Sunday, July 16, 2006

Tinh Thần Trông Người Ngẫm Ta

Phan Văn Hưng
(VNN)

Một tài liệu được nhiều người chú ý trong tuần qua là bài nói chuyện của Tiến Sĩ Lê Đăng Doanh trong một buổi họp "kín" với cấp lãnh đạo Đảng CSVN, được Câu Lạc Bộ Bân Chủ VN công bố.

Người ta chú ý không phải chỉ vì vai trò cao cấp của tác giả trong guồng máy Đảng CS và nhà nước, vì ông đã từng là viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, từng cố vấn cho liên tiếp mấy chính phủ CSVN.

Người ta cũng chú ý không phải chỉ vì qua bài nói chuyện "kín" này, ông Lê Đăng Doanh đã được dịp nói thật, nói thẳng, nói toạc, một điều chẳng bao giờ xảy ra từ lãnh đạo Đảng. Sự kiện bài nói chuyện được ai đó thâu băng, rồi vì một mục đích nào đó, đã tuồn ra bên ngoài cũng là một điểm có nhiều tính chất "giật gân."

Nhưng tôi nghĩ, điều đáng chú ý trên hết là sự phơi bày một loạt những vấn đề tối nghiêm trọng mà chế độ này sẽ không thể giải quyết được nếu không thay đổi từ cơ bản. Đây là những vấn đề không mới mẻ gì, chúng đã được những nhà đối kháng trong và ngoài nước không ngớt đặt ra từ nhiều năm nay - kể cả ngay trên chương trình "Trông Người Ngẫm Ta" này - bây giờ lại được thốt ra từ cửa miệng một người của chế độ.

Những quan điểm đó là gì? Tôi xin được tóm tắt một số ý chính.


1- Về hiện trạng kinh tế, TS Lê Đăng Doanh bảo nước mình đã tụt hậu khủng khiếp so với các nước láng giềng trong 50 năm qua. Nhìn kinh tế khá ra, ta đừng vội tưởng bở, vì người ta đã tăng nhanh hơn mình gấp bội. Ông nói: "Xin báo cáo với các đồng chí là ta tiến không nhanh" và "sau ngần ấy năm phát triển, sự thực là chúng ta vẫn là một nước nghèo."

2- Không có liên hệ gì giữa sự ổn định chính trị và độ tăng trưởng cả. Ông nói: "chuyện ổn định chính trị chỉ nơi nào độc đảng, độc tài thì mới quan trọng. Còn những nước dân chủ thì nay thằng này lên, mai thằng kia lên, kinh tế vẫn hoạt động bình thường bởi vì khung khổ pháp luật đã bình thường."

3- Nước ta chưa có thể chế kinh tế thị trường. Theo ông kinh tế thị trường đúng nghĩa phải dựa trên minh bạch và tin tưởng, thế nhưng độ tin cậy của người dân nơi hợp đồng và pháp luật nói chung còn quá thấp. Ông nói: "Trong một xã hội không có minh bạch về thông tin, người làm ăn lương thiện sẽ chết hết vì bị những thằng lừa đảo cướp hết khách hàng."

4- Tình trạng tham nhũng tại VN quá cao so với thế giới. Ông nói: "Với độ tham nhũng thế này thì ta không cạnh tranh được" và "ta phải có một cơ quan tài phán không thiên vị để tuân thủ luật pháp." Ông cũng nói: "Đảng phải tôn trọng luật pháp, hoạt động trong luật pháp, không đứng trên luật pháp, không đứng ngoài luật pháp" và ông viện dẫn Jean Jacques Rousseau với câu nói bất hủ: "Quyền lực tuyệt đối dẫn đến tham nhũng tuyệt đối."

5- Về mafia, ông nói: "Quan liêu tham nhũng kết hợp với những khuyết tật của kinh tế thị trường có thể dẫn đến những căn bệnh rất nghiêm trọng như mafia."

6- Về dân chủ ông nói: "Nhược điểm lớn nhất của thể chế chính trị chúng ta là chế độ đảng trị, chuyên chế và mất dân chủ rất nặng nề."

7- Về báo chí ông nói: "Điều quan trọng là phải có thái độ nghiêm túc với báo chí. Nếu không có báo chí thì xã hội này không còn là xã hội văn minh nữa."

8- Về xã hội ông nói: "Những bất công xã hội ngày nay cực kỳ lớn."

Và lời kết luận của ông là một lời buộc tội không thể chống đỡ được: tất cả những nan đề của đất nước là do lỗi của cơ chế chung, không phải là của những cá nhân đã lạm dụng cơ chế đó.

Và ông nói: "Đảng Cộng Sản VN phải chấp nhận, phải chịu trách nhiệm... Hệ thống chính trị chúng ta bộc lộ ngày càng nhiều những bất cập để giải quyết những vấn đề lâu dài, cơ bản, cấp bách của dân tộc và đất nước... Sự bất cập và nguy cơ này có liên quan đến sự tồn vong của chế độ."

Vâng thưa bạn, cơ chế phải thay đổi. Tôi thiển nghĩ TS Lê Đăng Doanh vào buổi chiều cuộc đời mình đã tìm lại được lương tâm của ông, ông đã nói lên một số ý nghĩ trung thực. Nhiều người khác làm như thế đã phải ra tù vào khám, hay đã bị giết hại chết tức tưởi.

Cái nhìn của ông đã được hun đúc từ sự so sánh giữa người và ta, từ sự đặt vấn đề luôn luôn để đi tìm cái thật, cái tốt. Tôi mong rằng cái tinh thần "Trông Người Ngẫm Ta" đó sẽ giúp cho nhiều người khác thấy rõ chỗ đứng của nước mình trong cộng đồng thế giới, để rồi đứng thẳng lên mà thay đổi nó đi.

No comments: