Monday, April 03, 2006

Vấn đề tranh chấp biển Đông
Phỏng vấn Vũ Quang Việt



Giới thiệu của Thời Đại Mới

Nhân việc xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc trong sự kiện Trung Quốc tấn công những người đánh cá Việt Nam trên Vịnh Bắc Bộ, Thời Đại Mới thay vì chờ đợi các bài nghiên cứu sâu nhưng cần thời gian dài để sửa soạn, đã mở mục phỏng vấn một số thành viên trong Ban Biên Tập, là những người trước đây đã tham gia Hội Thảo Hè 1998 với đề tài Vấn Đề Tranh Chấp biển Đông. Dưới đây là bài phỏng vấn anh Vũ Quang Việt, người đã có bài tham gia trong Hội Thảo Hè năm 1998. Anh Việt không phải là chuyên gia về chính trị nhưng là người thường xuyên theo dõi các vấn đề liên quan đến Việt Nam.




Thời Đại Mới: Nếu cứ với đà phát triển như hiện nay, tức là không khủng hoảng toàn diện về tài chính hoặc nội loạn, Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc về kinh tế theo nghĩa GDP của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trong vòng 20-30 năm nữa. Các bạn có nghĩ điều này sẽ cho phép Trung Quốc trở thành một cường quốc quân sự trong khu vực không? Thế nào là một cường quốc quân sự?

Vũ Quang Việt: Vào năm 1998, trong Hội thảo Hè hàng năm mà nhiều anh em chủ trương Thời Đại Mới là thành viên tổ chức, tôi đã làm một phân tích khả năng phát triển của các nước đến 2050 là nếu Trung Quốc phát triển tốt, khoảng 7% một năm, thấp hơn hiện nay thì đến năm 2050 Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về GDP, chiếm 17% tổng sản lượng thế giới so với Mỹ là 15%. Vào năm 2020, Trung Quốc sẽ gần bắt kịp Nhật. Bản phân tích này xem ra vẫn còn giá trị. Không những thế, từ khi Tổng thống Bush con lên cầm quyền, nhiều nhà phân tích cũng đi đến cùng một kết luận. GDP lớn cho phép Trung Quốc xây dựng một lực lượng quân sự đáng kể hơn hiện nay nhiều. Cứ thử tưởng tượng Trung Quốc chỉ bằng Mỹ ở thời điểm như hiện nay (chứ không phải to lớn hơn nhiều trong 45 năm sắp tới), tức là Trung Quốc có GDP là 10.000 tỷ US. Họ có thể chi tiêu vào quốc phòng đến mức 10% GDP mà không sợ kinh tế bị ảnh hưởng mạnh. Với 1.000 tỷ US một năm, còn cao hơn Mỹ hiện nay, thì thế quân sự của Trung Quốc trên thế giới và đặc biệt là ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương có thể sẽ khác hẳn. Tất nhiên thế quân sự này sẽ chỉ khác hẳn nếu như Mỹ không có phản ứng ngược lại.

TĐM: Anh nghĩ Trung Quốc dự định gì và Mỹ định làm gì để chờ đón năm 2050 ấy? Mục đích dài lâu của Trung Quốc có phải là kiểm soát biển Đông để bảo đảm nguồn dầu lửa có thể là rất nhiều ở đây không? Nếu không phải là dầu lửa, thì lý do gì Trung Quốc tiếp tục coi gần như toàn bộ biển Đông là thuộc về của họ?

VQV: Thật khó lòng biết có phải Trung Quốc chỉ nhằm vào dầu lửa ở biển Đông không? Có thể chỉ là một thứ “posturing” trong bàn cờ khu vực và thế giới. Nhưng chính sách của Trung Quốc về biển Đông là rõ ràng. Họ đã tuyên bố nhiều lần, vẽ trên bản đồ của họ và được Quốc hội Trung Quốc thông qua nghị quyết là biển Đông thuộc về họ. Trung Quốc ký tham gia Luật Biển Liên Hợp Quốc năm 1996, nhưng lại xác định thêm trong bản ký kết về toàn vẹn chủ quyền trên các đảo và quần đảo theo luật của Trung Quốc, mặc dù Trung Quốc không được coi là một quốc gia quần đảo. Ngoài ra, họ cũng tuyên bố nhiều lần là không đàm phán đa phương về việc này mà chỉ đàm phán song phương về khai thác kinh tế để hai bên cùng có lợi. Tuyên bố trên đi ngược với Luật Biển Liên Hợp Quốc và chính sách song phương này đi ngược với tuyên bố chủ quyền biển Đông. Đã là thuộc về mình thì tại sao phải đàm phán chia quyền lợi kinh tế trừ khi là trên cơ sở góp vốn làm ăn.

Với con bài chính sách song phương họ đã kiếm cách chia rẽ các nước ASEAN, ký kết riêng với Phi Luật Tân về khai thác biển. Không hiểu rõ nội dung hiệp ước song phương giữa Phi và Trung Quốc như thế nào nhưng có thể chỉ là hình thức góp vốn làm ăn như Việt Nam cho phép một công ty nước ngoài góp vốn đầu tư vào hoạt động kinh tế trong lãnh thổ Việt Nam. Trung Quốc vừa đe doạ vừa muốn dụ khị các nước khu vực theo họ. Chiến lược dài lâu và tối đa của Trung Quốc là kiểm soát biển Đông, nếu không được thì là siêu cường đòi hỏi Mỹ chia quyền lợi. Ngoại giao Trung Quốc hiện nay đã từ bỏ con đường than vãn về quá khứ bị Nhật và cường quốc Tây phương xâu xé để đòi quyền lợi trong đó có việc muốn trở thành lãnh đạo để bảo vệ quyền lợi các nước thứ ba. Chính sách ngoại giao đã chuyển sang xác định Trung Quốc là một cường quốc và đòi hỏi quyền lợi của một cường quốc. [Xem Evan S. Medeiros và M. Taylor Fravel, “Chính sách ngoại giao mới của Trung Quốc”, Foreign Affairs, tháng 11-12, 2003)

Cùng với định dạng tư thế dài lâu như thế, Trung Quốc chỉ đến gần đây mới chấp nhận tham dự các hiệp ước giảm trừ võ khí nguyên tử và nhất là viêc thương thảo hiệp ước đa phương về chấm dứt thử võ khí nguyên tử Comprehesive Test Ban Treaty (CTBT) để có thì giờ phát triển võ khí hạt nhân. Trước đây họ chỉ tuyên bố không phải là người dùng võ khí nguyên tử để tấn công, vì cho rằng các hiệp ước này là nhằm ngăn cản Trung Quốc trở thành cường quốc nguyên tử. Trong thời gian chờ đợi, Trung Quốc tiếp tục thử võ khí nguyên tử 6 lần vào những năm 1993, 1994, 1995, 1996 và 1996. Trung Quốc cũng đã sắp đặt 20 hoả tiễn đường xa có đầu đạn nguyên tử nhắm vào các địa điểm ở nội địa nước Mỹ và có kế hoạch nâng lên con số 75-100 đầu đạn nguyên tử vào năm 2015. So với tổng số 1.700-2.200 hoả tiễn của Mỹ và Nga thì con số của Trung Quốc là đáng kể. Hiện nay Trung Quốc đã là thành viên Hiệp định giảm trừ võ khí nguyên tử chỉ sau khi thử thành công để trở thành cường quốc nguyên tử đáng sợ.

TĐM: Mỹ phản ứng với thái độ của Trung Quốc như thế nào?

VQV: Nếu Clinton và phe đảng Dân chủ cho rằng Trung Quốc sẽ tập trung xây dựng kinh tế và không phiêu lưu quân sự thì khi Bush lên cầm quyền ông ta nghĩ khác hẳn. Chính sách của ông ta là ngăn cản sự bành trướng của Trung Quốc, chuyển tập trung lực lượng quân sự từ Âu châu sang Á châu. Điểm quan trọng hơn cả là Bush xem xét lại chính sách nguyên tử trong tài liệu mật Nuclear Posture Review, trình quốc hội vào tháng 12 năm 2001 nhưng bị rò rỉ ra ngoài. Trong tài liệu này, chiến lược của Mỹ chuyển từ đe doạ (threat-based) sang xây dựng tiềm năng (capabilities-based) nhằm ngăn ngừa (deter) và chống đỡ (defend) các mối đe doạ, tức là có thể tấn công trước để trừ hậu hoạn bị tấn công từ những nước được liệt kê sau: Trung Quốc, Nga, Iraq, Bắc Triều Tiên, Iran, Libya và Syria. Bush tuyên bố tại đại học quân sự West Point vào năm 2002: “Chúng ta phải đem chiến trường đến kẻ thù, làm rối loạn kế hoạch của chúng, và đối đầu với những đe doạ tồi tệ nhất trước khi chúng lòi đầu ra.” Như vậy là Mỹ sẵn sàng dùng võ khí nguyên tử không những trả đũa mà để tấn công trước trừ hậu hoạn. Đây cũng chính là quan điểm Mỹ dùng để đối phó với Iraq sau vụ 11 tháng 9 năm 2001 và hiện nay là quan điểm đối với Bắc Triều Tiên và Iran.

Cùng vào tháng 12 năm 2001 khi trình quốc hội về thay đổi chính sách về võ khí nguyên tử, Bush đơn phương rút khỏi Hiệp ước Chống Đầu đạn Nguyên tử ABM (Anti-Ballistic Missile Treaty) ký với Liên Sô năm 1972. Bush làm thế sau khi tuyên bố, “Nga trước đây không phải là Nga bây giờ, Nga bây giờ không phải là kẻ thù của chúng ta.” Rõ ràng là Bush coi Trung Quốc là kẻ thù tiềm năng.

TĐM: Tại sao Mỹ lại phải rút ra khỏi Hiệp ước Chống Đầu đạn Nguyên tử ABM?

VQV: Vì Mỹ muốn thử võ khí có đầu đạn nguyên tử với phóng xạ cỡ hạn chế ( low-yield earth-penetrating nuclear weapon) nhằm chui xuống hầm sâu kiên cố với sức phá hủy lớn. Võ khí này, không có đầu đạn nguyên tử, đã được thử Afghanistan, chui xuống hầm sâu trong núi rồi mới nổ tung. Với đầu đạn nguyên tử sức công phá sẽ ghê gớm hơn. Có thể nói võ khí này cũng có thể diệt các hàng không mẫu hạm rất dễ dàng. Nói chung Mỹ muốn xây dựng một hệ thống quân sự gồm: võ khí tấn công nguyên tử và phi nguyên tử, hệ thống phòng chống hoả tiễn và hạ tầng cơ sở phòng chống tự động. Tất cả đều đòi hỏi việc thử võ khí nguyên tử.

TĐM: Vậy chiến lược của Mỹ ở Á châu là gì?

VQV: Trong tài liệu xem xét lại thế đứng về võ khí nguyên tử của Mỹ nói trên, Mỹ cho rằng cần có kế hoạch sẵn sàng để đương đầu khi Trung Quốc tấn công Đài Loan sau khi xem xét “tổng hợp các mục tiêu chiến lược đang trong quá trình hình thành của Trung Quốc và chương trình hiện đại vũ khí nguyên tử và phi nguyên tử của họ.” Chính Bush đã tuyên bố không cho phép một thế lực nào ngóc cổ cạnh tranh với Mỹ về quân sự. Mỹ đã đưa Nhật vào qũi đạo mạng lưới phòng thủ các cuộc tấn công bằng hoả tiễn và đồng thời khuyến khích Nhật võ trang lại. Với các nước ASEAN, Mỹ sẽ tăng cường việc hợp tác quân sự chứ không lơ là như trước. Việc lôi kéo Việt Nam cũng điều Mỹ đang làm. Mỹ sẽ không áp dụng các biện pháp bao vây Trung Quốc, nhưng Mỹ đã thấy ý đồ của Trung Quốc và tiềm năng của họ nên Mỹ không thể không sửa soạn lực lượng để cho Trung Quốc thấy rằng các manh động phải trả giá đắt. Đây là sự khác biệt giữa đánh gíá của Zbigniew Brzezinski, đảng viên đảng dân chủ, cố vấn an ninh của tổng thống Carter trước đây và giáo sư John J. Mearsheimer, đảng viên đảng cộng hoà, giám đốc chượng trình nghiên cứu về chính sách an ninh quốc tế ở đại học Chicago. Brzezinski cho rằng Trung Quốc không điên dại làm chuyện đó vì Trung Quốc muốn phát triển và vì bất cứ một cuộc đối đầu nào với Mỹ sẽ làm ngưng trệ kinh tế Trung Quốc vì Mỹ có thể dễ dàng cấm vận. Ngược lại John J. Mearsheimer cho rằng không thể biết được Trung Quốc sẽ làm gì do đó phải sửa soạn đối phó với tình huống xấu nhất như kinh nghiệm về Hitler và Nhật trước đây cho thấy điều kiện phát triển khá về kinh tế của Đức và Nhật đã không kìm hãm nổi các hành động điên cuồng. (Xem "Clash of the Titans", Foreign Policy, số tháng 2-3, 2005, về cuộc thảo luận giữa hai người này.)

Mới đây, quan chức Mỹ càng tỏ vẻ lo ngại về việc tăng cường xây dựng quốc phòng của Trung Quốc. Nhật cũng lo ngại không kém khi Trung Quốc gửi tầu ngầm nguyên tử xâm phạm vùng lãnh thổ Nhật. Ngày 17 tháng 2 năm nay (2005), điều trần trước quốc hội Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Rumsfeld cho rằng Trung Quốc đã tăng ngân sách quốc phòng hàng năm ở tốc độ 2 con số (10% trở lên) trong những năm qua; và năm 2004 Trung Quốc tăng số hoả tiễn có đầu đạn nguyên tử, và tầu ngầm cũng như võ khí thông thường nhưng tối tân khác. Ngoài ra, Rumsfeld nói Trung Quốc đang đưa hải quân ngày càng xa bờ mà theo tình báo Mỹ số tầu chiến Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trong vòng 10 năm tới. Theo báo New York Times ngày 18/2/2005, với những lo lắng trên, Nhật và Mỹ sẽ gặp gỡ để ký kết thoả ước chung, lần đầu tiên nhận định là an ninh của eo biển Đài Loan là “mục đích chiến lược chung” của hai nước. Giám đốc CIA điều trần trước ủy ban quốc phòng thượng viện một ngày trước đó là “khả năng của Trung Quốc đang đe doạ lực lượng quận sự Mỹ ở khu vực.”

TĐM: Như vậy anh thấy Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào? Trung Quốc bó tay?

VQV: Tất nhiên Trung Quốc sẽ phải kìm hãm ít nhất là trong giai đoạn hiện nay các hành động phiêu lưu về Đài Loan và biển Đông, tham dự các hội nghị bàn về hạn chế võ khí nguyên tử (chứ không đứng ngoài như trước) nhưng mặt khác Trung Quốc vẫn tiếp tục con đường họ đi, họ vẫn xác định biển Đông là của họ, vẫn tìm cách áp lực các nước ASEAN nghiêng về họ. Áp lực của họ đến đâu còn tùy thuộc phản ứng của Mỹ. Trung Quốc đang tăng cường xây dựng và bành trướng các hoạt động tầu ngầm trên biển Đông và có thể là đang trong quá trình xây dựng hàng không mẫu hạm. Lúc trước đây Trung Quốc đã mua lại hàng không mẫu hạm bị thải hồi của Ukraine, và họ cho rằng đó là công ty tư nhân của Trung Quốc mua sắt vụn, nhưng có thể cũng không ra ngoài việc tìm kiếm kinh nghiệm xây dựng võ khí mới. Các chuyên gia Mỹ cho rằng để nối dài cánh tay kiểm soát biển Đông Trung Quốc cần ba hàng không mẫu hạm và có thể làm xong vào năm 2020. Có thể nói, Mỹ sẽ không chấp nhận sự kiểm soát biển Đông của Trung Quốc nhưng sẽ chấp nhận Trung Quốc là cường quốc khu vực với quyền lợi nhất định, vì đó cũng là cách ngăn ngừa Trung Quốc. Mỹ đã tuyên bố rõ ràng là không để Trung Quốc kiểm soát quyền đi lại trên hải phận quốc tế ở biển Đông. Tất nhiên như vậy Trung Quốc vẫn tiếp tục chính sách tằm thực (tằm ăn dần) chiếm dần các đảo trên biển Đông đặc biệt là thuộc chủ quyền một nước không phải là đồng minh của Mỹ. Mỹ sẽ tiếp tục chính sách đứng ngoài tranh chấp giữa các nước trong khu vực về biển Đông và khả năng rất lớn là Mỹ sẽ đứng ngoài vòng nếu có cuộc chiến giữa Việt Nam và Trung Quốc ở biển Đông. Hiện nay, Tổng thống Bush theo tin báo chí là trong nhiệm kỳ 2 có khả năng chấp nhận Luật Biển Liên Hợp Quốc mà Reagan đã không chịu ký trước đây, với lý do là vùng biển nằm ngoài hải phận thuộc về bất cứ ai có khả năng khai thác. Giới quân sự Mỹ cho rằng luật biển là bước tiến nhằm quản lý các tranh chấp về biển. Luật biển chấp nhận chủ quyền quốc gia 12 hải lý từ bờ, chủ quyền khai thác kinh tế 200 hải lý và những tình huống phức tạp về chia địa giới khi các nước có biên giới biển hoặc chủ quyền đảo.

TĐM: Vấn đề chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông sẽ như thế nào? Anh có thể nói thêm về luật biển của Liên Hợp Quốc? Phải chăng nó có thể là cơ sở để giải quyết vấn đề tranh cháp ở biển Đông?

VQV: Xác định chủ quyền của Trung Quốc trên toàn biển Đông là đi ngược với Luật Biển Liên Hợp Quốc đã được nhiều nước thông qua, trừ Mỹ mặc dù khả năng sắp tới là Mỹ cũng thông qua như đã nói ở trên. Luật Biển Liên Hợp Quốc xác định chủ quyền như thế nào? Theo điều 121 của luật này, các đảo là những hòn đá trên đó không thể nuôi dưỡng nổi con người và đời sống kinh tế tự túc thì không có vùng chủ quyền kinh tế (Rocks which cannot sustain human habitation or economic life of their own shall have no exclusive economic zone or continental shelf). Có thể nói chẳng có một hòn đảo nào trong khu vực Trường Sa là hội đủ điều kiện có thể có nền kinh tế tự túc để Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền toàn bộ vùng biển giữa Phi, Việt Nam và Mã Lai chẳng hạn. Viêc Trung Quốc chiếm các hòn đá Mischief và xây dựng căn cứ quân sự là một thí dụ trong việc xác định chủ quyền ở biển Đông. Các nhóm hòn đá trong khu Trường Sa nếu thuộc chủ quyền của một nước nào đó thì chỉ có 12 hải lý chung quanh nó là thuộc họ. Do vậy điều này cần là cơ sở để các nước kiện Trung Quốc ở toà án quốc tế về chủ quyền biển Đông dựa trên Luật Biển Liên Hợp Quốc. Khi có tranh chấp và khi hai bên không thể tự giải quyết thì có thể dùng 4 phương tiện giải quyết khác: Toà án Quốc tế (International Court of Justice), Toà án Quốc tế về Luật Biển (International Tribunal for the Law of the Sea), và một Hội đồng Hoà giải như ghi trong Luật Biển hoặc một Hội đồng Hoà giải đặc biệt mà hai bên đồng ý.

TĐM: Việt Nam nhìn Luật Biển Liên Hợp Quốc như thế nào?

VQV: Việt Nam đã ký kết Luật Biển và đã xử dụng nó trong việc giải quyết lãnh hải với Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ, nhưng chưa thấy xử dụng chúng trong vấn đề Trường Sa. Cho đến nay thay vì chấp nhận quan điểm trên cơ sở Luật Biển, Việt Nam cũng tuyên bố mơ hồi gần như Trung Quốc là khu vực Trường Sa thuộc về chủ quyền Việt Nam. Việt Nam cũng chưa sử dụng các chế tài quốc tế, như toàn án quốc tế để bảo vệ mình. Là một nước nhỏ Việt Nam không thể đơn phương chống lại Trung Quốc do đó cần dùng chế tài quốc tế. Tuy nhiên Việt Nam cũng đã làm những quyết định giải quyết về biên giới đất liền và Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc. Việc Việt Nam ký kết với Trung Quốc về hiệp định biên giới trên bộ và ở vịnh Bắc Bộ là hoàn toàn đúng đắn. Quan điểm cá nhân của tôi là dù có thiệt thòi một chút (nếu có thiệt thòi thật đi nữa) vẫn là điều cần làm để bảo vệ mình và hai hiệp định này được ký kết khi Trung Quốc còn yếu cũng là cái may, nếu để đến lúc Trung Quốc trở thành siêu cường mà lại không có hiệp định thì quả là nguy to. Vấn đề trên biển Đông thì tất nhiên không thể giải quyết trước mắt. Việt Nam vẫn phải tiếp tục xác nhận chủ quyền ở Hoàng Sa và tất nhiên là một số đảo ở Trường Sa, nhưng không thể là tất cả. Việt Nam cũng cần giải quyết nhanh vấn đề biên giới với các nước trong khối ASEAN, có như thế khối ASEAN mới có thể tiến tới một đối sách chung với Trung Quốc.

TĐM: Mặc dù vấn đề biển Đông là vấn đề dài lâu chưa thể có giải pháp. Tuy nhiên đã có những bước phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Trung Quốc như hiệp định về biên giới trên bộ và vịnh Bắc Bộ đã được ký kết, vậy thì lý do gì Trung Quốc phải làm hành động khiêu khích, tới mức bắn giết những người đánh cá Việt Nam, bắt và đem ra toà vì tội hải tặc. Nếu có một chút tình hữu nghị thật sự thì họ đã giải quyết khác, dù những người đánh cá thêm là hải tặc thật. Anh phân tích vấn đề này như thế nào? Lại vào đúng lúc kỷ niệm 55 năm hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam ở Hà Nội. Vậy mục đích của Trung Quốc là gì?

VQV: Vấn đề biển Đông là vấn đề lâu dài chúng ta sẽ nói đến sau. Tuy nhiên sau khi tỏ thái độ hợp tác hoà bình bằng việc ký kết với ASEAN qui tắc hành xử trên biển Đông (ASEAN – China Code of Conduct) vào năm 2000 thì việc Trung Quốc tấn công tầu đánh cá Việt Nam và bắt giam 8 người vào đúng lúc Hà Nội tổ chức kỷ niệm 55 tình hữu nghị Việt Trung là chuyện bất ngờ. Trung Quốc tấn công vào ngày 8/1/2005 và đến gần sau một tuần lễ vào ngày 13/1/2005 Việt Nam mới “yêu cầu phía Trung Quốc có các biện pháp tích cực nhằm ngăn chặn và chấm dứt ngay những hành động sai trái trên, cho điều tra và xử lý nghiêm những kẻ bắn chết người.” Nghe nói Việt Nam phản ứng chậm vì không muốn ảnh hưởng đến kỷ niệm tình hữu nghị. Và phản đối này cũng rất nhẹ nhàng, mở cửa cho Trung Quốc có thái độ mềm dẻo. Sau đó Việt Nam đề nghi vào ngày 16/1/2005 là hai bên “tổ chức hội nghị Uỷ ban liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ để sớm ổn định tình hình trong vùng đánh cá chung ở Vịnh Bắc Bộ, không để tái diễn những sự việc tương tự nhằm thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ giữa hai nước.” Ngày 18/1/2005 Trung Quốc trả lời là cuộc tấn công là nhằm vào đánh trả hải tặc Việt Nam và những hải tặc này đã nhận tội và Trung Quốc có bằng cớ. Khẳng định này cho thấy Trung Quốc đặt Việt Nam vào thế khó xử và có tính thách thức: hoặc Việt Nam chấp nhận kết luận của Trung Quốc, hoặc Việt Nam tiến tới một bước gì mạnh mẽ hơn. Làm gì có việc mở đường cho việc giải quyết một cách hữu nghị, nể mặt nhau. Sau đó, đến ngày 21/1/2005 Trung Quốc mới cho phép Tổng lãnh sự Việt Nam ở Quảng châu đến coi xác và thăm người bị bắt, nhưng không chịu thả và còn đòi đưa ra toà. Cuối cùng đến ngày 7/2/2005 Toà án Trung Quốc xử trắng án những người đánh cá. Chính việc xử này đơn phương này cho thấy đây là trò hề chính trị vì chính Trung Quốc trước đó đã chính thức ra tuyên bố kết tội những người thuyền nhân này là hải tặc.

Hãy bỏ qua việc xử án. Cũng hãy bỏ qua vụ tấn công trên có vi phạm Hiệp định phân định lãnh hải giữa hai nước hay không mà trong đó hai bên đã có thoả thuận giải quyết hoà bình các tranh chấp. Chỉ nhìn vào hành động của Trung Quốc và trả lời chính thức của họ cũng cho thấy là thái độ của Trung Quốc có tính de doạ, lên mặt đàn anh.

Phải chăng họ muốn nói là tất cả những hành động nào mà Trung Quốc coi là không phải, họ sẽ dùng vũ lực nếu như họ tự cho rằng họ bị tấn công. Và như vậy họ có thể bịa ra bất cứ một lý do nào đó trong tương lai để dùng vũ lực ở bất cứ nơi nào ở biển Đông mà họ cho là của họ khi họ cần dùng vũ lực.

Phải chăng điều này là biểu hiện việc Trung Quốc sẵn sàng dằn mặt Việt Nam trong nhiệm kỳ hai của Bush vì Bush có dấu hiệu muốn Việt Nam nghiêng hơn về phí Mỹ. Đây chỉ là một giả thiết cần tìm hiểu. Phải chăng Trung Quốc không chấp nhận Việt Nam đứng ngoài sự tranh chấp siêu cường và chỉ muốn Việt Nam ngoảnh mặt về phía Trung Quốc? Quả thật điều này còn quá sớm để khẳng định. Một bước sai có thể đưa đến những hậu quả khó lường của Trung Quốc. Việt Nam cần tiếp tục chính sách không nghiêng phe nào, nhưng phải luôn cảnh giác rằng Việt Nam rất cần hữu nghị với Trung Quốc, nhưng không thể coi Trung Quốc là bè bạn, nói chi là bè bạn chí cốt. Việt Nam trong vụ bắn thuyền nhân vừa qua đã rất khiêm nhượng giải quyết “song phương” với Trung Quốc, không muốn tạo dư luận quốc tế đã làm cho chính giới nước ngoài cho rằng Việt Nam nghiêng về phía Trung Quốc. Chừng nào Trung Quốc chưa tuyên bố bỏ việc xác định chủ quyền toàn diện ở biển Đông và chừng nào Trung Quốc chưa chấp nhận tham gia giải quyết đa phương vấn đề chủ quyền theo Luật Biển Liên Hợp Quốc thì chừng đó Trung Quốc vẫn là hiểm hoạ về an ninh trong khu vực.

TĐM: Anh nói không nghiêng về phe nào nghĩa là gì? Trung lập?

VQV: Không nghiêng không có nghĩa là trung lập. Nó đòi hỏi việc đánh giá tình hình thế giới trên quan điểm đạo đức con người, và tư duy thuần lý nhưng đồng thời để đi đến quyết định hành động và thế đứng như thế nào là tuỳ thuộc vào quyền lợi quốc gia. Lấy một thí dụ là khi Mỹ muốn trừng trị Saddam Hussein với quá khứ và hành động về mặt con người không thể chấp nhận được, chính phủ Việt Nam đứng ngay về phía Saddam, dựa trên cách nhìn: kẻ thù của kẻ thù ta là bạn ta. Một thế đứng tốt hơn cho quyền lợi của quốc gia là kêu gọi giải pháp hoà bình. Về nhiều hành động ngoại giao, có thể nói chính phủ Việt Nam phản ứng với nhãn quan khá rõ là Mỹ là kẻ thù. Một thí dụ thứ hai là vào 1 tháng 4 năm 2001 khi một máy bay Trung Quốc rớt vì đụng vào máy bay thám thính của Mỹ bay trên biển Đông, được xác định là cách 60 km vùng lãnh hải của Trung Quốc theo Luật Biển Liên Hợp Quốc, Việt Nam ra tuyên bố ủng hộ Trung Quốc, giống như tự bắn vào chân mình. Cần xác định là mọi quốc gia đều có quyền đi lại trên vùng lãnh hải quốc tế và biển Đông không thuộc về Trung Quốc.

TĐM: Thế anh có cho rằng Mỹ nghĩ Việt Nam có cái nhìn thù địch đối với họ không?

VQV: Không hẳn như thế nhưng họ biết Việt Nam cảnh giác với họ ở mức cao do đó mà họ cho rằng Việt Nam là nghiêng về phía Trung Quốc cũng dễ hiểu. Chuyện trước đây có lãnh đạo cao cấp muốn nghiêng về phía Trung Quốc qua việc đề nghị với Trung Quốc về giải pháp đỏ ở Campuchia, nhằm lập một chính phủ cộng sản Campuchia chống lại Mỹ và bảo vệ chủ nghĩa xã hội (đã bị chính Trung Quốc từ chối vì giải pháp này có hại cho quyền lợi của Trung Quốc trong đối sách với Mỹ), nhưng đã tạo cho Mỹ nhìn Việt Nam một cách không thuận lợi. Trung Quốc không muốn bảo vệ xã hội chủ nghĩa mà chỉ muốn trở thành siêu cường, vừa hợp tác đồng thời vừa đối trọng để có được sự công nhận của Mỹ là Trung Quốc là một siêu cường ít nhất là trong khu vực. Việc một vài lãnh đạo cao cấp chủ trương đồng chí với Trung Quốc cũng là dựa vào nguyên tắc cơ bản là không nên biến Trung Quốc thành kẻ thù, điều này tất nhiên phải thế, nhưng họ lại không nhìn xa hơn để thấy vai trò của Mỹ. Tất nhiên chuyện đó đã qua rồi. Và giới chính trị Việt Nam đã thấy rõ là Trung Quốc hành động không phải vì mục đích bảo vệ xã hội chủ nghĩa mà vì quyền lợi siêu cường của họ. Trung Quốc muốn đảng cộng sản tiếp tục lãnh đạo Trung Quốc nhưng quyền lợi quốc gia Trung Quốc là trên hết. Bất cứ ý đồ nào mong muốn cùng Trung Quốc bảo vệ sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản sẽ tạo ra thế đứng không thể gọi là hai hàng.

TĐM: Anh nghĩ Việt Nam không nên cảnh giác là Mỹ luôn luôn tìm mọi cách thực hiện diễn biến hoà bình, lật đổ chế độ để phá hoại sự ổn định ở Việt Nam?

VQV: Bất cứ một nước nào chẳng phải cảnh giác trong việc xem xét hành động của một nước khác, nhất là hành động của nước đó có liên hệ mật thiết với quyền lợi quốc gia của mình. Nhưng là cảnh giác tỉnh táo. Nước Mỹ chắc chắn không những muốn, mà còn áp lực Việt Nam dân chủ hơn, và chắc chắn sẽ vui mừng hơn nếu Việt Nam tự đổi mới để nâng cao thể chế dân chủ. Nhưng việc có chính sách và hành động để lật đổ hay gây diễn biến hoà bình là chuyện khác. Với một Trung Quốc ngày càng mạnh với tư cách một cường quốc đang lên, Mỹ không cần và không thể bao vây, nhưng vẫn muốn các thế lực chung quanh mạnh để cân bằng và nếu như Trung Quốc có hành động phiêu lưu trong tương lai thì họ có đồng minh để đối phó. Họ sẽ phải đặt ra cho Trung Quốc thấy, không phải chỉ bằng lời nói mà bằng lực lượng, là tốt nhất là mọi người cùng hoà bình hữu nghị để phát triển nhưng Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt nếu như manh động. Tất nhiên Việt Nam, dù có muốn, cũng không đủ lực làm tiền đồn bao vây. Việt Nam, Trung Quốc và Mỹ đều thấy điều này.

Nhưng ngược lại chính vì quá chú trọng vào tiềm năng “thù địch” của Mỹ, mà độ nghiêng cần thiết về phía Mỹ, có lợi cho quyền lợi của hai nước có thể bị ảnh hưởng. Vấn đề hợp tác chống khủng bố bị hạn chế vì vấn đề này, như việc Việt Nam từ chối cho máy bay Mỹ bay qua bầu trời Việt Nam để chuyển quân chống khủng bố. Nhưng quan trọng hơn là chính sách tôn giáo của Việt Nam. Chính phủ Mỹ dù không phải là Bush cũng sẽ bị áp lực của các lực lượng tôn giáo ở Mỹ đòi hỏi tự do tôn giáo ở Việt Nam. Khách quan mà nói Việt Nam không chủ trương đàn áp tôn giáo kể cả hạn chế nó, nhưng vì Việt Nam vẫn nhìn vấn đề tôn giáo qua lăng kính cảnh giác là kẻ thù Mỹ có động cơ làm diễn biến hoà bình và qua cái khung điều hành tôn giáo của thời kháng chiến. Cái khung này là áp lực mọi tôn giáo trở thành thành viên Mặt Trận Tổ Quốc, là đòi hỏi mọi học viên học tập để trở thành chức sắc trong các tôn giáo phải qua sự xét duyệt của nhà nước. Điều này quả thực đã lỗi thời và biến thành cái cớ để những người chống chế độ tiếp tục xử dụng, và lôi kéo theo những người khác nhằm cho rằng chế độ không cho tự do tôn giáo. Vấn đề đạo tin lành truyền trong cộng đồng người Thượng cũng thế. Một chính sách đúng đắn hơn là tách bạch tôn giáo khỏi chính quyền. Tôn giáo làm chuyện tôn giáo. Chính quyền làm chuyện chính quyền. Vào Mặt trận là chuyện tự nguyện; chính điều này mà trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, Mặt trận đã có sức thu hút những người không phải là cộng sản. Chỉ cần làm rõ là chính quyền sẽ xử lý về mặt pháp luật tất cả những người nào đứng ra rao truyền và tổ chức người Thượng đòi hỏi tự trị hoặc độc lập. Chính quyền nào cũng sẽ xử lý tất cả những người xách động và tổ chức việc lật đổ chế độ bằng bạo động, hoặc có những hành động sai trái phạm luật khác. Hoạt động tôn giáo là quyền tự do của con người. Giải quyết dứt điểm vấn đề tôn giáo là giải quyết một mâu thuẫn lớn nhất với Mỹ và các nước khác. Nó sẽ cắt bỏ cục u đã ảnh hưởng không tốt quá lâu đến bộ mặt nhà nước Việt Nam. Việt Nam nên đi trước một bước về vấn đề tôn giáo. Không vì cớ gì phải nhìn Trung Quốc để xem đàn anh làm trước thì mình hãy làm sau. Như thế tránh sao được người khác cho là mình không nghiêng về phía Trung Quốc

Đã đến lúc mình cần nhận thấy rằng muốn đổi mới triệt để thì phải học tư tưởng, hành động và suy nghĩ duy lý của phương tây. Không nên ngó lại nhìn cụ Khổng Trung Quốc đã đè nặng lên tư duy một chiều ở Việt Nam bao nhiêu đời nay. Còn như tình cảm và đạo đức mà mình đã sàng lọc từ Trung Quốc kết hợp với những gì mình đã có để biến thành đạo đức Việt Nam thì cứ tìm lại quá khứ của chính mình mà học, không có lý do gì phải ngoảnh về Trung Quốc để mà học.


http://www.thoidai.org/

No comments: