Wednesday, May 21, 2008

Mở rộng Thủ đô bằng không gian ba chiều


10:25' 21/05/2008 (GMT+7)

- Vấn đề mở rộng Thủ đô đang thu hút sự quan tâm của tất cả các tầng lớp nhân dân và các nhà khoa học. Là người vừa đoạt giải cao nhất trong cuộc thi kiến trúc toàn quốc với chủ đề “Kiến trúc nhiệt đới với các vấn đề bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả”, KTS Trần Đình Bá đã hướng về Thủ đô thiêng liêng với tất cả tình cảm thể hiện qua bài viết đầy trách nhiệm. VietNamNet xin đăng tải bài viết này.

Mô tả ảnh.

Tắc đường - chuyện thường ngày ở HN. (Ảnh dothi.net)

Thủ đô ngàn năm văn hiến của chúng ta nằm trong xu hướng chung của tất cả các nước trên thế giới trước vấn đề bùng nổ dân số và tăng trưởng nóng về kinh tế. Nhu cầu về nhà ở, việc làm, phương tiện đi lại, cái ăn, cái mặc, các nhu cầu an sinh xã hội… đang là bài toán hóc búa và cấp bách, song cũng cần có những cái nhìn bình tĩnh và lạc quan. Trong “cái khó sẽ ló cái khôn”, đây cũng là cơ hội mà lịch sử đang dành cho các nhà khoa học cống hiến cho đất nước.

Vấn đề mở rộng Thủ đô cùng ý tưởng thuê chuyên gia nước ngoài quy hoạch đang gây quan tâm đối với các nhà khoa học, tác động trực tiếp đến mọi người dân cả nước.

Xin hãy nhìn ra thủ đô các nước để thấy và hiểu, nhiều nước giàu cũng “khóc” trước những bất cập trong kiến trúc. Những thủ đô tua tủa nhà chọc trời đã phải “kêu trời” vì lún mà vẫn thiếu chỗ ở. Nhiều thủ đô với những khu nhà cao tầng hiện đại nhưng không xa đó là khu nhà ổ chuột rộng lớn. Vì thế, những hy vọng về “phép màu” thuê chuyên gia nước ngoài quy hoạch Thủ đô càng khó khăn hơn.

Đô thị hóa, sa mạc hóa trên thế giới đang “phi mã” cho thấy sự bế tắc do những giải pháp không gian kiến trúc truyền thống đã lộ rõ bất cập, gây thiếu hụt trầm trọng quỹ đất, biến đổi khí hậu và đe dọa thiếu đói toàn cầu.

Lúc này, phải có cái nhìn thật bình tĩnh, chúng ta mới tìm được những bất cập trước khi giải bài toán cho Thủ đô.

Xưa nay, tác nghiệp quy hoạch đều chỉ diễn ra trên bề mặt vỏ trái đất, thực chất đó là “vẽ” trên mặt phẳng hai chiều. Các thông số đưa ra trong các quy hoạch hầu hết chỉ là những con số diện tích. Đó là diện tích đường sá, diện tích nhà ở, cây xanh, mặt nước…

Các thông số này cứ lặp đi lặp lại nhiều lần tạo nên hiệu ứng “sóng dồn”: đường mở ra đến đâu, nhà mọc lên đến đó, nhà có ở đâu, đường phải kéo đến đó… Mọi nhu cầu về lương thực, rau xanh, nhà ở, làm việc, học tập, chữa bệnh, đi lại, thể thao, kho tàng, nhà máy, chợ búa, sân bãi đậu xe, bãi xử lý rác, kênh rạch… hàng trăm thứ đều được “vẽ” ra trên không gian hai chiều làm cho quỹ đất của các đô thị và nông thôn nhanh chóng cạn kiệt.

Cách đây chỉ hơn 10 năm, Thủ đô còn là “làng lúa, làng hoa” mà giờ đã chật như nêm cối, ngột ngạt trong các khối bê tông cốt thép, chỉ cần một trận mưa vừa là đường phố đã biến thành sông...

Với diện tích 921km2, Thủ đô của đất nước 85 triệu dân không phải là quá hẹp. Người Việt Nam có câu “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Chúng ta đang chật hẹp trong tình thế cạn kiệt quỹ đất trong khi còn để lãng phí rất lớn không gian. Vì vậy, tìm lời giải cho Thủ đô hôm nay không phải trên bài toán phẳng mà phải là bài toán không gian ba chiều. Không gian là tài sản, mỗi tấc khối tích không gian của Thủ đô vẫn là “tấc vàng”.

Tất nhiên, chúng ta cũng phải tránh sai lầm của một số Thủ đô các nước đua nhau “nhà chọc trời” chơi vơi thách thức với thiên nhiên hay đua nhau những tầng ngầm, công trình ngầm, tàu điện ngầm trong lòng đất ẩm thấp tối tăm, mất an toàn.

Chúng ta cần khai thác không gian Thủ đô một cách hợp lý thì “chiếc áo chật” của chúng ta sẽ cao, rộng hơn. Phép tính trong không gian là cấp số nhân của bài toán phẳng, đó là cách để chúng ta không ngốn thêm quỹ đất, để thế hệ chúng ta không phải mang tiếng “vay mượn tài sản của con cháu”!

Là những người mang sứ mệnh vinh quang tổ chức không gian sống cho toàn xã hội, trách nhiệm của các KTS là phải làm sao cải thiện được môi trường sống cho Thủ đô bằng cách cải thiện được diện tích ở, làm việc trên mặt đất ẩm thấp, ngập úng nhiều bụi bặm lên một không gian cao ráo, thoáng mát, sáng sủa hơn để có thêm diện tích cho việc mở rộng đường sá và có nhiều công viên cây xanh. Đó chính là bài toán không gian ba chiều.

Phân bố chức năng theo độ cao, quản lý khai thác khối tích không gian hợp lý để có không gian ở, làm việc, giải trí an toàn và kinh tế để đáp ứng nhu cầu. Chọn đặt hệ thống giao thông công cộng ngay trên mặt đất mà không phải chui xuống các “tầng địa ngục” hay phải treo trên cao vừa mất an toàn, vừa không kinh tế và làm ô nhiễm không gian, gây lãng phí không gian. Chọn độ cao các công trình hợp lý để đảm bảo chịu lực, chống lún nhưng đạt hiệu quả cao về khai thác khối tích và có dự trữ không gian cho mai sau.

Mô tả ảnh.

Phát triển không gian ba chiều là lời giải cho bài toán Thủ đô. (Ảnh saigonreview.com)

Nằm giữa thảm xanh của đồng bằng Bắc Bộ mang nền văn minh của dòng sông đỏ nặng phù sa, không gian Hà Nội đầy sinh khí lồng lộng, xanh trong. Hướng mở cho Thủ đô là trong không gian, nên coi đó là một cách giải gãy gọn!

Một Thủ đô hiện đại văn minh mang giá trị lịch sử văn hóa phải là một hòn ngọc tinh tú có môi trường sạch, xanh trong một không gian cân đối giữa bề rộng mà gọn gàng ngăn nắp trật tự với độ cao bề thế xứng tầm chủ động dự trữ cho tương lai bằng quỹ không gian hợp lý.

Thành phố sông Hồng là hy vọng lớn cho Thủ đô, song vẫn đang đối mặt với thách thức. Thảm hoạ New Orleans trong cơn bão Katrina năm 2005 tại Mỹ cảnh báo cho những biến đổi bất thường của khí hậu. Sông Hồng cuồn cuộn năng lượng, hung dữ gấp nhiều lần sông Hàn. Đó cũng là bài tóan đầy hóc búa.

Bằng tác nghiệp quy hoạch không gian ba chiều, chúng ta sẽ có một thành phố ở độ cao an toàn, tránh làm biến dạng dòng chảy để thực hiện sống chung với lũ, vừa cao ráo, thoáng mát, an toàn, vừa tiết kiệm không gian để có khối tích đủ chỗ ở và làm việc cho 2-3 triệu dân mà không phải là 95 vạn như quy hoạch hai chiều chứa đựng yếu tố mất an toàn đe dọa cả trung tâm Thủ đô. Có như vậy, chúng ta mới có một thành phố sông Hồng thực sự hiện đại, văn minh, vừa sạch, xanh giữa một vùng lúa, vùng hoa trong quần thể kiến trúc Thủ đô.

Người Ả rập, Ấn Độ và Mỹ coi “đất đai là tài sản vay mượn của con cháu”. Người Hà Lan coi “mất đất còn tồi tệ hơn phá sản”. Báo cáo của UNEP về suy thoái đất toàn cầu cho rằng “Mặc cho những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vĩ đại, con người hiện tại phải sống dựa vào đất”. Gần đây nhất, tổ chức nông lương thế giới (FAO) đã đưa ra danh sách 37 quốc gia lâm vào khủng hoảng do giá lương thực thực phẩm tăng cao trong đó có Việt Nam, cảnh báo các quốc gia này có thể không đủ khả năng giải quyết những vấn đề cấp bách như thiếu lương thực, nạn đói và bất ổn xã hội.

Nằm trong nền văn minh lúa nước, không ai quý đất bằng chính người Việt Nam. Hai vùng đồng bằng châu thổ là những “bờ xôi ruộng mật” cần phải được bảo toàn, đó là cái “dạ dày” không hề coi là “thực dụng” phải được đưa vào trong “bài toán” Thủ đô.

Chiếm lĩnh không gian, khai thác không gian sẽ là lối thoát duy nhất cho nhân loại trước vấn đề biến đổi khí hậu, giảm thiểu sa mạc hóa để đảm bảo đất đai cho an ninh lương thực.

Việt Nam đã phóng thành công vệ tinh Vinasat để xác lập chủ quyền và thực hiện khai thác không gian vũ trụ trong khi chúng ta đang lãng phí một quỹ không gian rất lớn ngay trên tầm cao của Thủ đô xanh trong lộng gió thời đại.

Thế giới đang nói rất nhiều về “phát triển bền vững”, “kiến trúc xanh”, “kiến trúc bền vững”... Là một dân tộc ngoan cường, thông minh, sáng tạo, có lòng tự tôn dân tộc thì những người tiên phong giải “bài toán” cho Thủ đô không phải trông chờ, lệ thuộc vào bên ngoài mà là các KTS Việt Nam.

Tinh hoa trí tuệ trong những đề tài tiến sĩ khoa học, những sáng tạo được “đăng quang” của các kiến trúc sư ở Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc sư VN, Tổng Hội Xây dựng VN, các viện nghiên cứu kiến trúc và quy hoạch, các trường ĐH kiến trúc – xây dựng, các đơn vị tư vấn trong toàn quốc... cần phải được nhanh chóng thể hiện, áp dụng vì một Thủ đô văn minh, hiện đại xứng tầm với một bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến.

Đó là lời giải cho bài toán Thủ đô!

  • Trần Đình Bá, Hội Kiến trúc sư VN

No comments: