Friday, April 28, 2006

Luận bàn Tru tiên


Lam Anh


( .... .... .... )

Mở đầu Tru tiên viết “Từ thời thái cổ, nhân loại đối với thế giới quanh mình, thảy những sự kỳ dị, chớp loè sấm động, gió dữ mưa to, thiên tai nhân hoạ, thương vong vô số, lũ lụt khắp nơi, tuyệt không phải những sự sức con người có thể làm được, có thể chống cự được. Bèn cho rằng trên chín tầng trời có chư vị thần linh, dưới chín tầng đất có dồn đống âm hồn, diêm la điện phủ. Vì vậy truyền thuyết thần tiên lưu lại hậu thế”

Trong thuở sơ khai, ở Trung thổ có ba chính phái lớn : Thanh Vân Môn, Thiên Âm Tự và Phần Hương Cốc. Cả ba giáo phái đều là những bậc thần tiên, cưỡi mây về gió, tu luyện lâu năm, tuy không đến mức trường sinh bất lão nhưng việc trẻ mãi không già trong vài trăm đến hơn nghìn năm là điều quá dễ dàng. Câu chuyện bắt đấu khi một làng nhỏ sống dưới chân núi Thanh Vân đột ngột bị giết sạch, chỉ còn sót lại hai cô nhi và một lão già phát điên. Thương xót, Thanh Vân Môn đã thu nhận cô nhi vào làm môn đệ.

Thanh Vân Môn vốn có bảy chi nhánh, mạnh yếu khác nhau, trong đó, Lam Kinh Vũ, đứa trẻ có tư chất tốt hơn được vào chi nhánh mạnh nhất, còn Trương Tiểu Phàm, đứa bé thật thà chất phác được nhận vào chi nhánh yếu nhất, neo người nhất. Trong cái đêm xảy ra thảm họa, Trương Tiểu Phàm được Phổ Trí đại sư truyền cho tuyệt học Bát Nhã thần công của Phật giáo, sau đó lại trở thành đệ tử của Thanh Vân Môn, vô hình chung trong người hắn kiêm nhiệm cả hai tuyệt học của hai môn phái lớn nhất Trung Thổ, tuy cái đó làm sự thăng tiến kỳ nghệ trong những năm đầu của hắn khá chật vật, nhưng lại là căn bản vững chắc để hắn để hắn tiến xa hơn trong những năm sau. Trải qua bao gian nan có, may mắn có, Trương Tiểu Phàm trở thành một trong bốn đệ tử giỏi nhất của Thanh Vân Môn, được hạ sơn. Trong chuyến hạ sơn đó, Tiểu Phàm tình cờ gặp mặt Bích Dao, môn đệ của Ma Giáo, người đã có ảnh hưởng lớn nhất đến hắn sau này. Trong một sự tình cờ, bí mật của Trương Tiểu Phàm bị bại lộ, hắn trở thành đối tượng lôi kéo của Ma Giáo, là đối tượng bị truy giết của Thanh Vân môn. Bí mật khủng khiếp năm xưa bại lộ cùng với cái chết của Bích Dao đã đẩy hắn từ hàng ngũ Thanh Vân – chính phái, chuyển sang đầu quân cho Ma Giáo – Tà phái.

Đọc Tru tiên phảng phất thấy những nét gì đó của Phong Thần. Cũng những bậc thần tiên phong thanh đạo cốt, cũng những bảo bối tân kì, nhưng khác một chỗ, Tru tiên có ảnh hưởng của truyện kiếm hiệp nhiều hơn. Trong khi Phong Thần chỉ chìm sâu vào cuộc chiến mang nặng tính chất tranh đoạt giữa các giáo phái với nhau thì Tru Tiên lại giống với các tiểu thuyết kiếm hiệp thời đại hơn, với mô típ khá quen thuộc : một cô nhi sống sót sau cuộc thảm sát nào đó, luyện thành tuyệt nghệ ( luôn luôn là bao gồm tuyệt nghệ của hai ba nhà cùng một lúc) cuối cùng phát hiện ra kẻ đã thảm sát tòan gia mình là một nhân vật trong chính phái, từ đó chuyển sang nghi ngờ cái gọi là ranh giới giữa chính tà. Những bửu bối của Tru tiên cũng giống với vũ khí của các hiệp khách giang hồ chứ không phải biến hóa khôn lường như trong Phong Thần. Chỉ hơn mỗi một điều, trong các tiểu thuyết võ hiệp, các hiệp khách giang hồ sử dụng khinh công, còn trong Tru tiên, họ đằng vân giá vũ, và họ tu luyện cũng lâu năm hơn, từ mấy trăm năm đến hơn một nghìn năm, dung mạo của họ cũng trẻ mãi không già. Đó có lẽ là một trong những điểm giống của Tru Tiên với Phong Thần.

Cách dẫn truyện tự nhiên, mạch lạc, nội dung hấp dẫn, không có gì ngạc nhiên khi Tru Tiên lại được đông đảo người đọc khen ngợi đến thế. Trong khi các tiểu thuyết kiếm hiệp hiện đại rơi vào khuôn mẫu sáo mòn và sử dụng một giọng văn quá đỗi là thô thiển, dù Tru Tiên không phải là một bước đột phá mới khi lấy lại mô típ cũ nhưng việc thêm vào yếu tố thần kì đã khiến nó có một cái gì đó mới mẻ hơn, hấp dẫn hơn. Người đọc như được thấy một thế giới thần kì ( với những bậc thần tiên sống lâu trăm tuổi, trẻ mãi không già, đằng vân giá vũ) nhưng vẫn không quá xa rời với thực tại như vẫn tồn tại những mối quan hệ tình cảm rất đỗi bình thường (yêu ghét, giận hờn – tranh thù đoạt mệnh). Trong đó, người đọc như thấy ước mơ của mình, ước mơ về một cuộc sống trẻ mãi không già, Tru tiên không bao gồm trong nó những nhân vật bất tử, bất tử không phải là cái người ta mong muốn, mà chính sự trẻ mãi không già mới là cái thu hút nhất.

Tuy nhiên, Tru tiên không phải là một tác phẩm tuyệt hảo. Ngòai việc vẫn phải dựa trên những mô típ cũ như những tác phẩm kiếm hiệp kinh điển khác, nó vẫn không dám đẩy đến tận cũng những mâu thuẫn bao hàm trong nó. Có cảm giác không chân thực lắm khi Thương Tùng tự nguyện lộ mặt mà không cần bất kì chứng cứ nào. Hoặc chi tiết Pháp Tướng tự động kể lại hết toàn bộ sự việc mà Phổ Trí đại sư đã gây ra năm xưa khi chứng kiến sự cứng đầu của Trương Tiểu Phàm. Chỉ hai chi tiết đó thôi cũng đủ thấy khoảng cách giữa những cây viết thông thường với hai cây cổ thụ vẫn còn khá xa. Việc không dám đẩy tới tận cùng những mâu thuẩn ẩn chứa trong lòng làm câu chuyện tự nhiên hơi gượng, nó làm tác phẩm thiếu chiều sâu so với những gì mà nó đã đạt được. Đây quả là một điều đáng tiếc. Tuy nhiên nếu có thể rộng lượng hơn một chút thì Tru tiên vẫn là một tác phẩm nổi trội so với các tác phẩm hiện hành. Lời văn và nội dung của Tru Tiên trau chuốt hơn và không quá sa đà vào những mối quan hệ xxx nóng bỏng, điều mà ngay cả một số tác phẩm đang nóng hiện nay của Huỳnh Dị cũng không tránh khỏi. Cái đó làm nó cũng được nâng lên một bậc so với những tác phẩm đó.

Cuộc chiến chính tà trong Tru Tiên

Như những tác phẩm võ hiệp khác, Tru Tiên cũng không thể không ẩn chứa trong mình mâu thuẫn giữa hai phái chính tà, đương nhiên, đó là mâu thuẫn không thể tách rời khỏi các tác phẩm thuộc thể loại này. Trời đất tuy phân chia, nhưng vẫn gặp nhau ở một điểm. Nhớ ngày xưa đọc có câu “ Khi ánh sáng sinh ra, bóng tối cũng sinh ra, nếu không có bóng tối, làm sao hiểu thế nào là ánh sáng”. Chính tà là hai phạm trù song song, không thể tách rời nhau, có nhiều khi, nó trộn lẫn vào nhau khiến ta trong một chừng mực nào đó không thể phân biệt nổi thế nào là chính, thế nào là tà. “Trời đất vô nhân” nữa là con người. Phải chăng cái tư tưởng vô nhân đó đã thấm vào tâm tủy những kẻ quyền cao chức trọng thuộc chính phái, để rồi, mỗi hành động đều chỉ vì mục đích cá nhân mà không xét đến hậu quả của nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến những cá nhân khác.

Như Phổ Trí đại sư, tuy là một bậc cao tăng đắc đạo của Thiên Âm Tự, chỉ vì mục đích muốn để tuyệt học hai nhà Thanh Vân môn và Thiên Âm Tự được hòa trộn với nhau mà không ngần ngại giết sạch những người dân sống dưới chân núi Thanh Vân. Pháp Tướng đại sư đổ lỗi cho việc Phổ Trí đã bị tà ác xâm nhập, không thể nào, chẳng qua lục căn chưa tịnh, đáy lòng vẫn sân si nên mới có cơ hội trào lên như vậy.

Hoặc như Thanh Trùng của Thanh Vân Môn, chỉ vì để trả thù cho vị sư huynh của mình mà không ngần ngại bán rẻ cả Thanh Vân Môn, dẫn Quỷ Vương Tông xâm nhập và tàn sát chính đồng đạo mình. Thanh vân môn thối nát, nói bậy, cho dù có là như thế thì đó chỉ là những kẻ cầm đầu, đại đa số còn lại thì sao, chỉ vì lỗi của một kẻ khác mà phải hy sinh mạng sống chăng.

Khi thiên thần giết xong ác quỷ, thì máu của ác quỷ đã thấm đẫm người thiên thần” Quả nhiên chính phái và tà phái cũng sinh ra từ một gốc, và không phải cứ chính phái là làm những việc tốt, còn tà phái là làm những việc xấu. Và nếu chính phái xấu xa như vậy thì thà qua làm tà phái còn hơn. Tư tưởng này đã được Tru tiên khắc họa thông qua hình ảnh của Trương Tiểu Phàm. Tuy nhiên, tư tưởng tà bất thắng chính vẫn tiềm ẩn trong ngòi bút của tác giả, cho đến tận cùng tác giả vẫn chưa để cho Trương Tiểu Phàm làm bất cứ điều gì phương hại đến chính phái, mà chỉ tham gia vào tiêu diệt và tàn sát chính trong nội bộ Ma giáo. Phải chăng đó chính là một đường lui để cuối cùng tác giả sẽ đưa Tiểu Phàm trở lại trong Chính giáo. Nó cũng là điểm khác so với Phong Thần, trong Phong Thần, dù là Triển Giáo hay Xiển Giáo, phàm đã tham gia chiến đấu thì đều có cơ hội lên bảng Phong Thần. Không như trong Tru tiên, khi Tiểu Phàm bị nghi vấn là ma giáo cài vào thì bị “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”, nhưng khi Thanh Trùng phản bội thì vẫn thản nhiên trở về bên Quỷ Vương mà không thấy bất kì hành động truy sát nào của Thanh Vân Môn. Hoặc giả thái độ của hai cô nhi Trương Tiểu Phàm và Lâm Kinh Vũ đối với Thiên Âm tự, nơi dung túng hành động của Phổ Trí đại sư. Tác giả đã thể hiện rõ ngòi bút vẫn còn nương nhẹ với chính phái của mình, thành ra đi ngược lại với tư tưởng chính thống tồn tại từ ngàn xưa của người Trung Quốc. Không rõ có nên coi đây là một sự đột phá mới của tác giả không.

(còn tiếp)

Cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ sự chăm chỉ dịch thuật của các bậc tiền bối trong Nhạn Môn Quan, nhưng khả năng có hạn không thể tiếp bước nên vô cùng hổ thẹn. Vì vậy gắng gượng viết mấy dòng gọi là luận bàn với các anh hùng trong thiên hạ.

Rất mong được sự chỉ giáo của tiền bối Quan Xa Lon và các bậc tiền bối trong Nhạn Môn Quan.

Lam Anh kính bút.

No comments: