Không chỉ là biểu tượng về vẻ đẹp hay sự thịnh vượng của các quốc gia, cao ốc chọc trời từ lâu đã trở thành đòn bẩy biến các thành phố sở hữu chúng thành những trung tâm tài chính quốc tế.
9 trong số 10 tòa nhà cao nhất thế giới tọa lạc tại châu Á, trong đó riêng Trung Quốc sở hữu tới 6 tháp. Dưới đây là 10 công trình cao nhất thế giới tính, tính đến thời điểm năm 2010.
Burj Dubai, Dubai, Các tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất
Tòa tháp này có chiều cao không tưởng, 800 m với 160 tầng và sẽ trở thành công trình cao nhất thế giới khi hoàn thành vào cuối năm 2008. Burj Dubai sẽ gồm một khách sạn thượng hạng, khu phức hợp mua sắm, văn phòng và căn hộ cao cấp. Với tòa tháp này, chính quyền Dubai hy vọng sẽ đưa thành phố thành một trung tâm tài chính và thương mại tầm cỡ thế giới.
Tháp thiên niên kỷ, Busan, Hàn Quốc
Khi hoàn thành vào đầu thập kỷ 2010, với chiều cao 560 m, Millennium Tower sẽ là công trình cao nhất châu Á và đứng thứ hai thế giới. Thiết kế tòa tháp này đã đoạt giải nhất cuộc thi kiến trúc quốc tế do thành phố Busan, Hàn Quốc tổ chức đầu tháng 1 vừa qua. Trung tâm thương mại Thiên niên kỷ sẽ là một công trình kiến trúc mang tính đột phá theo mô hình 3 tòa tháp mảnh chụm lại tạo nên tháp chính.
Tháp Đài Bắc 101, Đài Loan
Năm 2004, Taipei 101 đã vượt qua tháp đôi Petronas của Malaysia trở thành công trình cao nhất thế giới tính từ chân tháp đến đỉnh. Taipei 101 do công ty kiến trúc C.Y. Lee & Partners thiết kế và có chiều cao 509 m. Tòa tháp này cũng giữ kỷ lục công trình có thang máy chiều đi lên nhanh nhất với vận tốc 60,4 km/h. Tuy nhiên, Taipei 101 chỉ giữ kỷ lục công trình cao nhất thế giới thêm một năm nữa, vì đến 2008, vị trí này sẽ thuộc về Dubai Burj Tower.
Trung tâm tài chính thế giới Thượng Hải, Trung Quốc
Thượng Hải là trung tâm kinh tế số một của Trung Quốc đại lục và vốn đã nổi tiếng với nhiều tòa cao ốc chọc trời. Khi tòa tháp có chiều cao 492 m này khánh thành vào năm 2008, nó sẽ trở thành một trong những địa điểm ngắm cảnh đẹp nhất thế giới cùng với một loạt dịch vụ thượng hạng như khách sạn và các khu bán lẻ cao cấp. Công trình này do công ty kiến trúc Kohn Pedersen Fox thiết kế và nhà thầu Mori Building Group của Nhật xây dựng.
Tháp đôi Petronas, Kuala Lumpur, Malaysia
Tòa tháp này là công trình của kiến trúc sư danh tiếng Cesar Pelli và có chiều cao 452 m. Hai tòa tháp được xây dựng từ thép và kính với mô típ kiến trúc kiểu đạo Hồi và trở thành công trình cao nhất thế giới năm 1998.
Sears Tower, Chicago, Mỹ
Tòa tháp cao 442 m này khánh thành năm 1973, do công ty Skidmore, Owings & Merrill thiết kế theo đơn đặt hàng của Sears, Roebuck & Company, khi đó là nhà phân phối lớn nhất thế giới. Sears Tower giữ vị trí quán quân đến 25 năm, cho đến khi bị tháp đôi Petronas của Malaysia soán ngôi năm 1998. Người dân Chicago hiện vẫn vô cùng tự hào về công trình này của thành phố và nhấn mạnh, nếu tính từ chân tháp đến đỉnh ăng ten thì nó vẫn là công trình cao nhất thế giới.
Tháp Jin Mao, Thượng Hải, Trung Quốc
Tòa tháp có tên Jin Mao, tức là thịnh vượng này, cũng do Skidmore, Owings & Merrill thiết kế và hiện giữ vị trí tòa nhà cao nhất Trung Quốc. Với chiều cao 421 m và lối kiến trúc mang nhiều nét của đền chùa truyền thống, tòa tháp này là điểm nổi bật trong khu phố tài chính Pudong sầm uất của Thượng Hải.
Trung tâm tài chính quốc tế Hong Kong
Tác giả của tòa tháp cao 415 m bên vịnh Victoria này là kiến trúc sư danh tiếng Cesar Pelli. Đây cũng là một trong những trung tâm tài chính danh tiếng nhất Hong Kong.
CITIC Plaza, Quảng Châu, Trung Quốc
Tòa tháp 80 tầng này tọa lạc tại tỉnh Quảng Châu, một trung tâm kinh tế đang phát triển mạnh tại miền nam Trung Quốc và chỉ cách Hong Kong một giờ tàu hỏa. Dù bị mất ngôi vị tòa nhà cao nhất Trung Quốc vào tay tòa tháp Jin Mao, hiện tòa nhà 391 m này vẫn là công trình bằng bê tông cao nhất thế giới.
Tháp Shun Hing Square, Thâm Quyến, Trung Quốc
Khi hoàn thành vào năm 1996, với chiều cao 384 m, Shun Hing Square là tòa nhà cao nhất Trung Quốc thời bấy giờ. Đến khi CITIC Plaza tại Quảng Châu xuất hiện một năm sau đó, tòa tháp 69 tầng này mới bị soán ngôi.
N.C. (Theo Business Week)
No comments:
Post a Comment