Wednesday, July 05, 2006

Lịch sử chỉ lưu danh một người chiến thắng

Bản năng sinh tồn


Đấu sỹ áo trắng đã gục ngã trước sự già dặn của đối thủ áo thiên thanh (AP).
(Dân trí) - Khi bị dồn vào chân trường đấu, trước ánh gươm loang loáng của gã địch thủ khát máu đang sẵn sàng vung lên, khoảng cách sinh tử gần như không còn ranh giới, thì bản năng sinh tồn trong gladiator lại trỗi dậy, con đường sống là con đường lao vào đối thủ, với tất cả bản lĩnh, sức mạnh và sự man dại trong bản ngã con người…



Đấu trường Westfalen thành Dortmund hoa lệ hôm qua đã tái hiện lại rõ nét âm hưởng bi tráng của những đấu trường La Mã trung cổ, nơi ghi danh những gladiator (dũng sỹ giác đấu) vĩ đại, và chôn xác vô số những kẻ vô danh.



Đó là cuộc chơi của những người anh hùng, những hình tượng sống về sức mạnh, trí tuệ và sự quả cảm của con người. Khi đã cầm trên tay thanh gươm giác đấu và đặt chân vào cửa đấu trường, coi như họ đã quên đi nỗi sợ hãi vốn là bản năng sống còn trong mỗi con người, họ đã bước qua ranh giới giữa sự sống và cái chết. Từ lúc đó, họ đã không còn là một con người bình thường theo đúng nghĩa.



Chỉ có một con đường, con đường dùng thanh gươm để đâm vào ngực đấu thủ những nhát chí mạng, để dẫm chân lên xác địch thủ trong sự tôn vinh của thập diện quần sinh. Ngược lại, đó là lối đi trở về với cát bụi, tàn tro và quên lãng…



Nhưng, nếu cuộc đấu chỉ là giết và giết, thì sẽ không có những người hùng, mà chỉ có những con ác thú điên cuồng. Các gladiator được tôn vinh vì họ đã vượt qua những thời khắc định mệnh, bằng chính trái tim khao khát sống, bằng sự can trường và ý chí phi thường.



Đó cũng chính là hình ảnh của những đấu sỹ mang áo thiên thanh đêm hôm qua.



Những đấu sỹ Azzurri đã quần thảo với một tay đấu trẻ trung và đầy khát vọng, trên một đấu trường xa lạ, nơi tứ phương tám hướng đều là những gương mặt lạ lẫm. Tất cả đều mong chờ một nhát gươm định mệnh để kết liễu sự sống của gã đấu sỹ già nua đến từ đất thánh La Mã.



Với kinh nghiệm trận mạc và bản lĩnh của một tay đấu lâu năm, Azzurri đã kìm chết sức trẻ và tham vọng đánh phủ đầu của địch thủ bằng một lối phòng thủ tứ phương, khiến thanh đao hiểm ác đã từng giết chết bao nhiêu địch thủ non nớt khác trở nên bá phát bá trúng, sinh lực cứ tiêu hao mà không thấy hiệu quả.



Là một đấu sỹ đàn anh, Azzurri đã chọn một lối đánh nhẫn nhịn đến cực cùng, nhằm triệt hạ dần sự hiếu chiến, kích động và hưng phấn của đối thủ hào hoa kiêu bạc, thỉnh thoảng tay đấu sỹ La mã mới tung ra một cú hồi mã nhưng vẫn chưa thể kết liễu được đối thủ trẻ còn quá hung hăng và lỳ lợm.



Hiệp 2, dường như trải nghiệm mách bảo cho gladiator già biết mình cần phải làm gì, bởi sức mạnh của cơ bắp đã chực rão ra sau nhiều năm chinh chiến đến kiệt quệ. Không thể đấu tay đôi sòng phẳng, Azzurri bày ra một thế trận ru ngủ đối phương, bằng những pha triệt hạ đường gươm đối phương từ trong trứng nước.



Trong khi đó, tay gươm trẻ xốc nổi cứ chực lao lên đánh tới tấp vào mạng sườn, hòng tìm được 1 đường gươm trúng đích, những chờ đối thủ tử thương mà kết liễu.



Càng về cuối cuộc đấu, thể lực của gladiator La Mã càng sụt giảm, và có những lúc tưởng chừng như lưỡi gươm định mệnh của tay đấu Ăng-lô Saxon đã có thể đâm xuyên trái tim thoi thóp của chàng bất kỳ lúc nào.



Nhưng thực tế đã không như vậy, lối đánh tấn công liên tục từ nhiều hướng của tay gươm chủ nhà vẫn không tài nào tìm được một kẽ hở dù là nhỏ nhất của chàng gladiator già “jeu”. Mọi ngón nghề mà tay đấu Ăng-lô Saxon học được trong những cuộc hỗn chiến trước đều đã bị hóa giải trước sức chịu đựng thần kỳ của gladiator La Mã.



Tuy nhiên, đó là một cuộc chơi mà nếu như kết cục trên sàn đấu không có một kẻ phải chết, thì cái chết đương nhiên sẽ thuộc về kẻ biết cầm cung bắn vào tim địch thủ. Tai quái thay, đó lại là tử huyệt của giác đấu La Mã, kẻ suốt đời chỉ biết cầm gươm.



Cuộc huyết chiến cứ thế trôi dần về những màn cuối, và cái chết treo lơ lửng trên đầu gladiator La Mã nếu phải bước sang màn đấu sở đoản của mình. Hình ảnh cái chết với một mũi tên đâm xuyên lồng ngực đã hiển hiện nhỡn tiền và thời khắc đó chỉ còn tính bằng giây, một cái chết được dự báo trước…



Đó cũng là lúc bản năng sinh tồn trong trong sâu thẳm linh hồn của đấu sỹ già trỗi dậy. Gươm đây, giáp đây, cơ bắp hãy còn đây, phải vùng lên để tìm con đường máu. Đó là con đường duy nhất, bởi không thể mong chờ một sự nương tay trong cuộc chiến mất còn này.



Chờ cái chết, hoặc là xông vào cái chết để tìm sự sống, gladiator đã chọn con đường thứ hai.



Sự nhẫn nhịn, dồn nén và ức chế chồng chất trong gần 120 phút giao đấu đã hội tụ đủ trong những đường gươm cuối cùng, dù đôi tay đã bắt đầu run rẩy, đôi chân đã muốn quỵ xuống sau những màn tra tấn cơ bắp với gã đấu sỹ trẻ máu lạnh.



Đó là lúc mà kinh nghiệm và cái bản ngã ẩn sâu trong gladiator lên tiếng. Một đường gươm sắc lạnh quét vào mạng sườn đối phương, máu đã thấm dọc lưỡi gươm bén ngọt.



Đấu sỹ trẻ đã loạng choạng, đó cũng là khi tiềm lực sống trong thân thể gã bị tổn thương, như một con ác thú, gã lại vùng lên trong khát vọng được sống, tuyệt vọng và điên cuồng.



Nhưng đường gươm quá độc đã khiến gã không còn đứng vững, và trong phút giãy chết đó, gã đã rơi vào cái bẫy cuối cùng của đấu sỹ già kinh nghiệm.



Một cú đâm thốc lạnh lùng, sản phẩm của nhiều năm chinh chiến đã tìm đúng trái tim nóng hổi nhiệt huyết của đấu sỹ Ăng-lô Saxon.



Cuộc đấu hạ màn, gã đấu sỹ trẻ qụy xuống sàn đấu, ánh mắt vẫn còn ánh lên vẻ khao khát xen lẫn bàng hoàng, trừng trợn. Gã ngước nhìn lên, cờ hoa chết lặng, duy chỉ có ánh mặt trời vẫn sáng rực rỡ như niềm kiêu hãnh của gã, trước khi gục xuống sàn đấu đẫm máu, mãi mãi…



Trên khuôn mặt chai sạn của đấu sỹ già, những giọt nước mắt đục ngầu trào dâng. Giọt nước mắt của vinh quang, của bản năng sinh tồn, và của tiếng thở hắt của một kẻ trở về từ cõi chết…



Gã đấu sỹ Azzurri sẽ phải bước qua một ải cuối cùng, trước khi đứng vững vàng trên con đường hào quang được xây bằng xác của những kẻ bại trận. Còn không, cũng giống như đấu sỹ trẻ xốc nổi kia, thây xác gã cũng sẽ bị một người hùng khác chà đạp.



Bởi đó là quy luật của cuộc chơi, và lịch sử chỉ lưu danh một người chiến thắng.



Tiêu Minh Huấn

No comments: