Lý Gia Thành, tỷ phú Hong Kong là một trong những người giàu nhất thế giới và nổi tiếng về sự nhạy bén trong kinh doanh. Với tài sản trị giá 23 tỷ đôla năm 2007, người ta gọi ông với cái tên thân mật "Mr. Money".
Tỷ phú Lý Gia Thành. Ảnh: adj.
Bất chấp những bất đồng trong quan điểm chính trị của Trung Quốc, thậm chí trong nội bộ Đảng Cộng sản, một sự kiện chưa từng có từ trước đến nay đã diễn ra. Đó là ngày 28/4/1992, trong buổi lễ tốt nghiệp của Đại học Bắc Kinh, khi những sinh viên cuối cùng nhận bằng tốt nghiệp, chỉ còn duy nhất một tấm bằng kinh tế chưa được trao - bằng tiến sĩ danh dự dành cho Lý Gia Thành.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc lúc bấy giờ, ông Giang Trạch Dân, là người chủ trì buổi lễ và cũng là người sẽ trao tấm bằng tượng trưng này để công khai thừa nhận Bắc Kinh cũng có thiện cảm đối với nhà tư bản được sùng bái số một ở Hong Kong này.
Lý Gia Thành - nhân vật được mệnh danh là siêu nhân kiếm tiền của mảnh đất giao thoa Đông - Tây đang chờ đợi màn vinh danh của người đứng đầu Đảng Cộng sản. Lý Gia Thành - con trai một nhà giáo nghèo, giờ là một trong mười người giàu nhất thế giới - một người con của quê hương Triều Châu - thành phố nằm cách Hong Kong khoảng 300 km về phía đông bắc và là ông chủ giàu có bậc nhất trên mảnh đất thuộc địa Anh.
Ông là người Trung Quốc đầu tiên phá vỡ vòng kiềm tỏa gắt gao lên các tập đoàn thương mại Hong Kong của thực dân Anh, đồng thời cũng là người giữ vị trí quan trọng trong ngành thương mại vận tải đường biển. Bạn bè, đồng nghiệp gọi ông là Gia Thành. Báo chí gọi ông là “Mr. Money” (tạm dịch là “Ông lắm tiền”), “Siêu nhân”. Đôi khi gặp Lý trên một con đường náo nhiệt ở Hong Kong, người ta còn cúi đầu chào theo kiểu hành lễ dành cho bậc vương quyền: “Chào ngài, Lý đại gia”. Ở Hong Kong, những gia đình tham vọng nhất cũng chỉ cầu mong con em mình tiếp bước theo con đường vinh quang của Lý Gia Thành.
Trong nhiều cuộc đua tranh trên đất Hong Kong, dường như không chướng ngại nào có thể ngăn trở Lý Gia Thành. Lý đã vượt qua nghèo đói và điều đó khiến ông trở thành bậc thầy phi thường cho những thương nhân rơi vào cảnh bần cùng trên con đường kiếm tìm ngọn đuốc soi sáng đến vương quốc giàu sang. Họ mơ ước được trở thành thành viên trong những cuộc họp cấp cao tổ chức tại tầng trên cùng của Cao ốc Trung Hoa với mái ốp gỗ, hàng rào nhân viên bảo vệ và hệ thống cửa trượt tự động như Lý Gia Thành.
Họ biết rất nhiều chuyện về ông: nỗ lực vượt qua đói nghèo, vận may đầu tiên trong ngành sản xuất đồ nhựa, sự vươn lên trở thành ông trùm địa ốc, chuyện về tập đoàn thương mại hay chuyện về mối quan hệ của ông với trùm tư bản Rupert Murdoch. Đó là còn chưa kể đến việc kinh doanh thương mại của ông ở phương Tây. Mỗi câu chuyện lại góp phần tôn thêm cái hào khí quyền năng vô hạn của ông. Họ phân tích từng động thái, nghe ngóng từng dấu hiệu về một hợp đồng sắp ký bởi họ tin rằng hợp đồng ấy không chỉ đem lại lợi nhuận cho chính tập đoàn của ông mà còn cho cả những doanh nghiệp nhỏ và những người chơi cổ phiếu sống dựa vào ngoại vi thương trường Hong Kong.
Những người ngưỡng mộ Lý coi ông là một người khổng lồ dù ông chỉ cao 1m70. Lý Gia Thành tuổi Thìn, tức là rồng, biểu tượng cho sức sống và sự phát triển. Người Trung Quốc tin rằng rồng đem lại năm điều may mắn là thuận hòa, đức hạnh, thịnh vượng, hạnh phúc và trường tồn. Là một con rồng, Lý có những phẩm chất như dũng cảm, trung thực, tinh tế và khả năng tạo niềm tin ở người khác - đó cũng là điều mà ông thường bóng gió thừa nhận là nền tảng cho thành công của mình.
Ngay cả giới báo chí (Trung Quốc và nước ngoài) cũng dành thiện cảm cho ông, ngợi ca ông là con người thận trọng và giản dị, như ông chỉ thu của mỗi giám đốc dưới quyền 650 đôla Hong Kong lệ phí một năm trong khi những trùm tư bản khác luôn tìm cách bòn rút của nhân viên; ông tự thanh toán 90% chi phí đi lại và giải trí của mình; ông thích một cuộc sống giản dị, không ồn ã.
Ông được miêu tả với nhiều dáng vẻ khác nhau: “một quý ông lịch lãm” trong “bộ vét tối màu với cà-vạt thanh nhã trên nền áo sơ mi trắng”, giống “một bác thợ may hơn một nhà tài phiệt”, giống “một nhân viên ngân hàng hòa nhã, thông minh hơn một thương gia sắc sảo” hoặc giống “một thầy hiệu trưởng nhân từ với ánh nhìn có vẻ dè dặt nhưng không xa cách ẩn sau cặp kính dày, gọng tối màu”.
Chỉ vẻ thanh đạm của con người ấy thôi cũng đủ để cho người ta kể mãi những câu chuyện về ông. Có lần, ông mời khách ăn một bữa trưa đơn giản tại nhà hàng, họ gọi một chai rượu đắt tiền. Ông liền rời ngay khỏi nhà hàng sau khi thanh toán hóa đơn 3.500 đôla Mỹ. Và trong khi nhiều doanh nhân giàu có phô trương bằng chiếc đồng hồ Rolex nạm kim cương thì Lý Gia Thành biết cách tự kiềm chế, ông chuyển sang dùng đồng hồ của hãng Citizen. Ông cũng không bao giờ ngại nói về tính tiết kiệm của mình. Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên tạp chí Fortune, ông đã mở đầu bằng chủ đề về đồng hồ: “Đồng hồ của anh thật sang trọng, cái của tôi phải rẻ hơn của anh đến 50 đôla. Đây là chiếc đồng hồ của công việc chứ không phải tôi không thể mua một chiếc đắt tiền hơn”.
Đối với những thương nhân luôn muốn tiếp cận ông, Lý Gia Thành là đối tượng để họ xu nịnh. Còn đối với Giang Trạch Dân và chính phủ, Lý Gia Thành không chỉ là một biểu tượng, mà còn là nhân vật trung gian không thể thiếu trong việc tăng cường sự ủng hộ của những thương nhân hàng đầu Hong Kong khi họ muốn lấy lại mảnh đất thuộc địa vào năm 1997. Bởi vì nếu Lý tin rằng nền kinh tế Hong Kong sẽ ổn định sau cuộc trao trả, những người khác nhất định cũng tin như vậy. Bản thân Giang Trạch Dân đã cam đoan với các quan sát viên tại buổi lễ ở Đại học Bắc Kinh hôm đó: “Chính sách một đất nước với hai chế độ sẽ là chính sách lâu dài”.
Lý không chỉ là “phong vũ biểu” cho những ai còn đang xem xét nên đi hay ở lại Hong Kong mà còn là tiêu chuẩn để đánh giá viễn cảnh nền kinh tế Trung Quốc cho 55 triệu nhà đầu tư Hoa kiều trên thế giới. Năm 1979, ba năm sau ngày mất của Chủ tịch Mao Trạch Đông, cuộc cải cách kinh tế đầy táo bạo do Đặng Tiểu Bình phát động-- trong đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp - đã gây chấn động với khẩu hiệu “Làm giàu là vinh quang”. Sự kiện này đã có tác dụng lấy lòng những Hoa kiều giàu có.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 1979-1991, Hoa kiều đã đóng góp gần 75% trong tổng đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. Lượng ngoại tệ đổ vào quốc gia này tăng nhanh chóng, từ 2,9 tỷ đôla Mỹ năm 1984 lên 81,4 tỷ đôla Mỹ năm 1994, trong đó, riêng đầu tư từ Hong Kong và Ma Cao chiếm 60%.
Như vậy, Hoa kiều có thể coi là nguồn cung vốn vô cùng dồi dào với gần 2 nghìn tỷ đôla Mỹ. Nếu 51 triệu Hoa kiều ở châu Á lập thành một quốc gia thì quốc gia ấy có tổng sản phẩm quốc dân trong năm 1990 là xấp xỉ 450 tỷ đôla Mỹ, chỉ thấp hơn tổng sản phẩm quốc dân của Tây Ban Nha 20% và điều quan trọng là tỷ lệ này cao hơn của Trung Quốc đến 25%.
Điều đáng ngạc nhiên là mặc cho những chính sách mời gọi của chính phủ, nhiều Hoa kiều vẫn phản đối đầu tư hay thông thương với đất nước. Họ bất chấp câu ngạn ngữ: “Ở đâu có cơ hội kiếm tiền, ở đó có Hoa kiều”. Họ là những người tha hương đã mất người thân trong vụ tra tấn và khai trừ thương nhân tự do hậu 1949 dưới thời Mao Trạch Đông.
Giờ đây, Chính phủ Đặng Tiểu Bình lại sẵn sàng giúp đỡ, tạo điều kiện cho Hoa kiều, như bãi miễn cho họ một số điều luật. Chính phủ đã miễn cho một số công ty nhập khẩu với vốn đầu tư của Hoa kiều tại Thượng Hải không cần giấy phép nhập khẩu trang thiết bị sản xuất và nhà xưởng. Ngay cả trong lĩnh vực địa ốc, Chính phủ Trung Quốc cũng có nhiều nhượng bộ không chỉ đối với Hoa kiều mà cả người thân của họ ở trong nước về giấy chứng nhận đăng ký nhà ở đô thị - một việc tưởng chừng như không thể xảy ra.
Mặc dù tư tưởng của Hoa kiều ở Hong Kong và nhiều nơi khác đã thay đổi tích cực sau năm 1984 với lời hứa hẹn của Bắc Kinh - sẽ để Hong Kong có quyền tự chủ khi được trao trả cho Trung Quốc 13 năm sau đó, nhưng những sự kiện xảy ra trong năm 1989 đã khiến họ khó có thể tin vào chính phủ. Tuy vậy, cũng không thể phủ nhận những nỗ lực duy trì cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình và quảng bá cho các nhà đầu tư về “Chương trình tư bản - tiền - dân chủ” đã giúp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng rõ rệt. Song, đất nước này vẫn cần sự ủng hộ bền vững của quần chúng. Vì vậy, mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn nếu một người tầm cỡ như Lý Gia Thành đồng tình với chính phủ đang gặp nhiều khó khăn thông qua việc nhận tấm bằng tiến sĩ danh dự và bày tỏ quan điểm ủng hộ.
Lý Gia Thành có lý do chính đáng cho lòng trung thành của mình. Ngay từ năm 1977, Bắc Kinh đã chính thức gây thiện cảm với ông bằng lời mời tham dự buổi lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh tổ chức tại thủ đô. Nhưng sau đó, Đặng Tiểu Bình mới biết Lý Gia Thành là một vị khách mời kiệt xuất trong giới kinh doanh Hong Kong và cũng là nhân vật có ảnh hưởng đối với nền chính trị của mảnh đất thuộc địa.
Việc Lý nắm đa số cổ phần trong Tập đoàn Hòa Ký Hoàng Phố của phương Tây hai năm sau đó đã khiến cho các nhà lãnh đạo Bắc Kinh hài lòng, điều đó chứng minh rằng trực giác của họ đúng. Với sự ủng hộ của Lý Gia Thành, Trung Quốc ít nhất đã nắm trong tay một phần chiến thắng. Trên thực tế, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh vui mừng đến nỗi quyết định bổ nhiệm Lý cùng với hai doanh nhân tầm cỡ khác của Hong Kong là Fok Ying-tung và Wang Foon-shing vào Cơ quan Đầu tư Tín dụng Quốc tế và Công ty Trung Hoa (CITIC), một cơ quan chính phủ mới thành lập với chức năng chính là khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc.
Đối với Lý, việc bổ nhiệm thành đối tác đầu tư hàng đầu của Bắc Kinh là một niềm vinh dự: “Bất cứ lúc nào các vị lãnh đạo muốn nghe ý kiến của tôi khi họ từ Bắc Kinh đến thăm, họ đều liên lạc với tôi. Và tôi luôn nói rõ quan điểm của mình. Tôi hạnh phúc với cương vị giám đốc của CITIC”.
Lý cũng khuyên phía Bắc Kinh nên mua những cổ phiếu then chốt của một vài hãng lớn tại Hong Kong, như vụ mua 12,5% cổ phần hãng Hàng không Cathay Pacific với giá 1,94 tỷ đôla Hong Kong vào năm 1987 và mua 0,1% cổ phần Tập đoàn Telecom với giá 68,5 triệu đôla Hong Kong vào năm 1988. Sau này, chính sự liên kết giữa Lý với CITIC đã tạo động lực cho ông chuyển hướng đầu tư vào ngành công nghiệp truyền thông và sự phát triển của hãng truyền hình Star TV.
Lý Gia Thành luôn phủ nhận ý kiến cho rằng ông tham gia vào ban giám đốc của CITIC với tư cách là người đại diện cho Đảng Cộng sản Trung Quốc; ông chỉ đơn giản nhận ra sự ưu việt của Trung Quốc đối với cuộc sống của mình và Hong Kong. Là một con người thực tế, Lý biết rằng mối kết giao tốt đẹp của mình với những nhà môi giới đầy quyền lực của Trung Quốc là nguyên nhân mà Ngân hàng Hong Kong bán cho ông cổ phần của họ trong tập đoàn Hòa Ký Hoàng Phố. Với ảnh hưởng thương mại rộng lớn ở Hong Kong và mối quan hệ chính trị bền chắc với các nhà lãnh đạo Bắc Kinh, quyền lực của ông luôn gia tăng.
Bên cạnh những lý do về kinh tế, việc Lý Gia Thành ủng hộ Chính phủ Trung Quốc còn xuất phát từ tấm lòng yêu nước của ông. Mỗi khi có dịp, ông lại dành tiền bạc hoặc thời gian làm từ thiện. Năm 1989, ông đã giúp xây dựng 278 căn nhà mới cho những người dân vô gia cư tại Triều Dương, phía bắc Trung Quốc. Ông cũng thể hiện tình cảm gắn bó đặc biệt của mình với nơi chôn rau cắt rốn bằng việc thành lập một quỹ từ thiện với số tiền ban đầu là 10 triệu đôla Hong Kong. Tổ chức này đã tiếp tục quyên góp được thêm 50 triệu đôla Hong Kong từ những người dân Triều Châu và Sán Đầu để phát triển ngành công nghiệp năng lượng địa phương. Một chủ quản lý khách sạn tại Sán Đầu nói: “Mọi người ở đây đều quý trọng ông Lý và luôn coi ông như vị lãnh đạo của cả vùng. Chúng tôi luôn trải thảm đỏ để chào mừng mỗi lần ông về thăm thị trấn.”
Nhưng trên tất cả, món quà ý nghĩa nhất mà ông đem lại cho quê hương chính là một trường đại học xây dựng năm 1980. Trường đại học này đặt tại Sán Đầu, gần Triều Châu, có thể cung cấp chỗ ở cho 5 nghìn sinh viên. Với công trình này, Lý muốn tôn vinh việc học cao biết rộng. Bản thân ông đã không có cơ hội được học lên cao từ sau khi cha qua đời.
Ông vẫn thường nói: “Bạn có thể xây dựng một con người, một gia đình và cả tương lai chỉ bằng con đường giáo dục.” Ông đã đóng góp 85 triệu đôla Hong Kong vào việc xây dựng và nếu ông muốn, ngôi trường sẽ mang tên ông. Nhưng ông đã từ chối vinh dự ấy. Vì vậy, hội đồng quản trị trường Đại học Sán Đầu đã quyết định đặt cho một tòa nhà cái tên “Tòa nhà chưa được đặt tên” với hy vọng một ngày nào đó Lý sẽ bằng lòng đặt cho nó cái tên của mình. Vào giai đoạn cuối cùng của dự án, khoảng cuối thập niên 1980, người ta đã xây dựng cả một bệnh viện thực hành trong trường với 600 giường bệnh; Lý đã bỏ ra cả tiền xây dựng và chi phí vận hành là 305 triệu đôla Hong Kong. Mặc dù vậy, theo Victor Lý - người con cả của Lý Gia Thành thì “Thời gian mà cha bỏ ra cho ngôi trường đại học này còn quý giá hơn cả số tiền quyên tặng.”
Nhiều người không khỏi thắc mắc tại sao Lý quá đỗi hào phóng đến vậy. Ông trả lời: “Tôi tin rằng mọi người cần sự giúp đỡ không phải chỉ để tồn tại mà còn vì lý do tinh thần. Và những ai có đức tin ở Chúa Trời sẽ thấy cuộc sống ý nghĩa hơn khi về già. Nếu ai tin rằng cuộc sống kiếp sau sẽ tốt đẹp hơn thì phép màu sẽ đến với họ.” Tony Phùng - con trai một người bạn thân của Lý Gia Thành - đã nói về tính hào hiệp của ông: “Bạn thắc mắc tại sao một người lại làm như vậy ư? Đơn giản thôi, đó là cách để người đó nói cảm ơn với Chúa nếu anh ta có đức tin; còn nếu không, đó là cách để cảm ơn xã hội".
(Trích "Con đường trở thành tỷ phú Hong Kong" do Alpha Books phát hành)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment