Wednesday, July 19, 2006

Quan hệ của Mỹ với khu vực: Quan hệ của Mỹ với khu vực Đông Á-châu Á-Thái Bình Dương

Ngày 19 tháng 08 năm 2005




Một số giới quan chức Mỹ cho rằng Đông Á có tầm quan trọng đối với Mỹ cũng như Mỹ có tầm quan trọng đối với Đông Á. Mỹ đã can dự vào khu vực này trên hàng loạt lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, an ninh, cứu trợ thiên tai, phối hợp viện trợ phát triển, kiểm soát bệnh tật đến các vấn đề xã hội khác. Mỹ tự cho mình là một nhân tố quan trọng ở châu Á-Thái Bình Dương trong hơn hai thế kỷ qua và cả trong tương lai.

Trong 60 năm qua, Mỹ đã đóng một vai trò quan trọng ở châu Á như đã tạo được ảnh hưởng lớn ở Đông Á, đặc biệt là đã tạo được sự hiện diện về quân sự, đã mở cửa thị trường và đứng bên cạnh các nhà cải cách châu Á. Mỹ cho rằng mối đe dọa an ninh lớn nhất của thế giới là Bắc Triều Tiên cũng ở Đông Á. Trong lĩnh vực kinh tế, 3 trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ là ở Đông Á: Trung Quốc đứng thứ 3, Nhật Bản thứ 4 và Hàn Quốc thứ 7.

Theo quan điểm của Mỹ, quan hệ của Mỹ với Đông Á khác rất xa với châu Âu và Liên minh Đại Tây Dương. Trong một thời gian dài, các thể chế khu vực ở châu Á chỉ phát triển rất hạn chế. Tuy nhiên, điều này đang bắt đầu thay đổi. Châu Á đang đối thoại và hợp tác rộng lớn với nhau ở mức chưa từng có. Mỹ hoan nghênh diễn biến này, vì nhiều vấn đề liên quốc gia chỉ có thể được giải quyết thông qua hành động tập thể. Các thỏa thuận khu vực cũng có thể làm tăng ảnh hưởng của châu Á trên trường quốc tế.

Mỹ đang can dự rất sâu vào APEC cũng như Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) và đang cố gắng nâng cao hiệu quả của các tổ chức này. Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện trào lưu hình thành các tổ chức của riêng châu Á, trong đó có “Hội nghị thượng đỉnh Đông Á” vào cuối năm nay ở Cu-a-la Lăm-pơ. Đây là một sự kiện nổi bật trong năm mà Mỹ phải đặc biệt quan tâm. Mỹ có thể không coi những sáng kiến đó là thù nghịch với lợi ích của Mỹ. Nhưng Mỹ muốn can dự mạnh mẽ hơn vào khu vực này và cho rằng lợi ích chiến lược và địa kinh tế của châu Á sẽ được bảo đảm tốt nhất thông qua sự đối tác và các thể chế liên Thái Bình Dương.

Mỹ cho rằng, một trong những thách thức lớn của Mỹ là làm thế nào để đối phó với Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên về vấn đề hạt nhân và cuộc đàm phán sáu bên vẫn là kênh tốt nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân bằng ngoại giao. Theo Mỹ, nếu Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên hủy bỏ chương trình hạt nhân của họ, các nước sẽ giúp cho nhân dân nước này. Giải quyết vấn đề hạt nhân cũng mở ra cánh cửa cải thiện mối quan hệ Mỹ-Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên.

Theo Mỹ, liên minh Mỹ-Hàn Quốc vẫn tồn tại suốt hơn nửa thế kỷ qua vì lợi ích của cả hai nước, bất chấp sự khác biệt về lịch sử, địa lý và văn hóa. Quan hệ liên minh mạnh mẽ của Mỹ với Hàn Quốc đã bảo đảm nền độc lập và tự do cho Hàn Quốc. Quan hệ liên minh Mỹ-Hàn Quốc không phải là không có thách thức. Tuy nhiên, nếu nhìn lại thời gian gần đây, Mỹ có vẻ lạc quan về những gì đã đạt được, ví dụ như quân Mỹ và Hàn Quốc đang cùng nhau chia sẻ gánh nặng ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan. Hơn nữa, Mỹ-Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận về việc bố trí lại quân Mỹ và cả những tiến bộ trong các lĩnh vực kinh tế và thương mại.

Cũng theo Mỹ, Nhật Bản là đối tác an ninh của Mỹ trong hơn 50 năm qua, nay là đối tác chủ chốt trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu và giải quyết hòa bình vấn đề Trung Đông. Nhật Bản đã viện trợ nhân đạo khổng lồ cho I-rắc và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và chính trị ở Áp-ga-ni-xtan. Nhật Bản đã triển khai quân để thực hiện sứ mệnh nhân đạo vì hòa bình và ổn định ở I-rắc. Mỹ cho rằng, Nhật Bản đã bắt đầu thực hiện những bước đi cụ thể hơn trong việc gánh vác trách nhiệm toàn cầu. Mỹ hoan nghênh những diễn biến mới này. Với nỗ lực của mình, Nhật Bản xứng đáng có chỗ đứng danh dự trên thế giới. Vì thế, Mỹ ủng hộ Nhật Bản giữ chiếc ghế thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Quan hệ Mỹ-Nhật Bản đang phát triển cả ở khu vực và trên toàn cầu. Liên minh Mỹ-Nhật Bản đang được hiện đại hóa và là chỗ dựa chủ yếu cho Mỹ, đồng thời là “hòn đá tảng” trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực. Các cuộc thảo luận về việc bố trí lại lực lượng quân đội đang diễn ra. Tuy nhiên, cần xem xét thực chất mối quan hệ này có phải đơn thuần chỉ là một liên minh quân sự hay không, nó có đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do và thịnh vượng ở khu vực như Mỹ đánh giá hay không, hay còn vì những mục đích khác?

Các nhà lãnh đạo Mỹ đã nói nhiều tới sự trỗi dậy của Trung Quốc. Họ cho rằng điều quan trọng là Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh đang tăng lên của Trung Quốc như thế nào. Vì Trung Quốc đã nhanh chóng hòa nhập vào hệ thống kinh tế toàn cầu và Trung Quốc đã chiếm một vị trí quan trọng trong hệ thống kinh tế toàn cầu. Hơn nữa, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ còn cho rằng khả năng quân sự của Trung Quốc đang tăng lên rất lớn đe dọa các nước trong khu vực và Mỹ trong những thập kỷ tới.

Theo Mỹ, chính sách của Mỹ là rõ ràng. Nhưng có đúng là Mỹ muốn Trung Quốc như một đối tác toàn cầu, có khả năng và sẵn sàng gánh vác trách nhiệm quốc tế tương xứng với khả năng tăng lên của Trung Quốc hay không? Đây là vấn đề khá nhạy cảm cần phải được tiếp tục theo dõi. Bởi vì, vẫn có những vấn đề Mỹ bất đồng với Trung Quốc, như Đài Loan và nhân quyền, nhưng cũng có những lĩnh vực mà Mỹ phải hợp tác, như vấn đề Bắc Triều Tiên, vấn đề chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế và tăng trưởng toàn cầu, để bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Đông Bắc Á cũng như trên toàn thế giới.

Trong vấn đề Đài Loan, chính sách “một Trung Quốc” của Mỹ là không thay đổi. Mỹ phản đối bất cứ bên nào có ý đồ thay đổi hiện trạng. Mỹ coi đối thoại là hữu ích cho giải pháp hòa bình, nhưng thực chất, liệu Mỹ có muốn hai bên xích lại gần nhau? Bởi vì Mỹ vẫn tự cho mình có nghĩa vụ tuân thủ “Ba thông cáo chung”, “Luật quan hệ với Đài Loan” và vẫn bán vũ khí cho Đài Loan. Ngoài ra, Mỹ đang quan tâm tới chuyến thăm đại lục của các lãnh tụ đối lập Đài Loan. Đây là những dấu hiệu tích cực. Nhưng liệu Mỹ có thể thỏa mãn được nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai bờ eo biển Đài Loan, để cho Trung Quốc thống nhất thu về một mối? Đây vẫn còn là một câu hỏi còn đang để ngỏ.

No comments: