Monday, May 01, 2006

Sự nghiệp tác giả bài thơ bất hủ

Trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí” nhà sử học Phan Huy Chú đã viết về Lý Thường Kiệt như sau: “Ông là người giàu mưu lược, có biệt tài làm tướng súy làm quan trải ba đời vua, phá Tống, bình Chiêm công lao đức vọng ngày càng lớn. Được vua sủng ái, là người đứng đầu các bậc công hầu vậy”.

Lý Thường Kiệt tên thật là Ngô Tuấn tự là Thường Kiệt, sau vì những công trạng to lớn được ban theo họ vua, nên lấy tự làm tên và mang họ Lý. Ông sinh năm Kỷ Mùi 1019 và mất năm Ất Dậu 1105. Quê ông ở phủ Thái Hòa, thành Thăng Long nay là Hà Nội. Thuở nhỏ, Lý Thường Kiệt đã có chí lớn, ham đọc sách, say sưa nghiên cứu binh thư, luyện tập võ nghệ. Ông có tài văn, tướng võ, năm 23 tuổi được bổ làm Hoàng môn chi hậu, rồi thăng dần lên Thái úy. Ông là người phục vụ trải qua 3 triều vua: Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông. Ông có nhiều công lao phục vụ trong kháng chiến chống nhà Tống, dẹp giặc Chiêm Thành, đóng góp xây dựng đất nước phồn vinh. Đời vua Lý Nhân Tông ông được giữ chức Phụ quốc Thái úy (cương vị như tể tướng).

Với cương vị là Phụ quốc Thái úy, Lý Thường Kiệt nắm cả quốc quyền và binh quyền vạch ra một kế sách hoàn chỉnh để bảo vệ đất nước, đồng thời ông là người đích thân tổ chức chỉ đạo thực hiện. Vào lúc đó, nhà Tống đang làm chủ Trung Quốc nhưng lại bị sự uy hiếp của Liêu, Hạ ở phía bắc. Vì thế Tống chủ trương: “Trước Nam, sau Bắc” tức là thôn tính Đại Việt trước nhằm tăng cường sức mạnh để rồi đánh Liêu, Hạ. Chúng chuẩn bị lực lượng lôi kéo Chiêm Thành chống Đại Việt. Ba châu Ung, Khâm, Liêm (thuộc Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay) đã trở thành căn cứ quan trọng, nơi tập trung quân đội lương thực để đánh Đại Việt. Năm 1072, Lý Nhân Tông mới lên 7 tuổi, nhà Tống coi đây là thời cơ để tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Lý Thường Kiệt với quyền thống soái lúc bấy giờ đã theo dõi chặt chẽ từng động thái của quân Tống. Ngay lúc đó, biết rõ Chiêm Thành đã làm tay sai cho quân Tống, Lý Thường Kiệt đã tổ chức đánh tan lực lượng quân đội của Chiêm Thành rồi rút về nước, củng cố biên giới phía nam chuẩn bị lực lượng chiến đấu với nhà Tống ở phía bắc. Nhà Lý lúc này chuẩn bị chống xâm lược rất tích cực bằng các biện pháp tăng cường xây dựng tiềm lực và thực lực như: tiếp tục phát triển nông nghiệp, thực hiện giảm thuế, tranh thủ dân tộc miền núi, luyện tập binh đao phòng thủ cả hai đầu đất nước, tiếp tục mở khoa thi, tuyển dụng nhân tài... Đến năm 1075, Đại Việt đã sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược. Lý Thường Kiệt đưa ra chiến thuật: “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước để chặn mũi nhọn của giặc”. Ông đã chỉ huy quân đội nhanh chóng bất ngờ tiến công châu Khâm và châu Liêm rồi tiến đánh thành Ung (tức Nam Ninh- Trung Quốc ngày nay). Chiến công trên đã hoàn thành xuất sắc chỉ trong 4 ngày. Tháng 4-1076, Lý Thường Kiệt chủ động rút về nước, tổ chức phòng thủ, lập “Phòng tuyến sông Cầu- phòng tuyến nổi tiếng với chiến công hiển hách sau này của quân và dân nhà Lý”.

Lập tuyến phòng thủ sông Cầu đầu mối giao thông thủy bộ trên cửa ngõ vào Thăng Long là cách tổ chức và lập một thế trận chọn sẵn, dùng cách đánh sáng tạo để chuyển thế trận từ phòng ngự sang phản công. Dưới sự chỉ huy tài giỏi của Lý Thường Kiệt quân ta đã chiến đấu anh dũng.
Trong những ngày chiến đấu gay go ác liệt nhất, Lý Thường Kiệt đã làm một bài thơ bất hủ, cổ vũ tinh thấn quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta. Bài thơ khẳng định quyền độc lập, tự chủ thiêng liêng của Tổ quốc, đã cảnh cáo nghiêm khắc mọi kẻ thù xâm lược và nói lên quyết tâm sắt đá của dân tộc ta trong việc bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Bài thơ đã đi vào lịch sử của dân tộc ta như một bản tuyên ngôn độc lập thứ nhất. Bài thơ viết:

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”

Dịch là: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.

Khi bài thơ vang vọng khắp chiến trường như lệnh sách trời đã chỉ, quân dân ta khắp nơi khắp chốn xốc tới diệt thù, cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhà Tống đã hoàn toàn thắng lợi.

Lý Thường Kiệt qua đời vào tháng 6 năm Ất Dậu 1105 thọ 86 tuổi. Điều đáng nói là trước khi qua đời 1 năm (khi 85 tuổi) Lý Thường Kiệt vẫn còn là tổng chỉ huy đã đánh và đánh thắng quân Chiêm Thành ở mặt trận phía nam.
Tổ quốc ta, dân tộc ta đời đời tự hào về Lý Thuờng Kiệt vị tướng kiệt xuất lỗi lạc của lịch sử nước nhà.

THÁI GIA THƯ

No comments: