Wednesday, April 26, 2006


Lý Quang Diệu những thách đố trong quá khứ, hiện tại và tương lai

Vi Kiều dịch


Trong cuộc phỏng vấn - đối thoại với Tạp chí “Global Viewpoint”, Bộ trưởng, Cố vấn Lý Quang Diệu đã đề cập nhiều vấn đề liên quan đến Singapo và các nước Châu Á hiện nay. Chúng tôi xin chọn lựa để trích dịch một số ý kiến của nhà chính khách lão thành này quanh những vấn đề xã hội, giáo dục và tương lai của các nước trong khu vực.

NHỮNG YẾU TỐ DẪN ĐẾN THỊNH VƯỢNG

- Ông là một trong số những nhà kiên thiết của các quốc gia hậu - thuộc địa hiện nay vẫn còn hoạt động và ủng hộ cho một thế giới toàn cầu hóa. Những bài học gì ông đã rút ra được về các quốc gia từ suốt 50 năm qua kể từ khi chuyển từ nghèo khổ đến thịnh vượng, rồi khủng hoảng?

- Thứ nhất, mọi dân tộc đều muốn tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp cho mình. Để có thể làm được điều đó, họ phải xây dựng một căn bản kinh tế quốc gia đủ để cung cấp cho một cuộc sống sung tức cho mọi người.

- Điều thứ hai là, đối với những nước trẻ và mới như Singapore, cần có một sự lãnh đạo mạnh và quyết tâm.

- Ba là, các nước ấy phải biết tự làm cho mình giàu có, và người dân cần phải hiểu rằng họ cần phải lao động cật lực và phải hợp lực với nhau mới có thể thành công được (…)

Tất cả những thăng trầm suốt 50 năm qua tại khu vực này thật ra là nỗ lực của các quốc gia khác nhau đi tìm kiếm cơ hội đó cho dân tộc mình, một số thành công nhưng đôi khi bằng cái giá của một dân tộc khác (...). Ngày nay, cần phải nhận thức rằng, mọi phía đều có thể tham dự vào sự thịnh vượng chung. Có thể có một chiếc bánh đang lớn lên để cho ai cũng có phần cả. Có một quãng thời gian khá dài, từ chủ nghĩa thực dân đến cuộc khủng hoảng lướt qua châu Á mấy năm trước đây, để cho cái thông điệp đó có thể ngấm vào tất cả chúng ta.

Nhưng trong quá khứ đâu là nguyên nhân sự thành công của Singapore do tính chất pháp trị, hay có lẽ, do tinh thần khoan dung của các dân tộc trong cộng đồng?

Đất nước chúng tôi không phải là một xã hội đồng nhất. Nếu Singapore cũng thuần tuý về mặt chủng tộc như nước Nhật, thì không có vấn đề gì. Nhưng đất nước chúng tôi là một hỗn hợp gồm nhiều dân tộc do người Anh đưa đẩy lại với nhau, trong đó mỗi nhóm cố tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn nhóm khác. Một thực thể gồm nhiều chủng tộc như thế cần phải có một khế ước xã hội, có thể diễn tả bằng châm ngôn: sống và để cho người khác sống. Nếu làm khác đi, sẽ không có một tiến bộ chung nào hết.

Di sản của người Anh để lại có tầm quan trọng như thế nào đối với sự thành công của Singapore?

Cai trị các thuộc địa, người Pháp đã để lại một ý thức về sự văn minh: ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật... Người Anh, trái lại, để lại sau họ luật lệ và thiết chế - một hệ thống công chức, tư pháp và cảnh sát được điều khiển bởi những quy tắc, thủ tục tố tụng bảo đảm tính công bằng. Chính cái khung đó là xương sống cho sự thành công của Singapore. Dĩ nhiên, đã có một thời gian rất dài kể từ khi người Anh ra đi. Truyền thống luật pháp của họ đã phát triển thành truyền thống luật pháp của nước tôi. Chẳng hạn, trong hệ thống chúng tôi, luật hình sự ít có tính ưu đãi cho bị cáo hơn, và vì thế kẻ có tội lọt lưới pháp luật cũng ít hơn nhiều.

Nhưng có yếu tố nào khác là nguyên nhân của sự thành công nữa?

Máy lạnh, máy điều hoà không khí là phát minh quan trọng nhất đối với chúng tôi. Nó làm thay đổi bản chất của văn minh bằng cách làm cho các xứ nhiệt đới có thể phát triển. Điều này không quan trọng đối với các xứ Bắc Mỹ, Châu Âu hay Bắc Á, nhưng đối với các xứ nhiệt đới, không có máy điều hoà thì người ta chỉ có thể làm việc một số giờ, sáng sớm và sau khi mặt trời lặn thôi. Điều đầu tiên tôi làm khi trở thành Thủ tướng là cho gắn máy điều hòa vào các công sở. Đó là điểm then chốt nhất để cho bộ máy công chức làm việc một cách hữu hiệu.

Sự toàn cầu giới hạn

- Mấy năm trước khi cuộc khủng hoảng tài chính ở Châu Á bùng nổ, ông đã nêu ra ý kiến rằng, các nền kinh tê nhỏ cần tách ra khỏi cuộc chơi, hơn là lao vào với quả bóng huỷ diệt của "tập đoàn tài chính toàn cầu”…

Điều tôi muốn nói là việc điều khiển một tập đoàn tài chính là việc không dễ dàng đối với một quốc gia nhỏ. Cần phải nhiều năm để huấn luyện nhân viên ngân hàng, người quản lý tài chính thành thạo. Các nước nhỏ khó có khả năng đó trong một hay hai thế hệ. Trong điều kiện như vậy, nếu chạm trán với cuộc chơi lớn về tài chính, các nước này sẽ bị hỗn loạn ngay.

- Nhưng nếu như vậy, các nước còn lại, ngoài tam giác Mỹ - Âu - Nhật ra, thì có phải là sự "phi - toàn - cầu - hóa" ?

Không đâu, các nền kinh tế nhỏ vẫn có thể tham gia vào việc toàn cầu hóa, nhưng có hạn chế và kiểm soát nhiều hơn. Chẳng hạn, họ có thể nhận đầu tư trực tiếp để xây dựng nhà máy và bán sản phẩm của mình. Họ cần kiểm tra lại túi xem mình có bao nhiêu tiền để có những dự án thích hợp. Đó là điều mà Trung Quốc và Ấn Độ đang làm.

- Vậy theo ông, thật là sai lầm khi Hoa Kỳ luôn luôn hô hào một nền kinh tế tự do đối với mọi quốc gia như là là một điều mà thế giới nên làm?

Từ sau Đại chiến thế giới lần thứ hai (1945), nước Mỹ đã trở thành người đi giảng đạo cho cả thế giới. Nào là mọi nước phải có dân chủ, phải có thị trường tự do, tự do mọi thứ... mà không quan tâm đến lịch sử cũng như tình trạng hiện hữu của các nước này. Thế giới phải như thế nào thì tôi không biết, nhưng có một điều không hiển nhiên chút nào là cái điểm mà Mỹ tin tưởng rằng cái gì thích hợp với họ thì cũng thích hợp với mọi người khác (...) Cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á mấy năm trước có một kinh nghiệm đau đớn cho chúng ta thấy thị trường tự do là điều tốt đối với những quốc gia phát triển có một hệ thống ngân hàng mạnh, có vốn cực lớn để đầu tư. Còn đối với những quốc gia nghèo hơn, không có khả năng thanh toán những món nợ từ nguồn vay nước ngoài, thì thị trường tư bản tự do là một điều nguy hiểm.

Vậy thì cái quan niệm về "toàn cầu hóa giới hạn" có tác dụng gì trên thực tế? Chính nó đã làm cho nền mậu dịch tăng nhanh và nền kinh tế của họ tiếp tục phát triển mà không phải dấn thân 100% vào thị trường tài chính thế giới.

Giáo dục và truyền thống

- Giáo dục trong thời đại ngày nay có nghĩa là gắn liền quần chúng với truyền thông, đặc biệt là với Intemet. Singapore sẽ làm gì để đương đầu với cả một dòng thác thông tin ồ ạt, trong đó có cả điều tốt lẫn điều xấu? Ông có đồng ý với Giám đốc UNESCO khi ông này quan niệm rằng, điều mà giáo dục có thể làm là đào tạo một tính cách cho con người rồi để cho tự do quyết định chọn lựa việc phải đón nhận hoặc khước từ thông tin nào?

Về cơ bản tôi đồng ý. Nhưng chúng tôi phải nỗ lực hơn trong những năm đầu của việc đào tạo, tức trước khi trẻ em đến tuổi trưởng thành, chúng tôi cố gắng đưa vào trí óc các em những giá trị cơ bản và ngăn chặn những gì xấu xa thâm nhập. Chính quyền Singapore đã dùng nhiều biện pháp để các nhà sản xuất phim ảnh khó tác động lên các em, như việc cấm chiếu những màn bạo lực hay thoát y trên truyền hình vào những giờ mà trẻ em còn thức (…). Nhà trường và xã hội tất nhiên có trách nhiệm trong vấn đề này, nhưng chủ yếu là nơi cha mẹ. Rút cục, tương lai của bất cứ xã hội nào cùng tuỳ thuộc vào chỗ các bậc cha mẹ dành bao nhiêu thì giờ cho con cái của họ.

- Giả sử hiện nay ông đang bắt tay vào xây dựng một quốc gia, như ông đã làm gần 50 năm về trước (thời ông Lý Quang Diệu làm Thủ tướng - VK), thì đâu là thách đố lớn nhất và con đường của ông sẽ như thế nào?

Hiện nay mà hình dung ra một tương lai, một hướng đi, thật khó hơn trước đây rất nhiều, bởi chúng ta đang tiến đến một thế giới, trong đó vị trí địa lý không còn hàm nghĩa sự dính kết của con người ở đó nữa. Anh có thể gần gũi với những người không cùng ở trong một không gian vôi anh, nhưng lại có những mối quan tâm và lợi ích giống anh, qua mạng Intemet và những phương tiện truyền thông khác.

Trong quá khứ, những con người cùng chia sẻ một mảnh đất chung phải gắn kết với nhau bằng cách bảo vệ mảnh đất đó để sống còn. Còn với những phương tiện truyền thông trên khắp địa cầu ngày nay, người ta có thể làm việc bất cứ nơi nào và bất cứ điều gì. Đối với một quốc gia non trẻ, đa sắc tộc và không có một lịch sử lâu dài như Singapore, đó sẽ là một nguy cơ. Nếu một người không có ý thức về nghĩa vụ đối với những người kém tài năng hơn trong cùng một cộng đồng khi có điều kiện, người đó sẽ cuốn gói đi sống ở xứ khác, và nếu ai cũng làm như vậy thì lúc đó thịnh vượng của Singapore sẽ chấm dứt. Và các thế hệ sau đó sẽ trở lại với sự lạc hậu mà một thời chúng tôi đã trải qua.

Theo Văn hóa danh nhân Việt Nam
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~


Xin Đừng Trách Khổng Giáo và Giá Trị Á Châu
Hà Tam Anh



Tôi chỉ làm việc ở Seoul hai tuần nhưng được chứng kiến đến 5 cuộc biểu tình! Cứ 2, 3 ngày lại có một cuộc biểu tình. Họ chống đủ thứ: chống nhập cảng gạo từ Tàu, chống Bắc Hàn, chống Nhật . Khi chánh phủ làm luật thi lấy bằng buôn bán địa ốc khó quá, họ cũng chống. Đòi thi lại!

Nam Hàn là một nước nặng tinh thần Khổng Giáo. Họ lại có niềm tự hào dân tộc khá mạnh, và rất gắn bó với gia đình. Đây là ba yếu tố được các nhà xã hội học gộp chung lại và đặt cho một cái tên khá kêu: “Giá Trị Á Châu” - một giá trị thường được dẫn chứng rằng không thích hợp cho sự phát triển của nền dân chủ, tự do.

Những quốc gia được (hay là bị?) ảnh hưởng của Giá Trị Á Châu phải kể tới là: Trung Hoa, Đài Loan, Việt Nam, Singapore, Nam Hàn, Bắc Hàn, và Nhật. Trong số 7 nước này, thì Nhật, Nam Hàn, và Đài Loan được kể là có dân chủ, trong lúc Bắc Hàn, Trung Hoa, Việt Nam, và Singapore thì bị liệt kê là độc tài.[1] Như vậy, với tỉ số 3/7, chúng ta có thể kết luận gì về sự tương quan giữa “Giá Trị Á Châu”, Khổng Giáo và nền tự do dân chủ?

Giáo Sư Samuel Huntìngton trong bài “Xung đột của các nền văn hóa và sự tái lập tầng lớp trên thế giới” tuyên bố rằng: “Truyền thống của Khổng Giáo, vì nó đặt nặng uy quyền, trật tự, lề lớp, và quyền lợi của số đông trên số ít, thường tạo nhiều cản trở cho tiến trình dân chủ hóa.” [2]

Ông Lý Quang Diệu cũng dùng lý luận này khi du thuyết khắp nơi. Ông cho rằng nền dân chủ Tây Phương sẽ làm cho nền kinh tế trì trệ và tạo bất ổn chính trị tại Á Châu. Vì vậy, Á Châu phải có một nền dân chủ riêng của nó – một nền dân chủ giới hạn, cứng rắn hơn của Tây Âu. Hay nói một cách khác, Ông đề nghị thay dân chủ “cứng” bằng độc tài “mềm” . Thật ra thì Ông Lý Quang Diệu chỉ dùng Giá Trị Á Châu để làm một cái cớ chống lại sự xâm lấn của nền văn hóa Tây Phương mà thôi. Chả vậy mà ông Lý Quang Diệu một lần đã phạm freudian slip khi cãi rằng: “ Singapore không phải là một tiểu bang xa của Mỹ [3].” Ông đã không đưa ra được một bằng chứng nào cho giả thuyết Giá Trị Á Châu không thích hợp cho Tự Do, Dân Chủ cả.

Tuy không viết vào cuốn tự điển nào cái định nghĩa của “độc tài mềm”, Ông Lý Quang Diệu cho rằng nền Dân Chủ Á Châu phải dựa trên sự đồng lòng, nhất trí, và tin tưởng vào một chánh phủ “tốt” . Một chánh phủ “tốt” phải có đạo đức, biết lo cho dân có cơm ăn, áo mặc, giữ gìn trật tự xã hội, và thuần phong, mỹ tục.

Đồng ý tất! Nhưng vấn đề ở đây là Dân Chủ Á Châu nó khác Dân Chủ Tây Âu chổ nào? Có thật là các Giá Trị Á Châu và Khổng Giáo không thích hợp cho tự do dân chủ và dân quyền - bất kể Âu hay Á -không?

Truớc khi ta tìm câu trả lời, xin hảy khảo sát câu hỏi. Khi người ta đặt vấn đề là Giá Trị Á Châu và Khổng Giáo có thích hợp với dân chủ, tự do,và dân quyền hay không thì họ đã đưa ra cái giả thuyết là Giá Trị Á Châu và Khổng Giáo tự nó đã không có phần dân chủ, tự do rồi. Không lẽ dân Á Châu lạc hậu vậy sao? Như vậy tại sao Nhật, Nam Hàn, Đài Loan (xin được gọi vắn tắt là “Tam Quốc Tự”[4]) có tự do dân chủ. Không lẽ dân của 3 nước này tiến bộ hơn dân của 4 nước Trung Hoa, Việt Nam, Bắc Hàn và Singapore? (xin được gọi vắn tắt là “Tứ Quốc Độc”.[5])

Chánh phủ “tốt” phải biết lo cho dân có cơm no, áo ấm ư? Không những “Tam Quốc Tự” đã thành các con hổ kinh tế, họ còn có một chánh phủ vững chắc được xây dựng trên nền dân chủ khá hoàn hảo với các cuộc bầu cử thường xuyên, pháp quyền rỏ rệt , và xã hội dân sự phát triễn mạnh.

Tuy vậy, nhìn một cách khách quan thì ít người có thể kết luận được là có một sự tương quang mật thiết giữa nền dân chủ tự do và sự phát triển kinh tế. Chúng ta cũng không thể nói rằng Trung Hoa phát triển kinh tế nhanh hơn Ấn Độ, Nga, và Jamaica nhờ chế độ độc tài. Cái bẩy dễ mắc ở đây là ta nhìn vào hiện tại để rút kết luận từ thành quả đạt được trong quá khứ.

Vì trong cái lý luận này đã có cái sai. Trung Hoa chỉ phát triển sau khi họ từ bỏ nền kinh tế tập trung. Không có gì xác minh rằng các chế độ độc tài, với sự đàn áp nhân quyền, có thể đem lại sự tiến triễn kinh tế một cách lâu dài. Ta không nên chỉ dựa vào các thống kê trong một vài năm gần đây mà phải cần quan sát quá trình phát triển lâu dài của cả thế giới.

Thật vậy, công nghiệp tuy thường bắt đầu từ trong các xã hội có chế độ độc tài, nhưng rốt cuộc cũng phải đi song song với dân chủ nếu không muốn bị tắt nghẽn. Nga Sô và các nước cộng sản Đông Âu rồi cũng sụp đổ khi chịu không nỗi sức ép của tự do. Trường hợp này đã xảy ra ở các nước như Nam Phi và Nam Dương. Vì vậy sự phát triển kinh tế của Trung Hoa và Việt Nam có tính cách tạm thời, chỉ có hiệu quả trong giai đoạn chuyển tiếp khi thay đổi chánh sách từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường.

Nhờ chọn nền kinh tế thị trường của “Tây Âu” nên Singapore mới phát triển nhanh chóng. Với dân số chỉ hơn 4.3 triệu dân trên diện tích chưa đầy 700 km 2, Singapore giống một thành phố lớn hơn là một quốc gia [6]. Vì vậy, cho dù rất muốn, các nước độc tài Á Châu cũng dư biết rằng họ không thể áp dụng mô hình độc đảng của Singapore trên nước mình.

Trong thời đại toàn cầu hóa hiện tại, Singapore sẽ phải tiếp tục đương đầu với các luồng sóng tự do thông tin và không thể không chọn tự do dân chủ nếu muốn tiếp tục cạnh tranh với các quốc gia trên thế giới.

Như vậy thì yếu tố nào có lợi cho nền phát triển kinh tế lâu dài?

Qua các nghiên cứu, các kinh tế gia đã đi đến một quan sát chung là muốn tiếp tục cho kinh tế phát triển cần phải có cạnh tranh tự do, phải chú trọng vào thị trường quốc tế, và nền dân trí phải được nâng cao.

Những yếu tố này tuyệt đối không đi ngược lại các đặc tính của tự do dân chủ. Nó lại càng không có liên quan gì đến Giá Trị Á Châu và tinh thần Khổng Giáo.

Hay là Khổng Giáo có nhiều tính chất độc đoán hơn các nền văn hóa khác? Khổng Giáo có quá khắc khe so với Cơ Đốc Giáo hoặc Hồi Giáo không?

Có lẽ câu hỏi thích hợp hơn là: những điều kiện, yếu tố thích hợp cho tự do dân chủ có thiếu trong tinh thần Khổng Giáo không? Có thật là lý tưởng tự do và nhân quyền trong một xã hội khoan dung là ý niệm “Tây Âu” và, vì một lý do gì đó, rất xa lạ với Khổng Giáo không?

Tuy câu “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” thường được nghe trong các truyện Tàu, Khổng Giáo không xem thường và bắt dân đen phải tuyệt đối trung thành với vua.

Ngược lại Khổng Giáo từ xưa đã đặt ý dân trên tất cả - “dân vi quý, xả tắc thứ chi, quân vi khinh”- “Ý dân là ý Trời"

Không những vậy, Khổng Giáo lại có một yếu tố rất thuận lợi cho nền dân chủ. Khổng Giáo chú trọng việc học (Nhất Sĩ, Nhì Nông, Tam Công, Tứ Thương) . Học vấn là yếu tố quan trọng để nâng cao dân trí, và tạo thêm thành phần trí thức. Tuy dân trí ít được nêu ra như một điều kiện cho sự phát triển dân chủ, học vấn giúp người dân thêm sự hiểu biết để tham gia các cuộc thảo luận chánh trị. Vả lại, chỉ khi người dân không phải lo chạy cơm hàng ngày, họ mới có được thời giờ (và sức lực) để đòi hỏi thêm quyền tự trị. Thành phần trí thức này giúp tạo nên nên một xã hội dân sự cần thiết cho nền dân chủ, tự do.

Các nước trong “Tứ Quốc Độc” không phải là không biết vấn đề then chốt đó. Vì vậy họ lúng túng, không biết làm sao phát triển dân trí để theo kịp kinh tế mà vẫn giữ được quyền độc đảng. Một mặt thì họ cho lớp trẻ đi “tu nghiệp”, một mặt thì họ dựng “tường lửa” để phòng “cháy tư tưởng Đảng và nhà nước.”

Hồ Chí Minh nói: “Khó trăm lần, không dân cũng chịu, khó vạn lần, dân liệu cũng xong" Nhưng Đảng Cộng Sản đặt mình trên cả dân vì họ cho là họ “anh minh, sáng suốt” hơn dân. Họ bảo rằng dân không biết rõ, chỉ có Đảng mới biết rõ. Vì vậy “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nhưng chỉ có Đảng Cộng Sản và nhà nước lãnh đạo là có quyền tối hậu quyết định mọi vấn đề. Chỉ có Đảng mới lo được cho toàn dân ấm no, chỉ có Đảng mới giử gìn được tôn ti, trật tự. Chỉ có Đảng mới bảo đảm được quyền lợi chung cho toàn dân.

Bà Aung San Suu Kyi một lần đã đặt câu hỏi mỉa mai: “Hay là dân tôi thiếu khả năng tiếp nhận nền dân chủ; và vì vậy, cần phải trải qua một thời gian bất hạn định trước khi thật sự có tự do dân chủ?”[7]

Vậy có phải Khổng Giáo và Giá Trị Á Châu đã làm dân tôi ngu đần không?
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Lý Quang Diệu những thách đố trong quá khứ, hiện tại và tương lai
Lý Quang Diệu nói về Hồi giáo, cộng sản và Đặng Tiểu Bình
Ngày 27/02/2006 - BBC News

(JPG)

Ông Lý đã đưa Singapore sánh ngang các cường quốc trong vòng 30 năm Tên Lý Quang Diệu đã đi vào lịch sử Châu Á và thế giới và dưới thời trị vì của ông đảo quốc Singapore với rất ít tài nguyên thiên nhiên đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất trên thế giới tính theo thu nhập bình quân đầu người.

Nay đã ở tuổi 82, ông vẫn tiếp tục đóng vai trò tư vấn chính trị trong khi con trai ông đã ở vị trí thủ tướng Singapore. Đầu năm nay ông Lý đã có cuộc phỏng vấn với tạp chí Time và BBC lược lại phỏng vấn này trong đó ông Lý cũng thoáng nhắc tới tướng Nguyễn Cao Kỳ. Tạp chí Time nói rằng cuộc phỏng vấn kéo dài tổng cộng năm tiếng đã được các phóng viên của tạp chí này, Michael Elliot, Zoher Abdoolcarim và Simon Elegant thực hiện trong hai ngày.

Trỗi dậy hòa bình Nói về sự “trỗi dậy” của Trung Quốc, ông Lý Quang Diệu nói ngay trong cách dùng từ của Trung Quốc “Trỗi dậy hòa bình” đã làm cho người ta e ngại. Theo ông nếu thay trỗi dậy bằng “phát triển” hoặc “tiến hóa” có lẽ nó sẽ dễ được chấp nhận hơn. Ông Lý nói gần đây ông cũng nói với một nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng họ đã khiến cho thanh niên Trung Quốc ngày nay có niềm tự hào và yêu nước tới mức nó có những biểu hiện tiêu cực, chẳng hạn như cuộc biểu tình bạo lực phản đối Nhật Bản trong năm ngoái.

Cựu thủ tướng Singapore cũng nói khi con trai của ông, đương kim Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tới thăm Đài Bắc, người ta đã dùng những từ như phản bội để nói về chuyện này trong các cuộc trò chuyện trên mạng. Ông Lý cảnh báo nếu giới trẻ Trung Quốc ngộ nhận về khả năng của họ thì có nguy cơ họ sẽ nghĩ rằng họ đã đủ lớn khôn trong khi thực ra họ vẫn chưa thực sự được như vậy. Nếu tôi là người tị nạn như Cao Kỳ, người đã chọn California, tôi sẽ chọn Anh Quốc, một xã hội ít gây căng thẳng hơn.

Khi phóng viên Time có ý hỏi về nguy cơ nổi dậy hàng loạt ở Trung Quốc bằng cách nhắc lại lời của Mao Trạch Đông rằng “Một tia lửa có thể đốt cháy cả thảo nguyên” ông Lý nói:

“Đám cháy thảo nguyên chỉ xảy ra khi có mùa khô. Họ đang có 700 tỷ đô la dự trữ ngoại hối.

“Từ trước tới nay chưa có chính phủ trung ương nào được trang bị những công nghệ viễn thông và giao thông hiện đại như chính phủ hiện nay.

“Liệu có ai chết vì đói không? Không. Liệu có ai bị lôi ra khỏi nhà và ném ra ngoài phố mà không có lựa chọn nào khác không? Không.”

Ông Lý cũng nói qua những gì ông nghe được từ các nhà lãnh đạo Trung Quốc, họ không tin rằng đời cháu của họ sẽ sống trong một chế độ như hiện tại mà không có thay đổi. Được hỏi về chuyện Đặng Tiểu Bình có đúng không khi đàn áp cuộc biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn hồi năm 1989, ông Lý nói:

“Tôi không thể đánh giá về những gì ông ấy làm vì tôi không có những thông tin mà ông ấy có.

Đám cháy thảo nguyên chỉ xảy ra khi có mùa khô. Họ đang có 700 tỷ đô la dự trữ ngoại hối.

(JPG)

“Nếu qủa thực có nguy cơ xảy ra các vụ tương tự ở những thành phố khác thì tôi nghĩ rằng ông ấy phải hành động. “Nhưng sau này tôi nói với Lý Bằng, ‘Khi tôi gặp chuyện các sinh viên cộng sản biểu tình ngồi lì, chiếm trường, giữ thầy cô giáo, tôi phong tỏa toàn khu vực, cắt điện nước và chờ.

‘Tôi nói với cha mẹ các học sinh này rằng tình hình sức khoẻ các em đang kém đi, bệnh lỵ đang lan rộng. Thế là họ đã dễ dàng giải tán biểu tình.’

“Tôi nói với Lý Bằng rằng các máy quay camera của thế giới đang ở đó chờ cuộc gặp của ông Gorbachev thế mà ông lại để xảy ra như thế.

“Câu trả lời của ông ấy là: Chúng tôi rất thiếu kinh nghiệm trong vấn đề này.” Hồi giáo cực đoan Nói về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, ông Lý nói mọi chuyện phụ thuộc vào các diễn biến ở Trung Đông.

Sức hấp dẫn của Hồi giáo còn hơn cả chủ nghĩa cộng sản.

Ông nói: “Nếu những dân quân thánh chiến thắng ở đó, tôi sẽ gặp vấn đề ở đây.”

Ông Lý nói với các phóng viên Time rằng ông hoàn toàn ngạc nhiên trước âm mưu đánh bom bẩy đại sứ quán ở Singapore mà đảo quốc này đã phá được.

Theo ông Lý, chỉ hoàn toàn may mắn mà Singapore phát hiện ra những kẻ Hồi giáo cực đoan trong vụ này. Một trong số họ đã bị bắt ở Afghanistan và Singapore nhận ra rằng một nhóm theo đạo Hồi thường sang Pakistan học đạo trên thực tế đã có những hoạt động khác.

“Nếu gã đó không tới Karachi để cầm súng cho Taliban có lẽ chúng tôi đã bị bảy vụ dùng xe tải đánh bom.” “Sức hấp dẫn của Hồi giáo còn hơn cả chủ nghĩa cộng sản. “Những người cộng sản không cùng sắc tộc không bao giờ hoàn toàn tin tưởng nhau.

“Người cộng sản Việt Nam không bao giờ tin tưởng người cộng sản Trung Quốc... “Nhưng với Hồi giáo, người ta tin tưởng nhau hoàn toàn: Anh là chiến sĩ Hồi giáo và tôi cũng vậy. Chúng ta thề sát cánh.”

Ông Lý nói Trung Đông sẽ quyết định số phận Hồi giáo cực đoan Ông Lý cũng nói trong qúa khứ, Mỹ luôn có thể lựa chọn rút ra khỏi một cuộc chiến, chẳng hạn như cuộc chiến Việt Nam. Tuy nhiên nay Hoa Kỳ đã bị tấn công trên chính đất của mình và các cơ sở của Hoa Kỳ ở nước ngoài cũng đã trở thành mục tiêu.

Ông Lý nói rút ra không còn là lựa chọn của Hoa Kỳ nữa. Theo ông, cách để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay là thuyết phục số đông nguời Hồi giáo trung hòa và cấp tiến rằng họ đang không bị mất mát gì mà trái lại họ có tiếng nói, có sự ủng hộ của thế giới.

Và nếu số đông này dũng cảm ra tay với những kẻ cực đoan thì vấn đề có thể được giải quyết.

Hệ giá trị Phóng viên Time đã hỏi ông Lý nghĩ thế nào về chuyện Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush nói rất rõ ràng về các giá trị tôn giáo của ông.

Ông Lý nói:

“Tôi có thảo luận chuyện này với một nhà lãnh đạo Châu Âu và người này nói với tôi: ‘Người Châu Âu chúng tôi không thích đường dây điện thoại tới Chúa Trời (của ông Bush).’ Chúng tôi có một văn hóa khác, có cách làm việc khác.

“Và tôi nói với ông ấy: Nhưng khi ông chống lại những kẻ cuồng tín ở phía bên kia, những người tin rằng họ đại diện cho Thượng đế thì chuyện tin rằng Chúa Trời cũng ở phía của ông sẽ giúp người ta cảm thấy thanh thản.” Ông Lý nói ông ngưỡng mộ xã hội Hoa Kỳ nhưng ông không muốn sống mãi ở đó.

“Nếu tôi là người tị nạn như [cựu Thủ tướng Nam Việt Nam Nguyễn] Cao Kỳ, người đã chọn California, tôi sẽ chọn Anh Quốc, một xã hội ít gây căng thẳng hơn.

Nhưng ông cũng tin người Mỹ có một cách tiếp cận tích cực trong cuộc sống mà theo đó họ tin rằng họ có thể làm được tất cả miễn là có đủ tiền, nghiên cứu và cố gắng.

Ông Lý nói Singapore có một hệ giá trị khác với Hoa Kỳ trong đó các cá nhân không đứng trên tập thế.

“Chúng tôi có một văn hóa khác, có cách làm việc khác. “Cá nhân không phải là khối cơ bản tạo dựng xã hội. “Đó là gia đình, gia đình mở rộng, các họ và nhà nước “Năm mối quan hệ chính là: anh và nhà cầm quyền, anh và phu nhân, anh và con cái, anh và bạn bè. “Nếu những mối quan hệ này tốt thì xã hội chúng tôi hoạt động tốt.”

Ấn tượng Đặng Tiểu Bình Ông Lý nói rằng người đã gây cho ông ấn tượng mạnh mẽ nhất chính là Đặng Tiểu Bình.

Ông Lý nói Đặng Tiểu Bình để lại cho ông ấn tượng mạnh nhất Ông nói khi hai người gặp nhau hồi tháng 11 năm 1978, ông Đặng đã phân tích thời cuộc cho ông về chuyện chú gấu Nga, về Việt Nam là Cuba ở viễn đông, một mối nguy hiểm. (Vài tháng sau Trung Quốc đã đưa quân qua biên giới Việt-Trung.) Ông Lý nói Đặng Tiểu Bình đã chúc mừng ông vì Singapore đã thịnh vượng, thay đổi hẳn so với hồi năm 1920 khi ông Đặng ghé qua cảng này trên đường sang Marseilles. Đáp lại lời Đặng Tiểu Bình, ông Lý nói:

“Cảm ơn ông. Những gì chúng tôi làm được, ông sẽ làm được tốt hơn.

“Chúng tôi là hậu duệ của những người nông dân không tấc đất cắm dùi ở miền Nam Trung Quốc.

“Ông có những quan lại, văn hào, các nhà tư tưởng và tất cả những người giỏi giang. Ông sẽ làm tốt hơn.”

Lý Quang Diệu nói sau này khi Đặng Tiểu Bình đi thị sát các tỉnh miền Nam Trung Quốc, ông đã nói “Hãy noi gương Singapore”, “Hãy làm tốt hơn họ”.

Ông Lý cũng nói ông Đặng là người đối mặt với thực tế và giải quyết các tồn tại.

Trong chuyến thăm Singapore, ông Lý muốn Đặng Tiểu Bình ngưng các chương trình phát thanh kích thích các phần tử cộng sản nổi dậy ở các nước như Singapore. Ông Lý thuật lại lời Đặng Tiểu Bình nói: “Cho tôi thời gian.”

Lý Quang Diệu nói 18 tháng sau, các chương trình phát thanh đó đã ngưng hẳn.

Theo ông Lý, chuyến thăm hồi tháng 11 năm 1978 của ông Đặng tới Bangkok, Kuala Lumpur và Singapore đã gây sốc cho nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Thay vì chứng kiến những điều kiện của thế giới thứ ba, ông Đặng đã thấy ba thành phố của thế giới thứ hai. Kể từ đó, ông nói, Singapore không còn bị Nhân Dân nhật báo gọi là chó theo đuôi Mỹ mà là một thành phố vườn, sạch sẽ với những khu nhà chính phủ khang trang. Và ở tuổi 74, ông Đặng đã thuyết phục những bạn từ thời Vạn Lý Trường Chinh đi theo kinh tế thị trường với chính sách “Mở Cửa”.

No comments: