Monday, September 25, 2006

Kể thêm về thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ (phần 8)

Ông Vũ Hữu Duật, nguyên Thị uỷ viên Thái Bình, một đường dây quan trọng của Vũ Ngọc Nhạ trong Phủ Tổng Thống. Ông nói: “Khi tôi lên làm Phó Chủ tịch đảng Dân chủ, đảng của ông Thiệu, mọi người cứ tưởng gia đình tôi giàu có lắm. Nhưng thực tế có phải vậy đâu. Tám đứa con tôi ăn học, khôn lớn toàn do bà ấy nhà tôi lo. Bà ấy buôn bán, xoay sở nuôi con. Hai lần tôi vào tù thì đi nuôi tôi trong tù. Tôi hoàn thành được nhiệm vụ đặc biệt, có công rất lớn của bà ấy”.

Ông Vũ Hữu Duật nói tiếp: “Khi tôi lên đường làm nhiệm vụ đặc biệt, cũng là lúc nhà tôi bồng con rời miền Bắc theo tôi vào Nam. Suốt 20 năm bà ấy cam chịu tiếng xấu là đi theo một tên phản bội. Ngày đó ở Minh Châu, Thái Bình quê tôi, người ta gọi tôi là tên đảo ngũ, bỏ đảng chạy theo giặc vào Nam”.

Bà Phạm Kim Chi, vợ ông Duật kể: “Tháng 8 năm 1954 bà cùng gia đình ông Vũ Ngọc Nhạ trên chuyến tàu di cư vào Nam. Ông Nhạ do tổ chức bố trí đóng vai một trung uý Nguỵ. Trên tàu có chừng hơn chục tên lính Pháp, trong đó có thằng quan hai, người dong dỏng cao, mắt sâu, vận quần áo kaki trắng đi lại khoác vai ông Nhạ vẻ thân thiện. Hình như ông Nhạ đã làm quen với tên quan hai này từ trước. Lúc ấy bà đang lục tìm chiếc khăn mặt để lau cho đứa con nhỏ. Nhưng bà lại nhầm túi của ông Nhạ. Bà lôi trong túi ra một lá cờ đỏ sao vàng. Rất may thằng quan hai Pháp và những người chung quanh chưa kịp nhìn thấy. Bà nhét vội lá cờ vào túi. Bà Chi đổi chiếc túi cho ông Nhạ, rồi ôm chiếc túi có lá cờ và bế thằng con áp vào để che mắt địch. Lá cờ được mang vào miền Nam an toàn. Sau này hỏi ông Nhạ, bà Chi mới biết, lá cờ đỏ sao vàng ngày ấy rất thiêng liêng. ở miền Nam ngày đó chỉ có cờ ba sọc của Mĩ và cờ của chế độ Ngô Đình Diệm. Vì phải xa miền Bắc nên ông Nhạ mang theo lá cờ để đỡ nhớ. Còn một lí do nữa, ông bảo lá cờ là biểu tượng của Tổ quốc, của Đảng, mang theo để nung nấu ý chí vươn lên. Vì thế ông đã bất chấp nguy hiểm khi mang theo lá cờ.

- Bà cũng không sợ khi nhận chiếc túi có lá cờ? - Chúng tôi hỏi. Bà Chi nói:

- Tôi có nguy hiểm cũng không bằng ông Nhạ bị bắt. Vì ông đang đi làm nhiệm vụ đặc biệt cùng chồng tôi.

Bà Nguyễn Thị Nhẫn, vợ ông Vũ Ngọc Nhạ cho biết: hơn 20 năm ông Nhạ ngày ngày sống bên cạnh kẻ thù, cũng là 20 năm bà phấp phỏng không yên. Bà không lo tính mạng của bà mà lo cho chồng, cho con, lo cho bố mẹ, những người vì bà mà suốt đời phải khổ nhục.

Năm 1962, Lệ Xuân, vợ Ngô Đình Nhu thấy gia đình ông Nhạ quá nghèo. Một hôm sang phòng làm việc của ông Nhạ, Lệ Xuân nói: “Anh làm cố vấn cho Chính phủ Quốc gia, mà để vợ con suốt ngày phơi mặt ngoài chợ. Tôi biết, từ trước tới nay anh chỉ nhận tiền công ít ỏi, còn tiền trợ giúp của Chính phủ, anh đều không nhận. Chỉ cần anh trung thành với gia đình họ Ngô chúng tôi, và đừng từ chối những khoản trợ giúp, vợ con anh sẽ sung sướng suốt đời”.

Trong thời gian làm bộ phim tài liệu “Ông cố vấn” chúng tôi có sưu tầm được một băng video ghi hình và lời nói của bà Trần Lệ Xuân do người Mỹ phỏng vấn. Tháng 7 năm 1969, khi đó bà Xuân đang ở Mỹ và lưới tình báo A22 của Vũ Ngọc Nhạ vừa bị CIA bắt tại Sài Gòn. Trong cuốn băng ghi hình có một câu hỏi:

- Thưa bà Trần Lệ Xuân. Bà có nhận xét gì về ông Vũ Ngọc Nhạ người từng nhiều năm làm cố vấn cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm và cho ông Ngô Đình Nhu chồng bà?

Bà Trần Lệ Xuân trả lời: “Khi ông Vũ Ngọc Nhạ từ Huế về Dinh Độc Lập làm cố vấn cho gia đình họ Ngô, được thường xuyên tiếp cận với ông, tôi thấy ông ta là một người khá đặc biệt: Thông minh, thâm trầm, cẩn trọng, làm việc tận tuỵ, nhưng không màng bổng lộc. Anh tôi Ngô Đình Diệm và chồng tôi Ngô Đình Nhu đã nhiều lần chu cấp tiền bạc để ông ta yên tâm suốt đời phụng sự họ Ngô, nhưng ông ta khước từ. Người Mỹ đặt mua ông với cái giá 2 triệu đô (thông qua gia đình tôi) để rút ông ra khỏi lưới Cộng sản (mà họ nghi ngờ) để ông cộng sự với họ, ông cũng từ chối. Khi CIA kết luận ông chính là Cộng sản, bắt ông, xử ông theo luật người Cộng sản phạm tội, tôi không có gì bất ngờ, bởi từ lâu tôi đã nghĩ ông ta là Cộng sản.”

Vợ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là người rất tôn kính và sùng bái Vũ Ngọc Nhạ. Biết hoàn cảnh gia đình ông khó khăn, nhiều lần bà ta cho tiền, ông cũng đều từ chối. Có lần bà Thiệu nhờ người tin cẩn đem 5 cây vàng và một số tiền đến nhà bà Nguyễn Thị Nhẫn (vợ ông Nhạ) ở xóm Chợ Thị Nghè, bà Nhẫn cũng một mực không nhận. Bà Nhẫn bảo: Mình nhận tiền của họ thì phải làm theo họ. Làm theo họ có nghĩa là mình đã phản bội rồi.

Bà Nhẫn không chỉ là người nội trợ chu đáo, mà bà còn tham gia một phần công việc để giúp đỡ chồng. Có những công việc bà nghĩ nếu để người khác làm, tính mạng của ông và cả gia đình sẽ không bảo đảm. Thế là bà tự nguyện đảm nhiệm công việc liên lạc và làm giao liên cho lưới A22 của ông. Vừa chạy chợ, vừa chuyển tài liệu, tin tức ông thu thập được ở Dinh Tổng Thống đến các cơ sở mật của ta. Nhiều khi bọn mật vụ theo dõi gắt gao, bà phải khoét trái cây, cho tài liệu vào rồi giả đem bán để giao cho “khách hàng”. Một lần trái cây có “mật hiệu” bị lẫn trong thúng hoa quả đem bán. Sợ người mua phát hiện sẽ bị lộ, bà đã gánh về nhà đập vỡ cả hai thúng quả mới tìm được cái quả có chứa tài liệu. Từ ngày bà làm giao liên cho lưới điệp báo A22 của ông và trở thành Đảng viên Đảng cộng sản, mối nguy hiểm của gia đình bà tăng lên gấp đôi.

Bà Nguyễn Thị Nhẫn kể: Năm 1958 ông Vũ Ngọc Nhạ tự dưng “mất tích”. Suốt hai tháng trời bà đi tìm khắp đó cùng đây vẫn không thấy. Một buổi tối bà đang ngồi lo lắng nghĩ tình huống ông đã bị thủ tiêu, bỗng có tiếng gõ cửa. Bà ra mở. Người đàn bà hớt hải, vẻ lo sợ là Kim Chi, vợ ông Vũ Hữu Duật, điệp viên lưới A22 do ông Nhạ phụ trách. Khi cánh cửa khép lại, ngó chung quanh không thấy ai, bà Chi nói: “Ông Nhạ bị bắt cóc cùng nhà tôi. Chúng đưa đi biệt giam ở toà Khâm Huế. Biết tin, tôi vừa ra ngoài đó thăm ông ấy”.

Bà Chi rút trong túi ra một cái bọc nhỏ đưa cho bà Nhẫn và bảo: “Ông ấy gửi bộ quần áo lót đang mặc để bà yên tâm, ông ấy còn sống”. Bà Chi nói tiếp: “Ông Duật nhà tôi bảo, hai ông phải giả vờ đi cầu tiêu rồi ông Nhạ cởi ra đưa nhà tôi cất vào trong người mang về cho bà. Bà chuẩn bị ra Huế thăm ông ấy đi”.

Thế là từ đó, vừa buôn bán, nuôi con, bà vừa chắt chiu thường xuyên ra Huế thăm nuôi chồng. Mãi tới khi ông Nhạ “lọt vào mắt xanh” Ngô Đình Cẩn, cố vấn miền Trung, rồi được ông Cẩn trình lên Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Diệm đón về Dinh Gia Long làm cố vấn, mới không phải lo nuôi chồng ở tù. Nhưng nỗi lo khác lại luôn ám ảnh. Người ta bảo “leo càng cao” thì ngã càng đau. Ông là Cộng sản mà làm tới cố vấn Tổng Thống Nguỵ, lộ ra thì chết cả nhà, cả họ. Thời kì ông làm cố vấn cho Ngô Đình Diệm, bà Nhẫn hai lần thót tim.

Lần thứ nhất vào đầu năm 1962, do người Mĩ giật dây, hai máy bay của phe đảo chính bất thần trút bom xuống dinh Gia Long định giết vợ chồng Ngô Đình Nhu. Được tin ông Nhạ đang ở trong dinh, bà lo lắm. Sau mới biết ông và Ngô Đình Nhu vừa ra khỏi phòng thì bom nổ, chỉ mình Lệ Xuân bị thương. Lần thứ hai, vào ngày 28 tháng 11 năm 1963, các tướng lĩnh do Dương Văn Minh cầm đầu nổi lên đảo chính Ngô Đình Diệm, giết chết ông Diệm, ông Nhu. Có người nói quân làm phản đã thủ tiêu ông cố vấn trước khi làm thịt Diệm - Nhu. Rất may, nửa đêm hôm ấy thì ông về gõ cửa.

*

Một tai hoạ lớn ập xuống đầu những người vợ của anh em trong lưới A22 vào đúng ngày 16 tháng 7 năm 1969. Bọn địch đưa tin: Đã phát hiện ra một nhóm Cộng sản nằm trong Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà. Tất cả đã bị thủ tiêu dã man: cắt cổ, lấy máu. Chúng tung tin đe doạ vậy. Vì áp lực đấu tranh rất mạnh, bọn địch không thể thủ tiêu được, nên đã giam các ông để chờ ngày xét xử.

Bà Nguyễn Thị Nhẫn nói: Sau khi nhà tôi bị bắt, bọn mật vụ kéo đến bao vây lục soát, rồi nằm lì trong nhà tôi hàng tháng trời. Chúng doạ nạt không lúc nào yên, mẹ con tôi nhiều đêm không ngủ được. Chúng đưa ông Nhạ về nhà đối chất và lục soát. Chúng đánh ông ấy bầm tím chân tay, mặt mày sưng húp. Thương chồng và lo đàn con chúng doạ hành hung, mang bầu mới được hơn bảy tháng tôi đã sinh con.

Bà Nhẫn tiếp: Gia đình bà Như, bà Chi, bọn mật vụ cũng kéo đến lục lọi và doạ không khai chúng sẽ giết cả nhà. Hai bà ấy cứng rắn, kiên quyết, có chết cả nhà cũng không cậy được miệng các bà ấy.

Hơn ba tháng sau chúng đưa anh em trong lưới A22 ra xét xử tại toà án Sài Gòn. Vụ án làm sửng sốt, rung chuyển cả bộ máy chính quyền Nguỵ. Chúng đặt câu hỏi vì sao nhóm Cộng sản lại chui được vào Chính phủ để thâu tóm Dinh Độc Lập. Ai đặt Cộng sản vào những chiếc ghế trong Phủ Tổng Thống? Mật vụ có mắt như mù. Có người nói hay chính mật vụ đã thông đồng với Cộng sản?

*

Bà Phan Thị Kim Chi kể: Những ngày các bà ra nuôi chồng ngoài Côn Đảo, nhà tù không có phòng riêng dành cho vợ chồng tù nhân. Việc âu yếm tình cảm với nhau không có điều kiện. Phải đợi màn đêm buông xuống, từng đôi, từng đôi mới dắt díu nhau ra hàng dương ngoài bãi đảo tâm sự. Gió biển ngoài đảo gầm rú ầm ào suốt ngày đêm. Mấy ai ngờ bên những hàng dương nghiêng ngả trên bờ đảo lại có một sự sống kì diệu. Những cặp tù nhân yêu nhau nồng cháy, tha thiết. Hình như họ bù đắp cho nhau nhưng ngày nhớ nhung xa cách. Lần ra đảo đầu tiên thăm chồng, bà Chi vừa thẹn vừa lo. Nhưng khi nghe chồng kể lại câu chuyện 200 tù cộng sản đóng 5 con thuyền lớn dưới hầm suốt cả năm trời chuẩn bị cho chuyến vượt ngục năm 1952 mà bọn chúa đảo vẫn không hay biết thì bà mới yên tâm.

Sau lần ra đảo nuôi tù trở về, cả ba bà đều mang thai. Riêng bà Kim Chi, hai lần ra thăm chồng ngoài Côn Đảo về sinh được hai người con một trai, một gái. Thế mới biết cuộc sống con người thật kì diệu.

Bà Ngô Thị Như, người ngồi đốt tài liệu mật của địch ở nhà lao toà Khâm Huế, mười năm sau khi ra nuôi chồng ở nhà tù Côn Đảo bà lại làm một việc mạo hiểm đầy ý nghĩa. Bằng nghiệp vụ của mình, ông Lê Hữu Thuý đã lấy được bản báo cáo mật của chúa đảo gửi cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu về con số tù chính trị tại Côn Đảo. Bà đã mang tài liệu này về chuyển cho cơ sở của cách mạng. Lúc đó tại Hội nghị Paris bàn về việc trao trả tù chính trị, Thiệu công bố ở Côn Đảo có 5000 tù nhân. Chúng định ỉm đi hơn một nửa số tù chính trị để chờ cơ hội thủ tiêu. Trong khi đó, phía ta đưa ra chứng cớ từ bản báo cáo của chúa đảo là 12000 người. Tài liệu gốc này làm Thiệu choáng váng, mất uy tín nặng nề trước Hội nghị và dư luận. Vị Giáo Hoàng đã huỷ bỏ cuộc tiếp kiến với vợ chồng Nguyễn Văn Thiệu và gọi y là con chiên ma mãnh, dối trá. Bản tài liệu là chứng cớ buộc địch phải trao trả hết 12000 tù chính trị ở Côn Đảo cho ta năm 1973.

Hai mươi năm sống trong lòng địch, vừa nuôi chồng trong tù, vừa nuôi dạy 9 người con ăn học khôn lớn, đến nay tất cả đều phương trưởng. Bà Như bảo, những năm tù đầy gian khổ ác liệt, bà không sợ, nhưng sau ngày hoà bình bà lại hoang mang lo sợ. Bởi chồng bà, ông Lê Hữu Thuý, người ra tù vào tội, chịu mọi cực hình tra tấn vẫn một lòng trung thành, tận tâm làm việc cho cách mạng. Nhưng cơ quan lại cho ông về nghỉ việc sớm, không còn đảng viên, không chế độ chính sách, ông phải về nuôi heo, nuôi thỏ để kiếm sống. Mãi đến năm 1990, tức 15 năm sau, ông mới được “xét lại”, được phục hồi đảng tịch, được thăng cấp từ Thượng uý lên Đại tá. Và đặc biệt ông được Đảng và Nhà nước tuyên dương là Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Hôm đi dự lễ đón nhận danh hiệu anh hùng, ông đưa bà cùng đi. Ông bà rất cảm động, cười mà nước mắt cứ dàn ra.

Bà Nguyễn Thị Nhẫn, bà Phạm Thị Kim Chi cũng trong tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Năm 1975 sau ngày miền Nam giải phóng, bà Nhẫn cùng chồng (ông Vũ Ngọc Nhạ) về thăm làng Cọi Khê, nơi chôn nhau cắt rốn của ông bà. Thấy đoàn xe về làng, dân trong thôn xóm kéo ra rất động. Khi ông bà Nhạ từ trên xe bước xuống, cả làng ngớ ra. Họ không ngờ một gia đình đi theo giặc mà họ đã từng căm thù nguyền rủa, thì nay lại được Đảng, quân đội trịnh trọng đưa về làng thăm quê hương. Sau chuyến đó, dân làng mới hiểu: Thì ra trong những năm tháng mọi người coi khinh, lên án ông Nhạ, bà Nhẫn là những kẻ bất lương theo giặc, thì chính những năm tháng này ông bà lại phải cam chịu bao nhiêu cay đắng, khổ sở ở bên kia chiến tuyến. Cuộc hội ngộ hôm ấy, dân làng Cọi Khê không ai cầm nổi nước mắt.

*

Chúng tôi tới thăm gia đình ông Vũ Ngọc Nhạ ở Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh đầu năm 2001. Ông đã ở tuổi ngoài 70, vẫn hoạt bát, tinh thông. Nhìn ông bình dị, phúc hậu, chúng tôi không thể tưởng ông đã từng trải qua gần một nửa thế kỷ gian khổ đối mặt với bao khó khăn thử thách và đã hoàn thành nhiệm vụ một cách thần kỳ. Ông vẫn nhẹ nhàng, cẩn trọng niềm nở tiếp mọi người. Ông đưa chúng tôi xem cặp hồ sơ lưu những kỷ niệm ông còn giữ được gồm: tấm ảnh anh bộ đội cụ Hồ Vũ Ngọc Kép, đầu đội mũ nan bọc vải, trên mũ chăng lưới dù đứng trước cổng tỉnh đội Thái Bình năm 1948. ảnh Vũ Ngọc Nhạ đưa vợ con bước xuống tàu há mồm ở Hải Phòng di cư vào Nam 1954. ảnh gia đình ông ở căn nhà lá trong xóm chợ Thị Nghè năm 1960. Lá thư của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu gửi Hai Long (Vũ Ngọc Nhạ) viết trên một trang giấy đã ngả màu vàng. Lá thư của người thư ký riêng cho ông Thiệu gửi Hai Long đề ngày 6 tháng 3 năm 1975 v.v...

Làm cố vấn cho ba đời Tổng Thống và làm vị tướng tình báo xuất sắc của Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhưng cuộc sống gia đình ông vẫn bình dị, khó khăn như bao gia đình khác. Bị địch tra tấn gãy hai rẻ xương sườn, là thương binh 2/4 lại bị bệnh trọng, sức khoẻ của ông ngày một sa sút. Ông thường lui tới thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình đồng đội trong lưới tình báo năm xưa. Một vị tướng sống giữa đời thường khiêm nhường, đức độ, bạn bè ai cũng khâm phục, kính nể.

Vinh quang từ những chiến công độc đáo của ông, của đồng đội ông trong lưới A22 nhiều người vẫn nhớ. Ai cũng nghĩ ông đã mãn nguyện với niềm vui, với sự cống hiến to lớn của mình cho cách mạng, cho đất nước. Nào ngờ có những điều xót xa, trăn trở từ đáy lòng ông những năm sau này đã mấy ai hay! Hình như ông cố nén chịu, vì ông hiểu sự “bạc mệnh” của những người làm nghề tình báo, thời nào cũng thế. Một số người vẫn nghi hoặc ông, bảo ông ăn ở hai lòng. Nghi là ông thông đồng với đối phương. “Không ngả theo chúng làm sao ông ta tồn tại được trong hang hùm suốt ba đời Tổng Thống Nguỵ”. Mỗi lần nghe vậy, ông chỉ lặng im và cắn răng cam chịu. Biết bày tỏ lòng mình với ai đây? Bao năm chiến tranh ông đã vượt qua trăm ngàn thử thách nghiệt ngã, vậy mà những năm hoà bình có lúc ông đã không vượt qua. Có lẽ, vì dằn vặt, nghĩ ngợi nhiều, con bệnh quái ác phát ra ngày càng trầm nặng. Cuối năm 2002 Thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ đã vĩnh viễn ra đi !

Cuộc đời những người làm tình báo nghiệt ngã là thế. Những người vợ, người thân của họ cũng chung hoàn cảnh như vậy. Vinh quang, cay đắng, công trạng và hận thù luôn song hành tồn tại trong họ. Vượt qua nó không thể ngày một, ngày hai, mà có khi phải đánh đổi bằng cả đời người.



(Báo Văn nghệ)

No comments: