Sunday, May 07, 2006

Trung Quốc: Khôi phục giá trị đạo Khổng để bảo vệ đất nước
01:29' 23/04/2006 (GMT+7)

“Bắc Kinh đang hy vọng việc khôi phục những giá trị của đạo Khổng sẽ làm giảm bớt những bất đồng có xu hướng ngày một tăng và khơi dậy lòng trung thành mới” - nhận định của tạp chí Newsweek. Đây có phải là cách để xây dựng một xã hội hài hoà nhằm giảm bớt mâu thuẫn trên con đường phát triển mau lẹ của Trung Quốc?

“Sự trở lại” của Khổng Tử

Từ được ưa chuộng tại Trung Quốc trong những ngày này là “hoà hợp”. Bất kể thính giả là người Trung Quốc hay người nước ngoài, người giàu hay người nghèo, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đang truyền đi bức thông điệp: chẳng phải tất cả chúng ta đều có thể chung sống hoà thuận sao?

Sau khi trở thành Chủ tịch Trung Quốc vào năm 2003, Hồ Cẩm Đào đã biến việc theo đuổi “xã hội hài hoà” thành "câu niệm chú" của riêng ông.

Đầu tháng 3/2006, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã nhắc lại quan điểm này trong phiên họp của Quốc hội Trung Quốc khi bàn về việc chăm sóc sức khoẻ và giáo dục cho người nghèo ở nông thôn - những người ngày càng bị bỏ lại đằng sau bởi sự bùng nổ kinh tế ở Trung Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Triệu Tinh cũng tham gia bằng cách tuyên truyền cho bức thông điệp trên ở nước ngoài: “Dân tộc Trung Hoa luôn theo đuổi một cuộc sống hài hoà với các dân tộc khác, bất chấp những khác biệt.”

Tuy vậy, điều mà ít lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc công khai thừa nhận là bản chất trong khẩu hiệu của Hồ Cẩm Đào chính là sự quay trở về tư tưởng của con người nổi tiếng thời xa xưa: Khổng Tử.

Sau khoảng một thế kỷ phai nhạt trong chính trị ở Trung Quốc, Khổng Tử - người được cho là sống từ năm 551-479 trước Công nguyên - lại trở thành “mốt” ở đất nước này. Những giá trị của đạo Khổng như tinh thần đoàn kết, giá trị đạo đức, tôn trọng quyền lực, tầm quan trọng của các mối quan hệ tôn ti trật tự hiện đang được các nhà lãnh đạo Bắc Kinh tuyên truyền rùm beng chưa từng thấy.

Cách đây bốn thập kỷ, trong cuộc Cách mạng văn hoá, đạo Khổng đã bị gièm pha như trụ cột của chế độ phong kiến chuyên chế. Tuy vậy, tháng 9/2005, Chính phủ Trung Quốc đã kỷ niệm ngày sinh của Khổng Tử một cách trịnh trọng nhất kể từ năm 1949 với hàng nghìn người tham gia trong những bộ trang phục lộng lẫy. Trong số này có 100 học giả đang tham gia bàn bạc về việc làm thế nào để đạo Khổng có thể được vận dụng như một “nền tảng đạo đức” cho đất nước này.

Bản thân Hồ Cẩm Đào cũng chưa từng công khai tuyên bố rằng đạo Khổng sẽ lấp đầy khoảng trống về tư tưởng hiện nay của Trung Quốc. Tuy nhiên, tháng 2/2005, trong bài nói chuyện trước các cán bộ cao cấp về vấn đề liên kết xã hội sẽ giúp tránh khỏi “sự trì trệ kinh tế và biến động xã hội” như thế nào, Hồ Cẩm Đào đã nhắc đến tên nhà hiền triết này, chẳng hạn như “Khổng Tử nói rằng hoà hợp là điều cần phải gìn giữ “.

Vì sao?

Trước tiên phải kể đến những nguyên nhân từ trong nội tại. Cải cách thị trường, nền kinh tế quá nóng và một nền văn hoá bị ám ảnh bởi yêu cầu phải đi lên đã gây ra sự đố kỵ và bất mãn trong 1,3 tỷ dân Trung Quốc. Hiện nay ở Trung Quốc vẫn tồn tại những mâu thuẫn âm ỉ, đặc biệt là ở nông thôn, nơi người dân đang tỏ ra bất bình trước nạn tham nhũng, các chế độ quản lý đất đai và điều quan trọng nhất là thu nhập thấp.

Năm 2005, một cuộc điều tra cho thấy: có tới gần 3/4 số người được hỏi cho biết “tiền” là thứ họ mong muốn nhất. Giáo sư trường Đại học Bắc Kinh, ông Khổng Khánh Đông, người tuyên bố mình thuộc dòng dõi con cháu nhà hiền triết cổ này, đã nêu ra những mâu thuẫn gay gắt: “Đó là sự cách biệt giữa người giàu và người nghèo, việc sa thải công nhân, việc ngày càng có thêm nhiều người dân công khai bộc lộ những nỗi bất bình của họ, tình hình an ninh xã hội xấu đi và nhiều mâu thuẫn khác.”

Như vậy, rõ ràng là Trung Quốc cần có một tư tưởng mới để hàn gắn những vết thương này. Suốt thời gian qua, "luật của lòng tham" đã thay thế chủ nghĩa tập thể và giúp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nhưng một số chuyên gia cho rằng nó đang dần biến thành một hình thái chủ nghĩa tư bản rất nguy hiểm, bởi không chỉ mang tính chất TBCN, nó còn được phát triển dựa trên quan hệ thân quen.Điều đó khiến cho chủ nghĩa dân tộc trở thành chất keo duy nhất có thể kết dính đất nước Trung Quốc lại. Nhưng đó lại là con dao hai lưỡi.

Quả thực, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra rất lo ngại trước việc cuộc biểu tình chống Nhật và chống Mỹ đang bùng nổ và quyết liệt trong hơn nửa thập kỷ qua. Nó đẩy các mối quan hệ song phương với Tokyo vào tình trạng đóng băng nhanh chóng và với Washington vào một trạng thái cảnh giác dè chừng. Mặt khác, đạo Khổng không chỉ là phần tinh tuý dành cho người Trung Quốc mà còn mang tính hoà bình và không đe doạ các dân tộc khác. Theo giáo sư Khổng, người bắt đầu ủng hộ một “xã hội hài hoà” từ cách đây nhiều năm, thì đạo Khổng “nhấn mạnh ‘đại đồng’, với hy vọng tất cả mọi người trên thế giới sẽ trở thành thành viên trong một đại gia đình.

Học giả Khang Hiểu Quang, người nhiệt tình nhất trong việc đề xướng một nền giáo dục theo đạo Khổng của nước này, cho rằng: những giá trị của đạo Khổng cũng gần như câu trả lời cho một nền văn hoá mới đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc. Học giả này nhận xét: “Xã hội Trung Quốc ngày nay tồi tệ chưa từng thấy. Vấn đề đặt ra là không có chuẩn mực đạo đức nào có thể điều chỉnh được cách thức mà con người, đối tác kinh doanh, bạn bè và gia đình đối xử với nhau. Các mối quan hệ trở nên mơ hồ và chúng ta không có cách nào để đánh giá những gì tạo nên một cuộc sống hạnh phúc.”

Từng là cố vấn chính sách xã hội cho Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ, Khang Hiểu Quang hy vọng nền giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh sẽ theo hướng Khổng học. Mọi việc chưa tiến xa được như vậy, nhưng Bộ Giáo dục Trung Quốc đã bật đèn xanh cho những đề nghị của Khang và đồng nghiệp của ông khi đồng ý cho các trường tổ chức khoá học (mỗi khoá 30 buổi) về văn hóa đạo Khổng truyền thống. Trên 5 triệu học sinh tiểu học hiện đang học về đạo Khổng. Ngoài ra, 18 trường đại học lớn ở nước này còn tổ chức các khoá học nghiên cứu triết lý của Khổng Tử, hoặc tổ chức các viện nghiên cứu Khổng Tử.

Tại Viện nghiên cứu đạo Khổng thuộc trường Đại học Nhân dân Trung Hoa, các hoạt động tưởng nhớ đặc biệt được tổ chức trong hai năm qua mô tả việc trẻ em nước này đọc to tuyển tập đạo Khổng - một bộ tài liệu biên soạn gồm các bài thuyết giáo cơ bản của nhà triết học này. Giám đốc Viện nghiên cứu trên - Trương Lập Văn - nói: “Chúng tôi đã đẩy mạnh việc học đạo Khổng so với cách đây 10 năm, khi mà chỉ có một số ít người dám đề cập đến những nguyên lý của đạo Khổng.”

Về phần mình, Hồ Cẩm Đào và những người của ông hiện rõ ràng hy vọng rằng việc phục hồi đạo Khổng có thể giúp ngăn chặn những thách thức của dân chúng đối với quyền lực của chính phủ. Những thách thức này đang tăng nhanh đến mức các quan chức địa phương được cảnh báo rằng triển vọng thăng quan tiến chức của họ một phần tuỳ thuộc vào việc liệu họ có thể ngăn chặn được bạo động hay không. Đạo Khổng không chỉ đánh giá cao sự hài hoà xã hội, mà còn xác định rõ rằng các công dân cần phải tuân lệnh nhà vua nếu vị vua đó sử dụng cái gọi là quyền được Thượng đế trao cho một cách có đạo đức.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học California, ông Richard Baum nói: “Chính phủ nhận thấy rằng phương pháp trước đây là quá cứng nhắc, trong khi chính phủ dân chủ lại có khuynh hướng vô chính phủ. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng rất bất ổn. Tư tưởng Khổng Tử về “sự uỷ thác của Thượng đế”, theo đó nhà vua cai trị với một quyền uy gần như tuyệt đối, quy định ông sẽ chăm nom cho dân chúng, hiện rất giống với khái niệm hiện đại về một chế độ chuyên quyền bao dung.”

Những tranh cãi

Có nhiều trớ trêu trong việc phục hồi đạo Khổng.

Dưới thời Mao Trạch Đông, đạo Khổng bị gièm pha bởi triết lý “Thượng đế là người sáng suốt nhất”. “Người cầm lái vĩ đại” thậm chí còn buộc tội rằng âm mưu ám sát kỳ cục của người kế nhiệm Lâm Bưu - người mà tự tay ông lựa chọn - được khích lệ bởi tư tưởng Khổng giáo. Nhà Hán học Bùi Mẫn Hân thuộc Tổ chức Carnegie vì hoà bình quốc tế nhận xét: “Trong các chiến dịch vận động chính trị chống Khổng Tử và chống Lâm, triết lý của Khổng Tử và nhân phẩm của ông đã hoàn toàn bị coi là rác rưởi.”

Vì một vài lý do tương tự mà Khổng Tử bị coi là từ ngữ "bẩn thỉu" dưới thời Mao, do đó không phải ai cũng hoan nghênh việc Khổng Tử lại được đánh giá cao, ví dụ những giá trị của đạo Khổng thường thiên về việc coi trọng đàn ông.

Nhà phê bình Hồ Tinh Đẩu, giảng viên Viện Kỹ thuật Bắc Kinh, cũng phàn nàn rằng: bằng việc nhấn mạnh đến cách hành xử đạo đức trong đời sống chính trị, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang né tránh việc giải quyết nguồn gốc có tính hệ thống dẫn đến tham nhũng và việc quản lý tồi tệ đang diễn ra những tác hại sâu sắc cho toàn dân tộc. Ông nói: “Người ta không thể sao chép hoàn toàn một hệ thống tín ngưỡng truyền thống trong kỷ nguyên hiện đại”. Vẫn theo ông Hồ Tinh Đẩu: “Đạo Khổng chú trọng nhất đến việc con người cần xử sự như thế nào, yêu cầu họ phải biết kiềm chế lòng ham muốn và tôn trọng tới mức cao quy tắc đạo đức. Đây là một điều không thực tế.”

Nhà Hán học người Mỹ Baum thừa nhận rằng việc say mê Khổng Tử hiện nay “là một sự thay thế yếu ớt cho cải cách thể chế thực sự… Mao thường có thói quen nhấn mạnh rằng người ta có thể thay đổi cả ý thức của họ thông qua việc tự phê bình, và hiện nay, các nhà chức trách cũng lại đang áp dụng việc này khi nói rằng giải pháp chống tham nhũng là giáo dục những con người có đạo đức. Nhưng đó chỉ là lớp vỏ bề ngoài.”

Việc Trung Quốc quay trở lại với quá khứ dường như không ăn nhập gì với những xã hội khác cũng chịu ảnh hưởng của đạo Khổng. Người Singapore không còn ca ngợi “những giá trị châu Á”, trong khi việc "đả phá Khổng Tử” đã trở thành mốt ở Hàn Quốc ngay từ đầu những năm 1999 với việc xuất bản cuốn sách nhan đề “Đất nước này sẽ sống nếu Khổng Tử chết.”

Nhưng những chỉ trích trên không ngăn cản được những người ủng hộ Khổng Tử nhiệt tình nhất. Một bức tượng cao 5 mét được dựng sừng sững giữa sân trường tiểu học Phủ Học ở Bắc Kinh. Được thành lập năm 1358 để làm một trường tôn giáo nhỏ cho học sinh học Kinh cổ, Phủ Học đã trở thành trường kiểu mẫu sau khi trường này đưa đạo Khổng vào giảng dạy trong các lớp học vào năm 2003.

Hiệu trưởng trường Phủ Học, Vương Hiểu Xuân, cho biết một cặp vợ chồng đã ghi tên xin học cho cậu con trai của họ sau khi họ hoảng hốt phát hiện ra rằng cậu bé không thể nhận ra được bức tượng của nhà hiền triết này. Trong một căn phòng phụ nhỏ bé có một bảo tàng mô tả chi tiết cuộc sống của Khổng Tử. Một bức tượng của nhà sư phạm này được trạm trổ bằng kính, với bộ râu lưa thưa được khắc hoạ sinh động, đang đứng chào đón khách khi họ bước ngang qua cửa.

Vai trò của Khổng Tử đối với hình ảnh của Trung Quốc

Khang Hiểu Quang có những ý tưởng lớn về việc tìm cách mở rộng ảnh hưởng của nhà triết học này. Ông cho rằng cuộc tranh luận diễn ra bên trong chính phủ không phải là về việc liệu có phục hồi thầy Khổng Tử hay không mà là tôn thờ những lời răn dạy của ông đến mức nào – như một phần của hệ thống giáo dục, một phần của tư tưởng chính trị hay như một tín ngưỡng của dân tộc.

Vung vẩy điếu thuốc lá quanh mình giống như vung vẩy chiếc gậy thần của pháp sư, vị học giả nghiện thuốc lá của Trung tâm nghiên cứu quốc tế Trung Quốc này gợi lên những hình ảnh đặc trưng của nhà hiền triết vĩ đại. Ông Khang nhận xét: “Tôi không hy vọng các nước khác sẽ chấp nhận Khổng Tử, nhưng nếu Trung Quốc và thế giới dùng lý luận của đạo Khổng làm cơ sở cho các mối quan hệ quốc tế thì sẽ mang lại lợi ích cho mọi người, do tính đúng đắn về đạo đức sẽ vượt qua được tính tư lợi.” Ông gọi phần này là “sự trỗi dậy của quyền bá chủ văn hoá của Trung Quốc.”

Cách diễn đạt trên không phù hợp với các quan chức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc - những người dành hầu hết thời gian để tránh bất kỳ sự liên hệ nào với bá quyền dưới mọi hình thức. Quả thực, vấn đề liệu Trung Quốc có thể hy sinh quyền lợi riêng hẹp hòi của nước này vì lợi ích quốc tế không hiện vẫn đang là chủ đề nóng bỏng được các nhà phân tích theo dõi sự trỗi dậy của Trung Quốc thảo luận.

Tháng 9/2005, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Zoellick trong một bài phát biểu quan trọng về chính sách đã đặt câu hỏi: liệu Bắc Kinh đã sẵn sàng chưa trong việc đóng vai trò là một “cổ đông có trách nhiệm” trong cộng đồng quốc tế? Ông cảnh báo Trung Quốc về nguy cơ của một chiến lược “theo đường lối trọng thương” tìm cách giành giật các nguồn tài nguyên năng lượng toàn cầu và việc thiết lập các mối quan hệ thân thiện với các "chế độ tai tiếng".

Đề phần nào xoa dịu những nỗi lo ngại trên, hơn hai năm qua, Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục Trung Quốc đã lặng lẽ thiết lập hàng loạt các trung tâm văn hoá Trung Quốc trên khắp thế giới nhằm thúc đẩy việc giảng dạy tiếng Trung và cải thiện hình ảnh của Bắc Kinh ở nước ngoài, rất giống cái cách mà các viện Goethe đã làm cho Đức, hoặc các Hội đồng Anh đã làm cho Vương quốc Anh.

Một chương trình trị giá 10 tỷ USD được đưa ra nhằm thiết lập cái gọi là 100 Viện Khổng Tử trên khắp thế giới vào năm 2010. Học viện đầu tiên đã được lập ở Hàn Quốc, và các học viện khác cũng được mở ở Mỹ, Canađa, CHLB Đức và Kenya. Để phục vụ nhu cầu quốc tế ngày càng tăng đối với việc học tiếng Trung Quốc, Chính phủ nước này hy vọng trong một thập kỷ sẽ có 200 trường xúc tiến giảng dạy tiếng Trung Quốc, nghệ thuật, âm nhạc và văn hoá Trung Quốc, bao gồm cả di sản của Khổng Tử.

Hình ảnh về Khổng Tử có thể làm giảm bớt phần nào những quan niệm trên thế giới cho rằng Trung Quốc là một đất nước tham lam và hung hăng. Baum cho rằng, để thay đổi cách nhìn đó, Trung Quốc sẽ đưa ra một vẻ ngoài theo đạo Khổng mềm mại hơn so với bộ mặt cứng rắn trước đây. Chế độ của Hồ Cẩm Đào rõ ràng đang hy vọng rằng sức hấp dẫn của lịch sử cũng như vẻ bề ngoài nhân từ của một nhà hiền triết cổ sẽ giúp Bắc Kinh giành thêm được bạn bè và gây tác động tới nhiều người trên thế giới.

Nhưng ngay cả khi Khổng Tử "đắt khách" ở nước ngoài thì một vấn đề lớn hơn được đặt ra là: liệu việc quay về với Khổng Tử có mang lại cho Trung Quốc một kết quả như mong đợi?

Thế Anh
Biên tập từ: Can the sage save China?
Tác giả: Benjamin Robertson & Melinda Liu
Nguồn: Newsweek, 20/03/2006.

No comments: