Du xuân theo "dòng sông vàng tan"
17:07:15, 25/02/2006
Lê Hoàng Hạc
Đọc cụm từ "dòng sông vàng tan", hẳn không ít người lãng mạn tưởng tượng ra cảnh muôn nghìn con sóng lấp lánh trên mặt sông, nhuộm ánh nắng tà rồi tan dần. Hoặc giả là dòng sông nhuộm ánh trăng vàng. Ở đây xin hiểu "vàng tan" là vàng y, vàng ròng trả giá cho những cuộc du xuân và vui chơi trên sông Hương ngày trước. Sông Hương còn có một tên khác là dòng tiêu kim thủy (dòng sông vàng tan): Giòng tiêu kim thủy gà xao xác. Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh (nhạc sĩ Văn Cao).
Từ xa xưa, hồi còn Pháp cho đến trước năm 1975, thành phố Huế có hai khách sạn khang trang. Đó là khách sạn Morin ở bên kia cầu Trường Tiền của anh em nhà Morin, người Pháp (Morin frères) và phòng ngủ Khê Ký của Tàu ở ngã giữa. Song Huế có nhiều "phòng ngủ" nổi. Đó là những chiếc đò thuôn dài, hai đầu cong lên theo một dáng nét rất thanh tú, có mui kín đáo, có khoang trước để trống dùng cho khách ngồi ngắm trăng hoặc nghe ca đờn. Lãng mạn thì để cho thuyền mình trôi lơ lửng dưới ánh trăng, nghe tiếng ca tiếng đàn Huế nỉ non, tiếng mái đẩy, mái nhì hò ơ đòi đoạn. Xuống sông Hương là để mà... thức, mà say. Có ngủ chăng là vào những ngày hè nóng nực, một vài gia đình công chức thuê đò sông Hương để sau khi tắm nước sông mát rượi, cùng vợ con ăn bữa cơm chiều trên sông, tối đến đánh một giấc rồi sáng sớm hôm sau lại trở lên bộ, tiếp tục công việc hằng ngày. Không biết ngày xưa các ngài Tuy Lý, Tùng Thiện và các ông hoàng, bà chúa khác đi chơi sông Hương như thế nào, chắc cũng chỉ nghe ca đờn, uống rượu ngâm thơ xướng họa chứ dân Huế các năm 1948 cho đến 1954 thì đi ngủ đò là đi ăn chơi. Thời ấy, thực dân Pháp trở lại tái chiếm Huế và các thành phố lân cận. Hằng ngày xe mười bánh của chúng rầm rập chở quân đi đóng đồn: An Lỗ, Mỹ Chánh, Nong, Truồi, Phú Bài, Hương Thủy... Mỗi sáng chúng dong xe về Huế chở đi từ chợ Đông Ba nào gà, vịt, thịt heo, bò, trái cây và các thứ hàng hóa khác để phân phối cho các đồn. Chợ Đông Ba đông trở lại. Học trò đi học, công chức đi làm, hai hàng máy bay Cossera và Aigle d'Azur nối Sài Gòn - Hà Nội với Huế, tạo cho Huế một bộ mặt tạm gọi là yên ổn. Và sông Hương bắt đầu nhịp sống ăn chơi. Đêm đến, khi thành nội đi ngủ im lìm thì sông Hương sáng lên rực rỡ. Đứng từ chợ Đông Ba nhìn ra, các khách sạn nổi co cụm lại, xúm xít, sáng lên như một hội hoa đăng. Xôn xao tiếng cười nói, đàn hát từ các chiếc đò cắm sào gần nhau. Đò thì xoa mạt chược, đò thì ca đờn, đò thì ăn nhậu và không thiếu những chiếc đò lẻ loi, leo lét ánh đèn và thoảng thơm hương nha phiến.
Thỉnh thoảng lại bắt gặp những chiếc xuồng nhỏ chở những cô áo xanh, áo đỏ từ trong bờ ra, ghé vào đằng sau lái những chiếc đò lớn. Mỗi chiếc đò lớn thường có một hai chiếc xuồng con làm phương tiện liên lạc giữa sông và bến. Ngoài ra còn hàng chục chiếc xuồng con khác bán thức ăn đặc sản Huế, di động, thoăn thoắt. Thôi thì đủ thứ: bún bò, nem chả, cháo xương, chè hạt sen bọc nhãn lồng, chè đậu ngự, bia chai, rượu Phú Cam, bắp Cồn Hến và trái cây thì mùa nào thức ấy: quýt Hương Cần, dâu Truồi, thanh trà Nguyệt Biều, hạt sen hồ Tịnh Tâm... Khách ăn ới một tiếng là đã có hai ba chiếc xuồng con cặp tới, phục vụ xong rồi lại ngoe nguẩy bơi đi khiến mặt sông không lúc nào yên tĩnh. Đến khuya, khung cảnh lắng đọng, lúc ấy mới nghe rõ tiếng ca đờn tri âm nổi lên. Đèn măng-sông tắt bớt chỉ còn lại cảnh: Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt. Một vừng trăng trong vắt lòng sông...
Ngày nay, Huế đang trên đường hiện đại hóa, nhà hàng khách sạn mọc lên khá nhiều. Một số chủ đò phát triển thuyền của họ thành loại thuyền sơn xanh đỏ, bắt chước thuyền rồng của vua chúa ngày xưa, có trang bị máy đuôi tôm xình xịch đưa du khách tham quan chùa Linh Mụ, điện Hòn Chén hay lăng Minh Mạng... Ban đêm khách xuống thuyền rồng là để nghe ca. Họ ngồi như ngồi trong phòng nhạc, vừa nghe đàn vừa uống bia Huda, hết buổi thì lên bờ chứ không ngủ trên sông như ngày trước. Nước nguồn Bồ vẫn mãi chảy về sông Hương, nước sông Hương vẫn âm thầm xuôi về cửa Thuận theo một nhịp "đông lưu" lặng lẽ. Xem như chẳng có gì xảy ra, có ai nghĩ rằng sông Hương đã giấu trong lòng nó biết bao cảnh đổi thay, thăng trầm, vinh nhục, chia ly, hội ngộ. Nhiều người nhắc đến tiếng đàn nguyệt của cậu Tôn Út, tiếng đàn nhị của Nguyễn Hữu Ba, tiếng tranh Bửu Lộc, tiếng tỳ của ông Ngũ Đại hay của mệ Vĩnh Phan... Và đâu nữa tiếng ca nức nở của những Bích Liễu, Thu Tâm, Tuyết Hương một thời từng vang trên mặt "con sông dùng dằng, con sông không chảy".
Lê Hoàn
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment