VIỆT NAM TRONG SỰ GIÀNH GIẬT GIỮA MỸ VÀ TRUNG QUỐC
TTXVN (Hồng Công 16/3)
Bài "Việt Nam tồn tại trong sự giành giật giữa Trung Quốc và Mỹ" đăng trên Tạp chí "Đa chiều" xuất bản ở Hồng Công số tháng 3/2006, đề cập về quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc và Mỹ, nội dung như sau:
Trong khi Mỹ đang ra sức tìm kiếm đồng minh mới ở châu Á trong bối cảnh khu vực này có nhiều biến động, Việt Nam dường như đang trở thành đối tượng tương đối hợp lý. Mặc dù đã nối lại quan hệ ngoại giao từ năm 1995, nhưng hai nước hiện nay vẫn chưa thể quên đi nỗi ám ảnh về cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam vào đầu nửa cuối của thế kỷ 20. Trong khi nhiều người Mỹ đã đến Việt Nam để tìm hài cốt lính Mỹ, Việt Nam vẫn đang phải khắc phục hậu quả nặng nề do chiến tranh gây ra như chất độc màu da cam và số bom đạn Mỹ còn sót lại.
Nhưng quan hệ kinh tế mậu dịch giữa hai nước đang có chiều hướng phát triển tốt đẹp, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, mối liên hệ về quân sự cũng đang trong quá trình khôi phục. Việt Nam đã đồng ý đưa quân đội sang đào tạo tại Mỹ, cho phép tàu chiến Mỹ được vào một số hải cảng. Năm 2005, Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải đã tới thăm Oasinhtơn, hai bên nhất trí chia sẻ thông tin trong lĩnh vực chống khủng bố và chống buôn lậu ma túy.
Bài viết đăng trên tờ "Người đưa tin khoa học Cơ đốc giáo" của Mỹ nói rằng Việt Nam đang xem xét cử quân đội tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (LHQ), thực hiện bước đi đầu tiên với hy vọng giành được chiếc ghế không thường trực trong Hội đồng bảo an LHQ. Trong năm 2005, Việt Nam cũng đã cử đoàn đại biểu gồm quan chức quốc phòng và văn hóa tới Haiti để quan sát nhiệm vụ duy trì hòa bình của LHQ ở đây, đồng thời đồng ý trong điều kiện cho phép sẽ tham gia các họat dộng duy trì hòa bình của thế giới.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa chuyển tầm nhìn vượt ra khỏi Trung Quốc. Năm 1979, hai nước đã xảy ra xung đột quân sự ở khu vực biên giới và mãi đến sau khi mất đi sự ủng hộ của Liên Xô vào thập kỷ 1990, Việt Nam mới bắt đầu khôi phục quan hệ với Trung Quốc. Các nhà phân tích phương Tây cho rằng Việt Nam cần và duy trì quan hệ với Bắc Kinh là để tránh trở thành một bộ phận của Mỹ trong việc kiềm chế kế họach mở rộng quân sự của Trung Quốc, do vậy tình hình này rất có thể khiến quan hệ hợp tác quân sự Việt-Mỹ khó có thể trở nên mật thiết.
Ông Carl Thayer, một chuyên gia chuyên theo dõi Việt Nam thuộc Học viện quân sự quốc phòng Ôxtrâylia, nói: "Đối với Việt Nam, họ muốn tiến lên theo hai phương hướng. Họ không muốn trở thành một bộ phận trong chính sách kiềm chế Trung Quốc của Mỹ, một mặt muốn Mỹ duy trì sự có mặt ở châu Á, mặt khác, họ lại không muốn quá gần gũi với Mỹ".
Sách lược trên của Việt Nam đang giành được sự hưởng ứng của các quốc gia Đông Nam Á. Cùng với tham vọng giành được nhiều lợi ích trong quá trình trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc, các nước trong khu vực cũng biểu thị thái độ quan sát đối với mối lo ngại của Mỹ về tốc độ mở rộng quân sự của nước này. Về cơ bản, do đều muốn tranh thủ lợi dụng cả Mỹ và Trung Quốc, nên các nước Đông Nam Á đều cố gắng tránh làm xuất hiện va chạm đối với hai nước lớn này.
Lầu Năm Góc coi Trung Quốc là đối thủ tiềm tàng
Báo cáo về bản đồ chiến lược do Lầu Năm Góc công bố gần đây đã coi Trung Quốc là trung tâm bố trí quân sự của Mỹ. Báo cáo có đoạn viết: "Trong số các nước lớn trỗi dậy chủ yếu, Trung Quốc có tiềm lực nhất tiến hành cạnh tranh với Mỹ về quân sự".
Ngoại giao quân sự đã trở thành tiêu chí trong chính sách của Bush ở châu Á. Năm 2005, bất chấp sự phản đối của Quốc hội, Chính quyền Bush vẫn khôi phục quan hệ hợp tác quân sự toàn diện với Ấn Độ, đồng thời cung cấp cho nước này kỹ thuật hạt nhân dân dụng và giúp huấn luyện quân sự.
Quan chức Mỹ cho rằng tăng cường quan hệ các nước láng giềng của Trung Quốc không phải là sách lược kiềm chế kiểu Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, trên thực tế một số nhà phân tích vẫn có thái độ hoài nghi đối với hiệu quả của chính sách này. Một số quan chức quân sự Mỹ nói: "Hoạt động của chúng tôi ở Đông Nam Á là nhằm cải thiện quan hệ với một số quốc gia này, chứ không phải là cạnh tranh với Trung Quốc".
Một quan chức cấp cao của Việt Nam nói rằng Việt Nam rất quan tâm tới mối quan hệ Trung-Mỹ, hơn nữa Việt Nam cũng nhận thức rất rõ tính nguy hiểm của cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn ở châu Á. Quan chức này nói: "Vấn đề mà chúng tôi muốn nhìn thấy là quan hệ Trung-Mỹ có thể được khống chế, chúng tôi không muốn nhìn thấy xung đột".
Diễn tiến quan hệ Việt Nam-Trung Quốc-Mỹ
Mặc dù đã cắt giảm quân với quy mô lớn, nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có quy mô quân đội lớn nhất Đông Nam Á (năm 2003 vào khoảng 484.000 quân). Nhưng do trang bị vũ khí lạc hậu và chi phí quốc phòng có hạn, nên thực lực của quân đội Việt Nam đã giảm xuống rất nhiều. Ian Storey, giáo sư thuộc Trung tâm nghiên cứu quân sự châu Á-Thái Bình Dương, nói: "Quy mô quân đội không nhỏ, nhưng trang bị lạc hậu. Đội quân khổng lồ hiện nay đã không còn quan trọng, mà ngược lại còn có thể trở thành cái bia".
Quan chức Mỹ cho rằng Việt Nam cũng đã nhận thức được mối liên hệ về quân sự luôn lạc hậu so với hợp tác về kinh tế, đặc biệt là trong tình hình hai nước vẫn tồn tại ân oán lịch sử.
Ngày 21/6/2005, Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải đã thăm chính thức Mỹ một tuần. Chuyến thăm Mỹ đầu tiên của một Thủ tướng Việt Nam kể từ khi sau khi kết thúc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam vào năm 1975 đã đánh dấu quan hệ Việt-Mỹ tiến vào giai đoạn mới. Chuyến thăm này là bước ngoặt quan trọng trong phát triển quan hệ chính trị giữa hai nước. Phát triển quan hệ Việt-Mỹ chủ yếu xuất phát từ nhu cầu lợi ích kinh tế, nhưng vấn đề đáng chú ý là hợp tác trong lĩnh vực quân sự và an ninh cũng là chủ đề quan trọng được hai bên thảo luận.
Trong thời gian thăm Mỹ, Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải còn có cuộc gặp riêng với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld tại Lầu Năm Góc, hai bên thảo luận cụ thể vấn đề phát triển hợp tác song phương trong lĩnh vực quân sự. Đằng sau động thái mới này trong quan hệ Việt-Mỹ cũng tiềm ẩn ý nghĩa khiến không ít người cảm nhận là có tính đối tượng nhằm vào Trung Quốc.
Theo một số đánh giá của dư luận quốc tế, Việt Nam là quốc gia quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, là nước láng giềng phía Nam Trung Quốc trấn giữ biển Đông và có vị trí địa-chiến lược rất quan trọng. Bất luận là cuộc Chiến tranh Việt Nam cách đây 30 năm hay là quan hệ hữu nghị Việt-Mỹ sau 30 năm, trong suy nghĩ chiến lược của Mỹ, kiềm chế Trung Quốc vẫn là một trong những nhân tố quan trọng trong đó. Thời kỳ cuối thập kỷ 90 của thế kỷ 20, địa vị lãnh đạo của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á bị suy yếu, đặc biệt là sau khi Mỹ có thái độ bàng quan trong cuộc khủng hoảng tài chính ở Đông Nam Á, Mỹ đã mất đi sự tín nhiệm của các quốc gia trong khu vực này.
Trong khi đó trong cuộc khủng hoảng tài chính ở Đông Nam Á và thảm họa sóng thần ở Ấn Độ Dương, Trung Quốc đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm cần có của một nước lớn và đã giành được sự tín nhiệm của các nước trong khu vực này. Trung Quốc lợi dụng các công việc quốc tế như Hội nghị cấp cao ASEAN+1 (giữa 10 nước ASEAN với Trung Quốc) và Hội nghị cấp cao Đông Á để cơ chế hóa tăng cường quan hệ với các nước ASEAN, ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực cũng liên tục được nâng lên.
Mỹ đương nhiên không muốn nhìn thấy tình hình này. Xung quanh vấn đề Hội nghị cấp cao Đông Á do ASEAN chủ đạo liệu có mời Mỹ tham dự với tư cách quan sát viên hay không, một quan chức cấp cao trong Chính quyền Mỹ nói: "Thái Bình Dương dường như tất cả đều thuộc về Mỹ. Tại sao chúng ta lại phải đứng ngoài hội nghị, hơn nữa lại không được có bất cứ hành động nào?" Cũng chính là xuất phát từ tâm trạng này, lợi dụng cơ hội Việt Nam có nhu cầu mở rộng quan hệ hợp tác về kinh tế, Mỹ đã liên tục lôi kéo nước này để giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực.
Về quân sự, Việt Nam một khi trở thành đối tác hợp tác của Mỹ, mức độ kiềm chế đối với Trung Quốc sẽ ngày càng lớn. Sau khi quân đội Nga rút khỏi căn cứ quân sự ở Vịnh Cam Ranh, Mỹ luôn có ý thay thế Nga thuê lại căn cứ này.
Trong thời kỳ Liên Xô trước đây, vịnh Cam Ranh không chỉ là căn cứ quân sự ở hải ngoại của hạm đội Thái Bình Dương thuộc quân đội Liên Xô, là cảng trung chuyển quan trọng của các loại tàu đặc biệt là tàu trinh sát, mà còn là trạm trinh sát thông tin tín hiệu quan trọng.
Một khi quân đội Mỹ tiến vào cảng Cam Ranh, không chỉ có thể làm cho đội tàu sân bay của Mỹ tuần tra ở khu vực xung quanh vùng biển Đài Loan có thêm một căn cứ quan trọng, mà còn rất có lợi đối với việc triển khai do thám Trung Quốc. Đầu tháng 5/2005, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Zoellick đã đến thăm Việt Nam. Một số hãng thông tấn phương Tây cho rằng chuyến thăm này là để lôi kéo Việt Nam, vốn là kẻ thù của Mỹ trước đây, tranh thủ để Việt Nam trở thành đồng minh chiến lược của Mỹ ở Đông Nam Á, với hy vọng lợi dụng Việt Nam để kiềm chế Trung Quốc. Có phân tích còn nói rằng Mỹ thậm chí còn hy vọng Việt Nam trở thành "tấm bình phong có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự bành trướng về quân sự của Trung Quốc".
Việt Nam cũng muốn dựa vào Mỹ
Vũ Hồng Lâm, Giáo sư người Mỹ gốc Việt trong bài viết với tiêu đề "Đánh giá quan hệ Việt-Trung từ góc độ chiến lược", nói rằng tâm lý của Việt Nam là thích "số 1", không thích "trung bình" và càng không thích là "vô danh tiểu tốt". Sau sự kiện "11/9", thời kỳ do dự chiến lược của các nước sau Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, các nước lớn đều xác định rõ phương hướng và mục tiêu chiến lược của họ. Việt Nam sẽ phát huy vai trò gì trong mô thức trật tự thế giới mới của Mỹ và Trung Quốc? đây là vấn đề quyết định chính sách đối ngoại của Việt Nam trong tương lai.
Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải thăm Mỹ đã làm cho quan hệ Việt-Mỹ phát triển theo hướng cải thiện toàn diện, làm cho vấn đề tồn tại trong suốt nhiều năm qua của Việt Nam trong việc củng cố địa vị quốc tế cuối cùng đã được giải quyết. Từ nay về sau, mặc dù Việt Nam không có khả năng quay lại con đường cũ thời kỳ Chiến tranh Lạnh là mưu cầu trở thành bá chủ ở khu vực Đông Nam Á, nhưng trong các vấn đề quốc tế, đặc biệt là các vấn đề của khu vực, tiếng nói của Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng. Từ các biểu hiện ngoại giao của Việt Nam trong vài chục năm gần đây có thể thấy rằng kết bạn với nước lớn bên ngoài để kiềm chế nước lớn láng giềng là sự lựa chọn chính sách nhất quán của nước này.
Trung Quốc: Đối mặt nhiều thách thức
Cùng với quan hệ Việt-Mỹ ngày càng được cải thiện và tăng cường, tình hình này chắc chắn sẽ phát sinh ảnh hưởng nhất định đối với Trung Quốc.
Một là, vòng vây chiến lược của Mỹ hình thành khu vực xung quanh Trung Quốc sẽ ngày càng mật thiết, tình hình này sẽ có ảnh hưởng bất lợi đối với Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Đài Loan sau này.
Hai là, vấn đề biển Đông hiện cũng là vấn đề phức tạp khác có liên quan tới lợi ích rất lớn của Trung Quốc. Cùng với sự phát triển của quan hệ Việt-Mỹ, biến số trong quá trình giải quyết vấn đề biển Đông có thể sẽ ngày càng lớn.
Ba là, Việt Nam dựa vào Mỹ sẽ làm cho nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc trong việc tăng cường cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, tăng cường hợp tác kinh tế chính trị khu vực sẽ ngày càng khó khăn./.
NHỮNG THÁCH THỨC ĐỐI VỚI AN NINH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TA
MỘT SỐ KIẾN NGHỊ ĐỐI SÁCH
Những biến đổi lớn trong chính trị thế giới những năm gần đây cũng như những biến đổi lớn của tình hình kinh tế thế giới và những tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật đã tác động tổng hợp vào sự hình thành cục diện chiến lược ngày nay với những xu thế mới ngày càng thể hiện rõ nét.
Bối cảnh chung này đã thúc đẩy tất cả các nước lớn nhỏ, đã phát triển hay đang phát triển, phải điều chỉnh lại chiến lược, điều chỉnh lại thứ tự ưu tiên các mục tiêu chiến lược của mình sao cho phù hợp đặc điểm tình hình thế giới mới và những xu thế chung hiện nay.
Một vấn đề lớn đặt ra cho mỗi nước là sớm xác định được những cơ hội và nhất là những thách thức trở ngại cho việc thực hiện mục tiêu chiến lược của mình. Đối với ta, trong khi phấn đấu thực hiện mục tiêu chiến lược là sớm đưa đất nước “ra khỏi khủng hoảng, ổn định tình hình kinh tế – xã hội, phấn đấu vượt qua tình trạng nước nghèo và kém phát triển cải thiện đời sống của nhân dân, củng cố quốc phòng và an ninh, tạo điều kiện cho đất nước phát triển với nhịp độ mới vào đầu thế kỷ 21”, để bảo đảm hoà bình và ổn định chúng ta cần tìm ra được câu trả lời cho những vấn đề cấp bách là: hiện nay về mặt đối ngoại đất nước ta đang đứng trước những thách thức, đe doạ chủ yếu gì? có thể từ đâu đến và dưới dạng nào ? Đâu là mối đe doạ trực tiếp nhất, thúc bách nhất cần đối phó ? Phương hướng xử lý, trong đó có vấn đề tập hợp lực lượng để đối phó với những đe doạ, thách thức đó sao cho phù hợp với khả năng còn rất hạn chế về mọi mặt của ta ?
I. Những thách thức đe doạ an ninh và phát triển của ta có thể xuất xứ từ đâu và dưới những dạng nào ?
Hơn 2 năm qua kể từ Đại hội Đảng lần thứ 7, trên cơ sở những thành tựu trong công cuộc Đổi mới trong nước, việc triển khai đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá quan hệ theo hướng “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”, chúng ta đã cải thiện một bước đáng kể vị trí nước ta trên quốc tế. Quan trọng nhất là ta đã phá được một bước quan trọng thế bị cô lập về chính trị, tạo môi trường quốc tế thuận lợi hơn cho việc giữ vững hoà bình và đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, trong tình hình quan hệ đối ngoại của ta đã bị đảo lộn ghê gớm với sự tan rã của hệ thống các nước bạn bè ở Liên Xô và Đông Âu thì những kết quả này mới chỉ là bước đầu và chưa thật vững chắc. Về chính trị, ta chưa tạo được hậu thuẫn quốc tế thay thế cho những chỗ dựa truyền thống mà ta vừa mất đi. Về kinh tế, đất nước ta còn ở tình trạng lạc hậu về kinh tế, KHKT so với nhiều nước trong khu vực và chưa ra khỏi cuộc khủng hoảng về kinh tế – xã hội. Ngày nay quan hệ giữa ta và các nước chủ yếu dựa trên cơ sở lợi ích tương đồng, trên từng mặt, từng vấn đề; hoàn toàn khác với phương thức tập hợp lực lượng truyền thống trước đây và đối với bất cứ đối tác nào cũng đều có hai mặt hợp tác và đấu tranh rất phức tạp. Trong khi đó, những đe doạ thách thức đã và đang nảy sinh từ những phía khác nhau, trước mắt và trong tương lai gần.
Trên cơ sở dự báo chiến lược, những đối tượng chính trước mắt hoặc sau này có thể tạo nên những đe doạ thách thức chủ yếu đối với sự nghiệp an ninh và phát triển của ta là: Trung Quốc, Mỹ, Nhật và Thái Lan .
Sau đây là những dạng thách thức đe doạ mà mỗi đối tượng có thể gây ra đối với ta:
1. Trung Quốc: Sau hơn 1 năm bình thường hoá, quan hệ Việt –Trung có nhiều mặt được thúc đẩy như trao đổi đoàn qua lại, mở một số cửa khẩu, buôn bán biên giới... Song mặt tiêu cực và hạn chế đang nổi lên, nhiều hiệp định đã ký kết và nhiều thoả thuận ở cấp cao chưa được thực hiện. Đặc biệt từ đầu năm 1993, Trung Quốc dùng nhiều biện pháp tổng hợp để tăng sức ép và tạo thêm nhiều khó khăn cho ta, gây tình hình không ổn định cho ta cả bên trong lẫn bên ngoài nhằm làm chậm đà phát triển kinh tế của ta và kìm hãm việc mở rộng quan hệ đối ngoại của ta trước hết là ở khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Những thách thức và đe doạ của Trung Quốc đối với ta đang được thể hiện ngày càng rõ nét dưới các dạng chính sau đây:
a. Xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ta trên bộ và trên biển: trong khi trên bộ, Trung Quốc không có dấu hiệu nào muốn giải quyết các vấn đề tồn tại về biên giới, lại còn làm xấu thêm tình hình (xâm canh xâm cư, xây kè cống làm thay đổi dòng chảy các sông suối biên giới có lợi cho Trung Quốc, lấn sang phía ta) thì trên biển Trung Quốc liên tiếp có những bước leo thang nghiêm trọng từ tranh chấp ngoài biển Đông, Trung Quốc đã từng bước ngày càng lấn sâu vào thềm lục địa, ngay trong khu vực ta đã phân lô ký kết với các công ty nước ngoài và đang thăm dò khai thác dầu khí (đầu tháng 5.93, Trung Quốc cho tàu “FENDOU 4” vào thăm dò địa chấn ở khu vực lô 6 nằm sâu trong thềm lục địa của ta) bộc lộ ý đồ biến một số khu vực trong thềm lục địa của ta thành vùng tranh chấp, đang chuẩn bị dư luận để đưa đảo Bạch Long Vĩ vào diện tranh chấp.
b. Phá môi trường quốc tế hoà bình ổn định của Việt Nam với những hoạt động: ở Campuchia, thông qua Khmer Đỏ khuấy động vấn đề người Việt Nam ở Campuchia đồng thời làm cho tình hình Campuchia khó đi vào ổn định; lôi kéo 3 nước (Thái, Miến, Lào) thành một cụm liên kết kinh tế ở Đông Nam Á lục địa thượng lưu sông Mêkông gắn với Trung Quốc, tách rời Việt Nam; khủng hoảng biển Đông kéo dài cũng có tác động phá môi trường phát triển của Việt Nam.
c. Gây mất ổn định chính trị, kinh tế bên trong Việt Nam: nêu trở lại “vấn đề người Hoa”, đẩy số người Hoa đã bỏ về Trung Quốc từ những năm 78, 79 trở lại Việt Nam; thông qua Khmer Đỏ dồn đuổi Việt kiều ở Campuchia về nước; gây sức ép với Hồng Kông đưa toàn bộ số thuyền nhân ở đó về Việt Nam trước năm 1997; để hàng lậu từ Trung Quốc tuồn vào Việt Nam qua con đường tiểu ngạch bán hàng vào Việt Nam với giá rất rẻ gây rối loạn thị trường, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất ở nước ta.
d. Kìm hãm phát triển kinh tế đối ngoại của Việt Nam: tiếp tục bắt giữ tàu thuyền của ta (số lượng nhiều hơn 1992: 28 chiếc); chống việc ICAO trả lại vùng FIR Hồ Chí Minh cho Việt Nam.
2. Mỹ có thể thách thức đe doạ an ninh và
phát triển của Việt Nam qua các dạng:
a. Mỹ là nước lớn duy nhất hiện nay chưa bình thường hoá quan hệ với Việt Nam và còn tiếp tục chính sách cấm vận gây trở ngại cho các tổ chức quốc tế (Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới...) và các nước khác trong việc viện trợ tài chính và hợp tác với ta phát triển kinh tế.
b. Tiến hành diễn biến hoà bình: thông qua những cái gọi là đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền ép ta đa nguyên, đa đảng; kích động các vấn đề tôn giáo, dân tộc thiểu số để gây tình hình phức tạp làm mất ổn định chống ta.
c. Nuôi dưỡng những phần tử phản động hoặc thoái hoá biến chất còn lại ở Việt Nam và các lực lượng phản động người Việt đang ở nước ngoài khi có điều kiện thuận lợi thì gây bạo loạn, lật đổ như đã làm ở một số nước.
3. Nhật Bản trước mắt là một đối tượng hợp tác chính của ta để thực hiện yêu cầu phát triển nhanh kinh tế Việt Nam, song ta vẫn phải dự phòng về lâu dài những khả năng xấu từ phía Nhật:
a. Trước hết là cùng với việc tăng cường đầu tư viện trợ, Nhật sẽ từng bước thao túng kinh tế Việt Nam và đưa Việt Nam và cả Đông Nam Á vào quỹ đạo Nhật Bản phục vụ cho tham vọng bá quyền khu vực và thế giới của Nhật Bản về kinh tế cũng như về chính trị.
b. Mặt khác, cùng với tham vọng về chính trị và kinh tế được thực hiện từng bước, chủ nghĩa quân phiệt Nhật có thể được phục hồi nhằm trở thành một siêu cường toàn diện ở khu vực và trên thế giới. Nguy cơ này sẽ có hậu quả trực tiếp tới khu vực Đông Á trong đó có Việt Nam.
4. Thái Lan hiện là một bộ phận của ASEAN mà ta đang tích cực tranh trủ hợp tác cả về kinh tế lẫn chính trị. Nhưng chủ nghĩa “Đại Thái” xưa nay là nguy cơ truyền thống đối với an ninh và phát triển của Việt Nam, hiện vẫn tồn tại và đầy tham vọng.
Thái luôn coi Việt Nam là một đối thủ tiềm tàng về kinh tế cũng như về chính trị. Vì vậy thách thức của Thái đối với ta có thể đến từ hai phía:
a. Về kinh tế, Thái có lợi ích kiềm chế nhịp độ phát triển của Việt Nam (vấn đề Uỷ ban Mêkông, FIR Hồ Chí Minh) đồng thời tận dụng được Việt Nam như một thị trường tiêu thụ hàng Thái và một nguồn cung cấp nguyên liệu (lâm
sản, hải sản, khoảng sản).
b. Về chính trị, quân sự, Thái có lợi ích biến Lào và Campuchia từ những đồng minh của Việt Nam thành vùng chịu ảnh hưởng Thái nhiều hơn. Đồng thời Thái vẫn có thể cung cấp căn cứ địa cho các lực lượng phản động Việt Nam thâm nhập phá hoại nội địa ta.
Phần 2 :
Nguy cơ lớn nhất và thúc bách nhất đe doạ an ninh và phát triển của ta là từ đâu ?
Trong 4 đối tượng có thể tạo nên nguy cơ đe doạ ta, có những nước lớn cỡ toàn cầu hoặc khu vực như Mỹ, Trung Quốc, Nhật; riêng Thái Lan là nước ngang tầm với ta nên mức độ thách thức đối với ta không so được với các nước lớn. Trong các dạng thách thức khác nhau của cả 4 đối tượng, có nhiều điều mới trên cơ sở giả định hoặc dự phòng để cảnh giác, song có những điều đang là hiện thực, đang là những vấn đề thực tế và thúc bách đặt ra trước mắt ta. Vì vậy với khả năng rất hạn hẹp về mọi mặt của ta, ta cần phân biệt rõ đâu là nguy cơ lớn nhất trực tiếp đe doạ những lợi ích sống còn của dân tộc Việt Nam để tập trung trí lực và vận dụng cao độ sách lược đối ngoại đối phó lại. Trước hết chắc chắn đó không phải là Nhật hay Thái Lan. Đó chỉ có thể là Mỹ hay Trung Quốc.
1. Chiến lược của Mỹ và ý đồ Mỹ đối với Việt Nam
Sau sự tan rã của Liên Xô và sự kết thúc chiến tranh lạnh, Mỹ gặp phải nhiều thách thức hơn là cơ hội. Thách thức bởi những vấn đề kinh tế – xã hội cấp bách trong nước, thách thức bởi những đối thủ vốn là đồng minh cũ của Mỹ trong chiến tranh lạnh như Nhật, EC. Vì vậy, mục tiêu chiến lược của Mỹ phải điều chỉnh lại một cách thực tế và khiêm tốn hơn: cố gắng duy trì vị trí số một trên thế giới và ở châu Á - Thái Bình Dương, hiện đang trở thành vũ đài chính của thế giới. Trước thách thức ngày càng lớn của các trung tâm kinh tế phương Tây, việc xoá CNXH ở châu Á chưa phải là ưu tiên hàng đầu của Mỹ hiện nay.
Khoảng cách về so sánh lực lượng giữa Mỹ và các cường quốc khác không còn quá lớn như trước, để thực hiện được mục tiêu chiến lược trên, phương hướng của Mỹ chủ yếu là tạo một cân bằng lực lượng giữa các đối thủ có tiềm năng đe doạ vị trí số một thế giới của Mỹ, dùng đối thủ này kiềm chế đối thủ kia, thông qua hợp tác để kiềm chế các đối thủ, tăng cường vai trò các thể chế quốc tế (như LHQ) trong việc xử lý các xung đột khu vực, tạo thành một thế ổn định chung có lợi cho Mỹ.
Ở châu Á - Thái Bình Dương cũng vậy, Mỹ đang cô lập nên trật tự khu vực mới trên cơ sở tam giác chiến lược mới Mỹ – Nhật – Trung thay cho tam giác Mỹ – Xô - Trung ngày trước, trong đó Mỹ vừa tranh thủ và họp tác với Trung Quốc mà chủ yếu là với Nhật, vừa cảnh giác kiềm chế cả hai, chủ yếu là Trung Quốc.
Riêng với Trung Quốc, Mỹ rất coi trọng vai trò của đất nước có hơn 1 tỷ dân này trong kế hoạch tạo lập một trật tự quốc tế mới. Mỹ cần thúc đẩy và tranh thủ sự hợp tác của Trung Quốc trong nhiều vấn đề, nhất là trong việc xử lý các cuộc xung đột khu vực trong Hội đồng Bảo an LHQ mà Trung Quốc là một thành viên có quyền phủ quyết. Vì vậy chắc chắn Mỹ sẽ không vì Việt Nam mà làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ với Trung Quốc. Mỹ sẽ không trực tiếp can thiệp vào các tranh chấp song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc nếu tranh chấp đó không đụng chạm đến lợi ích của Mỹ và đến ổn định của cả khu vực.
Song cũng vì lợi ích chiến lược của Mỹ, Mỹ không thể khuyến khích hoặc làm ngơ để Trung Quốc tự do bành trướng xuống Đông Nam Á. Trong chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, chính quyền Clinton đã tỏ ra coi trọng vai trò Đông Nam Á hơn trước. Có thể vì đây là một vùng khá năng động về phát triển kinh tế, đồng thời lại có một cơ chế tiểu khu vực có sức sống và gắn bó với lợi ích kinh tế của Mỹ. Song mặt khác vì đây đang là hướng bung ra của Trung Quốc trong ý đồ lấp “khoảng trống quyền lực” sau khi Liên Xô tan rã và Mỹ thu bớt sự có mặt quân sự ở Đông Nam Á. Lợi ích của Mỹ là tạo ra được ở đây một Đông Nam Á ổn định và đủ mạnh để cản bước Trung Quốc trong chiến lược “biên giới mềm” và “mở rộng không gian sinh tồn”. Ý đồ của Mỹ là từng bước thúc đẩy việc mở rộng ASEAN thành một tổ chức chung cho cả 10 nước Đông Nam Á, có khả năng trở thành một đối trọng đáng kể đối với Trung Quốc bảo đảm ổn định khu vực. Trong kế hoạch tạo lập một cơ chế an ninh khu vực của châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ, Nhật và phương Tây nói chung đều đã lấy ASEAN làm cốt lõi về tổ chức. Hội nghị thường niên giữa ASEAN và 6 nước đối tác đang trở thành diễn đàn trao đổi về an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nga cũng tỏ thái độ ủng hộ phương hướng này. Riêng Trung Quốc không mặn mà.
Vậy có khả năng Mỹ đồng tình hay cấu kết với Trung Quốc chống Việt Nam không ? Trước đây Mỹ và Trung Quốc hợp lực chống Việt Nam trong vấn đề Campuchia là vì cả hai cùng có yêu cầu chung là đánh vào Liên Xô và xoá bỏ ảnh hưởng của Liên Xô ở Đông Nam Á. Nay Liên Xô đã sụp đổ, thế chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương đã thay đổi, nếu Mỹ lại đi với Trung Quốc chống Việt Nam thì chẳng khác gì là đẩy Việt Nam vào tình thế hoặc chủ động liên minh với Trung Quốc hoặc phải khuất phục trước sức mạnh của Trung Quốc, từ đó tạo điều kiện cho Trung Quốc từng bước khống chế cả Đông Nam Á một cách dễ dàng và nhanh chóng trở thành một trong những đối thủ đe doạ vị trí số 1 của Mỹ trên toàn cầu. Điều này hoàn toàn ngược lại mục tiêu chiến lược của Mỹ.
Mặt khác, một nước Việt Nam đổi mới, độc lập với Nga, Trung Quốc cũng như không chịu sự chi phối của Nhật, cải thiện quan hệ và hoà nhập với các đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á là phù hợp với lợi ích của Mỹ về hoà bình, ổn định, nhằm duy trì ảnh hưởng của Mỹ và hạn chế các thách thức nổi lên đối với vị trí của Mỹ ở khu vực. Việt Nam tuy không có một vị trí quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, nhưng Việt Nam vẫn là một nhân tố mà Mỹ không thể không tính đến trong chiến lược của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Hơn nữa về kinh tế Mỹ có lợi ích tranh thủ thị trường và nguồn nhiên liệu của Việt Nam. Mỹ không muốn vắng mặt trong khi các đối thủ của Mỹ đi mạnh vào thị trường Việt Nam.
Bên cạnh những lợi ích có phần nào trùng hợp với ta như trên, mặt tiêu cực trong chính sách của Mỹ đối với ta không nhỏ. Mỹ không thể từ bỏ ý đồ diễn biến hoà bình với ta. Tuy nhiên Mỹ có làm được hay không chủ yếu còn tuỳ thuộc vào khả năng giữ vững ổn định chính trị trong nước của ta, tức là tuỳ thuộc vào bản lĩnh chính trị của Đảng ta và sự vững vàng cảnh giác của cán bộ và nhân dân ta và sự gắn bó giữa dân với Đảng. Ở đây nhân tố vững mạnh bên trong có ý nghĩa quyết định. Thắng lợi của công cuộc Đổi mới, sự ổn định về kinh tế – xã hội ở nước ta và việc không ngừng nâng cao cảnh giác cách mạng trong quá trình đa dạng hóa và mở rộng quan hệ quốc tế sẽ là đảm bảo tốt nhất hạn chế tác động của mọi thủ đoạn diễn biến hoà bình. Mặt khác cũng phải thấy rõ không phải Mỹ tập trung chống phá Việt Nam với bất cứ giá nào vì Mỹ có những ưu tiên chiến lược lớn hơn và hơn nữa hiện nay Mỹ đang có những lợi ích trùng hợp với ta ở khu vực mà ta có thể tranh thủ lợi dụng để phục vụ hữu hiệu cho mục tiêu chiến lược của ta.
2. Chiến lược của Trung Quốc và ý đồ của Trung Quốc đối với Việt Nam
Trái với Mỹ, Trung Quốc thấy ở những biến đổi lớn trong cục diện thế giới ngày nay, một “cơ hội ngàn năm có một”. Đối với Trung Quốc cơ hội đang tăng lên, còn thách thức giảm đi. Trong khi Mỹ cảm thấy cần co bớt lại để củng cố và phòng ngự là chính thì Trung Quốc nuôi tham vọng lớn là muốn vươn lên trở thành một cực trong trật tự thế giới đa cực mới. Trong khi hiện đại hoá trên 4 mặt vẫn là cứu cánh chính để thực hiện mục tiêu đó, Trung Quốc không ngừng tranh thủ mọi cơ hội có được để thực hiện kế hoạch bành trướng, gây mất ổn định của nước khác (Campuchia, Myanmar) để mưu lợi cho mình. Do hiện nay thế cũng như lực chưa đủ mạnh, nên họ thực hiện ý đồ một cách tính toán thận trọng tuỳ theo diễn biến của tình hình khu vực, phản ứng của các đối thủ và thực lực của chính họ.
Trước mắt Trung Quốc đang ra sức thực hiện ý đồ nhanh chóng trở thành một cường quốc ở châu Á - Thái Bình Dương, có địa vị ngang hàng với Mỹ, Nhật ở khu vực này. Trung Quốc đặt mục tiêu lấn chiếm toàn bộ biển Đông ở vị trí ưu tiên hàng đầu. Trung Quốc coi trọng vị trí chiến lược của biển Đông, vì kiểm soát được biển Đông tức là khống chế được cả Đông Nam Á và cả con đường giao lưu huyết mạch từ Thái bình dương qua Ấn Độ Dương, và cũng là khu vực giầu tài nguyên nhất là dầu khí (trữ lượng dầu ở khu vực này ngang Vịnh Ba Tư) mà Trung Quốc đang cần để đẩy nhanh tốc độ phát triển.
Đáng chú ý là trong khi Trung Quốc mở một chiến dịch hoạt động ngoại giao rộng lớn nhằm tranh thủ tăng cường quan hệ hợp tác phát triển với tất cả các nước công nghiệp hoá phương Tây, tranh thủ các nước đang phát triển và không liên kết hòng khôi phục vai trò lãnh đạo thế giới thứ ba, cải thiện quan hệ với các nước láng giềng cùng chung biên giới, đặc biệt là gần đây tăng cường lôi kéo các nước khu vực Đông Nam Á để phá thế “quần lang đấu hổ”, thì Trung Quốc luôn tập trung mũi nhọn gây sức ép và lấn dần Việt Nam trên mọi vấn đề, mặc dù ta đã dùng đủ phương sách để tỏ rõ thái độ cầu hoà và hữu hảo với họ. Phải chăng vì Trung Quốc cho rằng Việt Nam là điểm yếu và dễ tính để lấn nhất lúc này (khó về quân sự, nghèo về kinh tế, đơn độc về chính trị) mà lại chiếm một vị trí chiến lược quan trọng ở Đông Nam Á và là trở ngại lớn nhất cho kế hoạch biển Đông của Trung Quốc.
Những hoạt động bất lợi đối với Việt Nam của Trung Quốc sẽ không dừng lại ở trạng thái hiện nay mà sẽ còn được tiếp tục đẩy tới vì Trung Quốc cho rằng tình thế hiện tại đang rất thuận lợi cho việc Trung Quốc lấn ép Việt Nam mà chỉ gặp phải phản ứng quốc tế ở mức thấp nhất vì Mỹ chưa bỏ cấm vận Việt Nam; quan hệ hợp tác, đầu tư giữa các nước và Việt Nam còn chưa phát triển; vấn đề Campuchia đang còn thu hút nhiều sự chú ý của dư luận quốc tế; cơ chế an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương chưa hình thành. Trung Quốc đặt năm 1997 thành một mốc thời gian quan trọng trong quá trình xây dựng sức mạnh mọi mặt của Trung Quốc: năm 1997 là năm Trung Quốc thu hồi Hồng Kông và cũng có thể là năm thực hiện một bước kế hoạch hình thành “vành đai kinh tế Đại Trung Hoa” bao quanh Đông Nam Á; năm 1997 là năm quân đội Trung Quốc sẽ được trang bị hàng không mẫu hạm và các trang bị tối tân khác, đặc biệt về hải không quân để có thể vươn ra khắp biển Đông; có tin Trung Quốc đang cố rút ngắn mục tiêu của năm 2000 xuống năm 1997 sẽ tăng tổng sản phẩm quốc dân lên gấp 4 lần. Sức ép của Trung Quốc đối với ta sẽ phát triển thuận chiều với sự phát triển các mặt của Trung Quốc.
3. Những phân tích tình hình trên đây có thể dẫn đến kết luận: Trước mắt cũng như trong tương lai dự báo được, Trung Quốc là nguồn xuất xứ chính của những thách thức đe doạ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như đối với an ninh và phát triển của Việt Nam. Những thách thức đe doạ trên nhiều mặt của Trung Quốc đối với ta đều đang là những vấn đề hiện thực, đang xảy ra và ta đang phải xử lý, khác với những thách thức đe doạ của các đối tượng khác, kể cả Mỹ, có phần nào còn là giả định và dự phòng. Những mâu thuẫn về lợi ích trên các mặt giữa ta với Trung Quốc có nhiều hơn với các đối tượng khác.
--------------------
Phần 3 : Kiến nghị đối sách
1. Xét về so sánh lực lượng giữa Việt Nam và Trung Quốc, Việt Nam là nước nhỏ so với Trung Quốc là nước lớn, có trọng lượng và ảnh hưởng chính trị rộng lớn hơn ta nhiều. Nếu tách riêng mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc với những vấn đề tranh chấp hiện có cũng như tiềm tàng thì tình hình hoàn toàn bất lợi cho ta. Nhưng nếu gắn mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc vào trong tổng thể quan hệ quốc tế của thế giới và khu vực, thì ta có khả năng vận dụng được những xu thế lớn của thời đại, như tính tuỳ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu được quốc tế hoá cao và xu thế chung muốn duy trì và củng cố hoà bình và ổn định để đẩy mạnh phát triển kinh tế, để cải thiện thế chính trị của ta trong cuộc đấu tranh nhằm giải quyết các vấn đề tranh chấp với Trung Quốc bảo vệ lợi ích chính đáng của ta.
Vì bên cạnh những chỗ mạnh so với ta trên mặt trận đối ngoại Trung Quốc có những điểm yếu cơ bản mà ta có thể và cần biết cách khai thác để có thể hạn chế Trung Quốc trong chính sách lấn ép ta trên nhiều mặt. Những điểm yếu đó là:
a. Để thực hiện ưu tiên tối cao là đẩy nhanh hiện đại, Trung Quốc cần Mỹ hơn là Mỹ cần Trung Quốc. Do đó tuy giữa Mỹ - Trung Quốc có đấu tranh và thoả hiệp, nhưng rõ ràng Trung Quốc ngại phản ứng của Mỹ, không dám thách thức Mỹ trong khi thế và lực của Trung Quốc còn có hạn. Thế giới cũng như các nước khu vực đều coi Mỹ là đối trọng có hiệu quả nhất trong việc kiềm chế Trung Quốc. Cũng vì thế Trung Quốc rất không muốn Mỹ cải thiện quan hệ và đi tới bình thường hoá quan hệ với Việt Nam.
b. Trong lúc chưa xây dựng được lực lượng
kinh tế cũng như quân sự đủ mạnh, Trung Quốc rất ngại các nước khu vực Đông Nam Á - đối tượng bành trướng trước mắt của Trung Quốc – liên kết với nhau, đặc biệt là giữa ASEAN và Việt Nam, thành thế “quần lang đấu hổ” chống lại nguy cơ chung. Chính vì vậy mà Trung Quốc đang tìm mọi cách lôi kéo phân hoá Đông Nam Á thành những mảnh riêng biệt, thậm chí có thể chống đối nhau.
c. Trước xu thế mạnh mẽ của chung trên thế giới và trong khu vực muốn có ổn định để tập trung ganh đua phát triển kinh tế, Trung Quốc rất ngại bị dư luận quốc tế, trước hết là dư luận khu vực, coi là “nhân tố gây mất ổn định” ở châu Á - Thái Bình Dương và thế giới. Cuộc vận động của Mỹ, Nhật, nhất là ASEAN, nhằm từng bước thúc đẩy việc hình thành một diễn đàn và tiến tới một cơ chế về an ninh tập thể khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện nay chính là nhằm kiềm chế Trung Quốc.
2. Để có thể tận dụng những điểm yếu của Trung Quốc vào việc cải thiện thế chính trị trong cuộc đấu tranh không cân sức này, ta nhất thiết cần phải chọn lựa và hình thành một chiến lược đối ngoại hết sức linh hoạt phù hợp với chiều hướng diễn biến chung của chính trị và kinh tế thế giới, thích ứng với những đặc điểm lớn của cục diện quốc tế hiện tại. Cuộc đấu tranh chống lại những thách thức đe doạ của đối tượng đặc biệt này là một nhiệm vụ hết sức thúc bách, đòi hỏi những biện pháp tổng hợp song điển và trên mặt trận ngoại giao là chính.
Với sự kết thúc trạng thái thế giới phân thành 2 cực đối lẫn nhau, do tính tuỳ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa các nước trên toàn cầu và trong mỗi khu vực, việc không ngừng mở rộng quan hệ quốc tế theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá để hoà nhập vào đời sống chung của cộng đồng quốc tế là rất quan trọng cả về chính trị lẫn kinh tế. Đồng thời trong bối cảnh quốc tế hiện nay, an ninh của một nước tuỳ thuộc rất lớn và trước hết vào mối quan hệ với các nước trong khu vực. Đặc biệt việc xử lý các vướng mắc trong quan hệ quốc tế và khu vực của ta vừa qua cho thấy việc xử lý tốt mối quan hệ với các nước lớn là cực kỳ quan trọng đối với lợi ích an ninh và phát biểu của nước ta. Kinh nghiệm xương máu của dân tộc ta trong những thập kỷ qua cho thấy cần có chính sách quan hệ cân bằng giữa các nước lớn, khôn khéo lợi dụng những sai khác về lợi ích giữa họ với nhau, và tuyệt đối không để bên ngoài hiểu là Việt Nam có ý đồ đi với nước lớn này chống nước nọ, gần lợi ích của ta với lợi ích an ninh và phát triển của các nước láng giềng trong khu vực để taọ cho nước ta một thế quốc tế thuận lợi hơn.
3. Những trọng điểm trong chiến lược đối ngoại của ta phải là các nước lớn trong tam giác chiến lược châu Á - Thái Bình Dương và khối các nước ASEAN, những nhân tố có khả năng tác động nhiều tới Trung Quốc.
a. Với Mỹ:
Quan hệ với Mỹ là một bộ phận quan trọng trong chính sách đa dạng hoá quan hệ đối ngoại của ta. Hiện nay Mỹ là nhân tố duy nhất có khả năng làm đối trọng và kiềm chế Trung Quốc, do đó ta cần kiên trì và quyết tâm kéo Mỹ đi vào bình thường hoá quan hệ. Kéo Mỹ vào vấn đề Mỹ có lợi ích trực tiếp ở Việt Nam, nhất là lợi ích trong lĩnh vực dầu khí ngoài khơi Việt Nam, khiến Mỹ không thể làm ngơ trước tình hình “bất ổn định” do Trung Quốc khiêu khích, xâm lấn gây ra. Một nhà nghiên cứu Mỹ về châu Á đã đánh giá “một dàn khoan của Công ty Mobil Oil (Mỹ) ở biển Đông có giá trị ngang với cả một Hạm đội 7”.
Thúc đẩy bình thường hoá quan hệ với Mỹ trước hết là việc bỏ cấm vận có ý nghĩa rất quan trọng đối với yêu cầu an ninh, ổn định và phát triển kinh tế của ta, giúp ta cải thiện với các đối tượng khác và tạo thêm điều kiện thuận lợi cho ta đối phó với các thách thức hiện nay. Triển khai mạnh mẽ quan hệ với Mỹ cũng như với các đối tượng khác không phải để tạo một tập hợp lực lượng chống Trung Quốc vì điều đó trái với phương châm đối ngoại “làm bạn với tất cả” của ta, cũng không phù hợp với các tính toán chiến lược của Mỹ cũng như của các nước khác.
Việc ta vừa giữ hoà khí với Trung Quốc vừa có quan hệ bình thường với Mỹ và thúc đẩy quan hệ với Nhật, phương Tây và ASEAN và các nước khác sẽ tạo ra cho ta thế mạnh trong quan hệ cân bằng với các đôí tượng.
Trong tình hình hiện nay việc hợp tác giải quyết tốt vấn đề POW/MIA là khâu thiết yếu để tháo gỡ trở ngại cho quan hệ Việt – Mỹ. Đồng thời đẩy mạnh công tác vận động trong nội bộ Mỹ (lobby) với khẩu hiệu có tính sách lược dễ tranh thủ dư luận Mỹ thúc đẩy Mỹ sớm bỏ cấm vận, thu hút các công ty Mỹ vào làm ăn ở Việt Nam vừa tạo áp lực vừa tạo điều kiện cho chính quyền Mỹ đi vào bình thường hoá quan hệ với ta sớm nhất. Mặt khác ta cần quan tâm có chủ trương, chính sách và biện pháp thích đáng để vô hiệu hoá ý đồ của Mỹ và các nước phương Tây dùng vấn đề “dân chủ, nhân quyền” gây sức ép với ta.
Song song với các bước cải thiện quan hệ Việt Nam và Mỹ, cần kết hợp mở rộng đường lối “hoà hợp dân tộc” bằng những chính sách cụ thể đối với Việt kiều ở Mỹ và các nước khác nhằm chuyển họ thành những lực lượng mạnh mẽ hỗ trợ cho công cuộc hiện đại hoá nền kinh tế và KHKT của nước nhà. Việc làm này tất nhiên sẽ tác động trở lại đối với việc tăng cường quan hệ hợp tác của ta với Mỹ và các nước có người Việt sinh sống.
b. Với ASEAN:
ASEAN hiện được coi là tổ chức khu vực có sức sống mạnh nhất mà các nước lớn, trong đó có Trung Quốc, phải tính đến trong chính sách châu Á - Thái Bình Dương của họ. Giữa ta và các nước ASEAN có nguyện vọng chung là hoà bình, ổn định và phát triển, đồng thời cũng phải lo đối phó với thách thức bên ngoài, từ Trung Quốc và Nhật Bản. Tăng cường hợp tác khu vực vừa phù hợp với xu thế hiện nay vừa tạo thế cho ta trong quan hệ với các nước lớn ngoài khu vực, nhất là Trung Quốc. Để thúc đẩy quan hệ này, ngoài việc tăng cường quan hệ song phương bằng các biện pháp xây dựng lòng tin, cần sớm gạt những tồn tại trong quan hệ tay đôi giữa ta và một số nước ASEAN qua việc hợp tác giải quyết vấn đề vùng chồng lấn với Inđônêxia, Malaysia, Thái Lan,... cần có các bước đi mạnh mẽ tham gia các cơ chế hợp tác khu vực vì an ninh và phát triển phù hợp với khả năng và lợi ích của ta; đặc biệt là cần tích cực tham gia quá trình trao đổi về cơ cấu an ninh khu vực và sớm tính việc tham gia ASEAN. Nói chung ta cần tích cực, chủ động tăng cường các điểm đồng giữa ta và các nước ASEAN, xử lý khéo léo những khác biệt, tránh để những khác biệt ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác.
c. Với các nước và các đối tượng khác, đặc biệt là với Nhật Bản, Nga, Cộng đồng châu Âu,... ta cần tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác về nhiều mặt nhằm tận dụng tối đa khả năng hợp tác kinh tế, KHKT, kinh nghiệm quản lý của các nước này cho công cuộc phát triển đất nước và qua đó góp phần tạo thế cân bằng lực lượng có lợi cho ta ở khu vực, tranh thủ tập hợp dư luận rộng rãi hỗ trợ cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của ta, tạo nên một mạng lưới lợi ích kinh tế – chính trị, che chắn thêm cho ta trước mưu đồ xâm lấn của Trung Quốc.
d. Với Trung Quốc:
- Bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc là một yêu cầu chiến lược của ta. Do Trung Quốc thi hành chính sách 2 mặt nên đối sách của ta cũng gồm 2 mặt vừa hợp tác vừa đấu tranh, vừa chủ động thúc đẩy quan hệ trên cơ sở những thoả thuận đã đạt được, vừa kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đồng thời giữ vững phương châm không để trở lại tình trạng đối đầu với Trung Quốc cũng như không đặt các nước trước sự lựa chọn hoặc Việt Nam hoặc Trung Quốc. Biện pháp tối ưu lúc này là chủ động tạo nên cục diện các nước lớn và ASEAN có lợi ích kinh tế, an ninh ngày càng lớn trong quan hệ với Việt Nam. Cục diện đó cộng với sự lớn mạnh càng nhanh càng tốt của bản thân chúng ta sẽ là sự răn đe có hiệu quả nhất đối vơí mọi hoạt động lấn chiếm của Trung Quốc.
- Kiên quyết đấu tranh hạn chế ý đồ lấn chiếm của Trung Quốc ở biển Đông, đặc biệt ở vùng thềm lục địa của ta; áp dụng các biện pháp khôn khéo nhưng có hiệu quả ngăn chặn hoạt động của Trung Quốc mà không dẫn đến đối đầu về quân sự.
- Xúc tiến việc xác định phạm vi của quần đảo Trường Sa để xem xét khái niệm “khai thác chung”, phá ý đồ Trung Quốc lợi dụng vấn đề này chia rẽ phân hoá giữa ta và ASEAN.
- Chuẩn bị khả năng đưa ra toà án quốc tế hoặc trọng tài quốc tế vấn đề Trung Quốc vi phạm thềm lục địa của ta.
- Đến một lúc nào đó ta nên tính đến khả năng mở cảng Cam Ranh thành một thương cảng cho các tàu quốc tế ra vào, kể cả tàu Mỹ, tạo sự có mặt của nhiều quốc gia ở khu vực biển Đông, ngăn ý đồ độc chiếm của một nước. Song tất nhiên ta phải có chính sách và luật pháp chặt chẽ để bảo đảm chủ quyền và an ninh quốc gia.
-------------------------
20. Kết thúc một chặng đường nhưng lịch sử chưa sang trang
Sau 12 năm ròng rã, đối với chúng ta, vấn đề Campuchia coi như đã kết thúc và đã trở thành một hồ sơ của bộ phận lưu trữ trong Bộ Ngoại giao Việt Nam. Nhưng những bài học của 12 năm ấy vẫn còn có nhiều tính chất thời sự, nhất là bài học về chính sách và thái độ cư xử với các nước lớn.
Tiếp sau việc vấn đề Campuchia được giải quyết là việc thực hiện bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc. Theo thoả thuận giữa hai bên, ngày 5.11.91, TBT Ðỗ Mười và thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có cuộc đi thăm chính thức nước CHND Trung Hoa, đánh dấu sự bình thường hoá quan hệ giữa hai nước. "Quan hệ Việt - Trung tuân thủ các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau... Quan hệ Việt - Trung không phải là quan hệ đồng minh, không trở lại quan hệ như những năm 50 - 60..."
Tuy nhiên sau khi bình thường hoá quan hệ, lại dồn dập diễn ra những sự kiện xấu trên nhiều mặt quan hệ giữa hai nước, tập trung gay gắt nhất là các vấn đề liên quan đến lãnh thổ trên bộ vùng biên giới Hà Giang tháng 2, 3, 4.92; vụ nối lại đường xe lửa Liên vận ở Ðồng Ðăng, Lạng Sơn tháng 12.91 rồi 4.5.92; Lục Lầm, Quảng Ninh tháng 5.92) và tranh chấp biển đảo mà đỉnh cao là vụ Trung Quốc công khai hoá việc ký kết họp đồng thăm dò khai thác dầu khí với Công ty Năng lượng Mỹ Crestone tại một vùng rộng lớn trên thềm lục địa của Việt Nam (bãi Tư Chính).
Vì sao Trung Quốc tăng cường lấn ép ta vào thời điểm này? Vì Trung Quốc cho rằng tình hình đó đang thuận lợi cho họ tranh thủ gấp rút thực hiện yêu cầu tăng thế và lực (xây dựng hải quân nhanh, nổ thử bom 1000 kilôton, thi hành chiến lược "biên giới mềm") nhằm tạo cho mình một vị thế đỡ bất lợi so với Mỹ và các nước lớn khác, trong đó có ý đồ gấp rút biến biển Nam Trung Hoa - mà ta gọi là biển Ðông - thành vùng biển độc chiếm của Trung Quốc, từ đó khống chế toàn bộ vùng Ðông Nam á.
1. Trật tự thế giới cũ không còn, trật tự thế giới mới chưa hình thành. Các đối thủ chính của Trung Quốc ở châu á - Thái Bình Dương đều đang gặp khó khăn, Liên Xô vừa tan rã. Liên bang Nga trước mắt chưa phải là thách thức đáng kể, Mỹ đang giảm bớt sự có mặt về quân sự ở châu á - Thái Bình Dương, tránh can thiệp nếu lợi ích của Mỹ và đồng minh không bị đụng đến.
2. Ðông Nam á mới bắt đầu quá trình nối lại các quan hệ giao lưu giữa hai nhóm nước đối đầu cũ. Triển vọng liên kết hay nhất thể hoá Ðông Nam á, bất lợi đối với ý đồ bá quyền của Trung Quốc, đang còn có những trở ngại (nghi ngờ nhau do khác ý thức hệ, va chạm lợi ích, ý đồ của Thái Lan đối với Lào, Campuchia) đòi hỏi thời gian khắc phục Trung Quốc muốn tranh thủ thời gian này để cản phá xu thế hợp tác khu vực giữa Ðông Dương, chủ yếu là Việt Nam và ASEAN tạo ra một tập hợp lực lượng thân Trung Quốc ở Ðông Nam á (quân phiệt Thái, quân phiệt Myanmar, Khmer đỏ ở Campuchia và Lào nếu có thể) để khuất phục Việt Nam.
3. Bản thân Việt Nam còn đang lúng túng về những vấn đề chiến lược (vấn đề đồng minh, vấn đề tập hợp lực lượng, vấn đề bạn thù) trong tình hình mới sau khi Liên Xô tan rã, quan hệ với Mỹ chưa bình thường hoá, Trung Quốc muốn đi vào bình thường hoá quan hệ với Việt Nam trên thế mạnh.
Vì vậy Trung Quốc nhẩn nha trong các bước bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, vừa tạo bề mặt thân mật gắn bó Trung - Việt, vừa xiết chặt bên trong, giành lợi thế cho mình trên mọi lĩnh vực quan hệ. Cả hai mặt đều nhằm đạt mục tiêu khẳng định Việt Nam - Ðông Dương là thuộc khu vực ảnh hưởng của Trung Quốc, muốn tách Việt Nam khỏi Ðông Nam á và thế giới bên ngoài.
*
* *
Ngày 29.11.93, tại cuộc họp Trung ương thứ 6 khoá VII để nhận định tình hình và bàn về ảnh hưởng tới, với dự tính sẽ xin rút khỏi Trung ương trong kỳ họp Trung ương giữa nhiệm kỳ tới, tôi đã tranh
55
thủ nói rõ quan điểm của tôi trước phiên họp toàn thể Trung ương dưới dạng trình bày những suy nghĩ của mình về "Thời cơ và những thách thức".
Tôi cho rằng cục diện mới lúc này có mặt thuận lợi là đang nảy sinh những xu thế phù hợp với yêu cầu mở cửa, hoà nhập vào đời sống kinh tế - chính trị quốc tế của ta, đang tạo nên thời cơ thực hiện mục tiêu hoà bình và phát triển của nước ta.
Ðó là:
1. Xu thế độc lập tự chủ, tự lực tự cường của những nước nhỏ và vừa, có ý thức về lợi ích dân tộc của mình, cưỡng lại chính trị cường quyền áp đặt của nước lớn.
2. Xu thế đa dạng hoá quan hệ đối ngoại, tăng cường ngoại gia đa phương do nhu cầu đẩy mạnh giao lưu kinh tế và an ninh tập thể.
3. Xu thế giữ hoà bình ổn định thế giới và khu vực nhằm bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi cho tập trung phát triển kinh tế.
4. Xu thế liên kết khu vực về kinh tế và an ninh khu vực.
Ðồng thời, cũng có những thách thức lớn đối với an ninh và phát triển của ta, cả từ bên trong lẫn từ bên ngoài:
1. Thách thức bên trong là tệ nạn tham ô và nhũng nhiễu đang huỷ hoại sức để kháng vật chất cũng cũng tinh thần của dân tộc ta, làm giảm hẳn khả năng chống đỡ của ta đối với các thách thức bên ngoài.
2. Diễn biến hoà bình - một dạng biểu hiện của mâu thuẫn Ðông - Tây sau chiến tranh lạnh.
3. Bá quyền bành trướng. Nguy hiểm không kém diễn biến hoà bình, ở sát nách ta, thể hiện lúc mềm, cứng để gây mơ hồ mất cảnh giác (điểm này trong hội nghị hầu như không có ý kiến nào đề cập tới).
4. Tình hình Campuchia còn đầy bất chắc với Khơ me đỏ còn đó, cộng với chủ nghĩa dân tộc cực đoan của người Campuchia.
Trên cơ sở nhận định về thời cơ và nguy cơ như vậy, tôi đã đưa ra kiến nghị:
1. Cần nhìn tổng thể tình hình khách quan và chủ quan, đối chiếu các thách thức với khả năng các mặt của ta để chọn cách xử lý sát thực tế, vừa sức.
2. Trước hết xử lý thách thức nào trong tầm tay của ta, tập trung chống tham nhũng để bảo tồn và tăng cường sức đề kháng phòng ngừa thách thức bên ngoài.
3. Ưu tiên cho liên kết khu vực (Ðông Nam á). Liên kết không phải để đối đầu chống nước nào.
4. Ðối với các nước lớn, quan hệ hữu hảo, không đối đầu nước nào, nhưng đều giữ khoảng cách nhất định.
5. Song song với việc kết bạn, không lơ là với việc đấu tranh khi cần thiết. Song luôn giữ giới hạn. không gây nguy cơ mất ổn định khu vực.
6. Tránh không làm gì có thể dồn hai hoặc ba đối thủ câu kết lại vơi nhau chống ta.
Những ý kiến trên đây có thể dùng làm đoạn kết cho phần hồi ức này của tôi, vì phản ảnh khá đầy đủ quan điểm của tôi và cho đến nay (năm 2000)_ xem ra nó chưa phải đã lỗi thời._
Hồi ức và suy nghĩ của Trần Quang cơ.
-----------------
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment