Saturday, September 16, 2006

Hạnh phúc là trân trọng, vun đắp

Hơi ấm của "Tuyết" - Pautovski


Trần Thúy Bình



Tuyết lạnh lẽo, khơi gợi nỗi cô đơn nhưng trong con mắt của Konstantin Paustovski , chính trong khí lạnh của trời đất, hơi ấm tình người, khao khát được sẻ chia, được yêu mến lại bừng sáng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Bởi vậy, truyện ngắn “Tuyết” của ông có thể được coi là bài ca về hạnh phúc.

Hạnh phúc - điều mỗi con người theo đuổi trong suốt cuộc đời mình - được định nghĩa thật giản dị. Đó là được trở về cuộc sống bình yên: “Mùa đông, tuyết xuống, nhưng con đường nhỏ dẫn tới phong đình bên dốc đã được sửa sang sạch sẽ và băng bụi phủ đầy những khóm tử đinh hương. Lò sưởi trong phòng kêu tí tách. Khói bạch dương thoang thoảng. Cây dương cầm cuối cùng đã được lên dây lại và cha đã cắm những cây nến vàng hình xoắn ốc con mua từ Lêningrát vào những chân đèn... Chả lẽ rồi con sẽ lại được gặp tất cả những cái đó?” Một giấc mơ đẹp, thanh bình trong những giây phút ác liệt nhất của mỗi trận đánh, trong không khí nặng nề, khắc nghiệt của chiến tranh.

Những suy nghĩ về hạnh phúc này không chỉ của trung uý Nikôlai Pôtapôp mà còn là của toàn bộ những người dân Nga, của những người yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Bởi vậy, nó lan toả và tìm được sự đồng cảm ngay đối với những người xa lạ. Khi đọc những dòng thư của chàng trung uý trẻ không quen biết, Tachiana đã nghĩ “người đó sẽ đau khổ khi phải gặp những người xa lạ ở đây và phải trông thấy mọi vật hoàn toàn không giống như ý người đó muốn”.

Hai con người xa lạ đã gặp nhau ở cách nhìn hạnh phúc. “Tuyết” giúp chúng ta hiểu hơn về tâm hồn những người Nga trong cuộc chiến tranh Vệ quốc. Người đàn ông ra trận để bảo vệ góc riêng hạnh phúc của bản thân, bảo vệ sự yên bình của người thân. Người phụ nữ nơi hậu phương giữ gìn, trân trọng hạnh phúc của người nơi tiền tuyến. Khao khát về hạnh phúc đã giúp họ cảm thấy dường như đã gặp nhau ở đâu đó, để rồi sẵn sàng “Nếu ... em cần đến cuộc đời tôi thì tất nhiên nó sẽ là của em...” - “Và để cho anh ấy tuyệt vọng làm gì? Và cả mình nữa...”.

Trong con mắt Paustovski, khi con người ý thức về hạnh phúc cũng là lúc họ làm mọi việc để hạnh phúc ấy hiện hữu trong cuộc sống của mình. Điều này lý giải vì sao mọi nhân vật trong truyện ngắn “Tuyết”, dù xuất hiện nhiều hay ít, đều là những người tốt, sống tử tế, biết trân trọng niềm vui, nỗi buồn của người khác. Đó là Tachiana “má ửng hồng, cười nói ầm ĩ, mắt quầng thâm vì xúc động” khi dọn dẹp nhà để đón Nikôlai. Đó là Nikôlai “đoán nàng thức cốt để gọi anh dậy cho kịp tàu. Anh muốn nói với nàng rằng anh cũng không ngủ, nhưng anh không dám gọi”. Hay chỉ là sự thông cảm, sẻ chia của ông trưởng ga khi biết không còn người thân nào đợi Nikôlai ở nhà “Anh lại đàng tôi chơi. Bà lão nhà tôi sẽ pha trà, dọn bữa tối cho anh”.

Chính vì cái đẹp luôn lấp lánh, hiện hữu trong từng dòng chữ, trong từng chi tiết nên đọc “Tuyết” như đọc một câu chuyện cổ tích hiện đại. Vẫn cách kể chuyện nhẹ nhàng, hiền hoà mà không kém phần dí dỏm, Paustovski đưa người đọc vào một thế giới yên bình, đến những khoảnh khắc con người sống không toan tính, vui vẻ vì những điều bình dị nhất “nàng còn thích cái tỉnh lỵ ấy nữa là khác. Ngày lại ngày, êm dịu và xám ngắt. Sông mãi chưa đóng băng. Mặt nước màu xanh lá cây bốc khói”.

Giọng văn mơ mộng, chứa chan cảm xúc của ông đã khiến người đọc luôn có cảm xúc tươi vui, luôn muốn được cười. Nhờ đó, dù câu chuyện diễn ra trong khung cảnh u ám “từ sáng sớm đến lặn mặt trời, lũ quạ kêu quàng quạc, bay thành từng đám mây đen trên những ngọn cây trần trụi, báo hiệu trời xấu” nhưng không ai cảm thấy cái lạnh của băng giá, không ai thấy một gợn buồn che phủ lên câu chuyện mà chỉ thấy những nốt nhạc vui.

Người đọc vui vì lối sống đẹp của các nhân vật và còn chịu sự lôi cuốn của những chi tiết ngộ nghĩnh, đáng yêu xuất hiện với tần suất khá cao. Đó là tiếng chuông lanh lảnh “Ta treo trên cửa - Hãy giật cho vui”, đó là chú mèo Ackhíp béo tròn, lười biếng “khó chịu, ve vẩy đôi tai rồi bực dọc, đi ra khỏi nhà”. Đó còn là thắc mắc trẻ thơ của cô bé Varia: vì sao mẹ cấm em không được đụng vào mọi thứ: nào chuông, nào nến, nào đàn” nhưng mẹ lại làm tất cả những việc này và cách trả lời cực kỳ dễ thương của em: mẹ chỉ là “một đứa con gái bé nhóc còn xoàng” hơn cả mình.

Dường như đối với chúng ta, những “hạt vàng” ấy rất dễ chìm đi trong dòng chảy ào ạt của cuộc sống. Còn với Paustovski, ông đã tẩn mẩn sàng lọc để tạo nên “bông hồng vàng”(1) trong “Tuyết”.

Bởi vậy, khi bước chân vào truyện ngắn này, người đọc như thấy mình bước vào một giấc mơ êm đềm. Và ngay khi ra khỏi giấc mơ đó, họ vẫn muốn tin giấc mơ đó là có thực:

Có thể ngày mai ta cũng đi qua

Một cánh cửa nao lòng trong truyện “Tuyết”?
Có tiếng chuông rung và con mèo Ackhip
Ánh nến mơ hồ như hạnh phúc từng mong...
(Trích bài thơ “Nghĩ về Paustovski” của nhà thơ Bằng Việt)

Với truyện ngắn “Tuyết”, Konstantin Paustovski tiếp tục trả lời câu hỏi muôn thưở của loài người theo phong cách rất Paustovski: Hạnh phúc là trân trọng, vun đắp những gì mình đang có. Hạnh phúc là có thực khi con người biết bảo vệ và đấu tranh vì nó./

No comments: