Chữ Quân tử lúc đầu trỏ hạng quí tộc, cầm quyền, trị dân. Tiểu nhân là dân thường. Khổng tử cho rằng người cầm quyền phải có đức, do đó mà quân tử còn có nghĩa là người có đức dù cầm quyền hay không. Chữ tiểu nhân cũng vậy, có hai nghĩa: dân thường , hoặc người cầm quyền nhưng thiếu đức. Người quân tử chăm chú vào việc gốc, gốc mà vững thì đạo đức sinh ra. Hiếu, để là cái gốc của đức Nhân. Ở trong nhà, người quân tử thì hiều thảo với cha mẹ, ra ngoài thì kính nhường bậc bề trên, thận trọng lời nói mà thành thực, yêu khắp mọi người và gần gũi người nhân đức, làm được như vậy rồi mà còn dư sức thì sẽ học văn. Ngoài ra người quân tử chuyên chú vào sự trung tín, không kết bạn với những người không trung tín. Người quân tử làm chính trị thì dùng đức để cảm hóa dân như sao Bắc đẩu ở một nơi mà các ngôi sao khác hướng về, có nghĩa là thiên hạ theo về cả.
Chịu ảnh hưởng luân lý Khổng Mạnh nên người Việt Nam cũng bày tỏ cách hành xử đúng đắn của trai và gái theo khuynh hướng quân tử như sau
Trai thì trung hiếu làm đầu
Gái thì tiết hạnh là câu trau mình
( Lục vân Tiên )
Trung hiếu tiết hạnh đó cũng là cách ứng xử của người quân tử ở Việt Nam và quan niệm này cũng không xa cách lắm với quan niệm quân tử do Khổng tử đề ra. Cách trị dân của người quân tử là tránh dùng chính lệnh để dắt dẫn dân, dùng hình phạt để bắt dân vào khuôn phép, dân tránh khỏi tội nhưng không biết hổ thẹn. Dùng đạo đức để giáo hóa và dắt dẫn dân, dùng lễ giáo để đặt dân vào khuôn phép, dân biết hổ thẹn mà lại theo đường chính. Ðiều này cho thấy khó có thể cai trị một xã hội bằng những luật lệ, nghị định cứng ngắc vì khi người dân không biết xấu hổ, họ sẽ dùng trăm phương ngàn kế để luồn lách và tránh né luật pháp do nhà nước đề ra.
Cách đây vài năm, khi qua thăm Việt Nam, Thủ tướng Singapore là Lý quang Diệu đã nhận xét là nạn tham nhũng ở Việt Nam đã vượt qua phạm trù đạo đức. Có nghĩa là ở Việt Nam bây giờ người tham nhũng không còn biết mắc cỡ, không cảm thấy áy náy lương tâm khi làm những chuyện sai trái, móc ngoặt. Có đề ra những hình phạt nghiêm khắc để trừng trị bọn tham nhũng gộc thì chỉ có tác dụng nhỏ đối với bọn tham nhũng sợ tù tội, chết chóc nhưng lại không có hiệu quả đối với những kẻ tham nhũng nhỏ không còn biết mắc cỡ, thẹn thùng khi đục khoét tài sản của nhà nước, của nhân dân. Những kẻ tham nhũng nhỏ này nghĩ rằng dù có bị bắt thì hình phạt mà chúng nhận lấy cũng không đến nỗi khe khắt và do đó không ngần ngại để ăn cắp của cải của nhà nước.Khi không có lòng tự trọng tối thiểu thì không có ai ngăn cản chúng làm những chuyện gian trá vặt vãnh. Nhưng lỗ nhỏ thì đắm thuyền, cả bộ máy nhà nước Việt Nam đang tiến đến giai đoạn sụp đổ vì tham nhũng mà không có phương cách gì cứu vãn nổi. Cộng sản đánh giá tham nhũng là quốc nạn là chính xác nhưng chính bộ máy chuyên chính quan liêu của chúng là mầm mống và nguyên nhân gây ra tham nhũng. Cái lối sống xã hội chủ nghĩa đặt nặng vấn đề vật chất lên trên vấn đề tinh thần đã dần dần đào tạo ra một tầng lớp cán bộ tham nhũng mà không còn biết ngượng ngùng e thẹn. Phần hồn, phần liêm sỉ của con người dần dà bị chủ nghĩa Cộng sản tiêu hủy đi nên họ không còn biết e thẹn, ngượng ngùng khi làm việc xấu như tham nhũng. Hồ chí Minh nói, " Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa. " Tiếc rằng con người xã hội chủ nghĩa là một con người không còn biết liêm sỉ, không còn biết mắc cỡ khi ăn cắp của công, tham nhũng nên chủ nghĩa xã hội sẽ không bao giờ xây dựng được.
Truyện Tam Quốc Chí đã cho thấy Lưu Bị, Khổng Minh coi như đại diện cho lớp người quân tử, làm việc gì cũng căn cứ trên căn bản đạo đức, chữ tín và điều nhân nghĩa. Lưu Bị đã nhiều lần từ chối những chuyện làm có lợi cho mục đích khôi phục lại cơ nghiệp nhà Hán nhưng lại bất nghĩa, vô đạo đức. Lưu Bị có thể coi là một mẫu người quân tử trong khi hạng tiểu nhân có thể đưa ra một nhân vật điển hình là tên gian hùng Tào Tháo. Hành động gì Tào Tháo cũng đặt vấn đề quyền lợi ích kỷ cá nhân lên trên hết và bỏ qua những gì có liên quan đến danh dự, đạo đức, nhân nghĩa. Gian hùng ngày xưa là Tào Tháo, gian hùng ngày nay có thể nói đến cáo già Hồ chí Minh. Hồ chí Minh đã đổi cái quan niệm trung hiếu của người quân tử thời xưa thành cái quan niệm trung hiếu của người cán bộ Cộng sản là " Trung với Ðảng, hiếu với dân." Cứ nhìn những cán bộ Cộng sản trong chiến dịch cải cách ruộng đất mang những cụ già ra đấu tố, lăng nhục, hành hạ thì cũng đủ thấy cái " hiếu" của cán bộ Cộng sản của Hồ chí Minh đối với dân như thế nào! Những nguyên tắc ứng xử của người quân tử trong Nho giáo như " Lễ, nghĩa, liêm, sỉ ", giữ mình thì khiêm cung, thờ vua thì kính cẩn, nuôi dân thì có ân huệ, sai dân thì hợp tình, hợp lý. Hồ chí Minh cũng rút tỉa từ tinh thần đó và dạy dỗ cán bộ của ông là " cần, kiệm liêm chính, chí công vô tư " . Tiếc rằng cái cơ cấu nhà nước Cộng sản đã không là môi trường để người cán bộ Cộng sản thực hành đức tính cần,kiệm liêm chính mà trái lại là môi trường béo bở để cán bộ đục khoét tài sản của nhà nước, của nhân dân. Người cán bộ Cộng sản hôm nay đã không được dạy dỗ tinh thần liêm sỉ, tự trọng của người quân tử trong Nho giáo nên dính líu vào tham nhũng mà không hề áy náy lương tâm. Giờ đây tham nhũng đã trở thành quốc nạn và có nguy cơ giật sập chế độ và vì không có cơ cấu giám sát hữu hiệu nhằm chế tài tham nhũng nên tham nhũng giờ đây được coi như căn bệnh bất trị, ngày đêm tàn phá cơ cấu nhà nước Cộng sản cho đến mục nát và vấn đề sụp đổ cơ cấu này chỉ là vấn đề thời gian.
Một đặc điểm nữa của người quân tử là hòa hợp mà không a dua, kẻ tiểu nhân a dua mà không hòa hợp. Người quân tử giao tiếp với người thì giữ niềm hòa lạc nhưng chẳng đồng tình trong việc quấy, kẻ tiểu nhân giao tiếp với người thì đồng tình trong việc quấy nhưng chẳng giữ niềm hòa lạc. ( Quân tử hòa nhi bất đồng. Tiểu nhân đồng nhi bất hòa. ). Chủ trương của người quân tử , chẳng hạn về vấn đề chính trị hay tôn giáo, cho dù có khác với người thì cũng không đả kích người, vẫn tìm cách hợp tác với người ( vì hai bên cùng đeo đuổi một mục đích cả) mà không thay đổi chủ trương của mình ( bất đồng); kẻ tiểu nhân thì đồng lõa " cắt máu, ăn thề " trong chuyện làm việc ác, nhưng sự bất mãn, chống đối vẫn ngấm ngầm tiềm tàng trong đó, và sẽ cấu xé đấu đá nhau khi kết qủa " ăn không đồng, chia không đều". Tiểu nhân có hùn hạp, cộng tác với nhau thì chung qui cũng là để tranh giành vật chất, quân tử thường hợp tác với nhau cho những mục tiêu hướng thượng, an nước lợi dân. Quân tử thường hướng lên cao ( đạo đức) mà mong đạt tới, kẻ tiểu nhân hướng xuống thấp ( tài lợi) mà mong đạt được ( Quân tử thượng đạt, tiểu nhân hạ đạt). Hơn nữa, người quân tử thư thái mà không kiêu căng, kẻ tiểu nhân kiêu căng mà không thư thái.
Nguyễn công Trứ ngày xưa cũng có những câu thơ trong bài " Hàn nho phong vị phú " nói về người quân tử khá hay, " Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no. Ðêm năm canh, an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ." . Nói chung, người quân tử thường ăn không cầu no, ở chẳng cần sửa sang nhà đẹp, làm việc gì cũng chăm chỉ, nói lời gì cũng cẩn thận, thường tìm đến người có đạo đức để học hỏi mà sửa mình; có như vậy mới có thể gọi là người học giả vậy.) ( Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an, mẫn ư sự nhi thận ư ngôn, tựu hữu đạo nhi chính yên, khả vị học giả dã- ( Luận Ngữ ) ) .
Người quân tử thường quan niệm " tri hành hợp nhất ", lời nói phải đi đôi với việc làm và phải tôn trọng lời nói ( quân tử nhất ngôn ). Chỉ có những kẻ tiểu nhân mới dè bỉu cái thái độ tôn trọng lời nói của người quân tử, " Quân tử nhất ngôn là quân tử dại, quân tử nói đi nói lại là quân tử khôn." Quân tử khôn ở đây chỉ là một dạng tiểu nhân láu cá, lật lọng mà thôi. Người quân tử lấy làm thẹn khi nói nhiều mà làm ít nên thường rụt rè về lời nói mà gắng sức về việc làm ( Quân tử sĩ kỳ ngôn nhị quá kỳ hành).
Ðã là người quân tử thì luôn luôn tự răn mình: Khi còn trẻ, khí huyết chưa định ( thân thể chưa phát triển đủ), nên răn về sắc dục; tuổi tráng niên, khí huyết cương cường, nên răn về tranh đấu; về già, khí huyết đã suy, nên răn về tính tham). Kẻ tiểu nhân thì không quan tâm đến chuyện rèn luyện cá tính con người, cho dù trẻ hay già thì chỉ hành động theo tài lợi, dù chuyện này bị những người chung quanh chê trách, khinh bỉ.
Nói đến những tính chất tốt đẹp của người quân tử thì không thể không đề cập đến hạng người " ngụy quân tử". Ngụy quân tử ăn nói, làm bộ hành động như quân tử nhưng đó chỉ là những phô trương dối trá bên ngoài thôi, thực chất loại " ngụy quân tử" này mang bản chất ti tiện, xấu xa của tiểu nhân. " Ngụy quân tử" đóng vai quân tử cũng chỉ với mục đích lường gạt, dối trá cho tài lợi của mình. Sự nhân nghĩa thành thật thật sự không bao giờ có mà chỉ là thái độ " giả nhân, giả nghĩa "mà thôi. Cho nên " ngụy quân tử " cũng là một dạng khác của tiểu nhân mà phải tinh ý lắm người ta mới nhìn ra được.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment