Monday, September 25, 2006

Kể thêm về Thiếu tướng Tình báo Vũ Ngọc Nhạ (PhầnIII)

Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ tâm sự: Sở dĩ A22 của ông có được chiến tích như vậy, ngoài cố gắng của anh em trong lưới tình báo, còn có công rất lớn của ông Mười Hương. Thời kỳ đầu ông trực tiếp chỉ đạo chúng tôi. Ông từng chịu cảnh tra tấn tù đầy vì chúng tôi.

Mười Hương, tên thật là Trần Quốc Hương nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương. Giữa những năm 1950 Trần Quốc Hương được Trung ương cử vào miền Nam hoạt động bí mật, trong đó có nhiệm vụ chỉ đạo lưới tình báo chiến lược H10 - A22 của Vũ Ngọc Nhạ.

Năm 1958, Vũ Ngọc Nhạ bị mật vụ bắt cóc ở Sài Gòn rồi chúng đưa ra giam tại Huế. Ngày đó lưới A22 mới hình thành, anh em còn rất ít kinh nghiệm. Nằm trong nhà giam, ngày đêm Vũ Ngọc Nhạ lo tính mạng người thủ trưởng của mình, lo tính mạng của anh em bên ngoài! Ông bảo: Hôm ấy bỗng trời đổ cơn giông, ngoài phòng giam gió thổi ào ào, hàng cây trước cửa nghiêng ngả, sân tòa khâm sứ cát bay mờ mịt. ở trong phòng giam Vũ Ngọc Nhạ nghe rõ tiếng quát tháo bên ngoài:

- Đù mẹ mấy cha cộng sản ngoan cố. Vô đây xem chúng bay còn gan lì được không?

Vũ Ngọc Nhạ ghé mắt nhìn qua hàng song sắt. Ông bàng hoàng nhận ra 4 người trong lưới của ông bị còng hai tay, một tên mật vụ vừa dong, vừa đạp ngã dúi dụi. Đi đầu là Lê Hữu Thúy mặt bầm tím, tiếp sau Huỳnh Văn Trọng bước tập tễnh. Rồi đến Vũ Xuân Hòe máu me đầy mặt. Người đi cuối cùng, hai mắt sưng híp là Vũ Hữu Duật. Nhìn cảnh tượng anh em của mình trong tay địch, ông Nhạ vừa thương vừa nghi ngờ có người phản bội.

ít phút sau, lại một tên mật vụ áp tải một người nữa đi qua phòng giam. Người này thấp bé, vẻ mặt kiên nghị, Vũ Ngọc Nhạ nhận ra ngay, đó là đồng chí Mười Hương. Thì ra chúng cất một mẻ gần hết anh em trong lưới A22.

Trong những ngày ở nhà giam, mặc dù địch dùng mọi thủ đoạn nham hiểm và tra tấn rất dã man, Mười Hương dũng cảm chịu mọi cực hình, quyết không chịu khuất phục. Biết ông là một nhân vật cộng sản tầm cỡ, gan góc, lợi hại, Ngô Đình Nhu đích thân từ Sài Gòn bay ra Huế. Khi giáp mặt Mười Hương, Ngô Đình Nhu nói:

- Bây giờ ông đang ở trong tay chúng tôi, ông biết mình phải làm gì chứ? Chẳng lẽ cộng sản các ông chỉ có một mục tiêu là hy sinh ư? Các ông cũng cần phải tồn tại. Đồng đội của ông nằm trong nhà lao của chúng tôi đây cũng cần phải sống.

Mười Hương trả lời:

- Vâng, nhưng chúng tôi không sống nô lệ. Dù ông có cho người giết tôi, cũng không lấy gì được ở tôi đâu. Ông hiểu cho: người cộng sản chúng tôi không được phép khai báo.

Trước những lời đanh thép của một người cộng sản, Ngô Đình Nhu cắn răng trút nỗi căm uất cho đồng bọn trả thù hèn hạ Mười Hương rồi chuồn về Sài Gòn.

*

Ngày 25 tháng 4 năm 2002 chúng tôi tới thăm gia đình ông Mười Hương tại 45 Tú Xương, Quận Ba, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông đã bước vào tuổi “bát niên giai lão” bị di chứng liệt một cánh tay, nhưng đôi mắt vẫn sáng, đặc biệt sự minh mẫn và trí tuệ của ông còn tuyệt vời. Dường như ý chí cách mạng của người cộng sản đã dồn lại một phần trong đôi mắt của ông, làm nó luôn ánh lên niềm tin yêu và một nghị lực mạnh mẽ.

Anh Đỗ Văn Hùng người thư ký của ông cho biết, ông vừa dự kỳ họp của Bộ Chính trị ngoài Hà Nội về. Hầu hết các cuộc họp T.Ư quan trọng đều mời ông tham dự và đóng góp ý kiến. Ông mới ở Hà Nội vô, còn đang mệt, nhưng vẫn nhận lời tiếp chúng tôi.

Cuộc đời hoạt động của Trần Quốc Hương (tức Mười Hương) lặng lẽ, bình dị nhưng đầy mạo hiểm. Khi còn là một chàng trai rất trẻ, Trần Quốc Hương đã hoạt động tích cực, trong tổ chức thanh niên dân chủ.

Với đồng đội ông là người bạn chân tình, luôn thương yêu và độ lượng. Với công việc ông năng nổ, tận tâm, hết lòng, nhưng cũng rất cẩn trọng và luôn cảnh giác với kẻ thù. Song cuộc đời có mấy ai ngờ.

Tháng 3 năm 1942, năm ấy Trần Quốc Hương mới 16 tuổi, đang thi hành một công vụ của tổ chức thanh niên dân chủ thì bị mật thám Pháp bắt. Chúng đưa ông vào giam tại Hỏa Lò. Sau một năm giam cầm, tra khảo, không tìm ra nhân chứng, hơn nữa Trần Quốc Hương chưa đủ tuổi thi hành án, bọn mật thám Pháp đành phải thả ông.

Thời kỳ 1955 - 1960 Trần Quốc Hương vào Sài Gòn ém mình ngay trong lòng địch để hoạt động. Chỉ đạo một lưới tình báo đặc biệt, ông luôn dũng cảm ẩn hiện trước mặt kẻ thù. Hơn 50 năm sau, được ngồi bên ông, ghi chép những cống hiến của ông đối với cách mạng, tôi hỏi:

- Ngày đó, ông Nhạ và anh em trong lưới đều “đóng giả” là người của chính quyền Sài Gòn, còn ông? Ông nắm “anh em” bằng cách nào?

- Tôi thường đóng vai một người bạn theo đạo thiên chúa giáo cùng di cư vào Nam với ông Nhạ, đến thăm gia đình ông. Trần Quốc Hương nói. Tháng một lần, có tháng đôi ba lần tùy theo công việc. Qua việc thăm hỏi, trò chuyện tôi nắm tình hình rồi phản ánh về trung tâm và truyền đạt nhiệm vụ của cấp trên cho anh em trong lưới.

Trần Quốc Hương có đức tính cẩn trọng, chu đáo luôn lo sự “bảo tồn” tính mạng của đồng đội. Để che mắt địch, một lần đến thăm gia đình “giáo dân” Vũ Ngọc Nhạ. Nhìn quanh nhà không thấy treo tượng chúa, ông đã cho người kiếm bức tượng Giê-su và cây thánh giá mang đến và dặn bà Nhẫn vợ ông Nhạ: Bà treo những thứ này lên tường nghe. Người ta đến nhà “giáo dân” không thấy treo tượng chúa, họ sẽ nghi ngờ. Quả nhiên sau này bức tượng chúa Giê-su và cây thánh giá đã “bịt mắt” được bọn mật vụ.

Trần Quốc Hương tiếp:

- Ngày đó vợ chồng ông Nhạ có cô con gái lớn tên là Khiêm. Con bé nết na khôn ngoan, lại chịu thương, chịu khó, thường xuyên giúp bố chuyển tin tức thư từ ra trung tâm. Cô bé Khiêm làm liên lạc cho bố ngày ấy nay đã có hai con. Cô còn có tên gọi là Hải, hiện là bác sỹ giỏi của Bệnh viện Chợ Rẫy đấy.

Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, trải qua hai lần tù đầy, từng làm nên bao chiến tích hiển hách. Nhưng khi nhắc tới ông lại khiêm nhường, không muốn nói về thành tích và chiến công của mình. Phải đề nghị mãi ông mới ý tứ thổ lộ đôi điều về những công việc mà ông đã “dìu dắt’ anh em trong lưới A22. Ông kể:

- Một hôm tôi bảo Vũ Ngọc Nhạ: anh có dáng một con chiên, một thày tu. Hiện anh đang được các linh mục và cha cố yêu mến, tin tưởng. Theo mình anh cứ tập trung đi sâu vào khối công giáo. Cứ bám lấy họ, biến mình thành người của họ.

Ông tiếp:

- Chính quyền Ngụy chủ yếu dựa vào lực lượng công giáo để chống cộng. Họ dựa vào các linh mục, cha cố nhằm tăng cường lực lượng đảng phái chính trị. Mình có vị thế trong công giáo, chúng dựa vào công giáo, tức là dựa vào mình. Đây là cái vỏ bọc tốt để luồn sâu vào cơ quan đầu não của địch.

Quả nhiên sau đó, cũng nhờ chính cái vỏ bọc này, Vũ Ngọc Nhạ đã lọt được vào Dinh Độc Lập. Từ đây ông đã tổ chức thành công một lưới tình báo chiến lược, âm thầm đục phá suốt mấy đời Tổng Thống của Ngụy quyền Sài Gòn.

Im lặng chừng một lát, Trần Quốc Hương nói:

- Phải nói Vũ Ngọc Nhạ hóa thân thành một con người khác thật tuyệt. Tôi còn nhớ một lần tôi đưa Vũ Ngọc Nhạ ra căn cứ của ta ở ngoài Củ Chi để gặp cấp trên. Hôm ấy trong lúc làm việc tôi thấy anh Mai Chí Thọ (người được Trung ương cử vào) nắm tình hình, anh Thọ nhìn Vũ Ngọc Nhạ một cách chăm chú khác lạ. Lúc giải lao, anh Mai Chí Thọ kéo tôi ra ngoài nói nhỏ:

- Anh phải cẩn thận và cảnh giác với thằng cha Nhạ nghe.

Nghe anh Thọ nói tôi ngớ người không hiểu đầu cuối ra sao. Vũ Ngọc Nha là một Thị ủy viên, trưởng thành từ một cán bộ quân đội thời kỳ kháng chiến ở Thái Bình. Là người do tổ chức của ta cài vào, rất năng nổ và hoạt động đang có hiệu quả. Sao cấp trên lại nghi ngờ anh? Hay có điều gì... Tôi băn khoăn hỏi:

- Tại sao lại phải cảnh giác với Vũ Ngọc Nhạ?

Anh Mai Chí Thọ vẻ mặt quan trọng:

- Mình trông nó hệt một ông linh mục. Từ dáng đi, giọng nói đôi mắt đến tính cách, y như là một cha đạo phản động.

- Thưa anh. Trần Quốc Hương nói. Vũ Ngọc Nhạ có giống một thằng cha cố phản động, anh ấy mới tồn tại trong lòng địch được. Nếu cứ ngay thẳng thật thà hoặc “ngụy trang” nửa vời thì chúng nó bóp chết từ lâu rồi. Anh Nhạ “thể hiện” như thế, đúng vai “kịch bản” của tôi đấy. Ông tiếp:

- Nghe tôi giải thích và đặt niềm tin vào người cán bộ tình báo mà tôi phụ trách, anh Mai Chí Thọ bảo, anh tin tôi.

Ông Mười Hương nói tiếp:

- Thực ra khi ấy anh Mai Chí Thọ rất tin tôi. Nhưng cái thằng cha đạo phản động lẫn trong bóng hình con người ông Nhạ đôi lúc vẫn làm anh Thọ chưa yên lòng. Có lần anh nói với tôi thế. Mãi đến sau này cả lưới A22 lập công suất sắc được tuyên dương anh hùng, anh Mai Chí Thọ mới chúc mừng tôi. Anh bảo: Cậu khá lắm, cậu dàn kịch bản cho thằng Nhạ thật tuyệt vời. Mình rất mừng. Một đồng chí của ta “đội lốt” kẻ địch đến mức người của ta cũng không nhận ra quả là điều kỳ diệu đối với nghệ thuật tình báo mà chính mình cũng không thể tưởng tượng.

*

Ba mươi năm sau: Thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ - nguyên cố vấn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và ông Vũ Hữu Duật - nguyên phó Chủ tịch thường trực Đảng liên minh dân chủ, đảng cầm quyền của Nguyễn Văn Thiệu, hai người còn lại duy nhất của lưới tình báo H10 - A22 đưa vợ vào thăm Dinh Độc Lập. Điều không ngờ, cả hai ông đều là Thị uỷ viên Thái Bình, những người Cộng sản nòi, lọt vào Phủ Tổng thống, nắm giữ những trọng trách lớn, quả là kì lạ. Có người nói: Chỉ trừ có phép màu nhiệm, còn từ trước tới nay chưa ai làm được những việc “siêu phàm” như thế.

Vào thăm dinh, dẫu nay chỉ còn lại những kỉ vật của một thời, nhưng nhìn nó, các ông cảm như một giấc ảo mộng vừa đi qua. Từ cái ghế, cái bàn, suốt mấy chục năm các ông cùng kẻ địch ngồi bên nó, căng thẳng tính từng giờ, từng phút. Sinh mệnh gia đình, bản thân và những hiểm hoạ cũng từ những cái ghế này.

Người duy nhất hiểu nó và cùng chia sẻ với các ông chính là những người vợ. Lưới A22 được tuyên dương đơn vị anh hùng, có người nói đóng góp 50% là công những bà vợ của anh em trong lưới.

Ông Lê Hữu Thuý, một mắt xích cực kì quan trọng của lưới tình báo A22, khi được tuyên dương là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đã tâm sự: “Người được tuyên dương anh hùng lẽ ra phải là vợ tôi chứ không phải tôi. Không có bà ấy, tôi làm sao làm nổi những việc đã làm”.

Vợ ông, bà Ngô Thị Như, người đàn bà xuất hiện trong cuộc đời của ông như một “thiên tình đời” lãng mạn hiếm có. Năm 1955, khi Lê Hữu Thuý được ta cài vào làm phụ tá cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguỵ là Ngô Văn Nhậm. Ông Bộ trưởng có cô con gái rất xinh đẹp tên là Bạch Tuyết. Cô ta đi học bên Tây về, nhưng vẫn giữ vẻ đẹp gia giáo của người phương Đông. Bạch Tuyết cảm tình và quý mến Lê Hữu Thuý ngay từ buổi ông Bộ trưởng mời anh về nhà mình dùng cơm. Rồi Tuyết si mê say đắm Thuý và yêu anh hết mực. Bố cô, ông Bộ trưởng Ngô Văn Nhậm cũng muốn gả con gái của mình cho Lê Hữu Thuý. Lúc đầu Thuý cũng rất thích Bạch Tuyết vừa xinh, vừa tình tứ. Nhưng anh lại xác định mình không thể chung sống với con gái một tên trùm phản động. Lê Hữu Thuý đã từ chối khéo nói là mình đã có gia đình. Anh về tâm sự với người chỉ huy trực tiếp của mình là Vũ Ngọc Nhạ. Một ngày sau Vũ Ngọc Nhạ gặp lại Lê Hữu Thuý và nói: “Mình có cô bạn đang học ở Nha Trang, gia đình là cơ sở của ta. Mình sẽ thuyết phục cô ấy giả làm vợ cậu, và xin một tờ giấy hôn thú để hợp lý hoá cho cậu được không? Lê Hữu Thuý thấy Vũ Ngọc Nhạ giúp mình cách xử lý đó rất hợp lý, anh đồng ý ngay.

Sau một thời gian Lê Hữu Thuý từ chối Bạch Tuyết, ông Bộ trưởng Ngô Văn Nhậm gợi ý Thuý - người phụ tá của ông đưa vợ con đến nhiệm sở để “trình diện”. Một tình huống cấp bách, Lê Hữu Thuý đành phải nhờ Vũ Ngọc Nhạ dẫn đường để ông đi Nha Trang đón “người vợ” do tổ chức sắp xếp có tên trong tờ giấy hôn thú về Sài Gòn. Người vợ xa lạ ấy ông chưa hề gặp mặt tên là Ngô Thị Như. Ông tưởng chỉ đưa về trình diện ông Bộ trưởng để có cớ từ chối con gái ông ta. Ngờ đâu khi gặp Ngô Thị Như thì bỗng tình yêu bùng cháy lên. Ngô Thị Như đẹp không thua gì nàng Bạch Tuyết, lại hiền dịu, đoan trang và là đối tượng cảm tình của Cộng sản. Ông mê Ngô Thị Như và say đắm cô thật sự. Thế là từ đó Ngô Thị Như trở thành người vợ thật của ông. Người vợ thuỷ chung đi suốt chặng đường gian lao cực nhọc cùng ông cho đến tận phút cuối đời.

Bà Như kể: “Tôi nhận lời ký vào tờ hôn thú để giúp anh Thuý thoát không phải làm con rể ông Bộ trưởng Nguỵ. Nào ngờ anh lại thương yêu tôi. Có lẽ do số trời”.

Bốn năm sau, năm 1959, Lê Hữu Thuý bị bắt cóc, khi đó ông đang làm chủ tờ báo Sinh lực Sài Gòn. Chúng nghi ngờ ông có liên quan đến nhóm Cộng sản Vũ Ngọc Nhạ. Ông Nhạ cùng một số anh em trong lưới bị bắt trước đó gần một năm. Chúng đưa tất cả ra giam tại toà Khâm Huế.

Khi Ngô Thị Như chấp nhận làm vợ Lê Hữu Thuý, bà biết con đường ông đang đi là rất nguy hiểm. Bà hiểu công việc của ông và sẵn sàng chia sẻ cùng ông.

Tháng 2 năm 1960, Ngô Thị Như bồng bế ba đứa con nhỏ ra Huế để nuôi chồng trong tù. Cuộc sống những năm tháng ở tù thật cơ cực. Nhà lao chỉ chia hai suất cơm cho người lớn, ông bà phải xẻ ra cho 3 đứa con, nên cả nhà thường bị đói khát. Đói khổ, nhưng có ông ở bên, bà vẫn cảm thấy hạnh phúc. Bà đã sinh cho ông thêm một đứa con ở trong tù.

Một lần lợi dụng tình hình ở Huế hỗn loạn, bọn địch hoang mang bỏ chạy, Lê Hữu Thuý đã lục soát tìm được một số tài liệu mật của địch. Ông mang về phòng giam đưa cho Ngô Thị Như xử lý. Bà Như và đứa con gái lớn ngồi đốt từng tờ, đốt gần hết đống tài liệu thì bọn mật thám phát hiện ra. Sau đó, ông Thuý bị kết án thêm 3 năm tù giam vì tội thủ tiêu tài liệu. Nhưng ông bà rất vui vì những bí mật của đồng đội được bảo đảm an toàn.

(Báo Văn nghệ)

No comments: