cập cụ thể những lần giao dịch đó trong những ấn phẩm của mình. O'Neil không tiết lộ thông tin giao dịch của mình cho tờ báo IBD hoặc không công bố những cổ phiếu ông đang nắm giữ.

Có được một cổ phiếu ăn khách, đang tạo ra nguồn lợi nhuận thực sự trên thị trường chứng khoán là một chuyện nhưng giữ cổ phiếu đó lại là một chuyện khác. Tạo ra một tài khoản tiền mặt là một đặc điểm chung nữa của những nhà giao dịch vĩ đại này. Baruch, Loeb và Darvas đều đã ngừng một số lần giao dịch để dự trữ. O'Neil chuyển lợi nhuận ban đầu sang cách thức đầu tư chiến lược khác, như là mua một ghế trong Thị trường Chứng khoán New York, thành lập công ty nghiên cứu đầu tư riêng và sau đó sáng lập nên tờ Nhật báo Kinh doanh của Nhà đầu tư. Livermore áp dụng phương pháp này nhiều hơn bất kỳ nhà kinh doanh nào khác, nhưng người ta đồn rằng ông đã để dành một quỹ rất lớn để tránh như trước kia khi bị mất hết số tiền lãi khổng lồ của mình.

Cả 5 nhà buôn tiền này đều cho rằng lúc nào cũng giao dịch trên thị trường không phải là chiến lược khôn ngoan. Đơn giản vì thị trường không phải lúc nào cũng mang lại cơ hội tốt nhất. Loeb và Darvas không tin tưởng vào việc tiếp tục giao dịch khi thị trường giảm giá hoặc có hiện tượng đầu cơ chờ giảm giá O'Neil cũng đồng tình với quan điểm trên. Livermore không cho rằng ông có khả năng kiếm được lợi nhuận khi chưa xác định được rõ ràng xu hướng của thị trường, ông luôn tìm kiếm cơ hội giao dịch khi thị trường lên giá hoặc xuống giá. Rút khỏi thị trường nghĩa là nhà giao dịch đứng ngoài thị trường, họ sẽ giao dịch trở lại khi có cơ hội tốt hơn. Thời gian yên tĩnh khi rút lui khỏi thị trường sẽ giúp họ có thêm cơ hội phân tích thị trường và xu hướng giá.

Nguyên tắc phân tích không ngừng trong khi rút lui khỏi thị trường cũng giống như việc luyện tập của những vận động viên hàng đầu trong những kỳ nghỉ. Bạn vẫn đạt phong độ đỉnh cao và chắc chắn rằng mình sẵn sàng chuẩn bị khi thời cơ giao dịch đến.

Nhiều nhà đầu tư được khuyên là nên giao dịch đa dạng các loại cổ phiếu để có thể giảm được rủi ro. Tất cả năm nhà giao dịch này đều không đồng tình với quan điểm trên. Trên thực tế, họ đều tin rằng việc kiếm được nhiều lợi nhuận nhất lại phụ thuộc việc bạn càng giao dịch càng ít cổ phiếu càng tốt và họ đã chứng minh được quan điểm của mình là đúng khi kiếm được nhiều triệu đôla.

Với những trải nghiệm và những sai lầm khi mua và nắm giữ số ít loại cổ phiếu của các công ty có trụ sở tại New York được giao dịch trên thị trường chính thức, họ đều phát hiện ra rằng nếu mua đúng loại cổ phiếu trong đúng bối cảnh thị trường và sau đó bán đúng thời điểm thì có thể kiếm được nhiều lợi nhuận. Nguyên tắc này nghĩa là tập trung giao dịch một số loại cổ phiếu hàng đầu - những cổ phiếu có nhu cầu lớn nhất tại thời điểm đó và không đầu tư vào những loại cổ phiếu mà bạn không hiểu nhiều về lĩnh vực đó, nguyên tắc này đã giúp họ trở thành người cực kỳ giàu có. Gerald Loeb đã từng nói rằng: “An toàn nhất là để tất cả số trứng của bạn vào một cái rổ và quan sát rổ đó”.

Khi nói đến việc đa dạng hóa cổ phiếu, những nhà giao dịch này cho rằng điều quan trọng là phải hiểu về lĩnh vực đang định đầu tư. Baruch rất tin tưởng việc nghiên cứu các thông tin về công ty càng nhiều càng tốt. Ông cũng cho biết việc thiếu hiểu biết về công ty định mua cổ phiếu là một trong những nguyên nhân chính khiến ông thua lỗ. Tự mình tuân theo nguyên tắc để xác định cổ phiếu nào đang là cổ phiếu hàng đầu và hiểu bối cảnh thị trường là những yếu tố cơ bản dẫn đến việc giao dịch cổ phiếu thành công.

Rõ ràng trong lĩnh vực cổ phiếu, rất nhiều nguyên tắc đã mang lại thành công cho những nhà giao dịch cổ phiếu vĩ đại lại ngược với quan điểm phổ biến từ trước tới nay. Giao dịch cổ phiếu cũng giống như một số việc trong cuộc sống, đôi khi tốt nhất là hãy lựa chọn đi trên con đường có ít người qua hơn. Qua những nhà giao dịch này, ta thấy rõ những nguyên tắc chung này rất có tác dụng. Do vậy ngày càng nhiều các lượng nhà đầu tư cổ phiếu áp dụng theo những nguyên tắc này với mục tiêu tạo ra được nhiều lợi nhuận trên thị trường.

(Trích từ cuốn "Giàu từ chứng khoán")


Chết vì chứng khoán

Năm 1932, một nhóm các nhà đầu tư tài chính giàu nhất thế giới gồm 7 người gặp nhau tại khách sạn Edgewater ở Chicago (Mỹ). Tài sản của họ nhiều hơn cả Kho bạc Nhà nước Mỹ cộng lại và trong nhiều năm qua, giới truyền thông đưa tin về họ như những mẫu thành công điển hình.

Jesse Livermore. Ảnh:pam

Họ là Charles Schwab - Chủ tịch Tập đoàn thép lớn nhất thế giới, Arthur Cutten - nhà đầu tư lúa mì lớn nhất thời kỳ những năm 1932. Người thứ ba là Richard Whitney - Giám đốc Sở giao dịch chứng khoán New York; Albert Fall - thành viên Nội các, Jesse Livermore - nhà đầu cơ giá xuống nổi tiếng nhất Phố Wall, Leon Fraser - Chủ tịch Ngân hàng Thanh toán Quốc tế và Ivan Kruegger - ông chủ hãng độc quyền lớn nhất thế giới.

Điều gì đã xảy ra với họ? Ông Schwab và Cutten chết trong khốn khó, Whitney phải ở trong nhà lao Sing Sing nhiều năm. Fall cũng ngồi tù thời gian dài, nhưng sau đó được phóng thích nên ông đã qua đời tại nhà. Những người còn lại như Livermore, Fraser và Kruegger đều tự vẫn.

Cuốn sách "Chết vì chứng khoán" kể về cuộc đời Jesse Livermore - một trong bố bảy nhà đầu tư chứng khoán tài ba nhất mọi thời đại kể trên vừa được Công ty Phát hành sách Alphabooks giới thiệu chiều 17/9.

Sự thăng trầm của số phận và gia đình của nhà đầu cơ vĩ đại Jesse Livermore được thể hiện trong 444 trang viết và được xây dựng dựa trên các cuộc phỏng vấn với những người sống sót trong gia đình và những người đã chứng kiến các sự kiện trong cuộc đời ông. Jesse Livermore, một trong những nhà kinh doanh chứng khoán thành công nhất thế giới, nhưng chính ông cũng phải đón nhận một kết cục hết sức bi thảm: gia đình tan vỡ, tài chính phá sản và tự sát trong tuyệt vọng.

Giám đốc Alphabooks - Nguyễn Cảnh Bình cho biết, "Chết vì chứng khoán" của tác giả Richard Smitten chỉ là một trong 7 cuốn sách viết về thị trường chứng khoán và vòng quay của vốn đầu tư mà công ty muốn giới thiệu với đông đảo những người đang, đã và sẽ tham gia thị trường chứng khoán.

Theo ông, những ngày này, thị trường chứng khoán Việt Nam đang rơi vào tình trạng đóng băng, ảm đạm. Giá cổ phiếu liên tục giảm khiến cho các nhà đầu tư "non tay", ít vốn muốn bán tống bán tháo cổ phiếu vì sợ càng để lâu càng thua lỗ. Giá giảm liên tục cũng khiến nhiều người không dám mua vào vì sợ trắng tay. Tuy nhiên theo các chuyên gia phân tích tài chính, đây chính là thời điểm tốt nhất để các nhà đầu tư ngồi lại suy ngẫm, tham khảo những kinh nghiệm, chiến thuật hợp lý. Những cuốn sách viết về kinh nghiệm đầu tư của các ông trùm buôn bán cổ phiếu là một kênh tham khảo rất hữu hiệu.

"Chúng tôi chẳng đưa ra bất kể lời khuyên nào với các nhà đầu tư trong lúc này song với những câu chuyện kể về số phận của các nhà đầu tư trên thế giới sẽ phần nào lý giải phần nào câu hỏi: vì sao có người thành công và có kẻ thất bại", ông Bình cho biết thêm.

Hồng Anh

No comments: