Ngày 1 tháng 11 năm 1963 Mỹ ủng hộ nhóm tướng lĩnh Dương Văn Minh làm đảo chính giết chết anh em Ngô Đình Diệm.
Những năm tháng biến cố đầy nguy hiểm, Vũ Ngọc Nhạ vẫn giấu mình trong cái vỏ bọc vững chắc do chính ông khéo léo tạo ra. Nằm trong vỏ bọc để chờ cơ hội và cơ hội đã đến với ông. Bằng phương pháp nghiệp vụ và tài năng hoạt động tình báo của mình, Vũ Ngọc Nhạ đã tiếp cận được với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Và sau đó ông đã trở thành người cố vấn rất tin cậy của chính quyền Sài Gòn do Thiệu cầm đầu. Nguyễn Văn Thiệu coi Vũ Ngọc Nhạ không chỉ là một cố vấn cho mình mà còn là người bạn tri kỷ gắn bó với nhau như “bóng với hình”. Nhờ sự tin cậy ấy, cụm tình báo A22 do Vũ Ngọc Nhạ phụ trách đã có cơ hội hoạt động và gài được nhiều người của ta vào các cơ quan đầu não quan trọng của chính quyền Sài Gòn.
Nhiều người muốn hiểu rõ cái phép màu gì đã giúp Vũ Ngọc Nhạ từ đức tin của họ Ngô trở thành người thân tín với gia đình họ Nguyễn Tổng thống. Tôi hỏi ông Nhạ:
- Làm cố vấn cho gia đình Ngô Tổng thống, khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, bằng cách nào ông lại sang làm cố vấn cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu?
- Làm cố vấn cho Diệm, ông Nhạ nói, tôi có điều kiện tiếp xúc với người Mỹ. Biết được người Mỹ có ý định chọn đối tượng lên thay Diệm. Tướng Thiệu là một trong những con bài lọt trong mắt họ. Nguyễn Văn Thiệu, một giáo dân ngoan đạo, các cha cố, linh mục nhiều người có cảm tình với Thiệu. Khi ấy tôi được uỷ quyền đại diện cho khối công giáo tổ chức vận động ủng hộ Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng thống. Cuộc vận động thành công, Thiệu tha thiết mời tôi vào Dinh Độc Lập làm cố vấn đặc biệt cho ông ta.
- Được biết Nguyễn Văn Thiệu cũng rất tin ông và coi ông như một chiến hữu “tử vì đạo”?
- Công việc của tôi cần có sự quan hệ như thế. Tôi còn nhớ sau ngày Nguyễn Văn Thiệu lên nhận chức Tổng thống, ông ta sang phòng làm việc của tôi và bảo: “Thày Hai dàn xếp cùng người Mỹ “đưa tôi” lên làm Tổng thống, tôi rất biết ơn thày. Nhưng khi thày muốn hạ tôi xuống, thày phải “xi nhan” trước cho tôi xuống nghe, đừng để tôi phải chết nhục như anh em Ngô Đình Diệm!”.
- Đó là điều kiện “tuyệt vời” để ông “rút ruột” ông Thiệu?
- Không chỉ ông Thiệu - Vũ Ngọc Nhạ tiếp. Người Mỹ cũng cần tôi, vì tôi là cố vấn của Nguyễn Văn Thiệu, qua tôi để thăm dò ông Thiệu. Và ông Thiệu cũng dựa vào tôi để biết “ý tứ” người Mỹ. Tôi có điều kiện nắm bắt tình hình cả hai bên.
- Anh, em trong lưới tình báo của ông ngày đó nằm trong dinh Tổng thống được “sắp xếp” thế nào?
- Lọt vào làm việc nắm “quyền hành” trong Dinh Độc Lập là một nghệ thuật cực kỳ mạo hiểm. Việc này do tổ chức và tôi đã “thiết kế” đưa từng anh em “chui thật sâu” vào trong lòng địch, nắm địch.
- Họ giữ những trọng trách gì? Nay còn ai không?
- Huỳnh Văn Trọng làm cố vấn ngoại giao Phủ Tổng thống. Nguyễn Xuân Hoè là uỷ viên văn phòng Tổng thống. Lê Hữu Thuý uỷ viên phụ tá thông tin chiêu hồi. Và ông Vũ Hữu Duật đây, ông Nhạ chỉ tay về phía người đang ngồi bên trái chiếc ghế của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và nói: Năm 1954, khi đồng chí Mười Hương được Trung ương cử về Thái Bình lấy tôi và ông Duật đi làm nhiệm vụ đặc biệt, lúc ấy ông Vũ Hữu Duật là thị uỷ viên Trưởng ban tuyên giáo thị uỷ Thái Bình. Thời Ngô Đình Diệm, ông Duật được ta “cài vào” làm việc tại tổng nha cảnh sát nguỵ. Thời Nguyễn Văn Thiệu, ông Duật là uỷ viên tuyên huấn Trung ương lực lượng tự do và làm Phó Tổng thư ký thường trực đảng Liên minh dân chủ (đảng cầm quyền của Nguyễn Văn Thiệu). Nay cả lưới chỉ còn hai chúng tôi. Gia đình tôi và gia đình ông Duật vừa đi thắp hương cho đồng đội của mình ở nghĩa trang đô thành.
Trong lúc Nguyễn Văn Thiệu tin dùng Vũ Ngọc Nhạ, hai người như bóng với hình. Ngược lại, cục tình báo CIA Mỹ lại luôn ngờ vực ông. Cuộc chiến đấu thầm lặng trong cạm bẫy và những thử thách nghiệt ngã luôn luôn đối mặt từng ngày. Làm thế nào để vừa giữ mình, hoạt động có hiệu quả, vừa bảo đảm an toàn cho toàn lưới A22. Chỉ sơ xảy một tí là nguy hiểm ập đến, là đổ vỡ hoàn toàn. Vũ Ngọc Nhạ luôn phải vắt óc, trăn trở nghĩ suy. Có một tình huống xảy ra ở phòng Tổng thống cách đây hơn 30 năm, chợt nhớ lại, Vũ Ngọc Nhạ kể:
- Hôm ấy tại cái phòng này, Nguyễn Văn Thiệu tiếp một số quan chức cao cấp của chính quyền Sài Gòn và quan chức người nước ngoài tới làm việc. Tôi có mặt với tư cách cố vấn của Tổng thống Thiệu. Ngồi cạnh tôi là ông Raymond J.de Jaegher - cố vấn của Tổng thống Mỹ Nixơn. Ông ta nhìn tôi rất lâu, rồi đột nhiên hỏi:
- “Ông không phải là người Việt Nam?”
Tôi giật mình, cố tĩnh tâm để không thay đổi sắc mặt, nhưng mồ hôi toát ra. Tại sao ông ta lại bảo mình không phải là người Việt Nam? Hay ông ta nghĩ người Việt Nam tức là Việt Nam Cộng hoà. Có nghĩa là ông ta bảo mình là Việt Cộng. Hay là mình bị lộ. Tôi chợt nhớ ra Jaegher là người Mỹ gốc Bỉ nhập quốc tịch Mỹ và từng có thời kỳ làm cố vấn cho Tưởng Giới Thạch. Tôi liền buông một câu thăm dò:
- “Ông không phải là người Mỹ”
Tôi không ngờ mình đã phóng mũi tên trúng đích. Ông Raymond J.de.Jaegher đứng phắt dậy chìa tay bắt tay tôi, nói nhỏ:
- Ông không phải người Việt Nam. Tôi không phải người Mỹ. Đúng vậy. Nhưng ông đang làm cố vấn cho Chính phủ Việt Nam. Tôi đang làm cố vấn cho Chính phủ Mỹ. Chúng ta sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau nghe. Từ đó tôi và Jaegher thường xuyên trao đổi tin tức cho nhau. Tôi đã khai thác được nhiều điều bổ ích của ông cố vấn mắt xanh này phục vụ cho công việc của mình.
Vũ Ngọc Nhạ tâm sự:
- Sống với kẻ thù, ngồi cùng bàn, ăn cùng bàn với kẻ thù, suốt ngày nghe chúng chửi Cách mạng, chửi Cộng sản chỉ cần thay đổi sắc mặt một chút là có thể bị lộ. Thực tế mấy chục năm hoạt động trong lòng địch tôi đã phải đổi tên đổi họ mai danh ẩn tích đến nỗi gia đình anh em họ hàng làng xóm quê hương tôi tin chắc là tôi đã chết từ lâu. Nhưng cũng có người thì lại nghi ngờ tôi đi theo địch.
- Đầu năm 1969, theo chỉ đạo của cấp trên, ông đã dự định “thiết lập” một Chính phủ Việt Nam Cộng hoà gồm hầu hết là những người trong lưới tình báo vào các vị trí quan trọng trong Chính phủ?
- Đó là cơ hội tôi đã làm. Danh sách các thành viên Chính phủ đã được Nguyễn Văn Thiệu phê duyệt để trình Quốc hội. Trong đó Nguyễn Văn Thiệu tiếp tục giữ chức Tổng thống. Huỳnh Văn Trọng (người của ta) dự định là Thủ tướng Chính phủ. Vũ Hữu Duật đây, ông Nhạ giơ tay về phía ông Duật đang ngồi cạnh tôi, làm Bộ trưởng phụ trách chính trị. Vũ Xuân Hoè (người của ta) làm Bộ trưởng kinh tế. Lê Hữu Thuý (người của ta) làm Bộ trưởng thông tin chiêu hồi… Ông Lê Hữu Thuý, khi đương chức phụ tá thông tin chiêu hồi của Nguyễn Văn Thiệu, là một trong những chiến sĩ tình báo trong lưới của tôi lập công đặc biệt xuất sắc. Năm 2000 vừa qua, Lê Hữu Thuý được Đảng, Nhà nước và quân đội tuyên dương là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
- Vì sao các chiến sĩ tình báo của ta nằm trong danh sách nội các mới của Chính phủ Việt Nam Cộng hoà không thành?
- Bọn CIA và mật vụ nghi chúng tôi “thao túng” Dinh Độc Lập, nên đã theo dõi sát sao và giăng bẫy khắp nơi. Chúng đã gặp Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và cảnh báo ông ta rằng: một lưới tình báo Bắc Việt trong Dinh Tổng thống đang ngầm phá Mỹ và Chính phủ Việt Nam Cộng hoà. Cầm đầu lưới này là Vũ Ngọc Nhạ, người mà ông tin cẩn nhất. Trước đó tôi đã nói điều đó với ông Thiệu.
- Ông Thiệu nghĩ gì khi Mỹ tố cáo ông là “gián điệp” Bắc Việt?
- Lúc đầu ông Thiệu cho rằng Huỳnh Văn Trọng, Vũ Hữu Duật có thể là gián điệp. Ông không tin người Mỹ cho tôi là cộng sản nằm vùng và bảo đây chỉ là mưu đồ người Mỹ muốn hạ uy tín của ông. Nhưng sau đó người Mỹ tới Dinh Độc Lập dùng áp lực doạ Nguyễn Văn Thiệu. Họ nói:
- Nếu ông không ký lệnh bắt Vũ Ngọc Nhạ, ông sẽ mất chức Tổng thống.
Thế là ngày 16 tháng 7 năm 1969, cả lưới của tôi sa vào tay địch. Bọn mật vụ thuộc Tổng nha cảnh sát nguỵ và bọn CIA trút mọi cực hình đánh đập, tra khảo chúng tôi suốt 3 tháng trời trước khi chúng đưa ra toà xét xử.
Khi bắt được Vũ Ngọc Nhạ, bắt một ông cố vấn của ông Thiệu, cả Sài Gòn huyên náo, xôn xao, bởi họ đã phát hiện và tóm được một lưới tình báo quân sự của Việt cộng nằm ngay trong cơ quan đầu não của chính quyền Việt Nam Cộng hoà.
Ngày ấy Báo chí Sài Gòn đưa tin rùm beng trên những hàng tít lớn: “Vụ án gián điệp lớn nhất thời đại”. “Vụ án chính trị của thế kỷ”. Các bị cáo đều là những nhân vật trọng yếu trong chính phủ nguỵ quyền: người là cố vấn đặc biệt của Tổng thống, người là cấp Bộ trưởng, người là tham chính văn phòng Bộ chiêu hồi.
Vũ Ngọc Nhạ, người bị tố cáo cầm đầu lưới gián điệp, xuất hiện trước toà với bộ áo trắng, quần đen, cà vạt nâu, miệng luôn luôn tươi cười. Ông từ chối luật sư biện hộ cho mình, và cũng không tự bào chữa. Ông tuyên bố những việc mình đã làm chỉ có lịch sử phán xét.
Sau vụ án chúng đưa các ông Vũ Xuân Hoè, Lê Hữu Thuý, Vũ Hữu Duật ra đày ngoài Côn Đảo. Vũ Ngọc Nhạ và anh Huỳnh Văn Trọng bị chúng giam tại Sài Gòn đến đầu năm 1970 mới đưa ra Côn Đảo.
- Làm thế nào từ Côn Đảo ông lại về Sài Gòn rồi lại vào Dinh Độc Lập tiếp tục “hoạt động”? Tôi hỏi.
- Tôi không nghĩ mình bị bắt là hết, mà mỗi lần bị bắt lại phải nghĩ cách tìm cho mình một con đường mới, bọc mình một lớp vỏ mới. ở Côn Đảo, cả lưới của chúng tôi giam chung một biệt khu, nên anh em bàn nhau rất kỹ về “đường đi, nước bước” sau đó. Chúng tôi nhận mình là lực lượng thứ ba, có cơ hội sẽ hợp pháp hoá để hoạt động. Khi hiệp định Pari được thi hành, năm 1973, tôi và anh Huỳnh Văn Trọng được trao trả tại Lộc Ninh. Cha Hoàng cùng một số linh mục ở Bình An - Và khối công giáo Phát Diệm đã móc nối đón tôi vào Sài Gòn.
- Khi bị bắt vì tội là cộng sản làm gián điệp, các cha đạo vẫn tin ông?
- Họ nghi tôi bị oan và cho tôi là một con chiên ngoan đạo đã hết lòng vì Chúa, vì hoà bình.
Ông nói: theo chỉ đạo của trung tâm, đầu năm 1974 tôi trở lại Sài Gòn với tư cách là người của lực lượng thứ ba.
- Tổ chức của ta dự định ông sẽ tham gia trong Chính phủ ba thành phần?
- Nhưng Chính phủ ba thành phần đã không ra đời, vì tình hình phát triển theo một xu thế khác. Tôi được giao nhiệm vụ củng cố, hình thành lưới tình báo mới, xây dựng lực lượng thứ ba, đưa người của cách mạng vào nội thành chuẩn bị cho ngày toàn thắng.
- Ông đã chứng kiến sự tan rã, sụp đổ của chính quyền Việt Nam Cộng hoà và ông Thiệu?
- Theo chỉ đạo của trên, tôi đã dựa vào các linh mục có uy tín trong khối công giáo để ép Nguyễn Văn Thiệu từ chức và góp phần “dàn xếp” cho tướng Dương Văn Minh lên làm Tổng thống thay Thiệu.
- Rời ghế Tổng thống, ra khỏi Dinh Độc Lập, Nguyễn Văn Thiệu có liên hệ với ông?
- Những phút sống hoảng loạn cuối cùng ở Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệu đã gọi điện cho tôi. Từ đầu dây, ông ta nói:
- Thầy Hai góp ý cho tôi lúc này tôi nên xử sự thế nào?
- Ông nên đi khỏi Sài Gòn.
- Đi đâu?
Tôi đã phân tích tình hình, khẳng định thế tất thắng của cách mạng Việt Nam và chính sách hoà hợp dân tộc, rồi khuyên Nguyễn Văn Thiệu:
- Đi đâu là tuỳ ông, nhưng ông nên trừ nước Mỹ.
- Vì sao tôi không đi nước Mỹ.
- Sang Mỹ, họ sẽ giết ông.
Theo góp ý của tôi, Nguyễn Văn Thiệu đưa vợ con đi Hồng Kông, rồi sang cư trú tại Anh Quốc. Cuối năm 2001, ông Thiệu mới qua đời.
- Thế là ông đã giữ được lời hứa với Nguyễn Văn Thiệu trong lúc nguy nan, “xi nhan” để ông ta không phải chết nhục nhã như anh em họ Ngô.
- Tôi cho đó là chính sách rất nhân đạo của chế độ ta.
- Tâm trạng của ông trong những giờ phút Sài Gòn sắp được giải phóng?
- Rất vui. Nhưng tôi cũng không rõ tính mạng mình sẽ ra sao. Bởi vì lúc ấy có thể tôi phải hứng cả ba luồng đạn. Đạn của nhân dân. Đạn của quân giải phóng và đạn của quân đội nguỵ quyền. Nhưng rất may, đã không có viên đạn nào trong ba luồng đạn ấy găm vào người tôi.
(Báo Văn nghệ)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment