Có chăng cái gọi là nguồn lực xã hội kiểu Vũ Minh Khương?
Nguyễn Trọng Tín
Gần đây có thông tin cho rằng mỗi quốc gia có ba nguồn lực chủ đạo để phát triển đất nước: nguồn lực vật chất, nguồn lực con người và nguồn lực xã hội (Vũ Minh Khương (VMK)- Tuổi Trẻ ngày 10/9/2005). Báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh số ra ngày 5/10/2005 đăng bài Nguồn vốn xã hội của Nguyễn Sĩ Dũng (NSD). Tác giả này cho rằng một dân tộc muốn tiến tới thịnh vượng đòi hỏi phải đầu tư cả ba loại vốn: vốn tài chính, vốn tri thức và vốn xã hội. Điều kỳ lạ là mặc dù dưới hai cái vỏ ngôn ngữ khác nhau (nguồn lực xã hội và nguồn vốn xã hội) nhưng nội dung của hai khái niệm này không mấy khác nhau.
Theo VMK, nguồn lực xã hội có cội nguồn từ nền đạo lý xã hội, ý chí dân tộc, nhiệt huyết của thế hệ trẻ và tinh thần đoàn kết toàn dân. Với NSD, nguồn vốn xã hội là tinh thần tương thân, tương ái, đùm bọc lẫn nhau trong thiên tai địch họa. Theo ngôn ngữ bác học sang trọng của những người làm công tác nghiên cứu thì nội hàm của hai khái niệm này là gần như nhau. Có vẻ như VMK nói đầy đủ hơn thì phải. Thực ra, nguồn lực xã hội chính là sức mạnh tinh thần mà trong Tuổi Trẻ số ra ngày 18/6/2005 VMK đã từng đề cập. Tuy nhiên cách hiểu này khác với cách hiểu thường thấy về nguồn lực xã hội của nhiều tác giả khác.
Chúng tôi cho rằng để phát triển đất nước (VMK) hay một dân tộc muốn tiến tới thịnh vượng (NSD) thì dĩ nhiên cần và hơn thế nữa, rất cần cái mà VMK gọi là nguồn lực xã hội còn NSD thì gọi là nguồn vốn xã hội. Tuy nhiên, đây chỉ là những điều kiện cần. Chúng chỉ là những điều kiện để có thể bắt tay vào giải bài toán, tựa như điều kiện để mẫu số khác không, biểu thức dưới dấu căn bậc hai không âm. Chúng hoàn toàn không phải là những dữ kiện để từ đó tìm ra cách giải. Khi chúng ta bàn về các giải pháp đưa đất nước thoát khỏi sự trì trệ và tăng tốc phát triển chẳng hạn mà cứ rông dài mãi về hoài bãi, khát vọng, nhiệt huyết, ý chí dân tộc hay đại đoàn kết dân tộc thì sao có thể tìm ra câu trả lời?
Để có thể coi là nguồn lực thì nguồn lực ấy phải xác định, tựa như muốn xác định một lực thì hẳn nhiên phải biết điểm đặt, phương chiều và cường độ. Muốn được gọi là một nguồn lực, ít nhất các thành tố của nó cũng phải lượng hóa được. Có nghĩa là nguồn lực ấy có thể đo lường được và phải thể hiện qua các số liệu đánh giá. Liệu có chăng những dụng cụ đo lường kiểu như hoài bão kế, khát vọng kế, ý chí dân tộc kế? Các yếu tố thuộc phạm trù tinh thần có đặc điểm khác biệt là thường biến và do đó bất định. Nguồn lực con người dầu là khả biến nhưng phạm vi không lớn và hoàn toàn có thể xác định được qua các con số thống kê. Trí lực hoàn toàn có thể xác định được thông qua những quyết sách chiến lược trên giấy trắng mực đen, và những gì mà nó đem lại cũng là những con số thống kê cụ thể.
Các yếu tố thuộc phạm trù tinh thần như hoài bão, khát vọng, ý chí dân tộc, tinh thần đoàn kết... là những yếu tố nội sinh, không phải ai cũng có và có không như nhau, không chuyển giao được. Nguồn lực con người có thể đào tạo thông qua việc truyền thụ các phương pháp giải quyết vấn đề, chuyển giao tri thức và kỹ năng nghề nghiệp, chuyển giao thông tin nhưng chúng ta không thể truyền thụ và chuyển giao hoài bão, khát vọng... Điều duy nhất mà chúng ta có thể làm là khơi gợi lên, kích hoạt hoài bão, khát vọng.
Việc truyền lửa nhiệt tình cách mạng mà chúng ta lâu nay vẫn gọi thực ra chỉ là lối nói cường điệu. Trong hoàn cảnh chiến tranh, trước những tác động của hoàn cảnh (đất nước bị xâm lăng, đạn bom tàn phá quê hương, máu của những người vô tội tuôn chảy...) cộng với sự khơi gợi từ cộng đồng rồi ý thức tự thân mà các yếu tố nội dung nói trên đã hình thành. Nếu chúng tạo nên một nguồn lực như VMK quan niệm thì nguồn lực ấy được tập hợp ra sao ngoài cái việc kêu gọi (tinh thần đoàn kết), gợi lên và kích hoạt (hoài bãi, khát vọng)... và các yếu tố này tác động như thế nào đến vấn đề cần giải quyết sau loạt hành động kêu gọi hay gợi lên và kích hoạt ấy? Chúng chỉ tác động gián tiếp. Các yếu tố tinh thần kiểu như lòng căm thù giặc sâu sắc hay khát vọng độc lập không thể tiêu diệt hoặc đuổi quân thù ra khỏi bờ cõi. Chính lực lượng quân sự đủ mạnh ở một mức độ nào đó cộng với đường lối sách lược đúng đắn, nghệ thuật chiến tranh tài tình trên cơ sở khát vọng độc lập và lòng căm thù giặc sâu sắc đã thu giang sơn về một mối.
Tương tự như vậy, hoài bão và khát vọng vươn lên, ý chí dân tộc mạnh mẽ không làm tăng trưởng kinh tế... Việc kêu gọi tinh thần phục vụ nhân dân, chí công vô tư không làm cho thủ tục hành chính nhanh gọn... Sự đề cao tinh thần liêm chính và tính trung thực khi kê khai tài sản không làm cho nạn tham nhũng giảm bớt... Y đức không cắt bỏ được khối u...
Về tác động của những yếu tố tinh thần, có thể lấy thêm bóng đá để làm ví dụ minh họa cụ thể. Sức mạnh tinh thần có thể giúp một đội bóng chiến thắng vài ba trận (dĩ nhiên là với một số đối thủ nào đó), nhưng không thể giành thắng lợi suốt cả một giải đấu hay một mùa bóng dài. Chính thực lực và tính chuyên nghiệp mới giúp họ đăng quang.
Có lẽ vì quá say sưa với cái gọi là nguồn lực xã hội nên VMK đã cho rằng: một số ít quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, đã coi huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt là ý chí dân tộc và nhiệt huyết của tuổi trẻ, là bước đi nền tảng cho khai thác nguồn lực vật chất và nguồn lực con người. Kết quả là các quốc gia này đều đã làm nên những kỳ tích phát triển chỉ trong vòng không đầy bốn thập kỷ. Trong khi đó, bất kỳ một học sinh bậc trung học cơ sở nào trên thế giới này đều biết rằng cả ba nước này gần như chẳng có tài nguyên thiên nhiên để mà khai thác, còn tiền bạc và của cải trong dân ở thời điểm cách đây bốn mươi năm thì ai cũng rõ là hầu như chẳng có gì. Nếu tính nguồn lực vật chất bao gồm cả vị trí địa lý thì chỉ riêng Singapore có lợi thế này (cảng biển lý tưởng). Bất kỳ một ai, nếu có tìm hiểu về nước Nhật, đều biết rằng đất nước mặt trời mọc bắt đầu cất cánh kể từ thời Minh Trị thiên hoàng chứ không đợi đến sau Thế chiến hai. Sở dĩ người ta nhấn mạnh giai đoạn này mà quên mất khoảng thời gian tạo dựng nền móng trước đó bởi sau chiến tranh Nhật Bản đã vụt dậy từ đống tro tàn, trong sự kiệt quệ đến tận cùng, làm kinh ngạc cả địa cầu.
Cuối cùng là cái sai thứ tư trong đoạn trích ngắn ở trên: cả ba quốc gia nói trên có những bước tiến thần kỳ bắt nguồn từ trí lực và sau đó là nhân lực, không có cơ sở để nói rằng sự phát triển chóng mặt của những nước này khởi phát từ cái mà VMK gọi là nguồn lực xã hội. Nhật Bản bắt đầu cất cánh với trí tuệ hơn người của Minh Trị thiên hoàng, Singapore với Lý Quang Diệu... Chính sức mạnh của trí tuệ là bước khởi đầu cho mọi cuộc cách tân. Bước đột phá phải là việc hoạch định chiến lược phát triển, chứ không như quan niệm của VMK: khơi dậy và khai thác mạnh mẽ nguồn lực xã hội của dân tộc ta, từ ý chí dân tộc đến nhiệt huyết của tuổi trẻ, từ đạo lý xã hội đến đoàn kết toàn dân đang trở nên cấp thiết hơn lúc nào hết. Đây là bước đi quan trọng có tính đột phá nhằm mở ra cục diện phát triển cao hơn cho sự nghiệp đổi mới.
Việc hoạch định chiến lược phát triển luôn đóng vai trò quyết định trong sự vươn dậy của một quốc gia. Ở mức độ sâu sắc và toàn diện nhất, nó tạo ra một cấu trúc xã hội mới, lập nên một lộ trình rõ ràng cho cả dân tộc thể hiện qua đường lối, chủ trương, chính sách khoa học và nhất quán. Không những thế, việc hoạch định này còn xây dựng nên nguồn lực con người để thực thi đường lối, chủ trương, chính sách ấy. Cần phải nhấn mạnh rằng sự sai lầm trong nhận thức về khâu đột phá sẽ khiến cho cả một dân tộc phải trả giá.
Chúng tôi cho rằng: khi tìm câu trả lời cho bài toán chấn hưng và phát triển đất nước, bước đi đầu tiên là tối quan trọng, quyết định vận mệnh cả một dân tộc. Duy lý hay duy cảm thể hiện ngay ở khâu lựa chọn đầu tiên này. Kẻ duy lý tìm câu trả lời nơi mọi vấn đề có thể làm cho tường tận, rõ ràng. Người duy cảm cậy nhờ vào những điều không thể nắm bắt, hy vọng vào những yếu tố không thể kiểm soát, thậm chí trông chờ vào sự diệu kỳ chỉ có trong huyền sử - sự diệu kỳ của Gióng. Theo chúng tôi, điều này thể hiện sự bất lực trong việc tìm lời giải cho bài toán cần phải giải.
Nguyễn Trọng Tín, 732 Hùng Vương, Q.6. TP Hồ Chí Minh
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment