Đầu những năm 2000, toàn nhân loại chứng kiến những chấn động mạnh mẽ trong giới doanh nghiệp và trên các thị trường tài chính ở nước Mỹ, làm lung lay niềm tin của công chúng đối với nhiều tập đoàn quan trọng của nước này.
> Ông vua bán lẻ tại Mỹ
Ông Michael Dell. Ảnh: Linternaute. |
Đây là giai đoạn chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng trên thị trường chứng khoán Mỹ, đánh dấu sự gia tăng liên tục trong gần hai thập kỷ. Nếu như tại thời điểm mở cửa thị trường vào năm 1982, chỉ số công nghiệp Dow Jones mới quanh quẩn ở mức 8.000 điểm thì sau đó đã vượt qua các ngưỡng 10.000 và 11.000 điểm. Khi đó, các chuyên gia thậm chí dự báo rằng trong một tương lai không xa, chỉ số này còn có thể tăng lên tới mức 30.000 điểm. Tuy nhiên, kỷ lục tăng trưởng ngoạn mục lại thuộc về chỉ số công nghiệp nặng NASDAQ, với mức tăng chóng mặt lên tới 5.000 điểm. Tập đoàn này đã có phần hơi kiêu căng khi tự coi mình là chỉ số chứng khoán của thế kỷ tới.
Sự tăng trưởng ấn tượng của thị trường chứng khoán đã ảnh hưởng sâu sắc tới hoạt động đầu tư của công chúng. Người ta đua nhau rút những khoản tiết kiệm hưu trí để dành cho những kế hoạch đầu tư sinh lợi khác. Chính xu thế này càng góp phần thúc đẩy hơn nữa mức tăng trưởng nói trên. Nếu cách đây vài thập kỷ, chỉ có một tỷ lệ phần trăm rất nhỏ người Mỹ mua chứng khoán hay cổ phiếu cá nhân thông qua các quỹ tương hỗ thì hiện tại có tới xấp xỉ 60% hộ gia đình Mỹ tham gia vào cuộc chơi của những con số này.
Giả sử ngày càng nhiều người dân có ngày càng nhiều tài sản trên thị trường chứng khoán thì mọi người đều được lợi. Theo lời Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ Alan Greenpan, chính “hiệu ứng giàu có” này đã chi phối người dân Mỹ: “Chúng ta (người dân Mỹ) cảm thấy mình giàu có hơn và do đó tiêu nhiều tiền hơn, nhờ vậy nền kinh tế sẽ phát triển lên một tầm cao mới. Cái gọi là nền kinh tế mới đó hứa hẹn sẽ có nhiều người giàu hơn nữa trong những năm tiếp theo”.
Ông Jack Welch. Ảnh: businessweek. |
Nếu như nhà sử học nổi tiếng Frederick Lewis Allen từng ví những chấn động kinh tế trong những năm 1920 như một “cuộc nổi dậy của giới doanh nghiệp”, thì giai đoạn cuối những năm 1980 và 1990 có thể coi là “cuộc nổi dậy lần thứ 2”. Kinh doanh chiếm vị trí đầu bảng trong số các ngành nghề và những cái tên như Bill Gates, người đứng đầu Microsoft hay Jack Welch, ông trùm của GE đã trở thành hình mẫu lý tưởng, có khi là thần tượng, trong mắt công chúng.
Mùa hè năm 2000, một nhà xuất bản đã bỏ ra tới 7 triệu đôla để được quyền xuất bản cuốn hồi ký của Jack Welch. Đây là số tiền kỷ lục đối với bản quyền một cuốn sách kinh doanh, và xấp xỉ bằng tiền mua bản quyền sách hồi ký của những vĩ nhân. Tính đến thời điểm đó, tiền mua bản quyền cuốn sách của Jack Welch chỉ đứng sau cuốn hồi ký của Giáo hoàng. Về sau, kỷ lục này chỉ bị vượt qua bởi số tiền bản quyền trả cho hai cuốn hồi ký của vợ chồng cựu Tổng thống Mỹ Clinton.
Đó là thời kỳ sôi động trong giới doanh nghiệp Mỹ và gần như ai cũng bị cuốn theo sức hút của thời cuộc. Hàng loạt tạp chí kinh doanh và tài chính mới ra đời và được bày bán nhan nhản trên khắp các sạp báo. Nhiều đài truyền hình cáp thậm chí còn dành cả một kênh riêng chuyên về thông tin tài chính thừa nhận rằng họ đánh giá rất cao những chương trình này.
Cựu tổng giám đốc IBM - Lou Gerstner Ảnh: i.a.cnn. |
Nếu như trước đây, những vị giám đốc các quỹ tương hỗ dù rất thành đạt nhưng cũng chỉ biết miệt mài làm việc trong bốn bức tường văn phòng và hầu như không ai chú ý đến, thì giờ đây, họ trở nên nổi tiếng chẳng khác gì những ngôi sao nhạc Pop. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời kinh doanh chính là những vị Tổng giám đốc cao cấp. Chân dung của họ xuất hiện trên trang bìa hàng loạt cuốn sách, báo và tạp chí, với mỗi lời nói và cử chỉ đều chứa đựng sức nặng, đôi khi mang tính quyết định, đối với những biến động hàng ngày trên thị trường.
Trong hai năm 1997 và 1999, Tạp chí Time đều chọn một vị Tổng giám đốc làm “Nhân vật của năm”, lần lượt các cái tên Andy Grove, Tổng giám đốc Intel và Jeff Bezos, Tổng giám đốc Amazon được điểm mặt. Nếu như trước đây, danh hiệu này thường thuộc về những nhân vật chóp bu chính trị hoặc những siêu sao, thì giờ đây đến lượt những doanh nhân và những vị tổng giám đốc điều hành nhận được tước hiệu danh giá này.
Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”. Một số người mà công luận đã từng ngợi ca, trong đó có Andy Grove tỏ ra thực sự có tầm nhìn và ảnh hưởng đúng tới công chúng. Tuy nhiên, không phải ông chủ tập đoàn nào cũng có ảnh hưởng như vậy. Cuối năm 2001, đại đa số các công ty từng rất có giá trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã sụp đổ và phá sản, tạo nên cú sốc lớn nhất trong lịch sử trên tất cả các thị trường tài chính. Chỉ số NASDAQ sau 3 năm liên tục tăng trưởng ở mức kỷ lục đã giảm từ mức hơn 5.000 điểm vào tháng 3/2000 xuống dưới 1.200 điểm vào mùa thu năm 2002.
Andy Grove - cựu tổng giám đốc Intel. Ảnh: viewimages. |
Theo lẽ thường, khi nhìn lại quá khứ, mọi thứ đều trở nên rất rõ ràng, do đó, vào thời điểm năm 2003, không có gì khó khăn để có thể rút ra những bài học kinh nghiệm về giai đoạn tăng trưởng kỳ lạ này trong lịch sử kinh doanh của Mỹ. Điều đáng ngạc nhiên là trong số này, có rất ít những bài học mới. Chẳng hạn như bài học về việc “giá cổ phiếu tăng chưa phải là thời cơ kinh doanh tốt”. Một môi trường kinh doanh vững vàng đòi hỏi một mô hình có khả năng tạo ra các nguồn doanh thu quy mô và bền vững. Nguyên lý này đã được Carnegie và Morgan chứng minh trong thời đại của mình, và đến tận ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.
Sự sụp đổ trên thị trường chứng khoán của nền kinh tế mới đã mang lại những dư chấn sâu rộng. Chỉ số NASDAQ sụt giá thê thảm đã đẩy hàng nghìn doanh nghiệp tới bờ vực phá sản. Nó cũng cướp đi hàng nghìn tỷ đôla trị giá cổ phiếu, lấy đi những món tiền dành dụm của hàng triệu nhà đầu tư cá nhân. Tình trạng này xảy ra không chỉ ở Mỹ mà còn ở châu Âu và châu Á, thậm chí những nơi này còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Và đây chỉ là đòn mở đầu cho hàng loạt đòn nặng nề khác đánh vào giới công chúng tham gia đầu tư, vốn vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự sụp đổ của thị trường chứng khoán.
Một câu nói khá phổ biến là "tổ chức là kẻ thù của cá nhân, và trong số những kẻ thù đó, tổ chức kinh tế chính là kẻ thù không đội trời chung đáng gờm nhất". Câu nói trên thực tế đã xuất hiện trên các mặt báo của tờ Fortune từ cách đây hơn bốn mươi năm. Vào thời điểm những năm 1990, hàng loạt các vụ bê bối trong giới doanh nghiệp Mỹ liên tiếp bị phanh phui. Hình ảnh của cả tập đoàn và ban lãnh đạo bị phương hại nặng nề.
Bill Gates - Đồng sáng lập kiêm cựu Tổng giám đốc của Microsoft. Ảnh: wikimedia. |
Những công ty như Enron, Global Crossing, Tyco, Adelphia, và WorldCome đã trở thành những biểu tượng tội lỗi, và sự sụp đổ của chúng thường kéo theo nó danh tiếng của những nhân vật đứng đầu trong công ty. Vào tháng 6 năm 2002, tờ Thời báo New York đã nổ phát súng đầu tiên vào hình tượng Tổng giám đốc với dòng tít trên trang nhất “Vị Tổng giám đốc điều hành đầy quyền uy đột nhiên rơi vào tầm ngắm”.
Vào tháng 12/2002, tờ U.S. News & World Report gán cho Dennis Kozlowski, cựu Tổng giám đốc của Tyco biệt danh “Nhân vật xấu xa của năm” do “thành tích” hội tụ đầy đủ những điều nhơ bẩn nhất của giới doanh nghiệp công ty. Người ta cáo buộc Kozlowski, vốn đầy tai tiếng trong vụ bỏ 6.000 đôla để mua một chiếc màn trong phòng tắm, đã biển thủ 600 triệu đôla từ két bạc của Tyco. Thậm chí cả Martha Stewart, từng được mệnh danh là "Nữ hoàng của lối sống đẹp", cũng trở thành tâm điểm trong một vụ bê bối thương mại mà người ta cho là bà có dính líu.
Phản ứng của giới chính trị gia trước những vụ bê bối này chẳng khác nào một diễn viên đóng nhiều vai, lúc thì bôi xấu lúc lại mị dân. Trong lúc Tổng thống Bush có lần thề thốt sẽ “có người phải chịu trách nhiệm”, các thành viên trong chính phủ Mỹ (và kể cả bản thân Tổng thống) còn lâu mới tẩy rửa được những điều tiếng xấu về những trò bẩn thỉu, vốn được đăng tải hàng ngày trên trang nhất các tờ báo. Với giới kinh doanh, Andy Grove đã nói lên được cảm xúc của rất nhiều người, “Tôi đã làm kinh doanh được 40 năm, nhưng cho đến gần đây, tôi mới cảm thấy mình rất bối rối và xấu hổ khi là một doanh nhân.”
Tất nhiên, phần lớn các Tổng giám đốc trước kia cũng như bây giờ đều là những công dân tuân thủ luật pháp, những người đã lao động cật lực để hoàn thành mục tiêu mà tổ chức đề ra, và điều này cũng đồng nghĩa với việc họ kiếm sống một cách trung thực. Một số tờ báo đã đăng tải nhiều việc tốt của các vị Tổng giám đốc. Chẳng hạn như trường hợp của Dell Computer. Sau vụ 11/9, công ty đã đứng ra tổ chức nhiều hoạt động quyên góp cho thành phố, và đã đóng góp hàng trăm máy tính cho Văn phòng thị trưởng thành phố New York và các đơn vị tái thiết.
Ông Herb Kelleher - Người sáng lập kiêm cựu Tổng giám đốc của Southwest Airlines. Ảnh: chron. |
Dell còn trao tặng hàng triệu đôla cho Hội chữ thập đỏ (trong đó có cả phần quyên góp của các chi nhánh ở nước ngoài như chi nhánh Dell tại Đức). Dell Computer cũng hỗ trợ cho cho Lầu Năm Góc trong một số việc quan trọng, và nhờ đó đã nhận được một phần thưởng đặc biệt ghi nhận đóng góp của Công ty tại một buổi lễ tổ chức tại tại Austin. Theo Michael Dell, những việc này đã đem lại ý nghĩa mạnh mẽ cho các nhân viên, khi họ cảm thấy mình đã làm được một điều gì đó có ý nghĩa.
Tuy nhiên, những hành động kiểu này tỏ ra hầu như không có tác dụng đối với việc an ủi được những người đang ngồi nhìn tài khoản tiết kiệm và cổ phiếu của mình dần tan biến. Những con số sau đây thực sự khiến người ta choáng váng. Vào năm 2001 và 2002, hơn một triệu người Mỹ đã nghỉ hưu hoặc đang có ý định nghỉ hưu bị buộc phải trở lại hoặc tiếp tục công việc của mình trước tình cảnh các khoản tiết kiệm hưu trí tan thành mây khói.
Do đó, chẳng có gì ngạc nhiên khi thời đại của những vị tổng giám đốc nổi tiếng đột ngột chấm dứt. Quá trình sụp đổ hình tượng về những vị tổng giám đốc thành đạt được đẩy nhanh và đặt dấu chấm hết qua những tấm hình họ bị giải đi với đôi tay bị còng được đăng tải hầu khắp trên trang nhất các tờ báo khắp nước Mỹ. Thoạt tiên là những vụ bắt bớ và tiếp đó xét xử và phục hồi. Công chúng đón nhận những điều này như những tin tốt lành, còn giới kinh doanh chứng khoán Phố Wall thì có phần cảm thông. Công chúng đòi hỏi một ai đó phải chịu trách nhiệm, và chắc chắn một ai đó phải đứng ra đảm lãnh.
Vào những năm 1990-2000, không một vị Tổng giám đốc nào tránh được búa rìu dư luận chĩa vào họ, kể cả người từng được tờ tạp chí Fortune mệnh danh là Vị Tổng giám đốc của Thế kỷ. Cuối tháng 9 năm 2002, Jack Welch trở thành tâm điểm của vô số những cuộc tranh cãi có nguy cơ làm hoen ố suốt đời thanh danh của ông. Trước đó nhiều tháng, tờ Wall Street Journal đã phanh phui một vụ ngoại tình của Welch, mà kết cục là một cuộc ly hôn đầy cay đắng.
Sam Walton - Người sáng lập kiêm cựu Tổng giám đốc của Wal-Mart. Ảnh: cache. |
Khi vụ kiện này được đưa ra công chúng, người ta mới biết được khoản lương hưu trọn gói của Welch ở GE gồm có một căn hộ trị giá 15 triệu đôla, dịch vụ giặt là, vé hạng nhất đi xem các sự kiện thể thao, quyền sử dụng máy bay của công ty và vô số những đặc quyền khác.
Trong một bài thanh minh đăng trên Wall Street Journal, Welch đã than vãn rằng các tài liệu tại tòa đã diễn giải cực kỳ sai lầm nhiều khía cạnh trong hợp đồng hưu trí của ông. Welch tuyên bố sẽ hoàn trả cho công ty những đặc quyền được hưởng từ khi nghỉ hưu, và nếu tiếp tục sử dụng các dịch vụ đó trong tương lai thì ông sẽ thanh toán sòng phẳng. Ngay sau đó, Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái cho biết họ đang tiến hành một cuộc điều tra về khoản lương hưu trọn gói của Welch.
Tuy nhiên, sự việc vẫn chưa dừng lại ở đó, nhất là khi những khiếm khuyết của Welch bị phơi bày hoàn toàn. Lần đầu tiên sau nhiều năm, người ta bắt đầu đặt câu hỏi đối với những chiến lược kinh doanh của Welch cũng như chất lượng những khoản doanh thu của GE. Sau khi Welch về hưu, giá cổ phiếu của GE đã giảm nhanh hơn mức trung bình của thị trường. Báo giới liên tục đăng tải những bài báo gây xôn xao dư luận về sự sa sút của tập đoàn khổng lồ này, và những di sản của Welch đang dần mai một ra sao.
Qua những phát biểu trước công chúng, rõ ràng Welch đã hiểu rằng chỉ vì là người được hưởng lợi từ thị trường đầu cơ, giờ đây ông ta trở thành nạn nhân của một sự đạp đổ kiểu “hậu Enron” mới. Các quy tắc đã thay đổi. Khi cổ phiếu tăng trưởng mạnh, giới báo chí và những nhà đầu tư chẳng hề để tâm đến khoản lương hưu trọn gói trị giá nhiều triệu đôla của Welch. Nhưng giờ đây, mọi thỏa thuận kín trong nội bộ ban giám đốc đều có thể là ngòi nổ cho những cuộc tranh cãi gay gắt trong công chúng, thậm chí những vị tổng giám đốc thành đạt nhất cũng phải chịu đựng sự xăm soi ngặt nghèo.
Các khoản lương hưu trọn gói cho các Tổng giám đốc trở thành tâm điểm chú ý của công luận, nhất là khi mức lương của các vị Tổng giám đốc các tập đoàn lớn đã tăng tới mức khủng khiếp, càng góp phần đào sâu hố ngăn cách giữa giới quản lý và lao động. Theo Tạp chí Fortune, từ năm 1970 đến năm 1999, mức lương hưu thực tế trung bình của 100 vị tổng giám đốc hàng đầu đã có bước tăng nhảy vọt, từ chỗ gấp 39 lần lương hưu của một nhân viên trung bình tới gấp hơn 1.000 lần. Và mặc dù vẫn còn quá sớm để đưa ra đánh giá cuối cùng về Jack Welch và những người cùng đẳng cấp với ông ta, nhưng có điều rõ ràng là thanh danh của họ đang đứng trước nguy cơ tiêu biến bởi chính cái “Cỗ máy nổi tiếng” trước kia đã góp phần tạo nên hình ảnh của họ.
Trong khi nhiều người có thể lớn tiếng cho rằng khoản lương hưu của Welch là cao quá mức, và rằng tư cách đạo đức của ông trong cuộc sống có khoảng cách quá xa so với trình độ và kỹ năng nghề nghiệp, song không thể phủ nhận được những thành tích của Welch cũng như của nhiều vị tổng giám đốc khác trong vai trò là một nhà lãnh đạo kinh doanh. Dưới sự dẫn dắt của Welch, GE đã chuyển mình từ một tập đoàn sản xuất công nghiệp sắp hết thời trị giá 25 tỷ đôla thành một “gã khổng lồ” đầy năng động và nhạy bén trong lĩnh vực dịch vụ với trị giá lên tới 130 tỷ đôla. Nhận thức được những hạn chế trong mô hình quản lý tập quyền thời bấy giờ, Welch đã sắp xếp lại bộ máy hành chính thuộc loại lớn nhất thế giới thành một tổ chức lấy học hỏi, nghiên cứu và ý tưởng làm trung tâm.
Các nhà lãnh đạo được đề cập đến trong cuốn sách "Những bài học của 7 tổng giám đốc thành công nhất nước Mỹ" mà VnExpress phối hợp với Alpha Books giới thiệu với bạn đọc đều mắc lỗi và đã từng đối mặt với gian nan. Đây là hệ quả từ những nước đi hay những thủ thuật kinh doanh độc quyền sai lầm, và cả khoản lương hưu trọn gói quá mức.
Tuy nhiên, bỏ qua những sai lầm đó, những người này đều là những “người kiến tạo”. Họ đã tạo dựng nên những thiết chế chứa đựng rất nhiều ý tưởng và những quan niệm kinh doanh tiên tiến nhất trên thế giới trong những năm cuối thế kỷ XX. Việc bỏ qua những thành quả và coi thường những bài học kinh doanh hàm chứa trong những thành công đó thực sự là một sai lầm lớn.
Họ là những ai? Đó là Michael Dell - Người sáng lập kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Dell Computer. Jack Welch - cựu Tổng giám đốc GE. Lou Gerstner - cựu Tổng giám đốc IBM. Andy Grove - Đồng sáng lập kiêm cựu Tổng giám đốc Intel. Bill Gates - Đồng sáng lập kiêm cựu Tổng giám đốc của Microsoft. Herb Kelleher - Người sáng lập kiêm cựu Tổng giám đốc của Southwest Airlines. Sam Walton - Người sáng lập kiêm cựu Tổng giám đốc của Wal-Mart.
Hồng Anh (theo Alpha Books)
Sam Walton - ông vua bán lẻ ở Mỹ
Năm 2001, Kmart với hệ thống hàng chục nghìn cửa hàng bán lẻ đã tuyên bố phá sản, chỉ còn lại một mình "người khổng lồ" Wal-Mart trụ lại. Sở dĩ Wal-Mart có được sự phát triển như ngày hôm nay là nhờ tập đoàn này được chèo chống bởi một nhà kinh doanh tài ba - Sam Walton.
Tỷ phú Sam Walton.
Ảnh: businessweek.
Năm 1962, Sam Walton chỉ là một công nhân làm thuê cho một tiệm giặt là tại thị trấn Bentonville bang Arkansas nước Mỹ. Hằng ngày, người thanh niên 28 tuổi này có nhiệm vụ cùng 3 nhân viên khác đem những món đồ đã được là ủi sạch sẽ trao tận tay cho khách hàng.
Khi đó thống trị hệ thống cửa hàng bán lẻ tại Arkansas và các bang lân cận là hai tập đoàn bán lẻ khổng lồ Kmart và Sears. Sau nhiều lần đi giao hàng, trực tiếp "va chạm" với đủ các loại khách hàng, Sam Walton đã phát hiện Kmart và Sears không hề xuất hiện ở các thị trấn nhỏ bé hẻo lánh như thị trấn Benton quê mình.
Với phản xạ kinh doanh nhạy bén, Sam Walton lập tức dốc toàn bộ số tiền 150 đôla thuê 8 công nhân và thành lập một cửa hàng bán lẻ lấy tên là Wal-Mart ngay tại thị trấn Bentonville quê ông.
Thời gian đầu tiên do vốn liếng ít ỏi, kinh nghiệm thiếu, cửa hàng của Sam chủ yếu kinh doanh buôn sỉ bán lẻ theo phương châm lấy công làm lãi, buôn bán những nhu yếu phẩm cần thiết nhất. Sam Walton đã thu hút số lượng lớn khách hàng trong thị trấn bằng tác phong phục vụ nhiệt tình chu đáo, chất lượng hàng bảo đảm, giá cả phải chăng. Cho tới năm 1965, Wal-Mart đã trở thành một trong những cửa hàng bán lẻ thu hút nhiều khách hàng tại thị trấn Benton.
Mặc dù có bước khởi đầu khá thuận lợi nhưng là con người xuất thân từ nông thôn, Walton rất tiết kiệm trong chi phí. Thậm chí khi trở thành một trong số những người giầu nhất nước Mỹ, Sam vẫn là một con người bình dị và khiêm tốn.
Dưới tài lãnh đạo của Sam Walton, Wal-Mart đã phát triển rất nhanh chóng và trở thành đối thủ cạnh tranh ngang ngửa với đối thủ Kmart vào đầu thập niên 1970. Hiện nay, hệ thống cửa hàng siêu thị bán lẻ thuộc quyền sở hữu của tập đoàn Wal-Mart đã lên tới hàng chục nghìn chiếc nằm rải rác khắp Bắc Mỹ, châu Âu và tích cực vươn sang châu Á. Quy mô khổng lồ hiện nay của Wal-Mart đã được giới kinh doanh Mỹ thừa nhận. Theo thống kê của Hiệp hội thương mại Mỹ, doanh số bán hàng của Wal-Mart đạt 216 tỷ đôla một năm, vượt qua doanh số bán hàng của hãng điện tử gia dụng nổi tiếng GE và chỉ chịu đứng sau tập đoàn kinh doanh xăng dầu khổng lồ lớn thứ 2 thế giới là Exxon-Mobil.
Theo bảng xếp hạng tạp chí danh tiếng Fortune vừa công bố, tập đoàn bán lẻ Wal-Mart lần thứ tư liên tiếp đứng đầu danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới. Wal-Mart ở vị trị số một với doanh số vượt trội 288 tỷ đôla, trong đó lợi nhuận đạt 10,2 tỷ đôla. Suốt từ năm 2002 đến nay, Wal-Mart luôn đứng đầu danh sách Fortune 500 và được xem là “công ty được ngưỡng mộ nhất tại Mỹ”.
Trong danh sách 25 nhà kinh doanh có khả năng làm thay đổi thế giới do hãng CNN và tạp chí Fortune bình chọn và công bố hồi đầu tháng 4 năm 2005, người sáng lập Wal-Mart Sam Walton được xếp thứ 2, chỉ sau Bill Gates, tỷ phú giàu nhất thế giới và là chủ tập đoàn Microsoft.
Wal-Mart có doanh thu lớn nhất trong số các công ty bán lẻ trên thế giới, vượt xa công ty đứng thứ nhì là Carrefour. Doanh thu của công ty bán lẻ Pháp này chỉ gần bằng một nửa của Wal-Mart. Hệ thống Wal-Mart gồm hơn 4.688 cửa hàng khắp thế giới, với hơn hai phần ba ở tại nước Mỹ.
Ra đời năm 1962 thì đến năm 1979, Wal-Mart lần đầu đạt doanh thu một tỷ đô la một năm. Đến năm 1993, doanh thu đã đạt được con số một tỷ đôla mỗi tuần. Năm 2001, doanh thu mỗi ngày của Wal-Mart đã gần bằng con số ấy. So với thời điểm 1992, Wal-Mart nay lớn hơn gấp năm lần trước đây, tuyển dụng một lượng lao động gấp ba lần hãng General Motors. Chỉ riêng một mặt hàng như bột giặt, mỗi năm Wal-Mart bán được một lượng trị giá 1,4 tỷ đôla.
Nếu xem Wal-Mart như một quốc gia thì đây là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Trung Quốc, vượt qua cả Nga và Anh và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Trung Quốc (sau Đức). Với giá cả hết sức chặt chẽ và yêu cầu cao đối với nhà phân phối, Wal-Mart đã làm thay đổi phương thức làm ăn kinh doanh của Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo rằng với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, trong một thập kỷ nữa, doanh số hằng năm của Wal-Mart có thể vượt 1.000 tỷ đôla. Những số liệu này chỉ một quốc gia mạnh mới có thể có được. Năm 1997, Wal-Mart trở thành tập đoàn thuê nhiều lao động nhất ở Mỹ với gần 570.000 người. Cũng trong năm này, doanh số hàng năm của hãng vượt 100 tỷ đôla. Năm 1999, Wal-Mart trở thành tập đoàn lớn nhất thế giới về nhân sự với 1.140.000 người.
Nếu như giai đoạn giữa thế kỷ 20 được xem là kỷ nguyên của hãng sản xuất xe hơi General Motors và giai đoạn cuối thế kỷ 20 là của hãng phần mềm Microsoft thì đầu thế kỷ 21 này rõ ràng đã là của Wal-Mart. Tập đoàn này hiện có 4.688 siêu thị trên toàn thế giới, trong đó 80% là ở Mỹ. Bình quân mỗi ngày có khoảng 20 triệu người đến các siêu thị của Wal-Mart. Tại Mỹ, hơn 80% hộ gia đình mỗi năm mua ít nhất vài sản phẩm từ các cửa hàng của hãng.
Khi đứng ra thành lập công ty kinh doanh siêu thị bán hàng giảm giá tối đa Wal-Mart vào năm 1962 tại Bentonville, bang Arkansas, chắc hẳn Sam Walton không ngờ có ngày công ty của ông lại đứng trên cả những đại gia trong các ngành công nghiệp dầu khí (Exxon-Mobil), xe hơi (General Motors, Ford Motors), máy bay (Boeing… và trở thành công ty số một của nền công nghiệp Mỹ và thế giới.
Wal-Mart là công ty dịch vụ đầu tiên leo đến vị trí hạng nhất trên danh sách của Fortune (bắt đầu công bố từ năm 1955). Ngoài ra, Wal-Mart cũng hiện diện trong danh sách Fortune 100 công ty được giới lao động Mỹ ưa thích xin vào làm việc nhất.
Một trong những tính cách đặc biệt của ông là luôn khuyến khích tinh thần của nhân viên. Như năm 1975, nhân một chuyến công tác tới Hàn Quốc, S.Walton đã cao hứng sáng tác bài hát riêng cho Wal-Mart có tên là “Wal-Mart Cheer” để cổ động tinh thần làm việc của nhân viên cũng như nâng cao tính đoàn kết trong nội bộ. Bài ca vẫn được lưu truyền rộng rãi trong Wal-Mart cho tới ngày nay. Tính đến năm 2005, Wal-Mart có tất cả 1.300.000 công nhân viên trên toàn thế giới, trở thành tập đoàn tư nhân đông nhân viên nhất thế giới.
Công thức làm ăn của ông đã được truyền tụng từ đời này sang đời khác là cắt giảm chi phí + giảm giá + dịch vụ tối ưu + khai thác hiệu quả công nghệ thông tin + đảm bảo cuộc sống nhân viên.
Toàn bộ bí kíp kinh doanh của gã tỷ phú bán lẻ Sam Walton được gói gọn trong cuốn "Cuộc đời kinh doanh tại Mỹ", do Công ty Alpha Books phát hành. Với Sam Walton “Bí quyết thành công của một người bán lẻ hàng hóa là phải mang lại cho khách hàng những điều mà họ muốn. Nhưng như vậy chưa đủ, để trở thành xuất sắc, khách hàng phải được hưởng nhiều hơn cái họ chờ đợi. Hãy luôn đặt mình vào vị trí của khách hàng để xem họ muốn gì: Hàng hóa chất lượng tốt và phong phú? Giá thành thấp nhất? Độ tin cậy tối đa? Dịch vụ tận tình? Giờ giấc thuận tiện? Nơi đỗ xe miễn phí? Tất nhiên, khi họ thấy yên tâm, họ sẽ tiếp tục tới cửa hàng. Còn ngược lại, cũng sẽ dễ hiểu nếu chúng ta không bao giờ gặp lại những khách hàng không được thỏa mãn nhu cầu”.
Dưới bảng hiệu Wal-Mart, có hai dòng chữ sau này trở thành phương cách làm việc nổi tiếng: “Chúng tôi bán với giá thấp hơn” và “Đảm bảo thỏa mãn khách hàng”. Trong cuộc đời kinh doanh sóng gió của mình, Sam vẫn giữ vững phương châm ấy.
(Theo "Cuộc đời kinh doanh tại Mỹ" do Alpha Books phát hành)
No comments:
Post a Comment