Tuesday, July 18, 2006

Lịch sử xung đột Israel và Palestine

Giới thiệu

Cuộc xung đột giữa người Do Thái và người Palestine được coi là dai dẳng nhất và dễ bùng phát nhất thế giới. Căn nguyên của cuộc xung đột bắt nguồn từ sự tranh chấp dải đất nằm giữa Bờ đông Địa Trung Hải và sông Jordan.

Đối với người Palestine, trong suốt hơn 100 năm qua, họ đã phải gánh chịu hành động đánh chiếm thuộc địa, trục xuất và chiếm đóng quân sự, đồng thời cũng gian nan trong công cuộc kháng chiến giành quyền tự quyết và đồng tồn với chính nhà nước phải chịu trách nhiệm cho những đau thương mất mát của họ - Israel.

Đối với người Do Thái, sự trở lại miền đất của tổ tiên sau nhiều thế kỷ phiêu bạt và bị ngược đãi trên khắp thế giới không mang lại hoà bình, an ninh. Người Do Thái cũng đã phải đối mặt với vô số cuộc khủng hoảng, xung đột khi các nước lân bang muốn xoá bỏ mảng đất của họ trên bản đồ thế giới.

Sau đây chúng tôi muốn đưa ra một số mốc thời gian được đánh giá là quan trọng trong dòng lịch sử xung đột Trung Đông.
Dấu vết thành Jerusalem, 70 sau CN

Thời cổ đại

Miền đất bao quanh Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine đã nhiều lần bị đánh chiếm rồi lại tái chiếm. Những chi tiết về các nhà nước Do Thái thời cổ đại hết sức thô sơ, chủ yếu thông qua các ghi chép trong kinh thánh và lịch sử cổ điển. Một số sự kiện quan trọng:

Thời đại kinh thánh

* 1250 trước CN: Người Do Thái bắt đầu chiếm đóng và định cư vùng đất Canaan bên bờ đông Địa Trung Hải.
* 961-922 trước CN: Thời vua Solomon cai trị và xây dựng đền thờ tại Jerusalem. Trong thời kỳ Solomon trị vì, miền đất này được chia làm 2 vương quốc.
* 586 trước CN: Vương quốc phía nam Judah đã bị người Babylon chiếm đóng. Người Do Thái bị đày ải và đền thờ Solomon bị tàn phá. 70 năm sau, người Do Thái mới trở về mảnh đất này và dần dần xây cất lại đền thờ.

Thời đại cổ điển

* 333 trước CN: Alexander Đại Đế đã phát động chiến tranh chiếm đóng miền đất và đặt dưới sự cai trị của Hy Lạp.
* 165 trước CN: Cuộc nổi dậy tại Judea đã dẫn tới sự thành lập nhà nước Do Thái độc lập cuối cùng trong thời cổ đại.
* 63 trước CN: Nhà nước Do Thái, hay còn gọi là Judea, đã được hợp nhất với tỉnh Palestine do đế chế La Mã cai trị.
* 70 sau CN: Một cuộc nổi dậy chống lại sự cai trị của đế chế La Mã đã bị Hoàng đế Titus đàn áp. Một lần nữa, đền thờ thứ hai bị tàn phá. Sự kiện này đánh dấu sự bắt đầu của Cộng đồng người Do Thái (Jewish Diaspora) hay còn gọi là sự phân tán.
* 118-138 sau CN: Trong suốt thời cai trị của Hoàng đế La Mã Hadrian, người Do Thái mới đầu được phép trở lại Jerusalem. Tuy nhiên, cuộc nổi dậy của người Do Thái năm 133 đã khiến thành phố Jerusalem hoàn toàn bị tàn phá và người Do Thái trong thành đã bị trục xuất và bán làm nô lệ.
* 638 sau CN: Người Hồi giáo Ảrập đã nổi dậy lật đổ sự thống trị của Byzantine (Chế độ trị vì miền Đông sau sự thống trị của La Mã). Quốc vương Hồi giáo đệ nhị Omar đã xây dựng 1 ngôi đền Hồi giáo, nay gọi là đền Al-Aqsa tại Jerusalem vào những năm đầy của thế kỷ 8. Ngoài thời kỳ Thập tự chinh (1099-1187), khu vực trên vẫn đặt dưới sự thống trị của người Hồi giáo cho đến khi Đế chế Ottoman bị sụp đổ trong thế kỷ 20.

Basle: nơi diễn ra Đại hội phục quốc
Do Thái lần thứ nhất
1897- Đại hội phục quốc Do Thái thứ nhất

Đại hội phục quốc Do Thái lần thứ nhất được tổ chức tại Basle, Thuỵ Sĩ nhằm thảo luận các ý tưởng đặt ra trong cuốn sách của Theodor Herzl xuất bản năm 1896 có nhan đề Der Judenstaat (Nhà nước Do Thái). Herzl, một nhà báo người Do Thái, và là một nhà văn sinh sống tại Vienna, Áo. Ông Herzl muốn tất cả người Do Thái có một nhà nước riêng - chủ yếu nhằm đối phó với chủ nghĩa bài Do Thái tại châu Âu.

Đại hội đã đưa ra chương trình Basle nhằm thiết lập một cái gọi là ''ngôi nhà cho người Do Thái tại Palestine được bảo vệ bằng công luật, đồng thời thành lập Tổ chức Phục quốc Do Thái thế giới (WZO) để thực hiện mục tiêu và hoài bão trên.

Trước năm 1897, một số người Do Thái đã trở lại mảnh đất trên. Cho đến năm 1903, ước tính có khoảng 25.000 người Do Thái trở về, phần lớn từ Đông Âu. Người Do Thái sinh sống cùng với khoảng nửa triệu người Ảrập trong một phần khu vực sau đó thành đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ. Làn sóng thứ hai có khoảng 40.000 nhập cư Do Thái vào khu vực trên trong giai đoạn từ 1904 đến 1914.
Ngoại trưởng Anh Arthur Balfour

1917 -
Tuyên ngôn Balfour

Vào thời kỳ thế chiến thứ nhất, đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ đã thống trị khu vực này. Sự cai trị của Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc khi các lực lượng Ảrập được sự ủng hộ của vương quốc Anh đánh bật người Ottoman ra khỏi khu vực.

Anh đã chiếm khi vực vào giai đoạn cuối thế chiến I, năm 1918 và trao quyền thông trị cho Liên đoàn các quốc gia (LN) vào 25/4/1920.

Năm 1916, Cao uỷ của Anh quốc tại Ai Cập, ngài Henry McMahon đã cam kết với lãnh đạo Ảrập sẽ trao độc lập cho các tỉnh Ảrập Ottoman cũ ngay sau khi thế chiến thứ nhất kết thúc.

Tuy nhiên, cùng thời điểm đó Hiệp định mật Sykes-Picot giữa Anh và Pháp đã chia cắt khu vực và đặt dưới sự kiểm soát chung của 2 nước.

Năm 1917, Ngoại trưởng Anh Arthur Balfour đã tích cực xúc tiến thành lập Palestine cho người Do Thái. Ông Arthur Balfour đã gửi bức thư vạch kế hoạch trên cho lãnh đạo phong trào phục quốc Do Thái Rothschild. Bức thư trên được coi là Tuyên ngôn Balfour.
Anh điều động quân đội tới Palestine

1929-1936: Sự bất bình của người Ảrập

Trong khuôn khổ Chương trình phục quốc Do Thái trong thập kỷ 20 và 30, hàng trăm nghìn người Do Thái đã từ Anh trở về nhà nước Palestine do Anh uỷ nhiệm dành cho nguời Do Thái. Chương trình này đã làm cộng động người Ảrập hết sức bất bình.

Năm 1922, một cuộc điều tra dân số do Anh tiến hành cho thấy, số người Do Thái đã chiếm tới 11% trong tổng số 750.000 cư dân sống trong Palestine. Trong vòng 15 năm, đã có có tới hơn 300.000 người nhập cư Do Thái vào Palestine.

Sự xung đột giữa người Ảrập và Do Thái bắt đầu bằng các cuộc đụng độ xảy ra vào tháng 8/1929. Khoảng 133 người Do Thái bị người Palestine sát hại và 110 người Palestine bị cảnh sát Anh bắn chết.

Sự bất bình của người Ảrập một lần nữa đã làm dấy lên một cuộc biến động dân sự rộng khắp thông qua cuộc tổng đình công năm 1936. Vào thời điểm đó, nhóm vũ trang phục quốc Do Thái Irgun Zvai Leumi đã bắt đầu phát động các đợt tấn công nhằm vào các mục tiêu Palestine và Anh nhằm giải phóng Palestine và Transjordan (ngày nay là Jordan).

Tháng 7 năm 1937, Đặc phái viên Hoàng gia Anh do Huân tước Peel đã đề xuất chia cắt miền đất trên thành một nhà nước Do Thái (Khoảng 1/3 nhà nước Palestine, trong đó gồm đồng bằng Galilee và vùng duyên hải) và một nhà nước Ảrập.

Đại diện của Palestine và Ảrập đã bác bỏ đề xuất trên và chấm dứt các đợt nhập cư, đồng thời bảo vệ tính thống nhất của một nhà nước duy nhất trên cơ sở tôn trọng người thiểu số. Tuy nhiên, các cuộc xung đột vẫn liên tiếp xảy ra cho đến năm 1938, thời điểm Anh tăng cường điều động quân đội tới Palestine.
Niềm vui của người Do Thái trước
quyết định của LHQ

1947- LHQ phân tích Palestine

Anh, nước thống trị Palestine kể từ năm 1920, đã trao trách nhiệm giải quyết vấn đề tranh chấp giữa người Do Thái và Ảrập cho Liên hợp quốc LHQ năm 1947.

Trong nhiều năm trước đó, vùng lãnh thổ này đã trải qua vô vàn biến động và bạo lực khi người Ảrập phản đối người nhập cư Do Thái (cộng đồng chiếm 1/3 dân số và 6% lãnh thổ Palestine).
Tình hình ngày càng trở nên xấu đi khi hàng trăm nghìn người Do Thái ồ ạt tràn vào Palestine nhằm trốn chạy sự đàn áp của Đức quốc xã tại châu Âu. Theo thống kê, khoảng 6 triệu người Do Thái bị sát hại do nạn tàn sát người Do Thái dưới thời Hitler (Holocaust) trong Đại chiến II.

LHQ đã quyết định thành lập Uỷ ban đặc biệt đề xuất chia lãnh thổ làm 2 nhà nước Palestine và Do Thái. Tuy nhiên, đại diện Palestine - Uỷ ban cao cấp Ảrập - đã bác bỏ đề xuất trên. Trong khi đó, Cơ quan Do Thái đã chấp nhận.

Kế hoạch chia lãnh thổ của LHQ như sau: trao 56,47% lãnh thổ Palestine thành lập nhà nước Do Thái và 43,53% để thành lập nhà nước Ảrập với một khu vực quốc tế bao quanh thành Jerusalem. Ngày 29/11/1947, 33 quốc gia thành viên Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch trên. Trong khi đó, 13 nước bỏ phiếu chống và 10 nước bỏ phiếu trắng. Tuy nhiên, người Palestine đã bác bỏ kế hoạch trên và kế hoạch này không được thực hiện.

Anh đã công bố dự định chấm dứt sự cai trị của nước này đối với Palestine vào 15/5/1948. Tuy nhiên, bạo lực liên tiếp xảy ra trước thời điểm quyết định có hiệu lực.

Nhiều binh sĩ Anh đã thiệt mạng trong cuộc xung đột buộc chính phủ nước này quyết định tiếp tục duy trì sự hiện diện quân đội của mình tại Palestine. Ngoài ra, Anh hết sức tức giận khi Mỹ gây sức ép đòi cho phép người tị nạn Do Thái vào Palestine. Mỹ đã tỏ thái độ công khai ủng hộ chủ nghĩa phục quốc Do Thái.

Cả phía Ảrập và Do Thái đều ráo riết chuẩn bị lực lượng đối phó nhau. Tháng 12/1947 quân đội Do Thái đã thực hiện các chiến dịch ''quét sạch'' làng mạc của người Palestine.
Hàng nghìn người Palestine bị chiếm chỗ

1948-Thành lập nhà nước Israel

Nhà nước Israel, nhà nước Do Thái đầu tiên sau gần 2.000 năm, đã chính thức tuyên bố độc lập vào 16h (giờ GMT) ngày 14/5/1948 tại Tel Aviv. Bản tuyên ngôn trên có hiệu lực ngay ngày hôm sau khi số binh sĩ Anh cuối cùng rút khỏi. Còn người Palestine gọi ngày 15/5 là al-Nakba, nghĩa là thảm hoạ.

Trong năm 1948, lực lượng vũ trang Do Thái và Ảrập liên tục phát động các cuộc tấn công nhằm vào mục tiêu của nhau. Quân đội Do Thái, do nhóm vũ trang Irgun và Lehi đóng vai trò nòng cốt, đã giành được nhiều thắng lợi, chiếm cứ được thêm nhiều vùng đất mở rộng lãnh thổ nhà nước Do Thái, đồng thời chiếm cứ nhiều lãnh thổ của Palestine.

Ngày 9/4/1948, các tay súng Irgun và Lehi đã thảm sát rất nhiều người Palestine tại làng Deir Yassin, gần Jerusalem. Hàng trăm nghìn người Ảrập đã phải trốn chạy sang Lebanon, Ai Cập và khu vực Bờ Tây hiện nay.

Quân đội Do Thái đã liên tiếp giành được chiến thắng tại Negev, Galilee, Tây Jerusalem và phần lớn đồng bằng duyên hải.

Chỉ một ngày sau khi Israel tuyên bố độc lập, quân đội 5 quốc gia là Jordan, Ai Cập, Lebanon, Syria và Iraq đã phát động tấn công Israel, song đều bị đẩy lùi. Trong giai đoạn đình chiến, lãnh thổ của Israel đã trải rộng gần phủ kín Palestine dưới thời Uỷ trị của Anh trước đó.

Ai Cập giữ Dải Gaza. Trong khi đó, Jordan thôn tính khu vực xung quanh Đông Jerusalem và dải đất Bờ Tây hiện nay. Tất cả các khu vực trên chiếm khoảng 25% tổng diện tích Palestine dưới sự uỷ trị của Anh.

Chủ tịch PLO Arafat
1964 - Thành lập Tổ chức giải phóng Palestine (PLO)

Kể từ năm 1948, các nước Ảrập lân bang liên tục cạnh tranh nhau trong thế dẫn đầu các cuộc phản đối sự ra đời của nhà nước Israel. Chính điều đó đã biến chính người Palestine trở thành ''kẻ bàng quan''.

Tháng 1/1964, các chính phủ Ảrập đã chính thức bỏ phiếu thông qua kế hoạch thành lập Tổ chức giải phóng Palestine (PLO). Tổ chức của người Palestine này được tạo ra dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các nước trên.

Tuy nhiên, người Palestine muốn một tổ chức độc lập thực sự. Ông Yasser Arafat được tín nhiệm bầu giữ chức chủ tịch PLO năm 1969. Tổ chức Hồi giáo vũ trang Fatah của ông Arafat (được thành lập bí mật năm 1964) đã được quyền tiến hành các chiến dịch quân sự tấn công Israel.

Lực lượng Fatah đã giáng nhiều đòn nặng nề cho quân đội nhà nước Do Thái tại Karameh ở Jordan năm 1968.
Binh sĩ Israel reo hò tại đất thánh Jerusalem

Chiến tranh 1967

Căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Israel và các nước Ảrập đã leo thang thành một cuộc chiến kéo dài 6 ngày, bắt đầu từ 5/6 và kết thúc vào 11/6/1967. Cuộc xung đột leo thang này đã hoàn toàn làm thay đổi cục diện xung đột Trung Đông.

Quân đội Israel đã chiếm đóng Gaza và vùng Sinai kéo dài từ miền Nam Ai Cập đến miền Bắc cao nguyên Golan của Syria. Ngoài ra, Israel còn đẩy lùi được lực lượng vũ trang Jordan ra khỏi Bờ Tây và Đông Jerusalem.

Không lực Ai Cập bị tê liệt hoàn toàn vào ngay ngày đầu tiên của cuộc chiến khi máy bay Israel tập trung ném bom phủ đầu. Lãnh thổ Israel chiếm được đã gấp đôi diện tích nhà nước Do Thái. Chiến thắng trên đã mở ra một kỷ nguyên mới và tăng cường lòng tin và lạc quan của Israel và các thế lực ủng hộ.

Hội đồng Bảo an LHQ đã ban hành nghị quyết 242 nhấn mạnh thái độ ''không thể công nhận các vùng lãnh thổ chiếm được thông qua kênh chiến tranh'' và kêu gọi ''Israel rút quân đội khỏi các vùng đất chiếm đóng'' trong cuộc xung đột gần đây''.

Theo thống kê của LHQ, cuộc xung đột đã buộc khoảng 500.000 người Palestine phải di tản sang Ai Cập, Syria, Lebanon và Jordan.
Binh sĩ Ai Cập tại Sinai

1973 - Chiến tranh Yom Kippur

Không thể lấy lại các vùng đất mất trong cuộc xung đột năm 1967 thông qua kênh ngoại giao, Ai Cập và Syria đã phối hợp phát động tấn công tổng lực vào Israel đúng ngày Sám hối hay Yom Kippur. Cuộc chiến này được gọi là chiến tranh Ramadan.

Ban đầu, Ai Cập và Syria đã giành nhiều thắng lợi ở Sinai và cao nguyên Golan. Mặc dù đã chiếm đóng được nhiều khu vực tại cao nguyên Golan, quân đội Israel sau đó buộc phải từ bỏ. Tại Ai Cập, binh sĩ nhà nước Do Thái đã tái chiếm được một vùng lãnh thổ lớn và tiến dần tới mặt tây của Kênh đào Suez.

Trong giai đoạn này, Mỹ, LHQ và Liên Xô đã quyết định can thiệp ngoại giao nhằm tiến tới hiệp định ngừng bắn giữa các bên tham chiến. Kế quả thống kê cho thấy, Ai Cập và Syria đã mất tổng công 8.500 quân. Trong khi đó, riêng Israel cũng mất khoảng 6.000 quân.

Cuộc chiến này đã đẩy Israel ngày càng phụ thuộc hơn vào các nguồn tài trợ quân sự, kinh tế và ngoại giao của Mỹ. Ngay sau cuộc chiến, Ảrập Xêút đã quyết định áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với các quốc gia đã từng ủng hộ Israel. Lệnh cấm vận dầu mỏ đã khiến giá dầu thế giới tăng đột biến vào kéo dài đến tận tháng 3/1974. Tháng 10/1973, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết 338 yêu cầu các bên tham chiến ngừng bắn và chấm dứt ngay lập tức các hoạt động quân sự, đồng thời bắt đầu các cuộc đàm phán giữa các bên quan tâm nhằm đưa ra giải pháp kiến tạo hoà bình dài lâu tại Trung Đông.
11 vận động viên Israel bị sát hại tại
Đại hội Olympic năm 1972

1974 - Ông Arafat xuất hiện lần đầu tại LHQ

Trong những năm 70, dưới sự lãnh đạo của ông Yasser Arafat, các đơn vị PLO và nhiều nhóm vũ trang Palestine khác đã phát động hàng loạt vụ tấn công nhằm vào các mục tiêu của Israel và nhiều mục tiêu khác.

Tại Đại hội thể thao Olympic được tổ chức tại Munich năm 1972, 11 vận động viên Israel đã bị bắn chết.

Trong bối cảnh PLO tiếp tục theo đuổi cuộc chiến giải phóng hoàn toàn Palestine. Năm 1974, ông Arafat đã có bước nhảy vọt về ngoại giao khi tham gia vào LHQ thảo luận về giải pháp hoà bình Trung Đông.

Một năm sau đó, nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ Harold Saunders lần đầu tiên thừa nhận ''những lợi ích chính đáng của người Ảrập Palestine cần được đưa ra thảo thuận trong quá trình đàm phán hoà bình''.
Kết quả bầu cử đã chấm dứt thời gian
dài ở vị thế đối lập của Likud

1977 - Sự trỗi dậy của phe cánh hữu tại Israel

Các nhóm theo đường lối cứng rắn Irgun và Lehi có thể được coi là nhân tố quan trọng trong việc hình thành nhà nước Israel năm 1948. Tuy nhiên, chính đảng đại diện cho họ sau này là Herut (Likud) đã thất bại thảm hại trong cuộc bầu cử và mãi đến năm 1977 mới giành thắng lợi.

Kết quả bầu cử năm 1977 đã chấm dứt sự thống trị của Công đảng trên chính trường Israel. Tư tưởng Likud đã tập trung vào nỗ lực mở rộng chủ quyền của Israel, bao trùm toàn bộ nhà nước Palestine do Anh uỷ trị trước đó, đồng thời tuyên bố lãnh thổ Jordan là một bộ phận thuộc nhà nước ''Đại Israel'' trong thời kỳ kinh thánh.

Dưới sự lãnh đạo của cựu thủ lĩnh Irgun, Menachem Begin, Israel đã gia tăng các hoạt động định cư tại Bờ Tây và Dải Gaza. Bộ trưởng Nông nghiệp Israel Ariel Sharon được coi là người tiên phong với tư cách là Chủ tịch Uỷ ban định cư cho đến năm 1981.
Lễ ký kết Hiệp định hoà bình Israel - Ai Cập

1979 - Hiệp định hoà bình Israel - Ai Cập

Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat đã có chuyến thăm lịch sử tới Israel và phát biểu trước nghị viện nước này tại Jerusalem vào ngày 19/11/1977.

Sadat đã trở thành nhà lãnh đạo Ảrập đầu tiên công nhận Israel, chỉ 4 năm sau cuộc chiến Yom Kippur tháng 10/1973. Quân đội Ai Cập và Syria đã phát động tấn công lực lượng vũ trang nhà nước Do Thái đang chiếm đóng tại Sinai và cao nguyên Golan. Cuộc chiến đã kết thúc sau khi LHQ ban hành nghị quyết 338 yêu cầu các bên tham chiến hợp tác thiết lập hoà bình lâu dài tại Trung Đông.

Ai Cập và Israel đã chính thức ký kết Hiệp định Camp David tháng 9/1978. Hiệp định này đã vạch cơ sở cho hoà bình Trung Đông, trong đó bao gồm cả khu vực tự trị giới hạn của người Palestine. Hiệp định hoà bình song phương giữa Ai Cập và Israel được ông Sadat và Thủ tướng Israel Menachem Begin chính thức ký kết vào 3/1979.

Bán đảo Sinai vốn bị Israel chiếm đóng từ cuộc chiến 1967 đã được trao trả cho Ai Cập. Các quốc gia Ảrập khác lập tức tẩy chay Ai Cập vì đã ký hiệp định riêng với Israel.

Ông Sadat bị các phần tử Hồi giáo trong quân đội ám sát năm 1981 trong buổi lễ kỷ niệm ngày giải phóng Ai Cập.
Ariel Sharon đã phải từ chức Bộ trưởng Quốc
phòng Israel sau khi bị chỉ trích nặng
nề vì có liên quan tới các vụ thảm
sát ở Lebanon

1982 - Israel
tấn công Lebanon

Lực lượng quân đội Israel đã phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn tấn công Lebanon vào mùa hè năm 1982. Chiến dịch ''Hoà bình cho Galilee'' nhằm quét sạch các căn cứ của lực lượng du kích Palestine đóng gần biên giới phía bắc Israel. Bộ trưởng Quốc phòng Ariel Sharon đã ra lệnh cho quân đội chặn mọi ngả đường tới Beirut và trục xuất PLO khỏi đất nước.

Cuộc tấn công bắt đầu ngày 6/6, chưa đầy 2 tháng sau khi quân đội Israel và thường dân nước này phải rời khỏi Sinai theo Hiệp định hoà bình năm 1979. Binh lính Israel đã tiến vào Beirut trong tháng 8/1982. Hiệp định ngừng bắn giữa Lebanon và israel đã buộc các tay súng PLO phải rời Lebanon và khiến các trại tị nạn của Palestine không có khả năng tự vệ.

Trong khi quân đội Israel bao vây Beirut, vào ngày 14/9 Bashir Gemayel, lãnh đạo nhóm vũ trang Christian Phalange đã bị thiệt mạng trong một vụ đánh bom ngay tại trụ sở ở Beirut. Ngay ngày hôm sau, quân đội Israel đã chiếm được Tây Beirut.

Từ 16-18/9, lực lượng Christian Phalange đã liên minh với Israel và phát động các chiến dịch tàn sát hành trăm người Palestine tại 2 trại tị nạn Sabra và Shatila. Ông Sharon đã phải từ chức khi cuộc điều tra do Israel tiến hành quyết định ông này đã không đưa ra hành động ngăn chặn vụ thảm sát được coi là tồi tệ nhất trong lịch sử Trung Đông trên.
Phong trào intifada gây áp lực lớn
đối với PLO và Israel

1987 - Phong trào Intifada của Palestine

Cuộc nổi dậy rộng khắp của người Palestine - hay còn gọi chiến tranh ném đá intifada - chống lại sự chiếm đóng của quân đội nhà nước Do Thái bắt đầu bùng phát tại Gaza và nhanh chóng lan rộng khắp Bờ Tây.

Người Palestine phát động tổng đình công, tẩy chay các sản phẩm của Israel... Trong các cuộc bạo động, người biểu tình chủ yếu ném đá vào lực lượng quân đội Israel được trang bị tận răng. Chiến tranh Intifada đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

Lực lượng quốc phòng Israel đã nã đạn vào dòng người biểu tình Palestine. Ước tính cho đến năm 1993, có tới hơn 1.000 thường dân Palestine thiệt mạng trong các cuộc đụng độ.
Phong trào Intifida mãnh mẽ hơn dự kiến

1988 - PLO mở cánh cửa hướng tới hoà bình

Mặc dù nắm trong tay sức mạnh quân sự, Israel không thể dập tắt phong trào intifada bùng phát năm 1987. Đại bộ phận người Palestine sống tại các khu vực do Israel chiếm đóng đều tham gia phong trào này.

Đối với PLO - đóng đại bản doanh tại Tunis kể từ khi bị đẩy khỏi Lebanon năm 1982 - cuộc nổi dậy đã đe doạ nghiêm trọng tới vai trò của tổ chức này trong cuộc cách mạng của người Palestine nhằm lấy lại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và đẩy lùi được các khu định cư của người Do Thái.

Hội đồng dân tộc Palestine PLC (Chính phủ lưu vong của Palestine) đã triệu tập tại Algeria vào 11/1988 và bỏ phiếu thông qua giải pháp ''2 nhà nước'' dựa trên cơ sở Nghị quyết 181 của LHQ ban hành năm 1947. Ngoài ra, PLC còn tuyên bố từ bỏ các hoạt động bạo lực vào đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán về các khu định cư lấy Nghị quyết 242 làm cơ sở. Nghị quyết này đã đề nghị Israel rút toàn bộ quân khỏi các khu vực chiếm đóng trong chiến tranh năm 1967.

Mỹ đã bắt đầu đối thoại với PLO. Trong khi đó, Israel vẫn coi PLO là một tổ chức khủng bố và không thể thương lượng. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Yitzhak Shamir đã đề xuất tổ chức bầu cử tại các khu vực chiếm đóng trước khi tiến hành đàm phán về hiệp định tự trị.

Hội nghị đã mở đường cho các cuộc
đàm phán song phương
1991 - Hội nghị thượng đỉnh Madrid

Cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991 được coi là đại thảm hoạ đối với PLO và nhà lãnh đạo Yasser Arafat. Đối với PLO, Iraq là quốc gia vùng Vịnh ủng hộ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc của người Palestine.

Sau cuộc chiến vùng Vịnh, Chính quyền Mỹ đã gia tăng các nỗ lực trung gian hoà giải trong tiến trình hoà bình tại Trung Đông. Ngoại trưởng Mỹ James Baker đã có nhiều chuyến công du tới Trung Đông nhằm chuẩn bị cho Hội nghị quốc tế Madrid. Syria đã đồng ý tham dự hội nghị và hy vọng sẽ đưa ra giải pháp cho vấn đề cao nguyên Golan. Jordan cũng đã chấp nhận lời mời.

Tuy nhiên, Thủ tướng israel Shamir đã từ chối đàm phán trực tiếp với PLO. Do vậy, chỉ có phái đoàn phối hợp Jordan - Palestine tham gia. Chỉ vài ngày trước khi diễn ra hội nghị, Mỹ đã quyết định rút khoản bảo lãnh cho Israel vay khoảng 10 tỷ USD.

Hội nghị khai mạc vào ngày 30/10. Mỗi bên tham chiến được 45 phút trình bày ý định của mình. Đại biểu Palestine nói về hy vọng về tương lai chung giữa người Palestine và Ảrập. Ông Shamir đã lên tiếng biện hộ cho sự tồn tại của nhà nước Do Thái. Trong khi đó, Ngoại trưởng Syria Farouq al-Shara đã lên án hành động khủng bố trong quá khứ của ông Shamir.

Sau khi hội nghị kết thúc, Mỹ đã tổ chức 2 cuộc gặp song phương tại Washington giữa Israel - Syria, và Jordan-Palestine.
Cái bắt tay lịch sử tại Nhà Trắng

1993 - Tiến trình hoà bình Oslo
Chính quyền Rabin đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán hoà bình với đại diện từ phía Palestine. Trong khi đó, PLO mong muốn tiến trình đàm phán cần được đẩy mạnh thêm nữa. Nguyên nhân chủ yếu do tổ chức này ngày càng yếu thế do ảnh hưởng của cuộc chiến vùng Vịnh.

Ngay lâp tức, Israel đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm đối với phái đoàn PLO tham dự các cuộc đàm phán song phương tại Washington. Quan trọng hơn, Ngoại trưởng Peres và Thứ trưởng Ngoại giao Israel Beilin đã tham dự một diễn đàn mật để tạo bước đệm cho các cuộc hoà đàm do Na Uy đóng vai trò trung gian hoà giải.

Trong khi các cuộc đàm phán song phương Washington không mang lại kết quả mong muốn, Diễn đàn mật Oslo đã khai mạc vào ngày 20/1/1993 tại thành phố Sarpsborg, Na Uy. Diễn đàn này đã mang lại thành công ngoài mong đợi. Phía Palestine đã đồng ý công nhận Israel. Đổi lại, phía nhà nước Do Thái bắt đầu tiến hành rút quân khỏi các khu vực chiếm đóng.
Ông Arafat trở lại khu vực bị chiếm đóng

1994 - Sự ra đời của Chính quyền Palestine

Ngày 4/5/1994, Israel và Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) đã tiến tới một thoả thuận tại Cairo xung quanh việc tiến hành bước đầu các nguyên tắc trong tuyên bố năm 1993. Theo thoả thuận, Israel phải rút quân khỏi Dải Gaza, trừ các khu vực định cư Do Thái và các khu vực xung quanh. Ngoài ra, Israel cũng phải rút quân khỏi thị trấn Jericho của người Palestine tại Bờ Tây. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã bị gián đoạn do người định cư Do Thái tại thành phố BờTây Hebron bắn chết 29 người Hồi giáo vào ngày 25/2.

Theo hiệp định, Israel buộc phải rút quân khỏi các khu vực chiếm đóng trong thời hạn tạm thời 5 năm nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán về việc thành lập nhà nuớc Paslestine, số phận của thành phố Jerusalem, khu định cư Do Thái trong các khu vực bị chiếm đóng và vận mệnh của hơn 3,5 triệu người tị nạn Palestine.

1/7/1994, hàng trăm người vui mừng chào đón ông Yasser Arafat trở lại khu vực do người Palestine kiểm soát. Lực lượng quân đội giải phóng Palestine được triển khai vào các khu vực trước đó do Israel chiếm đóng. Ông Arafat đã trở thành người đứng đầu Chính quyền Palestine (PA) trong khu vực tự trị. Tháng 1/1996, ông Arafat được bầu làm Chủ tịch PA.
Cái chết của ông Rabin đã làm đóng
băng mọi nỗ lực vãn hồi hoà
bình Trung Đông

1995 - Hiệp định Oslo II và vụ ám sát ông Rabin

Những năm đầu tự trị của người Palestine tại Dải Gaza và Jericho gặp rất nhiều khó khăn. Trả đũa các vụ đánh bom liều chết khiến hàng chục người Israel thiệt mạng, quân đội nhà nước Do Thái đã phong toả toàn bộ khu vực tự trị và tiến hành sát hại các tay súng Palestine. Trong khi đó, các hoạt động định cư vẫn được tiếp tục. Làn sóng phản đối tiến trình hoà bình ngày càng dâng cao trong giới chính khách theo đường lối hữu khuynh và những người theo chủ nghĩa dân tộc tôn giáo ở Israel.

Tuy nhiên ngày 24/9, Israel và Palestine đã ký kết hiệp định Oslo II tại Taba, Ai Cập và 4 ngày sau đó lại tiếp tục ký kết ở Washington.

Theo hiệp định Oslo II, Bờ Tây được chia cắt thành 3 khu vực: Khu vực A gồm 7% lãnh thổ (Tất cả các thành phố chính của Palestine trừ Hebron và Đông Jerusalem) do Palestine hoàn toàn kiểm soát; Khu vực B gồm 21% lãnh thổ do Palestine và Israel cùng nhau kiểm soát; khu vực C là phần còn lại do Israel kiểm soát. Ngoài ra, phía Israel phải trả tự do cho các tù nhân Palestine.

Hiệp định Oslo II không được người Palestine chào đón nồng nhiệt. Trong khi đó, những người theo chủ nghĩa dân tộc tôn giáo ở Israel tỏ ra hết sức giận giữ và cho đây là sự thất thủ của ''Tổ quốc Do Thái''. Trong bối cảnh đó, một kẻ theo đạo Do Thái quá khích đã ám sát Thủ tướng Yitzhak Rabin vào ngày 4/11/1995. Ông Shimon Peres được bổ nhiệm làm Thủ tướng.
Sự ngờ vực trong cuộc đối thoại
Trung Đông

1996-99: Ngõ cụt
Các cuộc xung đột giữa quân đội Israel và người Palestine bắt đầu bùng phát vào đầu năm 1996. Hàng loạt vụ đánh bom tự sát do nhóm vũ trang Hồi giáo Hamas tiến hành nhằm vào các mục tiêu của người Do Thái đã xảy ra. Trong khi đó, quân đội Israel lại bắt đầu các chiến dịch đánh bom Lebanon.

Trong cuộc bầu cử tại Israel hôm 29/5, ông Peres đã thất bại. Ứng cử viên cánh hữu Binyamin ''Bibi'' Netanyahu, người đã công khai phản đối Hiệp định hoà bình Oslo, đã đắc cử chức Thủ tướng Israel.

Ngay bắt đầu nhiệm sở, ông Netanyahu đã ''chọc tức'' giới lãnh đạo Ảrập bằng quyết định dỡ bỏ lệnh phong toả việc xây dựng các khu định cư Do Thái tại khu vực chiếm đóng. Đông thái trên của ông Netanyahu đã làm nhiều người lo ngại về vận mệnh các khu thánh địa của người Hồi giáo tại Jerusalem.

Tuy nhiên, mặc dù có thái độ phản đối gay gắt tiến trình hoà bình hiện thời, dưới sức ép của Mỹ ông Netanyahu vẫn phải đồng ý trao trả 80% thành phố Hebron vào tháng 1/1997 và ký kết Biên bản ghi nhớ Sông Wye ngày 23/10/1998 cam kết rút quân khỏi Bờ Tây.

Tuy nhiên, Liên minh cánh hữu của ông Netanyahu đã sụp đổ tháng 1/1999. Ông này đã thất bại trong cuộc bầu cử 18/5. Ứng cử viên Công đảng Ehud Barak, người từng cam kết trong chiến dịch tranh cử sẽ nỗ lực chấm dứt 100 năm xung đột giữa Israel và Palestine trong vòng 1 năm, đã giành thắng lợi.

Thời hạn 5 năm đưa ra nghị quyết cuối cùng quy định trong hiệp định Oslo đã hết hiệu lực vào 4/5/1999. Trước tính hình đó, ông Yasser Arafat đã đơn phương tuyên bố tư cách nhà nước của Palestine nhằm tạo điều kiện đàm phán vói chính quyền mới của Israel.

2000 -
Phong trào intifada lần II

Sự lạc quan ban đầu về viễn cảnh là sứ giả hoà bình của chính phủ do ông Ehud Barak lãnh đạo là hoàn toàn không có cơ sở. Hiệp định sông Wye mới đã được chính thức ký kết vào tháng 9/1999 nhưng không có thêm đợt rút quân nào của quân đội nhà nước Do Thái khỏi các vùng đất bị chiếm đóng do nảy sinh nhiều bất đồng trong các cuộc đàm phán cuối cùng xung quanh vấn đề Jerusalem, người tị nạn, khu định cư và biên giới.

Sau đó, chính quyền Barak tập trung vào vấn đề hoà bình với Syria, nhưng cũng không đạt được thành công nào. Tuy nhiên, ông Barak cũng đã thành công trong việc thực hiện chiến dịch cam kết chấm dứt chiếm đóng kéo dài 21 năm của Israel tại Lebanon.

Sau khi rút quân khỏi Lebanon vào tháng 5/2000, sự chú ý lại ''chĩa'' vào ông Yasser Arafat, người dưới áp lực của ông Barak và Tổng thống Mỹ Bill Clinton phải từ bỏ các cuộc thương lượng hoà bình từng bước và tạo ra một sự thúc đẩy toàn diện cho hiệp định cuối cùng tại Trại David. Hai tuần đàm phán thất bại đã không đưa ra giải pháp nào có thể chấp nhận được đối với vùng đất Thánh Jerusalem và quyền quay trở về của người tị nạn Palestine.

Trong tình thế bế tắc tiếp theo, ông Ariel Sharon, người thuộc phe tả khuynh kỳ cựu, đã kế nhiệm ông Binyamin Netanyahu lãnh đạo Đảng Likud. Ngay sau đó, ông này đã có chuyến thăm gây tranh cãi đến ngôi Đền al-Aqsa/Temple Mount ở Jerumsalem vào 28/9. Hành động này của ông Sharon càng cho thấy thái độ khiêu khích của Isreal. Các cuộc biểu tình của người Palestine sau đó nhanh chóng trở thành phong trào al-Aqsa intifada, hoặc thậm chí chuyển thành khởi nghĩa.
Đánh bom tự sát leo thang thành
cuộc khủng hoảng

2001 -
Sự trở lại của ông Sharon trở lại

Vào giai đoạn cuối năm 2000, Thủ tướng Israel Ehud Barak đã phải đốt mặt với vòng xoáy bạo lực đẫm máu ngày càng gia tăng. Phong trào intifada nổ ra mạnh mẽ chống lại sự chiếm đóng của quân đội nhà nước Do Thái tại Bờ Tây và Dải Gaza.

Với sự
sụp đổ của liên minh cầm quyền, Barak đành phải từ chức Thủ tướng vào 10/12 để ''tìm kiếm một sự uỷ nhiệm mới'' nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, trong các cuộc bầu cử vào ngày 6/2, ông Ariel Sharon đã giành chiến thắng.

Tổng số người thiệt mạng trong các cuộc xung đột đã tăng vọt kể từ khi ông Sharon tăng cường các chính sách sát hại lực lượng vũ trang Hồi giáo Palestine. Các đợt không kích và xâm chiếm vào vùng tự trị của người Palestine liên tiếp diễn ra. Trong khi đó, ngày càng xảy ra nhiều các đợt đánh bom tự sát nhằm vào mục tiêu của người Do Thái.

Mỹ đã đi đầu trong các nỗ lực chung nhằm làm dịu lại
vòng xoáy bạo lực này. Đặc phái viên Mỹ George Mitchell đã chỉ huy chiến dịch điều tra về cuộc nổi dậy của người Palestine. Trong khi đó, Giám đốc CIA George Tenet đã tiến hành đàm phán nhằm tiến tới một hiệp định ngừng bắn giữa các bên tham chiến. Tuy nhiên, tất cả những sáng kiến này cũng không phá vỡ được vòng xoáy bạo lực hiện thời.

(Trần Kiên - Theo BBC)

No comments: