Trong bộ hồ sơ ta thu được tại Nha Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia của Nguỵ quyền Sài Gòn có đoạn viết:
"Từ trước đến nay, ngoại trừ những giai thoại giả tưởng trong tiểu thuyết trinh thám chưa bao giờ có những tổ điệp báo thành công đến như thế. Cụm A.22 hoạt động do ông Vũ Ngọc Nhạ cầm đầu phát triển đều đặn và thi thố nhiều thủ đoạn mà chúng ta phải nhìn nhận là huyền diệu và xuất sắc. Cụm đã phát triển một hệ thống điệp vụ vô cùng quan trọng và đã len lỏi vào được nhiều cơ quan đầu não của Việt Nam cộng hoà. Những tin tức chiến lược mà Cảnh sát Quốc gia biết họ cung cấp, đều có giá trị giúp cho Hà Nội có được những dữ kiện chắc chắn khi ấn định chính sách của họ đối với cuộc chiến tranh".
Từ những năm 1960 ông Vũ Ngọc Nhạ đã khá nổi tiếng. Báo chí Sài Gòn và nhiều tờ báo lớn ở các nước phương Tây nhắc đến ông với những câu chuyện bí ẩn li kì và đầy vẻ thán phục, ngưỡng mộ.
Cuộc đời hoạt động của Vũ Ngọc Nhạ âm thầm, lặng lẽ nhưng rất mạo hiểm. Ông đã ứng xử "luồn lạch" thế nào để vượt qua, để "chui sâu, luồn cao" để hoàn thành cái công việc đặc biệt ấy. Những việc ông làm thật phi thường. Gian khổ, căng thẳng, sống chết trong gang tấc, kéo dài suốt mấy chục năm, ông vẫn kiên trì chịu đựng, kiên trì theo đuổi lí tưởng của người cộng sản. Công việc đặc biệt của ông mấy ai biết được. Mãi đến năm 1975 khi hai miền Nam Bắc thống nhất, nhân dân cả nước và đặc biệt là quê hương ông, làng Cọi Khê, huyện Vũ Thư,Thái Bình mới hiểu được chiến công kì diệu của người con quê mình. Họ tự hào vì quê hương đã sinh ra và nuôi dưỡng một con người đã trở thành nhà tình báo mưu lược, dũng cảm, trở thành "ông cố vấn" cho 3 đời Tổng thống của chính quyền Sài Gòn mà vẫn hướng tâm mình về với cách mạng, về với nhân dân.
Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ, sinh năm 1925 tại làng Cọi Khê. Cuộc sống lam lũ và những bất công của xã hội phong kiến nửa thuộc địa sớm ăn sâu vào tâm khảm Vũ Ngọc Nhạ.
Năm 15 tuổi Nhạ được bố đưa vào Huế theo học tại trường trung học Thuận Hoá.
Những năm học ở trường Thuận Hoá, Vũ Ngọc Nhạ được thầy hiệu trưởng Tôn Quang Phiệt bố trí vào tổ chức thanh niên cứu quốc và được giao nhiệm vụ chuyển thư từ, phân phát tài liệu cho tổ chức.
Năm 1947, Vũ Ngọc Nhạ tình nguyện vào quân ngũ, anh trở thành anh bộ đội Cụ Hồ, công tác tại thị đội thị xã Thái Bình. Ông Đặng Trịnh, người bạn thân thiết cùng hoạt động với Vũ Ngọc Nhạ trong tổ chức thanh niên cứu quốc, nguyên Chủ tịch tỉnh Thái Bình cho biết:
- Ngay khi còn trẻ, anh Nhạ đã tận tình với công việc được giao và làm việc hết mình. Anh thông minh, ứng xử linh hoạt nhưng lại rất khiêm tốn và ý tứ giữ gìn. Bản chất con người anh, công việc anh làm đã tạo được uy tín với nhiều người. Vì thế ngày đó anh rất được tín nhiệm và sau này được cấp trên tin tưởng giao phó trọng trách. Công việc anh Nhạ làm đầy gian khổ, phải hi sinh và mạo hiểm. Chúng tôi cũng không ngờ anh đã làm được, hoàn thành được trọng trách một cách tốt đẹp.
Năm 1952, Vũ Ngọc Nhạ mang tên Vũ Ngọc Kép, có mặt trong đoàn đại biểu quân sự tỉnh Thái Bình đi dự Hội nghị chiến tranh du kích Bắc Bộ tại Việt Bắc do Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái chủ trì. Trong cuộc Hội nghị này, Nhạ sung sướng biết bao, lần đầu tiên được gặp Bác Hồ. Nhạ nghe như nuốt từng lời Bác dạy, đặc biệt là lời Bác căn dặn: "Phải luôn hết lòng vì dân - Dựa vào dân thì việc gì cũng thành công". Cũng chính tại cuộc Hội nghị này, Vũ Ngọc Nhạ đã nhận nhiệm vụ quan trọng do chính Hồ Chủ tịch và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao phó. Năm tháng và bao biến cố trong xã hội, trong cuộc đời đã đi qua, nhưng lời Bác dặn năm ấy ông Nhạ vẫn nhớ như in. Bác nói: Nhiệm vụ của chú là phải bằng mọi cách để biết được: Mỹ đang làm gì, Mỹ sẽ làm gì và Mỹ đã làm gì. Ông Vũ Ngọc Nhạ bảo: Lúc ấy có thể chết, có thể lao vào lửa tôi cũng sẵn sàng. Vì nhiệm vụ của Bác trao, được chết cho cách mạng, chết vì Bác còn gì sung sướng hơn. Nhưng tôi nghĩ mình phải sống, sống trong lòng địch để hoàn thành nhiệm vụ mà Bác trao cho.
Ông Vũ Ngọc Nhạ nói tiếp: Dẫu sau tôi cũng đã xác định được mình sẵn sàng hi sinh. Đã chấp nhận sự hi sinh thì còn sợ gì nữa. ý nghĩ ấy đã giúp tôi bình tĩnh, vượt qua rất nhiều mạo hiểm và đã thoát hiểm. Nhờ thoát hiểm mà các nguồn tin quan trọng từ phía nội tình của địch chúng tôi chuyển ra cho cách mạng mới an toàn.
*
Bảy ngày liền chúng tôi mời ông Vũ Ngọc Nhạ vào "Phủ Tổng thống" để thực hiện những cảnh quay bộ phim tài liệu Ông Cố vấn trong Dinh Độc Lập, nơi ông đã từng ngồi "đàm đạo" cùng anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu những năm đầu sáu mươi; cùng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu mưu toan những việc đại sự của Việt Nam Cộng hoà thời kì 1965-1969.
Đứng bên cái ghế của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, cái ghế nay chỉ còn là một di vật bảo tồn trong dinh Độc Lập, tôi hỏi ông Nhạ:
- Từ một Thị uỷ viên, một anh bộ đội thuộc tỉnh đội Thái Bình, chỉ ít năm sau, người ta đã thấy ngày ngày ông ra vào Phủ Tổng thống của chế độ Nguỵ quyền Sài Gòn?
- Đó là bước ngoặt đầu tiên của đời tôi. Tôi cũng không nghĩ là mình lại lọt vô làm việc ở cơ quan đầu não này! Vũ Ngọc Nhạ hồi nhớ lại rồi nói:
- Năm 1954, hoà bình lập lại, với tờ căn cước hợp pháp, trút bỏ trang phục anh bộ đội Cụ Hồ, Vũ Ngọc Nhạ "đóng vai" một sĩ quan Nguỵ. Ông đưa vợ con từ làng Cọi Khê, xã Vũ Hội theo quân đội Pháp xuống tàu Hải Phòng di cư vào Nam. Ông tìm cách "bọc mình" thật kín và âm thầm làm nhiệm vụ. Cuộc chiến đấu thầm lặng, đầy mạo hiểm bắt đầu từ đây.
Vũ Ngọc Nhạ nói: "Ngày đầu vào Sài Gòn, một lần đi qua Dinh Độc Lập đứng ở ngoài nhìn, tôi thầm ao ước một ngày nào đó mình sẽ được lọt vô đây. Nhưng ảo tưởng ấy xa vời lắm. Chưa dám mơ ngày đó tôi đã bị mật vụ Sài Gòn do Dương Văn Hiếu bắt cóc rồi đưa ra biệt giam tại toà Khâm sứ ở Huế".
- Là tù nhân cộng sản, bằng cách nào mà ông được họ trọng vọng đón ông từ nhà tù Huế về Dinh Độc Lập, Sài Gòn, làm cố vấn cho Ngô Đình Nhu và đương kim Tổng thống Ngô Đình Diệm?
- Tôi cũng không ngờ. Ông Nhạ nói. Có điều để đi tới cái đích ấy là cả một chặng đường dài mưu tính mạo hiểm.
- Vượt mạo hiểm cực khó. Chiếm được lòng kẻ đối địch với mình càng khó hơn. Ông thu "hồn vía" anh em họ Ngô bằng cách nào?
- Từ cái "vỏ bọc" của tổ chức bọc cho tôi. Gia đình tôi đóng vai một gia đình giáo dân di cư vào Nam. Dựa vào ảnh hưởng của đức cha Lê, cha Hoàng ở nhà thờ Bình An và Phát Diệm mà tôi đã có dịp quen biết. Chế độ Ngô Đình Diệm rất cần sự ủng hộ của các linh mục này; là các linh mục có "tinh thần" chống cộng rất quyết liệt. Tôi đã thể hiện mình là cái cầu nối cho họ đến với nhau. Từ đó dần dần tôi chiếm được lòng tin của Ngô Đình Cẩn, cố vấn miền Trung. Cẩn "bắc cầu" cho tôi sang cha Thục, ông Nhu và Ngô Đình Diệm.
Ông Vũ Ngọc Nhạ tiếp: Là phụ tá của đức cha Lê, cố vấn cho gia đình Ngô Tổng thống, tôi có điều kiện tiếp cận với các quan chức cao cấp trong chính phủ Nguỵ quyền, với Toà thánh Va-ti-căng, Giáo chủ Pi-e XI, Khâm sứ Toà thánh Sài Gòn, Đức Hồng y Xpen-man Mỹ. Qua đây tôi nắm được khá nhiều tin tức quan trọng của Mỹ và Nguỵ để cung cấp về trung tâm của ta.
- Là người cộng sản nằm trong phủ Tổng thống, có lúc nào ông bị nghi ngờ?
- Thường xuyên bọn mật vụ theo dõi. Tôi luôn biến nghi ngờ thành đức tin để "bọc mình" và thoát hiểm.
Vũ Ngọc Nhạ tiếp:
- Anh em Ngô Tổng thống coi tôi như người ruột thịt. Một hôm họp gia đình có đủ Ngô Đình Thục, Ngô Đình Nhu, Lệ Xuân, Ngô Đình Cẩn và tôi, Ngô Đình Diệm tự đặt biệt danh 5 con rồng cho 5 anh em. Ông bảo: "Từ nay Ngô Đình Thục là Hồng Long, Ngô Đình Diệm là Bạch Long, chú Nhu là Thanh Long, chú Cẩn là Hắc Long, thầy Hai (tức Vũ Ngọc Nhạ) là Hoàng Long. Đã là anh em trong nhà, thầy Hai không cần phải ý tứ gì". Anh em Ngô Đình Diệm càng tin tôi, quý tôi, bọn CIA và bọn mật vụ lại càng "để mắt" đến tôi.
- Lệ Xuân, vợ Ngô Đình Nhu thỉnh thoảng cũng "quan tâm" đến ông phải không?
- Lệ Xuân là một người đàn bà có sắc, có tài, hiếu thắng và kiêu kì. Ông Nhu nhiều hơn Lệ Xuân hàng chục tuổi. Ông làm việc căng thẳng, luôn vắt óc đối phó tình hình, ít quan tâm đến tình cảm của Lệ Xuân. Có lần Lệ Xuân đến "gần tôi", tôi sang nói lại với ông Nhu. Ông Nhu bảo "quyền của bà ấy tôi không can thiệp". Có người bảo tôi rằng, bà ấy thử. Người thì bảo, bà ấy thật đấy. Chỉ có bà ấy mới biết chính xác.
Ông tiếp:
- Một lần tôi cùng ông Ngô Đình Nhu và Lệ Xuân lên Đà Lạt . Lệ Xuân mời tôi sang phòng riêng làm việc. Tôi bước vào phòng, Ngô Đình Nhu đang ngủ say. Bà ấy rót nước mời tôi và ngồi nhìn tôi rất lạ. Lát sau Lệ Xuân hỏi:
- Anh là cộng sản à?
- Sao bà nghĩ như vậy.
- Anh không cần tiền, không cần tình, chỉ có cộng sản mới thế.
- Tôi cũng từng là cộng sản. Nhưng tôi đã "từ bỏ" cộng sản lâu rồi.
Lệ Xuân lắc đầu:
- Tôi thấy anh lạ thật. Làm việc cho Chính phủ mà không nhận phụ cấp. Gia đình anh thì nghèo xác. Sáng nào trước khi vào Phủ Tổng thống anh chả đèo rau ra chợ cho bà vợ anh bán, tôi biết chứ.
Tôi im lặng, Lệ Xuân tiếp:
- Nếu anh bằng lòng, tôi chỉ cần nói một lời, cả nhà anh sẽ sung sướng.
- Cảm ơn bà, gia đình tôi sống như hiện nay là ổn lắm rồi.
Vũ Ngọc Nhạ nói tiếp: Lệ Xuân thấy anh em Ngô Đình Diệm tin tôi, quý tôi, bà ta cũng quý, nhưng vẫn để mắt theo dõi tôi. Tôi nhận ra và ý thức được điều đó nên những thử thách của bà đều vô hiệu. Hơn nữa, thấy tôi tỏ ra hết lòng vì ông Diệm, ông Nhu nên dần dần bà Lệ Xuân cũng tin tôi và yêu mến tôi. Đó là cơ hội tốt để tôi tạo thêm vỏ bọc và hoạt động trong vỏ bọc.
Ông Vũ Ngọc Nhạ tâm sự: Điểm mấu chốt của người tình báo là phải "tuyệt đối trung thành với anh em" và phải bọc mình cho kín. Rất căng thẳng, căng thẳng 24/24 giờ mỗi ngày và cứ thế, suốt tháng, suốt năm, năm này qua năm khác. Chỉ một tích tắc sơ hở là có thể đổ bể, mình chết đã đành, còn chết lây anh em khác, hỏng cả công việc chung, chết cả vợ con mình nữa.
Nhờ cái "vỏ bọc" bằng niềm tin, mọi công việc, chủ trương, to nhỏ của chính quyền họ Ngô, Vũ Ngọc Nhạ đều nắm được. Ông đã chắt lọc và bằng đường dây mật, những tin tức quan trọng đã được đưa về bên ta.
(Báo Văn nghệ)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment