Tuesday, March 28, 2006

Hoa loa kèn và tháng Tư Hà Nội

Nhật Mai

Sau một ngày nắng chói chang oi ả, tiếng mưa đêm rả rích như an ủi vỗ về, lại như kéo nỗi buồn không tên vào lòng người. Để rồi sáng tỉnh giấc, bước ra đường chợt ngơ ngẩn, dưới mặt đường lấp loáng, bầu trời vẫn trong xanh lạ! Và hoa loa kèn bỗng đâu ùa về khắp mọi ngả đường, duyên dáng khép mình sau những giỏ hoa rung rinh theo nhịp xe chầm chậm trên phố, khiến ai cũng phải ngẩn ngơ vì cái màu trắng tinh khôi và hương thơm thoang thoảng thanh khiết!

Phải mua vội vì sợ hoa hết mùa. Cái loài hoa đến lạ! Chỉ rộ lên rồi chợt biến mất đúng một tháng trong năm khiến bao người tiếc nuối. E ấp, nhẹ nhàng, duyên dáng... nói thế nào nhỉ! Hoa loa kèn là loài "nữ tính" và dễ làm mềm lòng người nhất. Lâu rồi, người ta không còn gọi nó là hoa huệ tây như những ngày mới du nhập vào Hà Nội hồi đầu thế kỷ 20. Giữa muôn sắc rực rỡ của bao loài hoa khác, loa kèn vẫn là loài nổi bật. Có mặt trong hầu như mọi ngôi nhà, loa kèn ban phát cho không gian vẻ sang trọng, lãng mạn và thật thanh tao. Không biết có phải "tại" bức tranh "Thiếu nữ bên hoa huệ" của Tô Ngọc Vân hay không mà mỗi cành hoa loa kèn đều khiến ta liên tưởng tới bóng hình của một người con gái kiêu sa, hiền thục đang cúi đầu e ấp. Cầm trên tay là những búp hoa xanh dịu, lá xanh mảnh khảnh, từng nụ hoa khum khum, he hé một mầu trắng dịu dàng như còn ngần ngại! Có ai đó đã nói rằng: "Năm tháng qua đi, bao hình sắc nhạt nhòa, nhưng những nụ hoa loa kèn thì cứ trắng tin khôi, vẻ tinh khôi không thể che giấu hay bôi xóa...". Đẹp nhưng đến và đi nhanh như một cuộc tình lãng mạn, dịu êm nhưng vô cùng chóng vánh...

Chợt nhớ những câu thơ của Ngô Quân Miện:

Bàn tay trắng muốt em cầm
Một cành hoa nối mùa xuân - mùa hè
Mưa phùn vừa dứt, tiếng ve
Cháy ran lên giữa trưa nhòe bóng cây
Em đi, áo mỏng phô bày
Da thơm dịu thoáng giữa ngày dịu xanh
Mùa hoa đi vụt qua nhanh
Mùi hoa chưa kịp cho anh được cầm.

Hoa giao mùa, sao người ta không gọi như thế nhỉ?

Trong các loại hoa di thực được du nhập vào Việt Nam, có lẽ loa kèn là loài được yêu thích nhất. Vài chục năm trước, hoa chỉ được cắm trong những bình gốm đẹp bày biện trong những gia đình khá giả, giàu sang. Người ta cho rằng, nó được đến Việt Nam vào khoảng đầu những năm 30 cùng với hoa cẩm chướng (tên gốc là oeillet de France (cẩm chướng của Pháp, sau này quen gọi tắt là hoa phăng). Hoa phải trồng bằng hạt, đem từ Pháp và trước đây chỉ ưa Ðà Lạt - mảnh đất mang khí hậu ôn đới. Khi đó, nó được gọi là hoa huệ tây, chắc cũng vì nó là loài mang màu trắng và có hương thơm nồng nàn quyến rũ. Người Pháp cho rằng hoa huệ tây là biểu hiện của sự trinh tiết. Người đàn bà đẹp là người có nước da trắng màu hoa huệ...

Hoa loa kèn nay đã trở thành một loài hoa không thể thiếu mỗi khi nhắc về Hà Nội, nó được khoác lên mình vẻ tao nhã, thanh lịch, kín đáo như những gì người ta vẫn ngợi ca về con người Tràng An.

Đừng xao nhãng! Hãy dành cho lòng mình chút thời gian thư thả với những bông hoa trắng muốt. Đừng chỉ nhìn theo dọc đường mà hãy mang về nhà chút hương thơm hiếm hoi, kẻo, khi chợt nhớ ra, mùa hoa đã chia tay tự bao giờ. Phút giao mùa ngắn ngủi, ngoài kia, nắng mỗi lúc một chói chang, những tiếng ve đầu tiên lại đang chuẩn bị réo rắt!

---------------------------------------------------------------------------------
Mùa hoa loa kèn

Ngô Văn Phú

Du nhập vào Việt Nam đầu thế kỷ 20, hoa loa kèn (còn gọi là huệ tây) trở nên rất hợp với Hà Nội. Hoa loa kèn mùa rất ngắn, nở vào dịp cuối xuân đầu hạ, nhưng để lại nhiều ấn tượng trong lòng người Hà thành.

Khi Hà Nội còn một chút rét se se, có khi lai rai mấy buổi mưa phùn. Mùa xuân còn muốn lưu lại. Nhưng chen vào đó một ngày thoáng nóng bức đầu hè. Nắng sáng hơn, trời sáng hơn. Ra đường, bỗng reo lên một tiếng như thể lần đầu tiên phát hiện: Hà Nội, đã mùa hoa loa kèn.

Hình như hoa này là của người Hà Nội... Xưa các cụ từng yêu hoa hồng, hoa cúc, và có người cũng đã chỉ thích hoa huệ. Khoảng đầu thế kỷ trước, trong phòng khách của người Hà Nội thường có độc bình hoặc song bình, đó là để cắm hoa huệ lúc đến mùa. Huệ ta cũng đẹp, hoa vẫn như vương mầu hoang dại, thô tháp từ cành từ lá. Nhưng huệ ta cánh trắng, nhị vàng ươm, thơm đậm mà ngát... Thứ hoa này chơi cũng được, mà cúng cũng được. Huệ thường phải mua cả chục... Có thế, mới đủ mùi thơm cho một căn phòng...

Loa kèn cũng là một thứ huệ, huệ tây. Loa kèn có lẽ là một thứ hoa di thực... Tôi hỏi những ông già sống từ hồi đầu thế kỷ trước, mỗi khi loa kèn nở, rằng huệ tây có ở nước ta tự bao giờ? Có cụ nói: khoảng những năm hai mươi, có cụ bảo khoảng những năm ba mươi, cùng với hoa phăng (hoa cẩm chướng). Hoa phăng, thực ra gọi đủ là oeillet de France (cẩm chướng của Pháp), sau này quen gọi tắt là hoa phăng... Hoa phải trồng bằng hạt, đem từ Pháp sang, đến gần đây cũng thế... mà trước đây chỉ có Ðà Lạt mới trồng được, chắc là hoa phăng thuần chủng... Huệ tây có lẽ trồng đầu tiên cũng từ Ðà Lạt, vì nơi đây có khí hậu ôn đới, sau mới di thực sang các tỉnh khác. Hoa loa kèn với Hà Nội là một thứ hoa sang, quyền quý... Trong các thứ hoa di thực, du nhập, như các thứ hồng, cẩm chướng, violet, v.v., loa kèn dễ được nhập hồn với người Hà Nội nhất... Trước Cách mạng Tháng Tám, hầu như huệ tây là thuộc thú chơi của nhà giàu, có một chút gì hướng ngoại, hướng về phương Tây. Chẳng là nước Pháp xưa vốn được gọi là vương quốc của huệ tây (Royaume de lis). Với người Pháp, huệ tây là biểu thị của lòng trong trắng, trinh tiết. Người đàn bà đẹp thì được khen là có nước da mầu hoa huệ... Nhiều cô gái Pháp được mang cái tên rất dễ thương Li-li, đó cũng là cha mẹ vốn rất yêu huệ tây mà đặt tên con như thế... Những người tù Pháp thì xăm hoa huệ tây trên cánh tay...

Huệ tây được lớp trẻ trước Cách mạng Tháng Tám rất quý, chẳng thế mà họa sĩ Tô Ngọc Vân đã để lại bức danh họa lừng lẫy: Thiếu nữ bên hoa huệ... Thật hạnh phúc cho cô gái nào được làm người mẫu, ngồi bên hoa huệ tây ngày ấy. Dáng ấy, người ấy, đã trở thành biểu trưng cho cái thanh lịch của Hà Nội, không chỉ đương thời...

Trước đây, mùa loa kèn, tôi chỉ được nhìn các bà, các cô Hà Nội đi chợ mua hoa về cắm, chứ chưa được nhìn kỹ. Duy có lần đến thăm một người bạn gái, gặp mùa huệ tây, hầu như bữa ấy tôi thần người, ngắm mãi bình hoa ngưỡng mộ từ lâu. Một căn buồng nhỏ. Cả nhà đi sơ tán. Bình huệ tây đặt trên một chiếc bàn nhỏ, bộn bề sách vở, mà sao vẫn đẹp thế. Cánh hoa trắng ngần thành điểm sáng của cả căn phòng. Mùi hoa sang trọng lan tỏa. Chén trà rất ngon, xanh mầu mật ong đã rót... Chợt một hồi còi báo động nổi lên... Tự nhiên, bốn mắt chúng tôi nhìn nhau, rồi cùng lặng thầm cúi xuống. Tay tôi và tay em cùng đang ôm lấy tách trà... Chúng tôi cùng ngồi bên hoa huệ, ở cái tuổi trẻ thật trong trắng của năm Hà Nội hiên ngang đánh Mỹ... Cái phút thiêng liêng ấy, bỗng trở nên đồng cảm. Và, tôi không đừng được đưa tay ra nắm lấy bàn tay ngần trắng, một làn da mầu huệ...

Sau này đêm nào ngủ, gặp mùa huệ tây, tôi cũng đặt hoa trong phòng, và mới thấy thêm một điều... Các loại hoa mầu trắng thường rất đẹp dưới ánh trăng, và cái thơm của huệ, của quỳnh, của nhài dưới trăng, thứ hương của hoa giấu mình hay thấp thoáng trong đêm, mới thật đúng với chất của loài hoa trắng...

Có đêm, tôi tắt đèn, đặt bình hoa trên một bàn nhỏ, dưới ánh trăng đầu tháng tư, thưởng hoa một mình. Và sau đó ngủ trong ánh trăng khuya, để hoa và trăng dẫn mình vào giấc ngủ...

Và, tôi lại nhớ cái đêm chiến trận. Thật bất ngờ tôi đã có được những phút có một không hai, bên bình huệ tây và bên người đẹp.

---------------------------------------------------------------------
Hoa loa kèn tháng tư

(Lưu Việt Thảo)

Ngày còn nhỏ xíu, ngắm bức tranh Thiếu nữ bên hoa huệ của danh hoạ Tô Ngọc Vân, tôi từng thắc mắc: "sao lại là hoa huệ? Phải là loa kèn mới đúng chứ". Cha tôi rằng: "hoa này người Pháp mang tới trồng ở Việt Nam, các cụ gọi là hoa huệ Tây, để phân biệt với loài hoa huệ thường hay dùng để cúng. Sau này, người ta thấy hình dạng hoa giống chiếc loa kèn, nên gọi luôn thành thế".

Hoa loa kèn tháng tư- thứ hoa chỉ rộ lên một mùa trong một năm rồi thôi. Lỡ qua mất mùa hoa thì cũng đành để người ta phải chờ đợi một tri âm. Những ngày nắng mới, Hà nội oi nồng, chỉ có những nụ loa kèn trắng xanh, nghiêng mình trên miệng giỏ rong ruỗi sau xe đạp hay lắt lẻo nằm chơi trên đôi đầu quang gánh đi khắp phố phường. Và chỉ cần một cơn gió nồm sớm luồn qua khung cửa, là đã thấy cả một trời hương. Mùa hoa cũng là mùa ve sầu bắt đầu râm ran trên những ngọn bàng, ngọn sấu. Mới chỉ kịp để mắt trông theo thì loa kèn đã thôi không còn nở nữa.

Hoa loa kèn gắn với tuổi thơ Hà Nội của bao nhiêu đứa trẻ cũng như tôi? Ngày bé rình hoa nở ngắt nhuỵ phấn vàng bôi lên má búp bê. Rồi lớn lên, nâng niu trên tay những nụ hoa giấu kín những ước mơ đầu đời. Cha tôi hay mua loa kèn cắm trong chiếc bình gốm men ngọc. Ông bảo: "màu ngọc men tông xuyệc tông với màu hoa lá". Còn tôi lại thích ngắm những đoá loa kèn xoè cánh trắng trong chiếc bình đất nung. Màu nâu của bình gợi lên màu đất ấp ủ, nuôi nấng trăm ngàn loài hoa thảo mộc. Hoa đã đẹp thì hãy để chúng đẹp một cách tự nhiên nhất, dù vẫn biết rằng cắm một bài hoa giữa mọt căn phòng cũng là một cách đem thiên nhiên vào đời sống vốn nhiều hệ luỵ...

Năm tháng qua đi, bao hình sắc nhạt nhoà, nhưng những nụ hoa loa kèn thì cứ trắng tin khôi như thủa nào. Vẻ tinh khôi không thể che dấu hay bôi xoá.

Sài Gòn tháng tư. Trời xanh không một gợn mây. Tôi chạy xe trên đường Lê Thánh Tôn, ngang những hàng hoa bên hông chợ Bến Thành. Lẫn giữa trăm ngàn sắc màu của những loài hoa đắt tiền, những đoá loa kèn khiêm nhường và kiêu hãnh. Tôi gặp lại Hà Nội của tôi, tuổi thơ của tôi trong bóng dáng những đoá hoa. Tôi không dám hỏi người bán hàng về xuất xứ của những bông hoa loa kèn nọ. Tôi sợ phải nghe một câu trả lời. Tôi chỉ muốn tự an ủi, vỗ về giấc mơ tôi bằng những đoá hoa mà thôi.

Tháng tư, một người nhạc sỹ đã trả hết nợ trần gian, về làm cát bụi. Những lời hát của ông cũng tinh khôi như những đoá hoa loa kèn bởi nó chắt từ con tim nhân hậu. Chính ông, bằng những lời hát của mình đã dạy tôi biết yêu Sài Gòn, biết nhặt niềm vui để sống mỗi ngày.

Tôi muốn mang những đoá hoa trinh trắng đặt trên mộ ông để tỏ lòng tri ân và cũng bởi ông từng yêu Hà Nội vô cùng.

No comments: