Linh đạo Phật giáo
dưới cái nhìn của một Kitô hữu
NGUYỄN CHÍNH KẾT
Chương 1
LỜI NÓI ĐẦU
Hiện nay, do chủ trương cởi mở của Giáo Hội qua Công Đồng Vatican II, nhu cầu hiểu biết về Phật giáo của người Kitô hữu ngày càng tăng. Rất nhiều người Kitô hữu muốn hiểu biết về Phật giáo để cảm thông sâu xa hơn với đa số đồng bào ruột thịt chung quanh mình, hầu có thể chia sẻ, trao đổi, và thắt chặt tình đoàn kết yêu thương với họ. Nhưng những Kitô hữu muốn tự tìm hiểu về Phật giáo thường gặp những khó khăn là:
1. Kinh điển của Phật giáo thì rất nhiều, nhưng cách trình bày trong đó cao quá, nếu không có sẵn một số kiến thức nào đó về Phật giáo, thì không thể hiểu nổi.
2. Ngoài kinh điển ra, sách trình bày về Phật giáo cũng rất nhiều, nhưng không mấy cuốn trình bày Phật giáo bằng thứ ngôn ngữ của người Kitô giáo, thích hợp với người Kitô giáo, để người Kitô giáo chưa quen với những tư tưởng của Phật giáo có thể đọc và hiểu được.
Tuy nhiên, thật là một mạo hiểm đối với tôi khi viết tập sách này. Đúng ra, viết một đề tài như thế này chỉ dành cho những nhà chuyên môn có tầm hiểu biết sâu rộng về cả hai tôn giáo: Phật giáo và Kitô giáo. Nhưng vì rất mong muốn giúp người Kitô hữu hiểu về Phật giáo nhiều hơn để sự thông cảm và đoàn kết giữa hai tôn giáo trở nên tốt đẹp hơn, nên tôi mạo muội trình bày những suy nghĩ thô thiển của mình ra những mong giúp ích cho sự cảm thông ấy.
Cách trình bày về Phật giáo trong tập sách này chỉ là một cách hiểu, một cách nhìn, một cách kiến giải cá biệt của một người Kitô hữu về Phật giáo thôi, không thể được coi là một tiêu chuẩn hay một cách hiểu duy nhất. Vì thế, cuốn sách mới mang tựa « linh đạo Phật giáo dưới cái nhìn của một Kitô hữu», để không ai hiểu lầm rằng đó là linh đạo Phật giáo dưới cái nhìn của mọi người.
Người viết tập này là một Kitô hữu đã có một quá trình nhiều năm tìm hiểu, sống và cố gắng sống những điều Phật dạy, nay muốn trình bày những hiểu biết thô thiển của mình để giới thiệu Phật giáo cho người đồng đạo mình hiểu để may ra có thể áp dụng những điều Phật dạy vào trong đời sống Kitô hữu của họ.
Chắc chắn tập sách này không thể tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong những bậc cao minh về Phật giáo cũng như Kitô giáo thông cảm và góp ý chỉ dẫn cho. Và trong khuôn khổ eo hẹp của tập sách này, người viết chỉ có thể trình bày một vài pháp môn thông thường nhất của Phật mà một người Kitô hữu trung bình có thể hiểu được, không dám trình bày những pháp môn cao hơn. Những pháp môn được trình bày trong tập này đều là những phương pháp tu tập có nhiều điểm giống với phương pháp tu tập bên Kitô giáo, hy vọng người Kitô hữu sẽ lãnh hội dễ dàng.
Đối với những độc giả chưa biết nhiều về Phật giáo, tập sách này có thể giúp họ có một cái nhìn phong phú hơn và đúng hơn về Phật giáo, và tập này nhắm đến những độc giả ấy. Có thể nói đây là một tập sách có tính cách nhập môn hơn là đi vào chiều sâu. Đương nhiên, sẽ có những độc giả cảm thấy những điều được trình bày ở đây là quá thô thiển, còn thiếu sót, hoặc thậm chí bất đồng ý kiến. Điều đó không thể tránh được.
Dẫu sao, đây chỉ là một nỗ lực cá nhân muốn xây dựng tình đoàn kết và thông cảm giữa các tôn giáo. Rất mong được quí độc giả đọc trong tinh thần cảm thông.
I. Lý do của tập sách này
1. Chủ trương cởi mở của Giáo Hội công giáo
Giáo Hội Công giáo, nhất là từ sau Công Đồng Vatican II, là một giáo hội cởi mở, luôn luôn tìm hiểu và sẵn sàng đối thoại với tất cả mọi người, mọi ý thức hệ, mọi tôn giáo để tạo sự cảm thông, yêu thương, để cùng hợp tác với mọi người xây dựng xã hội và thế giới. Chủ trương ấy đã được Công Đồng Vatican II diễn tả: «Người công giáo phải tìm cách cộng tác với tất cả mọi người thiện chí để cổ động cho bất cứ những gì là chân thật, công bằng, thánh thiện và đáng yêu quí (x. Pl 4, 8). Người công giáo hãy đối thoại với họ, hãy đến với họ cách khôn ngoan và tế nhị, hãy tìm cách kiện toàn những cơ cấu xã hội và quốc gia theo tinh thần Phúc Âm» (TĐ 14§2). Vì thế, đối với các tôn giáo, Giáo Hội chủ trương: «Trong thời đại chúng ta, nhân loại càng ngày càng liên kết chặt chẽ với nhau hơn, các mối liên lạc giữa các dân tộc cũng gia tăng, nên Giáo Hội đặc biệt chú tâm đến việc liên lạc với các tôn giáo ngoài Kitô giáo» (NK 1§1).
Muốn liên lạc và đối thoại với các tôn giáo một cách có hiệu quả, việc đầu tiên là phải tìm hiểu, và hiểu cho đúng lập trường của các tôn giáo ấy. Có hiểu đúng, cuộc đối thoại của chúng ta mới tạo được sự cảm thông sâu xa, gây được sự đoàn kết và yêu thương giữa những người khác tôn giáo. Vì thế, Giáo Hội cũng chủ trương: «… phải làm quen với những truyền thống dân tộc và tôn giáo, phải lấy làm sung sướng và kính cẩn mà khám phá ra những hạt giống Lời Chúa đang tiềm ẩn trong đó» (TG 11§2).
2. Mục đích của tập sách này
Hiện nay, Giáo Hội đang nỗ lực thực hiện những chủ trương trên. Để góp một phần nhỏ vào công việc tìm hiểu các truyền thống tôn giáo tại Á Châu, tập sách này muốn trình bày một cách khái quát và dễ hiểu về Phật giáo cho các độc giả Kitô giáo. Tại Á Châu, Phật giáo là một trong Tam Giáo tức ba luồng tư tưởng vĩ đại có tầm ảnh hưởng sâu rộng, đã góp phần rất lớn vào việc giáo hóa các dân tộc Á Châu - trong đó có Việt Nam - suốt trên 20 thế kỷ qua. Hiện nay tại Việt Nam, Phật giáo vẫn đang phát triển, và chiếm một tỷ lệ rất cao trong dân số hiện nay. Vì thế, đối với các Kitô hữu Việt Nam, việc tìm hiểu Phật giáo chẳng những phù hợp với chủ trương của Công Đồng Vatican II, mà còn là một việc khẩn thiết để có thể liên lạc, cảm thông, đối thoại và đồng cảm với những đồng bào ruột thịt chung quanh mình.
Tuy nhiên, nói về Phật giáo và Kitô giáo trong một tập sách nhỏ này thì cũng tương tự như đem cả thế giới vũ trụ «nhét vào lỗ chân trâu» (1*), hay như em bé đem nước ở biển đổ vào lỗ nhỏ ở bờ biển (2*). Vì thế, chúng tôi xin giới hạn đề tài lại, chỉ nói về linh đạo của hai tôn giáo, tức phần thực hành, phần sống đạo của hai tôn giáo. Giáo thuyết của hai tôn giáo rất khác biệt nhau, nhưng phần thực hành đạo có rất nhiều điểm tương đồng, và có thể bổ túc lẫn nhau để làm cho nhau thêm phong phú. Tập sách này còn nhằm so sánh giữa linh đạo Phật giáo và Kitô giáo, để người Kitô hữu thấy được một số điểm hay, đẹp, tương đồng và dị biệt giữa hai thứ linh đạo ấy.
3. Các tôn giáo chưa hiểu nhau
Hiện nay, sự hiểu biết của các tín đồ các tôn giáo về tôn giáo của nhau còn rất nhiều hạn chế và thiếu sót. Thật vậy, nói chung, người Kitô hữu hiện nay chưa hiểu nhiều về Phật giáo nếu không muốn nói là nhiều khi hiểu sai. Và ngược lại, người Phật tử cũng chẳng hiểu nhiều về Kitô giáo nếu không muốn nói là lắm khi hiểu lầm (3*). Thông thường, ai ở trong tôn giáo nào thì chỉ hiểu rõ được tôn giáo ấy, rất ít người hiểu được rạch ròi một tôn giáo khác, và càng ít hơn nữa người vừa hiểu sâu rộng vừa sống và thực hành thật sự một tôn giáo khác. Thậm chí nhiều người rất cao cấp và trí thức ở tôn giáo này cũng không hiểu được cho thật đúng một tôn giáo khác. Vì thế, sự đánh giá lẫn nhau giữa các tôn giáo đôi khi sai lạc và thiên lệch tới mức đáng ngạc nhiên.
Người ta không hiểu được đúng đắn tôn giáo của nhau, vì mỗi tôn giáo là một hệ thống kín (système clos), một thực thể hết sức sống động. Vì thế, muốn hiểu đúng một tôn giáo, người ta không thể đứng ở bên ngoài tôn giáo ấy để nhìn vào bên trong mà hiểu đúng được, cũng không thể tìm hiểu các kinh điển, giáo lý, cách tu tập của tôn giáo ấy bằng những ý niệm sẵn có của tôn giáo mình. Để hiểu đúng và sâu một tôn giáo, người ta phải hiểu bằng những ý niệm của chính tôn giáo ấy và phải đích thực sống đời sống của tôn giáo ấy. Mỗi tôn giáo giống như một con người sống động, gồm cả «thể chất» và «tinh anh». Một người tìm hiểu một tôn giáo khác qua kinh điển, giáo lý của tôn giáo ấy mà không thật sự sống tinh thần tôn giáo ấy thì giống như một sinh viên y khoa tìm hiểu một người bằng cách giải phẩu tỉ mỉ thân xác của người ấy, anh ta có thể hiểu rất đúng rất rõ về những gì cấu tạo nên thể chất người ấy, những khuyết tật, bệnh hoạn của người ấy, nhưng cái biết của anh ta khác xa với cái biết của người vợ hay của bạn bè người ấy, là những người đã sống thân thiết với người ấy. Cái biết của những người sau là cái biết về phần tinh anh của người ấy (gồm tính tình, khuynh hướng, ý nghĩ, tình cảm… ), và đây mới là cái biết đúng nghĩa.
Vả lại, mỗi tôn giáo là một kiến giải, một cách nhìn, một cách hiểu về Thực Tại Tối Hậu. Mà kiến giải của mỗi tôn giáo được hình thành trong một bối cảnh riêng biệt của những dân tộc phát sinh nên tôn giáo ấy hay sống tôn giáo ấy. Bối cảnh riêng biệt ấy được cấu tạo bởi những yếu tố đặc thù về lịch sử, văn hóa, triết lý nền tảng, não trạng, sinh thái, quan niệm sẵn có, phong tục, nếp sống… của những dân tộc ấy.
4. Hiểu được cốt tủy tôn giáo khác nhờ cốt tủy tôn giáo mình
Thực ra, người ta chỉ hiểu được cốt tủy của các tôn giáo khác khi người ta hiểu được cốt tủy của chính tôn giáo mình, và người ta chỉ dễ chấp nhận các tôn giáo khác khi người ta sống đích thực tinh thần của tôn giáo mình. Những người vội kết án hay chê bai các tôn giáo khác thường chỉ chứng tỏ sự thiếu hiểu biết của mình về các tôn giáo ấy, hoặc cho thấy mình chưa sống đích thực và sâu sắc tôn giáo của mình. Thật vậy, làm sao một người Kitô hữu sống đích thực tinh thần «hủy mình ra không» (kenosis) của Đức Kitô, đồng thời sống tinh thần «bác ái» hay «yêu thương đại đồng» của Đức Kitô, thấy mình và người khác là anh em với nhau vì có một Cha chung trên trời, lại có thể chê bai một tôn giáo khác vốn cũng chủ trương một điều tương tự như thế nhưng được diễn tả theo một phương cách khác? Hay làm sao một người Phật tử đã giác ngộ được chân tánh của mình và thực sự thường hằng sống với chân tánh ấy, đồng thời thấy được thật tướng của các pháp là huyễn, là không, là phương tiện, nên không còn chấp ngã chấp pháp… lại đi chê bai Kitô giáo hay một tôn giáo khác vốn cũng là những phương tiện - rất thích hợp với các tín đồ các tôn giáo ấy - để đạt đến những mục đích mà chính mình đang nhắm tới?
Theo quan điểm của chúng tôi, chỉ khi nào người ta nắm vững tôn giáo của mình, hiểu rõ cốt tủy tôn giáo của mình, đồng thời sống và thực hiện thực sự cái cốt tủy ấy thì người ta mới dễ đồng cảm với các tôn giáo khác. Vì các tôn giáo khác cũng có một cốt tủy tương tự như cốt tủy của tôn giáo mình. Do đó, muốn hiểu được các tôn giáo khác, điều rất quan trọng và bảo đảm là hãy sống chiều sâu chính tôn giáo của mình. Nhờ sống chiều sâu tôn giáo của mình, ta mới hiểu được tại sao những người trong các tôn giáo khác lại sống được chiều sâu tôn giáo của họ. Và mới hiểu được làm sao những người trong các tôn giáo kia cũng được nuôi dưỡng về mặt tinh thần một cách đầy đủ và phong phú đến nỗi họ có thể hết sức hạnh phúc giữa bao nghịch cảnh và có thể hy sinh hết mình cho người khác. Lúc đó họ mới thấy rằng điều đang nuôi sống tâm linh mình cũng chính là điều đang nuôi dưỡng tâm linh những người kia, nhưng được bọc trong những «bao bì» khác nhau, với những hình thức trình bày khác nhau.
Chỉ lúc đó, người ta mới đục thủng được lớp vỏ khác nhau của mỗi tôn giáo được cấu tạo bằng những giáo thuyết, những tín điều, những nghi thức, những lề luật… hết sức đa tạp và khác nhau, để đi vào cái cốt lõi bên trong vốn rất giống nhau. Cái vỏ bên ngoài ấy vừa để bảo vệ cái tinh túy cốt lõi bên trong, nhưng lại vừa gây cản trở khiến người ta không vào được cái cốt lõi ấy. Khi đã đích thực cảm nghiệm cái cốt lõi của tôn giáo mình, thì khi đi vào các tôn giáo khác, người ta sẽ nhận ra ngay cái cốt lõi của các tôn giáo ấy.
Cũng tương tự như một người ở trong một căn nhà cao cấp, nếu người ấy suy nghĩ và khám phá ra tất cả những nguyên lý hay định luật về kiến trúc được áp dụng trong căn nhà của mình, thì khi đi vào một công trình kiến trúc cao cấp khác, cho dù công trình ấy có khác lạ đến đâu, người ấy cũng sẽ thấy những nguyên lý hay định luật kiến trúc mà mình đã khám phá ra trong chính ngôi nhà của mình được áp dụng ngay trong công trình kiến trúc đó. Và thấy tất cả những công trình kiến trúc rất đa dạng khác cũng đều áp dụng chính những nguyên lý hay định luật ấy. Tất cả những nguyên lý hay định luật ấy chỉ là một. Nhưng những người khác sẽ không thấy được như thế. Họ chỉ thấy sự khác biệt chứ không thấy được sự nhất quán trong những khác biệt ấy.
5. Hai thái độ trái ngược nhau
Do đó, khi nghiên cứu các tôn giáo, người ta có thể đi đến hai thái độ trái ngược nhau: hoặc chỉ thấy toàn là khác biệt không thể dung hợp được với nhau, hoặc nhận ra có một «sợi giây xuyên suốt», một «trụ cột chung» làm cốt tủy cho tất cả các tôn giáo đó. Có thái độ này hay thái độ kia, điều đó tùy thuộc vào họ đã nghiên cứu các tôn giáo đó ở độ sâu nào, đã vào được cốt tủy của tôn giáo ấy chưa, nhất là đã sống đích thực cốt tủy của tôn giáo mình chưa.
Thực ra, cái cốt tủy của mỗi tôn giáo không tách biệt khỏi cái vỏ của tôn giáo ấy, mà luôn luôn hiện diện sâu thẳm trong chính cái vỏ ấy. Vì thế, nếu mình cảm nghiệm được cái cốt tủy của tôn giáo mình, và biết dùng trí huệ để phân biệt được cái cốt tủy với những cái phụ thuộc ngoài vỏ của tôn giáo mình, thì cũng sẽ nhận ra được cái cốt tủy của các tôn giáo khác ngay trong cái vỏ của những tôn giáo ấy.
6. Thái độ bất công nên tránh
Nếu chỉ nghiên cứu các tôn giáo khác một cách cạn cợt, đương nhiên người ta sẽ đánh giá thấp các tôn giáo ấy, coi thường các tín hữu các tôn giáo ấy, thậm chí có thể có ác cảm, rất bất lợi cho sự cảm thông và sự sống chung hòa bình. Và nếu có đối thoại, thì chỉ là đối thoại để chinh phục, để thuyết phục họ theo mình, để họ giác ngộ được những gì mình đang cho là chân lý. Có nhiều người phê bình các tôn giáo khác một cách thiếu hiểu biết và đầy ngạo mạn. Ai cũng cho tôn giáo của mình là hay nhất, hợp lý nhất, đồng thời thấy nơi các tôn giáo khác đầy những điều mình cho là phi lý, không thể hiểu nổi. Thật vậy, chính vì không hiểu lẫn nhau, nên tín đồ tôn giáo nào cũng tự hào tôn giáo mình là số một, là siêu việt hẳn so với những tôn giáo khác, và có thái độ coi các tôn giáo khác là thấp kém. Điều đó thật dễ hiểu. Người ta thường chỉ hiểu được những gì siêu việt của tôn giáo mình đang theo, còn đối với những tôn giáo khác thì chỉ hiểu được những gì hời hợt ngoài vỏ (4*), cho dù những tôn giáo ấy cũng có những điều rất siêu việt. Nếu tìm hiểu đến nơi đến chốn các tôn giáo, và không chấp nê vào cách thức diễn tả khác nhau, có thể chúng ta sẽ thấy cái cốt tủy siêu việt ở trong mỗi tôn giáo rất giống nhau.
So sánh cái cốt tủy siêu việt của tôn giáo mình với cái vỏ bên ngoài - mà mình tưởng là cốt tủy - của các tôn giáo khác, đương nhiên ai cũng phải cho tôn giáo của mình là siêu việt, là đúng, là hợp lý hơn những tôn giáo khác, và do đó thường có một thái độ coi thường những tôn giáo khác (5*), cho dù thái độ bên ngoài vẫn có vẻ là kính trọng. Rất tiếc, đó lại là thái độ chung của đa số tín đồ trong các tôn giáo.
Thái độ coi thường các tôn giáo khác, tuy không biểu lộ ra bên ngoài, chắc chắn sẽ bất lợi cho sự liên lạc, cảm thông và đoàn kết giữa các tín đồ của các tôn giáo. Vì thế, tập tiểu luận này muốn làm nổi bật những điểm cốt yếu chung của hai tôn giáo: Kitô giáo và Phật giáo, để những người trong hai tôn giáo ấy hiểu nhau hơn, thấy được những điểm siêu việt chung đằng sau những khác biệt nhiều khi có vẻ như không thể dung hòa với nhau được.
II. Mục đích chính yếu của các tôn giáo
1. Hai mục đích
Một trong những mục đích chính của các tôn giáo là giải quyết vấn đề đau khổ, tìm giải thoát hay hạnh phúc đích thực và lâu dài. Đây là mục đích đầu tiên rất chính đáng của mọi người khi đến với một tôn giáo, vì người nào cũng đang phải đối diện với những khó khăn, những đau khổ của cuộc đời, nên luôn luôn mong ước thoát khỏi những khó khăn, đau khổ đó để được thoải mái và hạnh phúc. Một mục đích chính yếu khác là giác ngộ được Thực Tại Tối Hậu và kết hiệp với thực tại ấy (6*). Người ta chỉ đạt được hạnh phúc thật sự khi khám phá ra, kết hợp và thường hằng sống với Thực Tại Tối Hậu ấy. Chính mục đích thứ hai này tạo nên cốt tủy và bản chất của mỗi tôn giáo.
Mục đích thứ nhất - là thoát khổ để được hạnh phúc, một hạnh phúc đích thực và lâu bền - cũng là khát vọng sâu xa, căn bản và chính đáng của tất cả mọi người, có tôn giáo hay không tôn giáo, là điểm nhắm cuối cùng của mọi chủ nghĩa, mọi ý thức hệ, mọi học thuyết xã hội. Đó chính là mục đích chung của các tôn giáo và các chủ nghĩa xã hội. Để đi đến đích nhắm cuối cùng ấy, mỗi tôn giáo, mỗi ý thức hệ, mỗi học thuyết xã hội đều có phương cách riêng của mình.
Mục đích thứ hai - là giác ngộ và kết hợp với Thực Tại Tối Hậu - chính là cách giải quyết của mọi tôn giáo lớn nhằm đạt được mục đích thứ nhất. Đó cũng là đặc trưng chung của riêng các tôn giáo. Tuy nhiên, để đạt được mục đích thứ hai này, mỗi tôn giáo lại xây dựng một giáo thuyết, một hệ thống tín điều, một linh đạo, một phương pháp thực hiện riêng, nói chung là một con đường riêng.
Đương nhiên những con đường ấy phải khác nhau, vì mỗi tôn giáo xuất phát từ những điều kiện văn hóa, triết lý, chính trị, kinh tế, sinh thái khác nhau. Cũng y như hai dân tộc ở hai nơi xa nhau, với những điều kiện khác nhau, làm sao có thể có cùng một ngôn ngữ, cùng những phong tục, cùng một nề nếp suy tư như nhau được. Sự khác biệt là tất yếu. Nhưng tất cả mọi khác biệt ấy đều chỉ nhằm thực hiện những mục đích giống nhau: ngôn ngữ nhắm sự cảm thông, phong tục nhằm thực hiện những tương quan xã hội, nề nếp suy tư nhằm đạt được sự hiểu biết… Từ những khác biệt ấy, đâu có ai đặt vấn đề ngôn ngữ nào đúng ngôn ngữ nào sai, phong tục nào đúng phong tục nào sai! Nếu có đặt vấn đề, thì người ta chỉ đặt: ngôn ngữ này có những ưu điểm nào và những khuyết điểm nào? phong tục này hay chỗ nào dở chỗ nào? Và luôn luôn cái nào cũng có mặt mạnh mặt yếu, mặt hay mặt dở… chẳng bao giờ chỉ có mặt hay mà không có mặt dở, hoặc ngược lại. Thế nhưng nhiều người lại đặt vấn đề đúng sai đối với các tôn giáo: tôn giáo này là chân lý, tôn giáo kia là sai lầm!
2. Tương quan giữa hai mục đích
Đối với các tôn giáo, hai mục đích trên giống như hai mặt gắn liền nhau của một tờ giấy. Muốn đạt được mục đích thứ nhất (thoát khổ và được hạnh phúc) thì phải thực hiện mục đích thứ hai (giác ngộ và hiệp nhất với Thực Tại Tối Hậu). Và hễ đạt được mục đích thứ hai, thì mục đích thứ nhất tự nhiên thành tựu. Mục đích thứ hai có vẻ là phương tiện để thực hiện mục đích thứ nhất. Nhưng thực ra, không thể coi việc thoát khổ và hạnh phúc là mục đích tối hậu và coi việc giác ngộ Thực Tại Tối Hậu là phương tiện để đạt được mục đích ấy, mà chỉ nên coi sự thoát khổ và hạnh phúc là kết quả tất yếu của việc giác ngộ và hiệp nhất với Thực Tại Tối Hậu.
Thật vậy, khi coi hạnh phúc và sự thoát khổ của mình là mục đích tối hậu, thì người ta đã lấy chính mình làm mục đích, làm trung tâm, còn Thực Tại Tối Hậu là phương tiện (7*). Mà càng lấy mình làm trung tâm, càng quan trọng hóa bản thân mình, thì con người càng lún sâu vào đau khổ. Trái lại, khi chú tâm vào mục đích thứ hai, lấy Thực Tại Tối Hậu làm cứu cánh, làm trung tâm, thì con người nhờ đó mà quên mình đi, không còn quan trọng hóa mình nữa, lúc đó, con người mới đủ thanh thản để thấy được hạnh phúc vốn có sẵn nơi mình.
Phần chú thích
(1*) Kiểu nói trong kinh Duy Ma Cật.
(2*) Hình ảnh mà thánh Augustin dùng để ví trí óc hạn hẹp của con người khi suy nghĩ về Thiên Chúa Ba Ngôi.
(3*) Đôi khi còn đi đến chỗ công khai công kích nhau, phê bình niềm tin của nhau, hạ giá lẫn nhau... như trong những cuộc bút chiến qua lại mới đây chung quanh những điều Đức Gioan-Phaolô II nói về Phật giáo trong cuốn Bước vào Hy Vọng của ngài.
(4*) Tôn giáo nào cũng có nhiều giáo huấn, nhiều món ăn tinh thần cho nhiều trình độ tâm linh khác nhau, có «sữa» cho «trẻ sơ sinh», có «đồ ăn cứng» cho «người lớn» (x. Dt 5,12-14), và cũng có những thứ đồ ăn sền sệt cho những người ở giữa. Những người trình độ tâm linh thấp kém chỉ hiểu được vỏ ngoài của tôn giáo mình theo, chỉ những người có trình độ tâm linh cao mới hiểu được cái cốt tủy.
(5*) Đó là thái độ của một số người tham dự cuộc bút chiến vừa qua chung quanh những điều nói về Phật giáo trong cuốn Bước vào Hy Vọng Đức Gioan-Phaolô II. So sánh những gì lý tưởng nhất, cốt tủy nhất mà tôn giáo mình chủ trương với thực tế mà những tín đồ của tôn giáo kia đang sống, hay với những cái «phụ thuộc», ngoài vỏ của tôn giáo kia thì thật là bất công. So sánh lời vị giáo chủ mình dạy với lời dạy của một vị chức sắc nào đó trong tôn giáo kia thì một cách vô tình mình đã hạ giá giáo chủ của mình.
(6*) Đây là mục đích mà tôn giáo nào cũng có và coi là trọng tâm hay cốt tủy của mình, nhưng người ta thường chỉ thấy được mục đích thứ hai trong tôn giáo mình, chứ không thấy được hay không thấy rõ trong các tôn giáo khác.
(7*) Như thế là đảo lộn trật tự : Thực Tại Tối Hậu không còn là «tối hậu» nữa, mà «cái tối hậu» lại là chính mình.
Nguyễn Chính Kết
--------------------------------------------------------------------------------
Mục Lục Mục Vụ
Saturday, July 22, 2006
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment