Monday, May 29, 2006

Thời thế tạo anh hùng ???
Đối với người Việt Nam, mệnh đề "Thời thế tạo anh hùng" dường như đã thuộc về một chân lý không cần phải bàn cãi.

Vừa nhận được tin thằng bạn học chung phổ thông mới thăng chức, người ta sẽ nói "Thằng ấy trông thế mà xuân! Đúng là thời thế tạo anh hùng!" Và nếu như được hỏi "Tại sao bác lại bảo thằng ấy nó xuân?", lập tức câu trả lời sẽ là một đoạn hồi ký dài ba tập "Nhớ lại và suy nghĩ" kiểu như "À, tôi lạ gì nó. Ngày xưa ở lớp tôi nó là thằng học dốt nhất lớp. Nó toàn chép bài của tôi chứ đâu."

"Thằng ấy học dốt nhất lớp", "con ấy ngày xưa toàn quay bài", "trình bố con nhà nó tớ còn lạ"... Vô hình trung, thành tích thời phổ thông trở thành một tiêu chí quan trọng nhất, thậm chí với nhiều người là duy nhất, để đánh giá tài năng một con người. Tại sao nói dân Việt Nam thông minh? Vì chúng ta có một đội tuyển chuyên toán hùng mạnh. Tại sao nói cờ vua Việt Nam mạnh? Vì chúng ta có Nguyễn Ngọc Trường Sơn. Và nếu vì một lý do gì đó những học sinh đạt giải toán quốc tế xưa không thành những nhà toán học lẫy lừng thế giới, vì lý do gì đó mà Nguyễn Ngọc Trường Sơn không thành Karparov, thì người ta sẽ bảo "Chẳng qua họ không gặp thời!"

Đặt câu hỏi ngược một chút: Tại sao thời thế lại chỉ ưu ái cho những anh hùng, còn những "anh hùng hụt" thì chẳng bao giờ gặp? Tại sao có những con người luôn thành công, trong khi người khác gặp toàn thất bại? Tại sao Stephen Hawking có thể đạt những thành tựu hoành tráng mặc dù ông bị bại liệt? Nếu nhìn nhận yếu tố thời thế thì ta phải nói rằng ông đã gặp may khi sinh ở nước Anh, được hưởng thụ một nền giáo dục tiên tiến. Điều gì sẽ xảy ra nếu ông sinh ở Việt Nam. Chẳng khó khăn lắm người ta có thể hình dung ra ngay một tương lai vót tăm tre đang chờ ông, và có lẽ ông sẽ là đối tượng để bạn Tiểu Ninh Tử của chúng ta dành cho sự quan tâm đặc biệt. Và như thế lại nảy sinh ra một câu hỏi khác "Tại sao rất nhiều học sinh chuyên toán của chúng ta, mặc dù được ra nước ngoài, hưởng thụ một nền giáo dục đại học tiên tiến, vẫn chỉ là những nhà khoa học làng nhàng và hầu như vô danh trong giới của họ?"

Nếu mở rộng vấn đề ra đến tầm một dân tộc thì người ta không khỏi ngạc nhiên khi nhận ra rằng lịch sử Việt Nam chưa bao giờ là lịch sử của những người may mắn. Chúng ta chưa bao giờ là một quốc gia hùng mạnh trong bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Đôi khi những người miền Nam vẫn tiếc nuối cái thời mà kinh tế Việt Nam cách đây 40 năm chẳng kém gì Hàn Quốc, vượt hẳn Thái Lan, và họ đặt giả thiết rằng nếu như đất nước không thống nhất, hẳn miền Nam Việt Nam bây giờ sẽ là một bản sao của Hàn Quốc. Nhưng vấn đề là tại sao họ không tưởng tượng ra một miền Nam Việt Nam là bản sao của Philipins bởi cách đây 40 năm kinh tế Phi thậm chí còn hơn cả kinh tế Hàn? Điều này quả là hài hước bởi dường như tư duy của một dân tộc, cụ thể ở đây là dân tộc Việt Nam, có một cái gì đó tuyến tính một cách cực đoan giống hệt tư duy của chị Vìu. Một đứa trẻ từ bé thông minh, lớn lên ắt nó sẽ thông minh. Một dân tộc ngày xưa đã từng hùng mạnh sẽ mãi mãi hùng mạnh. Tất nhiên nếu điều đó không xảy ra thì nó thuộc về ý muốn của Thượng đế chứ không phải là hệ quả của những nỗ lực.

Nhìn vào ba quốc gia bị chia cắt ý thức hệ: Việt Nam, Hàn Quốc và Đức, chẳng khó khăn gì người ta không nhận ra rằng, dù đứng trong bất kỳ hệ thống nào, tư bản hay xã hội chủ nghĩa, người Hàn và người Đức luôn là những người đứng đầu. So với các nước trong hệ thống XHCN thời kỳ Liên Xô cũ, CHDC Đức và CHDCND Triều Tiên chưa bao giờ phải đứng cuối bảng như Việt Nam, Lào hay Campuchia. Phải chăng yếu tố may rủi cũng tác động lên một dân tộc giống hệt như cái cách mà nó ảnh hưởng đến từng cá nhân? Nghĩa là người Hàn và người Đức dù theo bất kỳ thể chế nào cũng sẽ gặp nhiều may mắn hơn người Việt hay người Miên.

Trong lý thuyết xác suất và thống kê, khi số phép thử tăng đến một giới hạn nhất định nào đó thì yếu tố ngẫu nhiên (tức là yếu tố may mắn) không còn ảnh hưởng đáng kể nữa. Hãy tưởng tượng hai người, một người cực kỳ may mắn, một người cực kỳ đen đủi, cùng chơi xúc sắc, một trò chơi hoàn toàn ngẫu nhiên, những phẩm chất cá nhân hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến kết quả. Trong thời gian đầu, có thể là một tuần hay một tháng, ưu thế sẽ nghiêng về người may mắn nhưng nếu trò chơi kéo dài đủ lâu, có thể là 1 năm hoặc 10 năm thì chắc chắn kết quả sẽ là hòa.

Và câu hỏi đặt ra là liệu giới hạn của số phép thử có lớn hơn dân số của một dân tộc không hay nói cách khác thời gian để hai người chơi xúc sắc có kết quả hòa liệu có dài hơn chặng đường mà lịch sử đã đi qua không?

Nếu câu trả lời là không, thì có lẽ đã đến lúc chúng ta phải đi đến kết luận rằng "chỉ có anh hùng tạo ra anh hùng, thời thế chẳng tạo ra cái gì hết."


-------------------------------
"Thời thế tạo anh hùng" vốn là không đề cập đến yếu tố ngẫu nhiên, may rủi, mà chính là cơ hội thuận tiện, hoàn cảnh phù hợp để một anh hùng thể hiện những bản chất anh hùng vốn có trong máu nhưng không thể thi thố được trong hoàn cảnh bình thường.

"Thời thế tạo anh hùng" cũng không nhắm vào loại mèo mù vớ cá rán, nột nho kim bảng quải danh thì, mà cốt chỉ những người chứa đầy các tố chất anh hùng, chưa gặp thời nên chưa thi thố được mà thôi.
-------------------------------
"Thời thế" và "anh hùng", bất kể là "thời thế tạo anh hùng" hay "anh hùng tạo thời thế" hay "anh hùng tạo anh hùng", rốt lại đều chỉ/ám chỉ tới điều kiện cần và đủ để những cá nhân xuất sắc tận dụng hoàn cảnh làm thay đổi lịch sử. Và cái sự xuất sắc này không phải là tố chất liên quan đến toàn thể đám đông, cái chiếm 99,9999% dân tộc, mà chỉ liên quan đến cái 0,0001% còn lại. Napoleon đã từng nói đại ý rằng quần chúng là những con số không (0) vô nghĩa, bao giờ cũng cần có số 1 đứng đầu. Một dân tộc vươn lên và phát triển như thế nào sau tai họa liên quan chặt chẽ đến tố chất cá nhân của người lãnh vai trò con số 1 ấy để đứng đầu dân tộc trong thời điểm đó. Mục đích của người lãnh đạo đặt ra là gì? Ý chí của người lãnh đạo áp đặt lên toàn dân để đạt được mục đích đó như thế nào? Những cái đó sẽ tạo ra một cái gọi là organization culture, và chính cái culture này sẽ đưa toàn thể đất nước phát triển theo hướng này hoặc hướng khác.
-------------------------------
1. Thời thế tạo Anh hùng.

2. Anh hùng kiệt xuất tạo nên thời thế.

3. Ai đem thành bại luận Anh hùng?
Nếu giả sử cụ Hồ Chí Minh có không thành công trong việc giải phóng dân tộc Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ thì cụ Hồ Chí Minh cũng vẫn là Anh hùng. Điều đó không phải bàn cãi. Cụ Hoàng Hoa Thám dấy binh thất bại, cuộc khởi nghĩa bị dìm trong bể máu, bản thân ông bị bêu đầu giữa chợ. Nhưng, cụ Hoàng Hoa Thám vẫn là Anh hùng. Ai dám bảo ông không phải Anh hùng?

4. Bàn thêm về đạo làm Vua (tướng).
Một vị Vua (tướng) tài là người biết dùng những người tài.
Một vị Vua (tướng) kiệt suất là người biết dùng cả những người không có tài.

Một vị tướng tài sẽ biết tri bỉ tri kỷ để đạt tới khát vọng bách chiến bách thắng. Một vị tướng kiệt suất sẽ biết rằng dù có tri bỉ tri kỷ cũng không thể bách chiến bách thắng. Ông ta càng giỏi bao nhiêu, ông ta càng biết rõ rằng, trước khi ra trận, không bao giờ có thể nắm chắc 100% chiến thắng.
-------------------------------

Lâu nay lo dài mài kinh sử nên chỉ log in dạng "khách" để xem các bác bàn tán, đúng là TL mình không hổ danh "trí tuệ, hào hoa, dâm đãng"...
-Luận về cái topic này, em thấy nó bùng bùng, loằng ngoằng...cái việc thời thời thế tạo anh hùng...anh anh hùng tạo thời thế...
Theo ngu ý của em, ta phải minh định trước:
-Thế nào là anh hùng? anh hùng ở mức độ nào...cái này coi vậy cũng khó, có những anh hùng do bản chất danh hùng, hành động anh hùng, nhưng cũng có anh hùng vì "điếc không sợ súng" cứ xông lên và may mắn thành anh hùng...phải làm thế nào mới đạt chuẩn "anh hùng"...anh hùng của làng xã, tỉnh huyện, đất nước hay thế giới?
-Anh hùng giống như các anh hùng được phong ở nước ta?
-Anh hùng giống như các vị tiền bối Phan Bội Châu, Nguyễn Tri Phương...?
-Anh hùng có tầm ảnh hưởng nước khác như Trần Hưng Đạo, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Huệ, Hồ Chí Minh?
-Anh hùng làm điên đảo nước khác và thế giới như Thành Cát? Hít-le? Napoleon?...

Nên anh hùng cũng có nhiều cấp độ, giống như Giáo sư hay Tiến sĩ là được đánh giá là cao siêu, nhưng trên thế giới và cả VN mình lượng GS và TS "đông như quân Nguyên" nhưng đâu phải là anh nào cũng phát minh phát sáng đâu...có nhiều anh còn lẩm ca lẩm cẩm, hâm hâm nữa mới chết chứ...trong khi đó nhiều anh lớp 4 lớp 3 lại phát minh đì đùng (giống như anh trai Anh-x-tanh của em vậy)...

-Anh hùng kiệt xuất có thể "xoay chuyển càn khôn", nghĩa là ai cũng nghĩ là "không" nhưng thực tế là "có" giống như mấy bác Hưng Đạo Vương, Hồ Chủ Tịch, Napoleon..và bên nước anh Khựa cũng có đồng chí Mao...nắm trong tay và mặc sức điều khiển một loạt "anh hùng con", ngay Đặng Tiểu Bình cũng bị xoay như chong chóng...3 lần lên voi xuống chó, Mao biết Đặng rất giỏi và sẽ thay Mao quản lý đất nước, phát triển đất nước, TQ không thể thiếu Đặng, nhưng Đặng không thể thể hiện cái giỏi khi Mao còn sống...chính vì vậy Mao không giết Đặng mà còn cứu Đặng khỏi kẻ cuồng sát Lâm Bưu (trong khi đó giết gần hết những người khác)...và Đặng thực sự chói sáng sau khi Mao tạch vào năm 1976, Mao còn cho "đảo chính trong tầm kiểm soát để làm suy yếu sức bầy hổ con"...(mịa..em hơi lan man tí).
-Anh hủng vừa vừa (em tạm gọi thế) phải nhờ vào thời thế, phải có thời và phải có thế nhưng cũng không thể phủ định sự phấn đấu của bản thân họ được, như chúng ta thấy nhiều "công chúa, hoàng tử" tất nhiên là ưu việt về thế nhưng không có thời lẫn không có sự nỗ lực bản thân nên không thể thành anh hùng.

-Thông thường, em vẫn nghiêng về quan điểm phải dung hòa các mặt "thiên thời, địa lợi, nhân hoà" mới dẫn đến thành công...nên những người chớp được cơ hội, nhận thức được cơ hội, tận dụng được cơ hội thì sẽ thành công...vấn đề lại đặt ra ở đây là làm sao để có cơ hội? lào sao biết đó là cơ hội? làm sao tận dụng được cơ hội? nếu không có một sự "tích lũy cơ bản" về "nội công" thì cũng không làm nên trò trống gì cả.
-Những người có tài lại sẵn điều kiện (như "học trường Ha-vợt, bố vào TW, mẹ làm thứ trưởng" như bác gì đó nêu) tất nhiên là hơn hẳn người khác về thế..., chưa gì thì bác này đã có một vị trí cao cao để jump, nếu biết tận dụng thế của mình thì lợi thế hơn hẳn người khác, nhưng không có thời và không có sự nỗ lực bản thân cũng bằng cbn
-Những người có tài nhưng không có thế, sẽ phải cực hơn những người có thế, vì họ phải vất vả bươn trãi, vượt qua bao nhiêu dốc đá, gai góc, thú dữ.. để lên được cái thế để jump, những người này tất nhiên là thua hơn những người có thế (nếu 2 người cùng có gắng, mà thực tế thì anh có thế sẵn không cố gắng bằng anh không có thế sẵn), nên khi ra thực tiễn, đụng những vấn đề phát sinh thì anh này giải quyết ưu việt hơn anh kia (VD khi 2 người củng làm quan)...
-Ở VN mình, thường hay xét ngày xưa...nó như thế này...tao hơn nó...để tự an ủi và ngụy biện thôi..sao không nói ngày xưa tao đi chăn trâu chung với Đinh Bộ Lĩnh, nó bị tao đánh chạy té khói...ngày xưa Anh-x-tanh học bê bối, nghịch ngợm bị đuổi học...mà không thấy được quá trình nỗ lực rèn luyện tích lũy "võ công" của người khác...chỉ thấy người ta đoạt huy chương vàng mà không thấy sự luyện tập của người ta...
-Cũng có những anh hùng đã không có thế lại không gặp thời...nên đành uất hận...
Thế phải thế
-------------------------------


Đoạn này đọc nghe quen quen, hồi trước đã có một topic bàn về một chủ đề tương tự. Theo ý kiến của em thì dân tộc nào cũng có thời của nó, không gặp thời thì giỏi giang mấy cũng chả làm gì được. Khi hết thời thì anh hùng mấy cũng ra đi thôi. Thử nhìn lại các nền văn minh từ thời cổ đại đến giờ: nền văn minh Ai Cập với gần 6000 năm lịch sử thể mà bây giờ Ai Cập ra sao? Văn minh Hy Lạp chói lọi đã từng sản sinh ra bao nhiêu nhân tài kiệt xuất trong suốt gần 1000 năm vậy mà từ gần hàng chục thế kỉ trở lại đây có thấy vĩ nhân Hy Lạp nào đáng kể không? Họ biến đi đâu cả rồi? (Em đã từng hỏi một chú Hy Lạp câu tương tự - chú ấy chỉ cười cười mà bảo bọn nó đi tắm nắng trên bãi biển hết rồi ). Nước Đức vĩ đại là thế, cống hiến biết bao nhiêu nhân tài cho thế giới. Tuy nhiên cũng chỉ khoảng 1000 năm trở lại đây người Đức mới bắt đầu sản sinh ra nhân tài chứ vào thời La Mã thì dân Đức chỉ là những bộ tộc man rợ. Ngay cả Hàn Quốc cũng chỉ được biết đến khoảng 20 năm gần đây chứ trong suốt cả chiều dài 5000 năm lịch sử (như người Hàn vẫn tự hào) thử hỏi dân tộc Triều Tiên đã bao giờ đóng vai trò quan trọng trên thế giới hay trong khu vực hay chưa? Dân tộc Nga trước thế kỷ 15 có giữ vai trò gì quan trọng hay không? Dân Nhật trước thế kỷ 18 vẫn bị dân TQ gọi khinh miệt là Oa khấu (giặc lùn) chứ vẻ vang gì? ......



Trích:
Nguyên văn bởi Phương Thảo
Và câu hỏi đặt ra là liệu giới hạn của số phép thử có lớn hơn dân số của một dân tộc không hay nói cách khác thời gian để hai người chơi xúc sắc có kết quả hòa liệu có dài hơn chặng đường mà lịch sử đã đi qua không?

Nếu câu trả lời là không, thì có lẽ đã đến lúc chúng ta phải đi đến kết luận rằng "chỉ có anh hùng tạo ra anh hùng, thời thế chẳng tạo ra cái gì hết."


Theo ý kiến chủ quan của riêng em, muốn tạo ra anh hùng phải có cả hai yếu tố: bản sắc của anh hùng và thời thế. Nếu thiếu một trong hai cái là không đủ. Câu hỏi khó hơn ở đây là làm thế nào để nhận diện được bản sắc (chúng ta có hay không bản sắc ấy) và thời thế (liệu đã đến lúc hay chưa). Cái này có lẽ chỉ có thời gian trả lời được mà thôi.

No comments: