Thursday, July 27, 2006

Những Con Mắt Trần Gian :::Hàn Lệ Nhân:::

Nói đến cặp mắt, chúng ta thường liên tưởng tới đôi tròng thịt nằm trên khuôn diện mà ít lưu tâm tới cặp mắt nằm gọn gàng trên mười ngón tay của người mù. Nói cách khác, từ thế kỷ 20, đôi tay là cặp mắt của người mù hay người khiếm thị. Nếu xưa cặp kính trắng đã không làm cho anh chàng mắt sáng nào đó biết đọc thì ngày nay hệ thống văn tự Braille (1) lại giúp cho người khiếm thị, bằng vào mười ngón tay, đọc được lưu loát.

Từ sự kiện đọc bằng tay trên, chúng ta có thể khẳng định rằng cặp mắt trên khuôn mặt là cặp mắt để nhìn - đôi khi có nhìn mà không thấy, có thấy mà không biết - còn cặp mắt nằm trên đôi tay là cặp mắt để biết.

Đôi mắt nằm trên đôi bàn tay, thật ra, chỉ là cách nói đơn giản để ý hội chứ chính ra là do đôi tay – khi rờ rờ mó mó chi đó - đánh”mật mã”lên cái đầu, cái đầu xào nấu sao đó mà người mù (hay người mắt sáng nhưng nhắm tịt lại) diễn cảm giác thu nhận thành lời. Nói vậy là vì khi tắt đèn tối thui thì ai mù, ai sáng? Mà ý hội tức mỗi người toàn quyền ngầm hiểu theo ý mình, hiểu ra sao tùy hỉ, hướng thượng cũng xuôi mà hướng hạ cũng suốt hoặc cùng lắm là không thèm hiểu cũng chả sao nhưng, còn sót ở một vài nơi, hoang mang là tốt nhất, ví dụ:

1/ Cùng thời gian với cuộc đàm phán 6 bên về bom nguyên tử, trong một buổi học về kinh tế chính trị ở Pyong Yang (Bắc Hàn). Phó giáo sư tiến sĩ hỏi sinh viên A:

- Vậy qua tầm nhìn của em, nền kinh tế của đế quốc tư bản Mỹ đã đi đến đâu rồi?
- Sát bờ phá sản ...
- Tốt. Còn kinh tế của nước ta?
- Dạ, qua mặt Mỹ một bước ...

2/ Quay qua sinh viên B, phó giáo sư tiến sĩ hỏi:

- Tóm lại, tư bản là gì?
- Đúng là Người bóc lột Người!
- Còn cộng sản là gì?
- Là ngược lại!

Và xét cho cùng, cặp mắt trên khuôn mặt là mầm chính của mọi xáo trộn, mọi tội lỗi trên đời, vì tham-sân-si tuy tự tâm nhưng nếu mắt không nhìn, không thấy thì lấy đâu mà tham-sân-si?

Trích dẫn chứng cớ thì kể sao cho xiết vì ô trọc cuộc đời xảy ra từng sát na, chỉ xin đơn cử một vài thí dụ làm lệ:

* Một anh thanh niên thông manh nhưng lại thích lấy vợ đẹp. Cha mẹ anh cưới cho một người vợ vừa xấu, vừa chột. Hai vợ chồng yêu thương nhau lắm. Thanh niên thường sờ mặt vợ và nói: Em của anh đẹp lắm. Người vợ quá cảm động đến quên cả ý tứ, âu yếm hỏi: Tại sao anh lại biết em đẹp? Thanh niên trả lời: Tại vì anh có con mắt ở bàn tay.

Sau một thời gian, cặp mắt của thanh niên sáng lại. Lúc thoạt nhìn thấy mặt vợ, anh ta trở nên tuyệt vọng rồi đuổi quách vợ về nhà.

* Nếu thượng đế đừng vẽ mắt cho Eva thì sao Eva thấy, biết được sự hấp dẫn của Trái Cấm trong vườn địa đàng, đâu bị rắn - cũng do thượng đế tạo ra - dụ dỗ, để đến nỗi gây hoạ cho cả đấng ông chồng Adam và gây nên cái tội tổ tông đời đời kiếp kiếp thế nầy. Nghĩ cho rốt ráo thì trong bản án nầy, để cho công bằng, thượng đế vạn năng cũng có một phần lỗi không nhỏ vì đã không lường trước được điểm tối trọng của”cửa sổ của tâm hồn”(2) trong tác phẩm do thượng đế tạo ra theo hình ảnh của chính ngài.

* Mỵ Nương mà có cặp mắt ở trên tay thì Trương Chi đâu đến nỗi ôm hận xuống tuyền đài ...

* Hitler mà đui thì làm sao có thế chiến thứ hai ...

* Thời Đông Châu Liệt Quốc có người tên Sư Khoáng, tự Tử Giả, là người học trò thông minh bậc nhất nước Tấn, lúc bé học âm luật, thường bực mình về nỗi không được chuyên, mới phàn nàn rằng: Nghề không được tinh là tại bụng nghĩ nhiều thứ, bụng nghĩ nhiều thứ là tại đôi mắt hay nhìn, liền lấy lá ngài đốt mù mắt đi, để chuyên tâm về đường âm luật, do đó tinh nghề âm luật lắm, nghe tiếng chim kêu cũng có thể biết được tốt xấu.

Trong làng âm nhạc hiện đại có nhiều ca nhạc sĩ mù nổi danh như Ray Charles, Steve Wonder ...(Mỹ), Andréa Bocceli (Ý), Gilbert Montagné (Pháp), Saï Ngân (Lào), Văn Vỹ (Việt Nam) ... và tôi có một người bạn tên Nguyễn Huy Bá: Anh Bá bị hư đôi mắt từ thuở lên 5 vì bệnh đậu mùa, năm 1960 học trường khiếm thị tại Sàigòn, nay là trường Nguyễn Đình Chiểu. Tự học đàn hát. Có một thời là nhạc trưởng trong một phòng trà tại Vientiane, nay anh mở lớp dạy đàn guitare và Piano. Trường hợp của anh Bá thật khít khao với bản nhạc”Người Nghệ Sĩ Mù”của Hoàng Thi Thơ, với chút khác biệt là anh Bá có một người vợ vừa đẹp lại đảm đang tên Huyền, trước ở cùng xóm với tôi. Họ có với nhau hai người con đều đã trưởng thành. Tôi tin chắc rằng nếu có phép mầu nào đó làm cho anh Bá sáng mắt thì anh sẽ càng yêu vợ anh hơn, chứ không giống anh chàng thông manh kể trên. Mỗi lần về Đông Nam Á, ghé Vientiane chúng tôi vẫn ca hát, đàm luận đủ thứ chuyện với nhau thâu đêm. Thiếu cặp mắt, bù lại anh Bá có trí nhớ của một con voi: 1/ Anh chưa qua Pháp lần nào thế mà mấy tay cấp”thổ công thâm niên”như tôi ở Paris nghe anh nói chi tiết về các danh lam thắng cảnh ở kinh đô ánh sáng mà ngớ cả người ; 2/ Chỉ cần anh bắt tay người nào đó một lần, thời gian sau gặp lại, chúng tôi đã thử, không cần xưng tên, chỉ lên tiếng chào và đưa tay cho anh nắm, anh sờ sờ một lúc rồi nói trúng phóc tên đương sự ngay ; 3/ Cái số đào hoa của anh: Không cần phải nói, cho kẹo anh chàng cũng chẳng dám hé hồ lô bồ đề tâm cho nường nào khác, khi hậu duệ bà Hoạn Thư luôn luôn ở bên cạnh!

Mối tình Bá-Huyền phải chấm điểm”xưa nay hiếm”. Thật là luật bù trừ.

Một nhà bác học có nói: Muốn thế giới được hoà bình, bắt đầu trong bữa ăn của con người không thấy có giọt máu hay miếng thịt. Lời đạo đức đó đúng với kinh Phật dạy: tất cả chúng sanh không nghiệp sát, làm gì thế giới không hoà bình. Và trong Sám Hối Lục Căn, nghiệp căn Mắt đứng đầu bảng:

Nhân ác xem kỹ, nghiệp thiện coi khinh,
Lầm nhận hoa giả, quên ngắm trăng thật.
Yêu ghét nổi dậy, đẹp xấu tranh giành,
Chợp mắt dối sanh, mờ đường chánh kiến.
Trắng qua xanh lại, tía phải vàng sai,
Nhìn lệch các thứ, nào khác kẻ mù.
Gặp người sắc đẹp, liếc trộm nhìn ngang,
Lòa mắt chưa sanh, bản lai diện mục.
Thấy ai giàu có, giương mắt mãi nhìn,
Gặp kẻ bần cùng, lờ đi chẳng đoái.
Người dưng chết chóc, nước mắt ráo khô,
Thân quyến qua đời, đầm đìa lệ máu.
Hoặc đến Tam bảo, hoặc vào chùa chiền,
Gần tượng, thấy kinh mắt không thèm ngó.
Phòng Tăng, điện Phật gặp gở gái trai,
Mắt liếc mày đưa, đam mê sắc dục.
Không ngại Hộ pháp, chẳng sợ Long thần,
Trố mắt ham vui, đầu chưa từng cúi.
Những tội như thế, vô lượng vô biên,
Ðều từ mắt sanh, phải sa địa ngục.
Trải hằng sa kiếp, mới được làm người,
Dù được làm người, lại bị mù chột.
(Sám Hối Lục Căn, HT Thích Thanh Từ)

Thánh Kinh Công Giáo có nhiều đoạn nói tới con mắt, chẳng hạn: Người khôn ngoan có con mắt trong đầu mình ... ; sao ngươi dòm thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình ...

Cũng trong ý tưởng hoà bình trên, cách đây vài chục năm, ở Âu Châu, người ta đã nghiệm thấy rằng, một xã hội toàn người mù là một xã hội tránh được 99,50% tội ác. Sở dĩ người ta kết luận như vậy vì sau một thời gian để cho những người mù sống chung với nhau. Và có người đã kết luận như sau: Muốn cho thế giới được thật sự hoà bình, cần phải làm cho nhân loại trở nên mù hết. Ý tưởng kỳ quặc, nhưng không phải không có lý.

Mắt rồng (tướng giàu sang, gặp minh chủ), mắt khỉ (tướng giàu sang), mắt voi (tướng trường thọ), mắt dê (tướng mồ côi mà ương ngạnh), mắt sư tử (thương người) ...Theo lẽ còn vài cặp mắt bệnh như mắt vảy cá, mắt hột, mắt kèm nhem, mắt lão ... ; những châm ngôn từ Kinh Thánh như mắt thường mắt răng thường răng, chớ khôn ngoan theo mắt mình, mắt từ thiện, mắt gian ác, mắt kiêu ngạo, mắt tham lam, mắt là nguồn lụy, mắt là đèn của thân thể... ; những thành ngữ từ dân gian như mục hạ vô nhân, mắt trắng như lợn luộc, mắt ba vành đầu tám tọng, mắt giương như mắt ếch, mắt toé lửa, mắt la mày lét, mắt to hơn bụng, mắt trước mắt sau, sướng lổ khu su con mắt, mèo mù vớ cá rán, giả đui dòm ... cũng như còn vô vàn những con mắt trong kho tàng văn-thơ-nhạc việt nam: Đôi Mắt Người Xưa - Trúc Phương, Nửa Hồn Thương Đau - Phạm Đình Chương, Mưa Trong Mắt Em - Vũ Tuấn Đức, Nắng trong Mắt Em - Vương Ngọc Long & Đức Minh, Thu Trong Mắt Em - Phạm Anh Dũng, Trong Mắt Em Là Biển Nhớ - Ngô Thụy Miên, Mùa Xuân Trong Đôi Mắt Em - Đức Huy ... ; nội trong trang Đặc Trưng tôi cu ki đọc được những 178 bài (05/08/05) ...v.v & v.v..., song xét ra tâm điểm của bài nầy là phiếm luận về những con mắt nguyên thủy trời định, còn những con mắt bệnh đã có bác sĩ nhãn khoa, những con mắt siêu thực, tượng ý văn nghệ đã có mấy trự nghệ sĩ lo rồi. Hơn nữa muốn tôn trọng cái tựa bài nầy, người viết xin miễn lạm bàn phần huệ nhãn soi thấu ba ngàn thế giới của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni vì, nói như các bạn đồng đạo của tôi, khi tôi chưa có cặp mắt”đạo”- nghĩa là với”đôi mắt”đời và mãi đến nay chỉ tự nguyện quy y nhị bảo”, vả lại:

Mắt cận nhìn đời qua đôi kính
Thấy rõ trần gian - chốn điêu linh
Mắt cận chán đời không đeo kính
Mờ mờ hư ảo cõi phù sinh
(Mắt Cận, Niệm Nhiên)

thì tôi khó lòng”phá chấp, hỉ xả” được những tệ lậu, những thuyết diệt tham-sân-si của và giữa các bậc dẫn đạo ở hải ngoại, đặc biệt mới đây qua vụ án TL-TĐ (3) và vụ một ”vương cung” tín ngưỡng trị giá sơ sơ mười triệu (10 triệu) Euros (4) ở Pháp, mà chẳng may tôi lỡ biết và đã, đang và sẽ”đoạn trường”vì nó hết sức vô duyên, cùng Thiên Nhãn Thông (Con Mắt Tối Cao), biểu tượng của đạo Cao Đài ; con mắt của Đức Giê-hô-va soi xét khắp thế gian ... Và xin dọn lòng, nghiêng mình mong mỏi phần khảo luận nghiêm chỉnh quí hoá của các bậc uyên thâm giáo lý nhà Phật, thông thái Cao Đài học, Thánh Kinh ...

Hành hạ bàn phím vi tính tới đây tôi đã ngán nói về con mắt, dù chỉ mới léng phéng được vòng ngoài, định dứt ngang để ôn và chăm chú gõ đề tài khác thì trực nhớ ra còn sót hai loại mắt này:

1/ Sáu cặp mắt mèo

Hôm nay giáo viên giảng về hai chữ Cách Mạng trên thế giới: 1776 (Mỹ), 1789 (Pháp), 1917 (Nga) ... Ông yêu cầu học sinh về nhà soạn mỗi đứa một câu có chữ Cách Mạng. Bữa sau, giáo viên gọi Hoàng lên đọc câu em soạn. Hoàng đọc:

“Con mèo cái của em mới sanh sáu chú mèo con được hai ngày. Tất cả đều là những con mèo Cách Mạng tốt .”

Giáo viên khen ngợi Hoàng rồi đặn em về nhà làm một câu khác với chữ phản-cách-mạng.

Hôm sau, Hoàng lên đọc:

“Con mèo cái của em mới sanh sáu chú mèo con được ba ngày. Tất cả đều là những con mèo phản-cách-mạng tốt .”

Nghe xong, giáo viên quát Hoàng:

- Trước tiên, em phải biết là không hề có loại phản-cách-mạng tốt. Thứ đến, em thật không nhất trí tí náo cả. Hôm qua em đã bảo rằng mấy con mèo của em là những con mèo cách mạng tốt. Hôm nay cũng mấy con mèo đó, thế mà ...
- Dạ, thầy nói đúng, nhưng từ hôm qua, chúng đều mở mắt ...

2/ Những mắt xích

Nhà văn con chiên gọi giây nói cho linh mục nhà báo:

- Thưa đồng chí cha. Hôm nọ đồng chí cha có nói với con rằng đồng chí cha có quen một đồng chí tổ trưởng tổ biến chế đồ phụ tùng xe ô tô, xe gắn máy ...
- Đúng vậy. Bộ cậu có điều kiện sắm xe rồi sao?
- Làm gì có chuyện đó, thưa đồng chí cha. Đồng chí cha có nói tiếp rằng đồng chí đó là bà con của cô làm trong tổ bán thịt heo ...
- Tiệc tùng, đãi đằng ai mà cần thịt?
- Dạ không ... Đồng chí cha lại bảo cô ấy là tình nhân của một anh làm trong tổ dược khoa ...
- À ... cậu buôn thuốc?
- Đâu có. Đồng chí cha để con hết lời: Đồng chí cha đã quả quyết với con rằng anh chàng đó lại là em vợ nhỏ của đồng chí tổ trưởng tổ cứu hoả ...
- Đúng thế. Nhưng mà sao?
- Dạ, nhà con đang bị cháy, đồng chí cha ạ ...


Thay lời kết

Vai trò của đôi mắt, gẫm cho cùng, thật tối quan trọng. Cái miệng đôi khi gầm thét tưng bừng mà thiếu sự can thiệp với ít nhiều nộ khí của đôi mắt thì sự gầm thét sẽ giảm phần uy vũ.

Tiếng thét làm chết Hạ Hầu Kiết cùng làm cho tập đoàn Tào Tháo chạy trối chết, áo rách, mão rơi trên cầu Trường Bản của Trương Phi ; tiếng thét làm Phan Năng hết vía nhào xuống ngựa mà thác trong trận Ngưu Chữ của Tôn Sách ; tiếng Kiai võ sĩ đạo Nhật Bản ; tiếng sư tử hống làm bạt vía quần hào của Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn trong Cô gái Đồ Long (Kim Dung) hẳn cũng không ngoài lệ đó.

Cổ tích việt nam có truyện một người phù thủy đại tài bị vua trị tội bắt thắt cổ chết, ông ta cầm dây lụa ấy thắt thành một con rồng. Khi lính ập đến, ông vội cầm bút vẽ đôi mắt vào con rồng lụa, thế là rồng vút bay lên. Tất nhiên bay luôn ông phù thủy.

Qua truyện ấy người ta có thể ghi nhận điều nầy: Sự bay của con rồng không thuộc khả năng quyết định của cánh, của vảy mà thuộc về phần đôi mắt. Ngoài ra, đối với những người sống bằng đường nước, mỗi khi đóng xong một con thuyền, một chiếc ghe, sơn phết kỹ càng, thế mà thuyền, ghe vẫn chưa hạ thủy nếu chưa được điểm nhãn. (Hết)

Hàn Lệ Nhân

Chú thích:
(1) Louis Braille (1802 - 1852) bị mù từ năm lên 3, cha đẻ lối chữ dùng cho người khiếm thị, hiện được sử dụng trên thế giới.

(2) Trong Tân Ước có câu”L'oeil est la lampe du corps. Si ton oeil est en bon état, tout ton corps sera éclairé ; mais si ton oeil est en mauvais état, tout ton corps sera dans les ténèbres. Si donc la lumière qui est en toi est ténèbres, combien seront grandes ces ténèbres”(Le Nouveau Testament, Matthieu 6: 22-23, trang 7 - The Gideons International Editions).
= Con mắt là đèn của thân thể. Nếu mắt ngươi sáng sủa thì cả thân thể ngươi sẽ được sáng láng ; nhưng nếu mắt ngươi xấu, thì cả thân thể sẽ tối tăm. Vậy, nếu sự sáng láng trong ngươi chỉ là tối tăm, thì sự tối tăm nầy sẽ lớn biết là dường bao! (theo Kinh Thánh, vietchristian.net)

(3) Một sư ông, người”luôn luôn khiêm tốn, hiền hoà",”thanh đạm, đơn sơ”(a), sau khi nhập diệt Tham-Sân-Si ngày 05/10/1998 (a), để lại cho ni bà sở hữu 5 (năm) ngôi nhà (maison/house) trong các khu sang quanh Paris, tất cả đều đứng tên tục của sư ông (HĐC) và ni bà (HTB), một người”luôn giữ nét trầm tĩnh”"với nụ cười hiền từ”(b):

(a) http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/nguoi/005-HTThienChau.htm

(b) http://www.congdongnguoiviet.fr/DienDan/ddPhanQuyetToaThuongThamParis.htm

http://www.quehuong.org.vn/vi/nr050307131435/nr050106094126/nr050315141759/ns050906101757

(4) 10 triệu Euros = ± 12,5 triệu US$ = ± 200.000.000.000 VND (hai trăm tỷ Đồng VN). Xuyên qua giáo lý mà tôi từng nghe và nhập tâm thì 200 tỷ VND – hay nhiều nhiều ức lần hơn nữa - cũng chỉ là cát bụi (nhân gian là cát bụi, kiếp người - ngắn hay dài - là cát bụi (*)) do đó không nên nhìn cơ ngơi nầy là vật chứng biểu hiện lòng Tham-Sân-Si ngụp trong bể lửa của người đã, đang và sẽ thuyết giảng dài dài, dẫu rằng 30 năm sau 1975, người Việt tị nạn tại Pháp – trong đó có tôi – vẫn chưa tự lập nổi một hội quán độc lập nho nhỏ chừng 100 ngàn Euros bên cạnh 38 (ba mươi tám) ngôi chùa hay villa-chùa trên toàn xứ Pháp. Paris và vùng phụ cận có 13 ngôi:

http://www.chuavietnam.com/main.html

nhớ chọn France trong Select Country.

Mong bà con phật tử gấp rút cọng duyên, hồi hướng công đức hầu Ngôi Chùa Mới chóng trở thành”Ngôi Chùa Lớn Nhất Âu Châu", trước là thoả lòng vì Phật pháp của cao tăng, sau là Phật tử VN tại Pháp có cơ sở hãnh diện chùa mình đồ sộ hoành tráng gấp vài lần ngôi chùa tại Hannover-Đức Quốc, khánh thành ngày 30/07/1991.

Mưu cầu và thuyết giảng diệt/giảm Tham-Sân-Si đến cấp nầy kể cũng chẳng uổng một kiếp phù sinh trong bể lửa. Úm ma ni cát mê hồng.

(*)
- Mẹ ơi, có phải sau khi chết người ta thành cát bụi phải không?
- Đúng đấy, con trai à!
- Thế thì dưới gầm giường nhà ta có bao nhiêu người chết ấy mẹ ạ!

http://www.baobariavungtau.com.vn/viet/tht_hoiquan/

TÀI LIỆU THAM KHẢO & TRÍCH LỤC
Thi ca bình dân VN, Phan Tấn Long & Phan Canh
Đọc lại truyện Kiều, Vũ Hạnh
Kim Vân Kiều, Nguyễn Du - Bùi Khánh Diễn chú giải
Góp nhặt cát đá, Đỗ Đình Đồng dịch
40 năm nói láo, Vũ Bằng
Giai thoại làng nho, Lãng Nhân
Đông chu liệt quốc, bản dịch Nguyễn Đỗ Mục
Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu
Ngư tiều vấn đáp, Nguyễn Đình Chiểu
Tục ngữ ca dao & dân ca, Vũ Ngọc Phan
Đôi mắt nhìn tôi, Bùi Minh Quốc
Ca dao tục ngữ góp nhặt, Nguyễn Thị Ngọc Liên
Thi ca tiền chiến & hiện đại, Bùi Văn Bảo
Người đàn bà trong tướng mệnh học, Vũ Tài Lục
Tục ngữ ca dao, Nguyễn Văn Ngọc
Cổ học tinh hoa, Nguyễn Văn Ngọc
Tín ngưỡng VN, Toan Ánh
Hoa đồng cỏ nội, Minh Hương

No comments: